Avatar's signoreV

Ghi chép của signoreV

Pháp từng thất bại trong kế hoạch tấn công vào Đại Việt vào năm 1760

Một sự kiện không được chính sử biết đến

PHÁP TỪNG THẤT BẠI
TRONG KẾ HOẠCH TẤN CÔNG ĐẠI VIỆT VÀO NĂM 1760

Đề cập đến thời kỳ mất nước dưới triều Nguyễn, không ít nhà nghiên cứu sử ở hậu bán thế kỷ 20 đã tỏ rõ sự trung thành với “định hướng” triệt hạ nhà Nguyễn bằng mọi cách, và trên nhiều khía cạnh khác nhau. Họ nhất mực cho sự mất nước về tay thực dân Pháp là hậu quả của chính sách cấm đạo và chủ trương bế quan tỏa cảng của các vua triều Nguyễn, mà vô tình hay cố tình quên đi nguyên nhân cốt lõi là cuộc chạy đua tranh giành thuộc địa tại châu Á của hai đế quốc sừng sõ Anh và Pháp, trong điều kiện kinh tế kiệt quệ, cần khai thác tài nguyên các nước thuộc địa để đắp vào lỗ hỗng ngân sách ngày càng lớn. Sự kiện Pháp từng đưa thủy quân từ căn cứ địa trên đất Ấn Độ nhắm hướng Đại Việt để đánh úp kinh đô Phú Xuân của nhà Nguyễn vào năm 1760 là một bằng chứng về sự phiến diện của những nhận định theo kiểu định hướng đó.

********
SỰ XUẤT HIỆN CỦA THƯƠNG NHÂN PIERRE POIVRE
TẠI ĐÀNG TRONG

Trong kế hoạch tìm kiếm thuộc địa của đế quốc Pháp, thủ phủ Pondichéry của Ấn Độ là một trong những nạn nhân đầu tiên, bị Pháp chiếm đóng từ năm 1674. Họ thành lập “Công ty Đông Ấn” (Compagnie française des Indes orientales) tại đây để mở rộng giao thương với các nước Viễn Đông. Năm 1749, một thương nhân làm việc cho Công ty Đông Ấn là Pierre Poivre được cử sang xứ Đàng Trong của Đại Việt để tìm cơ hội giao thương. Ông ta khởi hành từ Pondichéry ngày mồng 7 tháng 7 năm 1749 và cập bến Tourane (Đà Nẵng) ngày 29 tháng 8 năm 1749. Ở xa, và chưa từng đến Đại Việt, Pierre Poivre không biết rằng ông ta đã đến trung tâm thương mại Faifo (Hội An) không đúng lúc, vì khi đó, các thương nhân bản xứ đã trở về quê, còn thương nhân người Hoa cũng đã thu dọn hàng hóa. Trong cuộc tiếp xúc đầu tiên với các quan lại tại địa phương, Poivre nhờ chuyển đến chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) một số quà tặng gồm hai con ngựa Pondichéry, bốn con heo trắng, hai con gà trống Ấn Độ, một con gà Nhật và một văn thư của công ty Đông Ấn nhân danh hoàng đế Pháp Louis XV, xin phép chúa Nguyễn cho thương nhân Pháp được buôn bán tại các cảng ở Đàng Trong, đồng thời ký kết một thương ước giữa hai bên. Cuộc hội kiến giữa chúa Võ Vương và Pierre Poivre diễn ra vào ngày 23 tháng 9 năm 1749 tại Phú Xuân (Huế), thủ phủ của chính quyền Đàng Trong lúc bấy giờ. Bước đầu, hai bên chưa đạt được những thỏa thuận cụ thể, nhưng chúa Nguyễn hứa sẽ giúp đỡ các thương nhân Công ty Đông Ấn và miễn thuế tàu bè của họ đến buôn bán. Sau cuộc hội kiến này, Poivre không quên đi thăm xã giao các đại thần trong phủ chúa, trong đó có Trương Phúc Loan, cậu ruột của chúa Võ Vương, đang giữ chức Ngoại tả (cùng với Nội tả, Ngoại hữu, Nội hữu là bốn chức quan cao nhất lúc bấy giờ). Nhân vật này tạo khá nhiều ấn tượng cho Poivre, nhất là khối tài sản khổng lồ trong nhà ông ta.
Vào nửa đầu thế kỷ 18, tiền tệ lưu hành tại Đàng Trong là tiền đúc bằng đồng. Về sau, các thương nhân Trung Hoa thuyết phục được Võ Vương thu hồi hết tiền đồng đang lưu hành, thay thế bằng tiền đúc bằng hợp kim, chất lượng rất kém so với tiền đồng. Tận dụng cơ hội béo bở này, thương nhân người Hoa vơ vét hết những đồng tiền tốt, đúc thành tiền xấu có giá trị gấp nhiều lần tiền cũ, cụ thể là 14 quan tiền đồng cũ đúc thành 40 hay 50 quan tiền mới. Quan lại và cung phi trong Phủ chúa cũng nhân cơ hội này, tham gia vào thương vụ béo bở trên. Sách “Đại Nam thực lục tiền biên” đã ghi lại vắn tắt sự kiện này: “Mùa đông, tháng Mười (1748), hạ lệnh cho dân gian thông dụng tiền kẽm trắng mới đúc (3 năm Bính Dần, Đinh Mão, Mậu Thìn mới đúc tiền kẽm, được 72.396 quan). Ai chọn bỏ thì trị tội…” (Nhà xuất bản Sử học – Hà Nội – 1962 – tr.211). Bằng sự khôn ngoan và kinh nghiệm sẵn có, chỉ sau một thời gian ngắn lưu trú tại Phú Xuân, Pierre Poivre đã nắm được một số tình hình, trong đó có việc bãi bỏ tiền đồng và lưu hành tiền kẽm. Ông ta đề xuất và được chúa Võ vương thuận cho đổi những đồng tiền Mễ Tây Cơ (Mexico) mang theo lấy các tiền đồng đã thu hồi. Ngày 20 tháng 11 năm 1749, chúa ban lệnh cho phép sử dụng tiền Mễ Tây Cơ đồng thời với tiền kẽm trong nước. Ông cũng giao cho Trương Phúc Loan trách nhiệm giám sát việc khắc dấu, đảm bảo lưu hành các đồng tiền Mễ Tây Cơ với trị giá qui đổi 16 đồng Mễ Tây Cơ tương đương 10 lạng bạc. Song sự phối hợp giữa vị quan Ngoại tả họ Trương với Poivre ngày càng trở nên tồi tệ, dân chúng cũng tỏ ra thờ ơ trong việc sử dụng đồng tiền Mễ Tây Cơ. Chán nản trước tình thế này, Poivre âm thầm xuống tàu về nước.

KẾ HOẠCH ĐÁNH CHIẾM PHÚ XUÂN
TỪ MỘT ĐỀ XUẤT CỦA PIERRE POIVRE
Pierre Poivre trở về nước được đón tiếp trọng thể, được thưởng tiền, được ban tước quý tộc và huân chương, về sau còn được cử làm Giám quận Ile-de-France rồi Thống đốc quần đảo Mascareignes ở Ấn Độ Dương (1767-1772). Ông ta không xuất bản tác phẩm nào về chuyến đi Đại Việt. Nhưng từ hai bản ghi chép do Poivre soạn gửi cho Viện hàn lâm Lyon, một vài nhà xuất bản ở châu Âu đã biên soạn lại thành tập sách “Les voyages d’un philosophe” (Chuyến du hành của một nhà hiền triết), phát hành tại Thụy Sĩ. Sách xuất bản không có sự ưng thuận của Pierre Poivre, không đề tên tác giả, song lại bán rất chạy, được tái bản nhiều lần và dịch ra nhiều thứ tiếng. Trong số những người đọc tập sách trên, có Charles Hector Theodat, tức bá tước d’Estaing, và ông này đã nảy ra một sáng kiến táo bạo, đó là đánh úp thủ phủ Phú Xuân của chúa Nguyễn, vì theo lời kể của Poivre, quanh khu vực này có nhiều kho báu được cất giữ kỹ từ nhiều đời chúa trước. Vốn là Đề đốc Hải quân Pháp từ năm 1756, bá tước d'Estaing soạn một báo cáo chi tiết gửi cho Thống đốc các hòn đảo của Pháp là René Magon, đề nghị đánh úp kinh đô Phú Xuân của nhà Nguyễn, lấy đi vàng bạc, châu báu để bổ sung nguồn kinh phí đang rất thiếu hụt của ngân sách nước Pháp, đồng thời vực dậy công ty Đông Ấn đang làm ăn sa sút.
Bị thuyết phục bởi những lập luận của vị bá tước kiêm đề đốc hải quân này, Magon thuận cấp cho ông ta chiếc tàu Condé trang bị 64 khẩu đại bác và tàu Expédition trang bị 18 khẩu đại bác. Ông ta tự mua các nô lệ da đen để tổ chức thủy thủ đoàn theo tàu gồm 100 người da trắng và 400 người da đen. Đầu năm 1760, ông ta nhắm hướng Đại Việt bằng con đường qua eo bể Sonde và đảo Poulo-Condore (Côn Đảo). Trên đường đi, ngày mồng 7 tháng 2 năm 1760, đạo quân của ông ta tấn công và chiếm đồn Natal do khoảng 40 người Âu và 60 người da đen trấn giữ. Chỉ trong bốn tháng, tất cả đồn lũy và thương điếm của người Anh ở phía Tây đảo Sumatra đều rơi vào tay bá tước d’Estaing. Tuy nhiên, đến đầu tháng 6 năm 1760, nhiều yếu tố bất lợi đã ngăn trở ý định tiến đánh Đàng Trong của ông ta: gió mùa không thuận lợi, tàu thuyền hư hỏng, thủy thủ bệnh và chết khá nhiều… Bản thân ông ta cũng bị bệnh scorbut (bệnh thiếu vitamin, gây chảy máu nhiều nơi, nhất là ở chân răng). Cuối cùng, ông ta phải bỏ dở kế hoạch đánh úp Phú Xuân, quay về Port-Louis, trên đường về, bị quân Anh bắt làm tù binh tại Lorient. Khi ấy, chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát không hề biết rằng mình vừa may mắn thoát khỏi một cuộc tấn công bất ngờ với hậu quả khôn lường.
Những năm sau đó, trong tập hồi ký “Những điều ghi chép về châu Á” xuất bản năm 1768, bá tước d’Estaing nhắc đến việc thiết lập ở Đàng Trong một cơ sở thương mại lớn, giao cho Pierre Poivre quản lý. Ông ta muốn biến một hòn đảo khiêm tốn ngoài khơi Tourane (Đà Nẵng) thành bàn đạp cho một cuộc bành trướng thương mại và chính trị rộng lớn, trong một “hệ thống châu Á”, với các thương điếm của Pháp nằm ở các vùng biển gần Malaysia, Thái Lan, Philippines và cả Trung Quốc! Dù được hậu thuẫn của Bộ Hải quân Pháp, nhưng cuối cùng, viên đề đốc hải quân này cũng không còn có dịp xuất hiện trên vùng biển Ấn Độ cho đến ngày qua đời.
Về phía chính phủ Pháp, sau khi buộc phải ký hòa ước với Anh nhằm kết thúc cuộc Chiến tranh 7 năm (1756-1763), Công tước Choiseul-Praslin, Bộ trưởng Bộ hải quân, quyết định thành lập một Ủy ban có nhiệm vụ khảo sát các điều kiện nhằm xây dựng nhiều cơ sở thương mại của Pháp ở châu Á “để cân bằng quyền lợi với người Anh tại Indoustan”. Ông ta đã nhờ sự cố vấn của Pierre Poivre. Ngày mồng 1 tháng 8 năm 1768, Poivre gửi cho Choiseul một bức thư dài nêu rõ những điểm nên và không nên trong kế hoạch đánh chiếm Đàng Trong: “… Tôi nghĩ rằng bằng sức mạnh mới có thể xây dựng tại Đàng Trong một cơ sở vững chãi. Cần phải đánh úp cung điện của chúa Nguyễn để lấy kho tàng của ông ta, đồng thời chứng tỏ là lực lượng hải quân có thể đảm bảo thắng lợi. Mặc dù cung điện của chúa được phòng vệ bởi rất nhiều khẩu pháo, nhưng không có thuốc súng, đạn, dụng cụ dành cho pháo binh,… Cư dân ở đây có nhiều thiện chí tiếp nhận đạo Thiên Chúa. Nhưng việc giảng đạo cần dựa vào sức mạnh, nếu không thì chính quyền vốn rất hay ngờ vực đó sẽ dễ làm cho những nỗ lực của chúng ta trở nên vô ích. Cần phải buộc chúa Nguyễn cùng cả gia đình ông ta và các quan lại theo đạo Thiên Chúa (như người Tây Ban Nha đã làm ở New Mexico và Philippines)…”. (Georges Taboulet – La geste française en Indochine – Paris 1955 – tr.152-153). Choiseul tích cực chuẩn bị cho một cuộc viễn chinh, nhưng kế hoạch chưa khởi sự thì đến năm 1770, ông ta mất chức Bộ trưởng hải quân. Năm 1775, kế hoạch đánh lấy Đàng Trong của Praslin được lập trở lại nhưng cũng không thành.
Những sự thật lịch sử trên cho thấy âm mưu đánh lấy một phần hay toàn bộ nước ta đã được đế quốc Pháp vạch ra từ trước, và vào tiền bán thế kỷ 19, nếu triều Nguyễn không cấm đạo hay không bế quan tỏa cảng (chuyện này còn nhiều điều phải bàn lại) thì Pháp sẽ còn có hàng chục lý do khác để thực hiện mưu đồ của họ.

Lê Nguyễn
Sài gòn -14.12.2014

2661 ngày trước · Bình luận · Loan tin
CONGTM09 , Sam943 người nữa
·  

11 bình luận

  • Thì cái này liên quan gì đến: "sự mất nước về tay thực dân Pháp là hậu quả của chính sách cấm đạo và chủ trương bế quan tỏa cảng của các vua triều Nguyễn" ??!
     
    • @tuananh2016 ý là không cấm đạo và không bé quan tỏa cảng thì vẫn mất nước
       
    • @ohisee Nếu không cấm đạo và không bế quan tỏa cảng, có sức mạnh quân sự thì thằng Pháp nào vào cướp nước được mà mất? Cần gì quan tâm đến việc nó có muốn cướp hay không?
       
    • @tuananh2016 Thực tế lịch sử nó như vậy. Thời điểm đó Việt Nam ta thuộc loại bá đạo ở khu vực châu á nhưng chả là gì so với Châu Âu. Với vị trí địa chính trị quan trọng như nước ta thì kiểu gì cũng bị chiếm. Cả toàn cõi châu Á thì chỉ có mỗi thằng Nhật (đéo có tài nguyên gì, ví trí thì cạnh thằng Nga) và thằng Xiêm ( là DMZ giữa Pháp và Anh) mới thoát khỏi họa mất nước thôi
       
    • @signorev hồi đó mình gọi là Đế quốc An Nam thì phải Cũng không phải dạng vừa đâu.
       
    • @signorev Không thể nói là không là gì được. Tụi kia đi từ xa tới, tinh thần cơ bản đã kém hơn mình đánh sân nhà. Không thắng cũng không bị thua nặng như thực tế. Thiệu Trị, Tự Đức toàn nhà nho nhà thơ lãnh đạo đất nước nên quân sự tụt xa thời Gia Long, Minh Mạng. Quân đông nghe hàng ngàn nhưng toàn dân gom đi lính nên mới nghe đại bác nổ là chạy. Mới có chuyện chục thằng Pháp chiếm cả cái thành HN.
       
  • Đọc cuốn Khuyến học xong thì thấy Nhật đứng trước nguy cơ bị phương Tây xâm lăng thì chính quyền họ và giới trí thức sốt sắng cải cách, canh tân vực dậy đất nước và cuối cùng là họ thoát khỏi việc mất nước cũng như vươn lên làm một thế lực cho đến WW 1.
    Còn Việt là vẫn là lẹt đẹt ngồi chơi xơi nước cũng như bế quan tỏa cảng rồi tụt hậu và mất nước, thế nên không cần so sánh với các nước xung quanh làm gì cả, mất nước là vì sao, vì "bế quan tỏa cảng". Lý do đó không hề sai, k nên lấy cái sai của những nước xung quanh để xí xóa cho mình, việc lấy cái sai của B để bào chữa cho A chính là ngụy biện.

    Tình cảnh của VN hiện tại cũng như Nhà Nguyễn ngày đó, nếu VN không đổi mới thể chế thì sớm muộn gì cũng điêu tàn, rồi cũng đến một lúc chế độ hiện tại sụp đổ, khi đó lịch sử cũng sẽ ghi nhận là "chế độ ... sụp đổ vì tham nhũng, cửa quyền, không chịu đổi mới" thôi. Bác @signorev yên tâm.
     
  • Thời buổi đó vẫn trọng nông mà, các lý thuyết về vật lý hoá học kinh te không có lấy gì làm nền tảng, đến giờ vẫn quá coi trọng môn Văn, vd nếu hs học kém văn thì khó vào trường cấp 3 tốt, mà nhiều hs kém văn thì toán và khoa học tự nhiên lại tốt lại vào trường kém chất lượng nên tự nhiên thui chột đi.
     
  • Tâm sự của một người thi vào cấp 3 được 3 văn và 9 toán.
     
Viết bình luận mới
Website liên kết