Ghi chép của NewVegas
Ký ức chiến tranh (phần 1)
(Ghi theo lời kể ông chú họ, CCB chiến trường Kampuchea)
Thuở đấy anh tròn mười tám, da rám nắng, cẳng chân to, giò chắc nịch, đi đứng phình phịch ... mỗi tội lùn. Cơ mà cả họ nhà anh cao tuyền mét rưỡi đổ lại chứ chả riêng gì anh. Hồi đấy anh ức chế mới lị cái chiều dài bản thân này lắm, cơ mà sau này trải qua sóng gió cuộc đời mới thấy đứa nào cao ra trận thật dễ chết.
Anh sinh ra thời đất nước còn chia cắt, nhớn lên buổi sớm của hòa bình, đã từng nếm đủ cơm bom, nước đạn, nai lưng làm lụng quần quật, bóp mồm bóp miệng nhịn đói dồn sức cho sự nghiệp chung. Để rồi đến khi gió hòa bình trở về lại bâng khuâng nửa vui nửa buồn khi chứng kiến bao cuộc đoàn viên mừng mừng tủi tủi cũng như vô khối ánh mắt, khuôn mặt đờ đẫn thất vọng khi người trai ra đi năm ấy chẳng trở về, hay trở về mà sứt mẻ.
Nhà có phúc lớn, mẹ anh nói vậy. Hai ông anh đều đi bộ đội, đi ra sao, về như vậy, chả sứt mảnh nào, vẫn đen đen và lùn lùn như cũ. Ông cả xẻ dọc Trường Sơn, tham gia biết bao chiến dịch, lên tít Ban Mê Thuột, xuống tận Huế, Đà Nẵng rồi thọc vô Sài Gòn trong ngày toàn thắng ... mà chả phải bắn viên đạn nào trừ hồi đi huấn luyện. Cơ bản là ông ý giỏi nấu ăn nên đi đâu cũng chỉ làm anh nuôi cho các bác sư đoàn, rỗi rãi thêm chân liên lạc. Ông anh hai vô đến gần Quảng Trị thì tự dưng được gọi ngược ra Bắc vì có trình độ văn hóa cấp 3, cần giữ lại làm nguồn xây dựng CNXH. Thế là lang thang học hết trường này sỹ quan này đến lớp chỉ huy nọ, chưa kịp đem ra dùng thì ... hết chiến tranh, vèo cái điều về tỉnh đội lãnh đạo đám thương binh và chị em góa bụa (làm chính sách). Sau mấy chục năm bom đạn, gia đình còn nguyên vẹn như vậy kể cũng là hiếm.
Làng anh hiền hòa và đẹp như tranh Tầu, mấy chục nóc nhà lưng tựa vô núi mặt ngoảnh ra con sông quanh co uốn lượn. Năm ấy cuối cấp 3, bạn bè nô nức hăm hở với những dự định tương lai, đứa giỏi muốn thi đại học, đứa dốt thích làm công nhân, loại nhỡ nhỡ vừa vừa như anh thì ... gì cũng thích. Ước mơ thứ nhất của anh là được lái máy cày chạy băng băng trên cánh đồng to vật như trong phim màu Xô Viết. Ước mơ thứ nhì là ... Diệu. Người con gái gần nhà, bí thư liên chi đoàn trường, xinh xắn duyên dáng nhất làng. Anh mê tít Diệu, nàng cũng quý anh, hai gia đình thân quen, cũng đã có đôi nhời qua lại. Nhẽ đâu hai đứa học xong là số phận anh an bài, chồng lái máy cày, vợ làm phong trào trên xã, dăm ba đứa con vừa giai vừa gái trong mái nhà bên bờ con sông quanh năm gió lộng ... Những ước mơ nho nhỏ ...
Đầu năm 79, chiến tranh lại về, lại cờ hoa phấp phới, loa phóng thanh réo rắt đêm ngày kêu gọi tổng động viên, tuyên truyền tội ác quân giặc. Người làng ai cũng ngỡ ngàng, bao năm sống căng thẳng, yên bình chưa được bao lâu thì nay lại phải quay về cuộc sống cũ. Chẳng ai nói ra nhưng trong ánh mắt mỗi người đều có chút buồn rầu và thất vọng. Người già trầm ngâm không nói, mấy anh lính vừa giải ngũ tụ tập hút thuốc lào uống chè vặt nhiều hơn, những bà mẹ thở dài nhìn đứa con trai vừa mới lớn, ánh mắt ươn ướt. Anh thuộc diện miễn tòng quân vì gia đình đã có hai anh trai tại ngũ, nhưng vẫn nằm trong diện ... động viên.
Những ngày này Diệu đi thật nhiều, nàng cùng đám thanh niên đem trống và cờ hoa lên xe bò keó khắp làng trên xóm dưới, ra rả thúc giục động viên các gia đình có con đến tuổi lên đường. Những buổi mít tinh, những cuộc họp chi đoàn toàn xã, nàng nói hăng say về sự cống hiến của thanh niên cho đất nước, sự nghiệp xây dựng CNXH xa vời vợi và các tấm gương hy sinh của cha anh ... Hôm đấy đang úp nón nghỉ ngơi dươi gốc đa sau buổi tát ao cá tập thể thì nàng tìm tới. Nàng bảo người ta nghe em nói chuyện, động viên khen hay nhưng người ta không theo. Vì sao? Vì anh không chịu nhập ngũ ... Anh cười buồn, bảo mai anh viết đơn. Nàng cười toe toe, ôm đầu anh vít vào ngực, mùi con gái thơm nồng, mùi lúa non ngan ngát, khóe mắt anh cay cay ...
Sáng hôm sau anh giấu mẹ cầm tờ đơn mực đỏ lên điểm tuyển quân của huyện đội. Cũng cờ hoa, khẩu hiệu giăng khắp nơi như ngày xưa nhưng không khí có phần trầm hơn và ít người hơn, cả người tòng quân lẫn người xem. Có cái gì đó tĩnh lặng, mỗi nụ cười đều không tròn trịa, mỗi ánh mắt không còn nguyên vẻ tự hào. Anh cán bộ khám sức khỏe bảo anh kéo cái cân treo trên xà nhà rồi lắc đầu bảo "Không đủ tiêu chuẩn". Anh nài nỉ xin, anh lắc đầu. Anh phó đứng cạnh kéo anh ra góc nhà đưa cho một đống bi sắt bảo nhét vô túi quần và lên cân lại. Lần này đủ tiêu chuẩn.
Mẹ biết tin khóc rưng rức, anh hai trên tỉnh cũng chạy về nhà bảo mẹ là để cho nó đi, nó không đi con cũng khó ăn nói với người ta, rồi quay ra lắc vai mình bảo em khá lắm. Mẹ làm xôi nếp, thịt nốt con gà mời các chú các bác trong họ đến chia tay đứa cháu. Cả họ anh đứng ngồi lổn nhổn như nấm, bác trưởng hắng giọng đọc lại cái bài dặn dò đưa tiễn dài lê thê mà anh đã nghe không biết bao lần khi còn nhỏ. Chỉ khác lần này người được đưa tiễn là anh. Mẹ đứng sau cột, chốc chốc kéo áo lên lau mặt. Đám con nít sốt ruột nhấp nhổm ngoài cửa, đợi bác trưởng lè nhè kết thúc là ào vô xin kẹo ... năm xưa anh cũng là một đứa trong đám đấy.
Sáng sớm tinh mơ, giời hẵng còn sương lạnh, cả đám trai trẻ măng ngập ngừng trong bộ quân phục mới tinh, hàng lối lủng củng luộm thuộm. Huyện đội trưởng bước lên bục thét vang "Nghiêm". Lũ lính mới đang xí xớn trêu nhau bỗng ngơ ngác rồi đứng im như phỗng, tịnh không một tiếng thở. Huyện đội trưởng phát biểu một chặp, đại khái các đồng chí lên đường cố gắng làm tốt nhiệm vụ nơi tiền tuyến, ở hậu phương sẽ làm tốt nhiệm vụ hậu phương, không phải lo lắng gì cả, đừng ai đào ngũ làm xấu mặt quê hương cách mạng. Lê thê một hồi, ông đọc to lời thề, toàn quân hô theo xin thề và buổi tiễn quân kết thúc. Xe chở quân tới, tất cả lục tục lên thùng xe, người thân đứng kín hai bên đường, cờ, nón, mũ, hoa ... vẫy phấp phới. Diệu đứng cuối hàng, cạnh anh xã đội trưởng, áo trắng quần đen mới tinh, tay cầm cờ, miệng cười tươi, vẫy chào rối rít. Xe chạy qua, anh đưa tay cho nàng mà không chạm tới, xe đi xa dần, cái bóng xinh xinh của nàng nhỏ lại và mờ nhạt nơi cuối con đường đất đỏ.
(Còn tiếp)
Thuở đấy anh tròn mười tám, da rám nắng, cẳng chân to, giò chắc nịch, đi đứng phình phịch ... mỗi tội lùn. Cơ mà cả họ nhà anh cao tuyền mét rưỡi đổ lại chứ chả riêng gì anh. Hồi đấy anh ức chế mới lị cái chiều dài bản thân này lắm, cơ mà sau này trải qua sóng gió cuộc đời mới thấy đứa nào cao ra trận thật dễ chết.
Anh sinh ra thời đất nước còn chia cắt, nhớn lên buổi sớm của hòa bình, đã từng nếm đủ cơm bom, nước đạn, nai lưng làm lụng quần quật, bóp mồm bóp miệng nhịn đói dồn sức cho sự nghiệp chung. Để rồi đến khi gió hòa bình trở về lại bâng khuâng nửa vui nửa buồn khi chứng kiến bao cuộc đoàn viên mừng mừng tủi tủi cũng như vô khối ánh mắt, khuôn mặt đờ đẫn thất vọng khi người trai ra đi năm ấy chẳng trở về, hay trở về mà sứt mẻ.
Nhà có phúc lớn, mẹ anh nói vậy. Hai ông anh đều đi bộ đội, đi ra sao, về như vậy, chả sứt mảnh nào, vẫn đen đen và lùn lùn như cũ. Ông cả xẻ dọc Trường Sơn, tham gia biết bao chiến dịch, lên tít Ban Mê Thuột, xuống tận Huế, Đà Nẵng rồi thọc vô Sài Gòn trong ngày toàn thắng ... mà chả phải bắn viên đạn nào trừ hồi đi huấn luyện. Cơ bản là ông ý giỏi nấu ăn nên đi đâu cũng chỉ làm anh nuôi cho các bác sư đoàn, rỗi rãi thêm chân liên lạc. Ông anh hai vô đến gần Quảng Trị thì tự dưng được gọi ngược ra Bắc vì có trình độ văn hóa cấp 3, cần giữ lại làm nguồn xây dựng CNXH. Thế là lang thang học hết trường này sỹ quan này đến lớp chỉ huy nọ, chưa kịp đem ra dùng thì ... hết chiến tranh, vèo cái điều về tỉnh đội lãnh đạo đám thương binh và chị em góa bụa (làm chính sách). Sau mấy chục năm bom đạn, gia đình còn nguyên vẹn như vậy kể cũng là hiếm.
Làng anh hiền hòa và đẹp như tranh Tầu, mấy chục nóc nhà lưng tựa vô núi mặt ngoảnh ra con sông quanh co uốn lượn. Năm ấy cuối cấp 3, bạn bè nô nức hăm hở với những dự định tương lai, đứa giỏi muốn thi đại học, đứa dốt thích làm công nhân, loại nhỡ nhỡ vừa vừa như anh thì ... gì cũng thích. Ước mơ thứ nhất của anh là được lái máy cày chạy băng băng trên cánh đồng to vật như trong phim màu Xô Viết. Ước mơ thứ nhì là ... Diệu. Người con gái gần nhà, bí thư liên chi đoàn trường, xinh xắn duyên dáng nhất làng. Anh mê tít Diệu, nàng cũng quý anh, hai gia đình thân quen, cũng đã có đôi nhời qua lại. Nhẽ đâu hai đứa học xong là số phận anh an bài, chồng lái máy cày, vợ làm phong trào trên xã, dăm ba đứa con vừa giai vừa gái trong mái nhà bên bờ con sông quanh năm gió lộng ... Những ước mơ nho nhỏ ...
Đầu năm 79, chiến tranh lại về, lại cờ hoa phấp phới, loa phóng thanh réo rắt đêm ngày kêu gọi tổng động viên, tuyên truyền tội ác quân giặc. Người làng ai cũng ngỡ ngàng, bao năm sống căng thẳng, yên bình chưa được bao lâu thì nay lại phải quay về cuộc sống cũ. Chẳng ai nói ra nhưng trong ánh mắt mỗi người đều có chút buồn rầu và thất vọng. Người già trầm ngâm không nói, mấy anh lính vừa giải ngũ tụ tập hút thuốc lào uống chè vặt nhiều hơn, những bà mẹ thở dài nhìn đứa con trai vừa mới lớn, ánh mắt ươn ướt. Anh thuộc diện miễn tòng quân vì gia đình đã có hai anh trai tại ngũ, nhưng vẫn nằm trong diện ... động viên.
Những ngày này Diệu đi thật nhiều, nàng cùng đám thanh niên đem trống và cờ hoa lên xe bò keó khắp làng trên xóm dưới, ra rả thúc giục động viên các gia đình có con đến tuổi lên đường. Những buổi mít tinh, những cuộc họp chi đoàn toàn xã, nàng nói hăng say về sự cống hiến của thanh niên cho đất nước, sự nghiệp xây dựng CNXH xa vời vợi và các tấm gương hy sinh của cha anh ... Hôm đấy đang úp nón nghỉ ngơi dươi gốc đa sau buổi tát ao cá tập thể thì nàng tìm tới. Nàng bảo người ta nghe em nói chuyện, động viên khen hay nhưng người ta không theo. Vì sao? Vì anh không chịu nhập ngũ ... Anh cười buồn, bảo mai anh viết đơn. Nàng cười toe toe, ôm đầu anh vít vào ngực, mùi con gái thơm nồng, mùi lúa non ngan ngát, khóe mắt anh cay cay ...
Sáng hôm sau anh giấu mẹ cầm tờ đơn mực đỏ lên điểm tuyển quân của huyện đội. Cũng cờ hoa, khẩu hiệu giăng khắp nơi như ngày xưa nhưng không khí có phần trầm hơn và ít người hơn, cả người tòng quân lẫn người xem. Có cái gì đó tĩnh lặng, mỗi nụ cười đều không tròn trịa, mỗi ánh mắt không còn nguyên vẻ tự hào. Anh cán bộ khám sức khỏe bảo anh kéo cái cân treo trên xà nhà rồi lắc đầu bảo "Không đủ tiêu chuẩn". Anh nài nỉ xin, anh lắc đầu. Anh phó đứng cạnh kéo anh ra góc nhà đưa cho một đống bi sắt bảo nhét vô túi quần và lên cân lại. Lần này đủ tiêu chuẩn.
Mẹ biết tin khóc rưng rức, anh hai trên tỉnh cũng chạy về nhà bảo mẹ là để cho nó đi, nó không đi con cũng khó ăn nói với người ta, rồi quay ra lắc vai mình bảo em khá lắm. Mẹ làm xôi nếp, thịt nốt con gà mời các chú các bác trong họ đến chia tay đứa cháu. Cả họ anh đứng ngồi lổn nhổn như nấm, bác trưởng hắng giọng đọc lại cái bài dặn dò đưa tiễn dài lê thê mà anh đã nghe không biết bao lần khi còn nhỏ. Chỉ khác lần này người được đưa tiễn là anh. Mẹ đứng sau cột, chốc chốc kéo áo lên lau mặt. Đám con nít sốt ruột nhấp nhổm ngoài cửa, đợi bác trưởng lè nhè kết thúc là ào vô xin kẹo ... năm xưa anh cũng là một đứa trong đám đấy.
Sáng sớm tinh mơ, giời hẵng còn sương lạnh, cả đám trai trẻ măng ngập ngừng trong bộ quân phục mới tinh, hàng lối lủng củng luộm thuộm. Huyện đội trưởng bước lên bục thét vang "Nghiêm". Lũ lính mới đang xí xớn trêu nhau bỗng ngơ ngác rồi đứng im như phỗng, tịnh không một tiếng thở. Huyện đội trưởng phát biểu một chặp, đại khái các đồng chí lên đường cố gắng làm tốt nhiệm vụ nơi tiền tuyến, ở hậu phương sẽ làm tốt nhiệm vụ hậu phương, không phải lo lắng gì cả, đừng ai đào ngũ làm xấu mặt quê hương cách mạng. Lê thê một hồi, ông đọc to lời thề, toàn quân hô theo xin thề và buổi tiễn quân kết thúc. Xe chở quân tới, tất cả lục tục lên thùng xe, người thân đứng kín hai bên đường, cờ, nón, mũ, hoa ... vẫy phấp phới. Diệu đứng cuối hàng, cạnh anh xã đội trưởng, áo trắng quần đen mới tinh, tay cầm cờ, miệng cười tươi, vẫy chào rối rít. Xe chạy qua, anh đưa tay cho nàng mà không chạm tới, xe đi xa dần, cái bóng xinh xinh của nàng nhỏ lại và mờ nhạt nơi cuối con đường đất đỏ.
(Còn tiếp)