Avatar's haithanhhcmpt

Ghi chép của haithanhhcmpt

Chuyện biểu tình

Tháng 11/2007 là thời điểm mà tôi nghĩ nhiều người Việt Nam sẽ nhớ mãi bởi vì nó mở đầu trở lại cho cuộc chiến không mệt mỏi của rất nhiều công dân mạng chống lại Trung Quốc. Lúc này, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa, ký quyết định thành lập đô thị cấp huyện thuộc tỉnh Hải Nam đặt tên là Tam Sa.

Động thái này làm dấy lên sự phẫn nộ của người dân Việt Nam từ chính quyền cho đến nhân dân cả nước. Trên internet, các làn sóng phản đối trỗi dậy và lan truyền từ khắp các trang mạng, diễn đàn cho đến blog Yahoo!360 rất nổi vào thời điểm đó. Một cuộc biểu tình với quy mô cả nước đã được tổ chức ngay sau đó vào những ngày cuối năm 2007, trên khắp cả nước và cả ở hải ngoại. Sinh viên, trí thức trẻ đã xuống đường tuần hành ôn hoà trước đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh. Ở Pháp, Nhật, Anh, Mỹ, Hà Lan, Ba Lan,... sinh viên và kiều bào cũng tổ chức các cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc.

Vào thời điểm này, tôi còn nhớ người phát ngôn của bộ ngoại giao là ông Lê Dũng luôn bị đem ra giễu cợt vì mỗi lần ông xuất hiện trên báo chí, người ta chỉ trích dẫn duy nhất một câu mang tính khẩu hiệu "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam phản đối việc Trung Quốc thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam trực tiếp quản lý 3 quần đảo trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Hành động này đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, không phù hợp với nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, không có lợi cho tiến trình đàm phán tìm kiếm biện pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề trên biển giữa hai bên."

Với đông đảo người dân Việt Nam thì câu khẳng định này không đủ, nhà nước cần phải làm nhiều hơn là chỉ phát ngôn như vậy. Tuy nhiên, có những thứ không phải nói được là được trên mặt trận ngoại giao. Vì vậy, biểu tình ôn hoà được xem là một thứ vũ khí mà nhà nước có được từ nhân dân. Các cuộc tuần hành đầu tiên vào tháng 12/2007 và những năm sau đó đã diễn ra với sự đồng thuận "nhắm mắt ngó lơ" của chính quyền. Rất nhiều diễn đàn, trang mạng cũng như nhóm blogger đã cùng nhau kêu gọi và tổ chức tuần hành, trong đó có Diễn đàn Thanh Niên Xa Mẹ (tathy.com/thanglong).

Tôi nhắc đến diễn đàn này vì có một nhân vật rất nổi tiếng trong những ngày vừa qua đã từng xuất hiện ở Tathy vào thời điểm này. Lãng, facebooker đang viết rất nhiều về chính trị thời điểm này chính là nhân vật tôi nói đến. Năm 2007, Lãng được chọn là nhân vật của năm của Tathy với một bài viết về ông Hồ Chí Minh và topic "Làm gì đây?" khi thể hiện được thái độ băn khoăn của những người trẻ sau khi Trung Quốc tuyên bố thành lập Tam Sa. Topic đó có hơn một trăm trang thảo luận, rất nhiều nhân vật trẻ, tri thức trong nhiều lãnh vực tham gia.

Tôi còn nhớ đến Lãng bởi vì cuộc tuần hành do Tathy tổ chức sau đó Lãng không tham gia. Cuộc tuần hành được tổ chức khá bài bản, kêu gọi được quỹ hỗ trợ từ thành viên để in áo đồng phục cờ đỏ sao vàng. Cuộc tuần hành cũng được sự đồng ý và cấp phép từ "lãnh đạo", điều này nhờ vào việc lobby của các thành viên diễn đàn. Lãng không tham gia nhưng có một hành động khá sòng phẳng rõ ràng, nhờ người đem đến tặng cho quỹ 3 triệu đồng để may đồng phục.

Đó là Lãng của năm 2007, còn Lãng của năm 2016, gần mười năm sau trên Facebook thì đã hoá thân thành một người gần như khác hẳn. Lãng nói nhiều và rất nhiều. Nhưng đó là chuyện của Lãng.

Cuộc tuần hành năm 2007 có nhiều nhân vật trí thức, nghệ sỹ nổi tiếng tham gia. Đó là cuộc tuần hành đầu tiên trong phong trào chống lại Trung Quốc diễn ra nhiều năm sau này, là sự khởi đầu cho rất nhiều cuộc bút chiến trên mạng, của nhiều phe phái mà các công cụ trực tuyến được đem ra sử dụng. Thời điểm đó là blog, diễn đàn, và giờ là Facebook.

Trang Hạ cũng đã xuống đường vào thời điểm đó trong chuyến tuần hành cùng Tathy. Chị đem theo con gái nhỏ, mặc cờ đỏ sao vàng. Lúc này Trang Hạ đã khá nổi tiếng với quá trình làm báo cho hoahoctro rồi tienphong, sau đó là cuốn sách "Xin lỗi em chỉ là con đĩ", dịch từ nguyên bản tiếng Hoa của Bảo Thê. Vì nổi tiếng nên Trang Hạ được đặc biệt chú ý và kết quả là cũng được mời về làm việc cùng cơ quan an ninh. Trên blog của Trang Hạ sau đó, chị có kể lại quá trình làm việc cùng‪#‎teamanninh‬, dĩ nhiên là với giọng kể không lấy gì làm thân thiện mấy. Tôi nghĩ, chuyện này các nghệ sỹ, nhà văn,... những người có "may mắn" trải nghiệm qua đều sẽ không lấy gì làm thú vị. Về sau này, Trang Hạ không còn tham gia vào những cuộc tuần hành này nữa. Ví dụ như trong hai ngày cuối tuần vừa qua, chị không hề viết chữ nào về cuộc đấu tranh này.

Gần mười năm sau, kể từ sau cuộc bạo động ở Bình Dương tháng 3/2014 với hậu quả tổn thất nặng nề, năm 2015 với cuộc chiến giữ lại cây xanh, năm 2016 cộng đồng mạng mới quay lại với những cuộc tuần hành ôn hoà về vấn đề môi trường và minh bạch thông tin. Không nói đúng sai trong chuyện này, đây là lựa chọn và quyền của mỗi người. Trong mỗi cuộc tuần hành mà tôi có ít nhiều may mắn được thấy qua sự tường thuật của nhiều bên trong suốt mười năm qua, bao giờ cũng có những đối tượng tham gia như sau:

- nhóm trí thức, sinh viên, nhân dân căm phẫn với sự ngang ngược của Trung Quốc, với quyết định sai trái của chính quyền, với sự thiếu minh bạch thông tin từ chính quyền.
- nhóm được cho là phản động, lợi dụng cơ hội để lôi kéo, gây hận thù và tuyên truyền chống phá nhà nước.

Hai nhóm này không liên quan với nhau nhưng lại lẫn vào nhau. Một số hành động, biểu hiện lại vô tình giống nhau. Tôi không biết bằng một cách kỳ diệu nào đó, người ta cứ mặc nhiên chửi bới nhau dựa trên sự đánh tráo khái niệm rằng hai nhóm này là một. Cứ cãi nhau giữa các nhóm tình nguyện, dư luận viên, giữa những người thông minh và rất thông minh. Những người lẽ ra phải nói là báo chí, là cơ quan chức năng, là lãnh đạo chính quyền thì im lặng. Suốt mười năm qua, chuyện này gần như đã thành một thói quen. Nhưng quen không có nghĩa là chấp nhận, người dân có quyền phẫn nộ và cơn phẫn nộ sẽ càng lúc càng cao, chỉ không ai biết điểm bùng phát sẽ là lúc nào. Với truyền thông, đây là một thứ rủi ro cực kỳ nguy hiểm. Nhưng tôi cho là các cấp chính quyền hoàn toàn hiểu rủi ro này, chỉ không biết tại sao họ chọn giải pháp im lặng. Chuyện này, tạm thời cũng không cách nào lý giải được.

Các cuộc tuần hành dù với mục đích gì thì đều có lực lượng chức năng đi theo để kiểm soát và áp chế khi cần thiết. Những biện pháp nghiệp vụ hay thái độ của họ, cách cư xử của họ tôi không bàn tới. Công việc của họ là như vậy, và đừng ai nhân danh gì cả để chửi bới, lăng mạ những người mà ta không biết, bỉ bai công việc của họ, đánh giá về sự lựa chọn của họ. Cũng đừng đem gia đình, người thân của họ ra nói này nói kia, tôi cho đó là thái độ không đúng.

Sự thật phải trái đúng sai trong tất cả mọi chuyện cần thời gian để hiểu, để chiêm nghiệm. Một vài thứ mà chúng ta được nhìn thấy hiện tại không phải là sự nguyên vẹn đủ đầy của cả bức tranh.

Có một điều mà tôi nghĩ chúng ta đều mơ màng cảm giác được sau những ngày vừa qua là sự thất bại về mặt mất đi lòng tin đối với nhà nước trong lòng rất nhiều công dân trẻ. Thất bại này đủ lớn để những người làm lãnh đạo phải quan tâm. Còn họ đã quan tâm chưa, có thay đổi hay không lại là câu chuyện rất khác mà ta không thể nào hiểu được.

Có quá nhiều thứ mà hiện tại chúng ta không thể nào hiểu được.

Kể chuyện loanh quanh do mất ngủ thôi chứ cũng không có ý gì. Mấy chuyện này chắc anh @Tanng còn nhớ. Biết anh cũng từ dạo này :D

2871 ngày trước · Bình luận · Loan tin ·  
được loan tin bởi thund , Fukiu10 người nữa
Website liên kết