Giật mình thì đã muộn

16/12/2014 03:04 GMT+7

Dẫu hằng ngày ăn bánh kẹo ngoại nhưng chắc chắn không nhiều người nghĩ và biết rằng ngành bánh kẹo nội địa trị giá hàng tỉ USD đã rơi vào tay các nhà đầu tư ngoại. Chỉ đến vụ "ông lớn" Kinh Đô bán mảng bánh kẹo cho đối tác Mỹ, chúng ta mới giật mình nhìn lại thì đã muộn.

Dẫu hằng ngày ăn bánh kẹo ngoại nhưng chắc chắn không nhiều người nghĩ và biết rằng ngành bánh kẹo nội địa trị giá hàng tỉ USD đã rơi vào tay các nhà đầu tư ngoại. Chỉ đến vụ "ông lớn" Kinh Đô bán mảng bánh kẹo cho đối tác Mỹ, chúng ta mới giật mình nhìn lại thì đã muộn.

Không chỉ ở phân khúc cao cấp mà ngay cả với phân khúc trung và thấp, bánh kẹo nội cũng gần như đã bị loại khỏi cuộc chơi.
Có thể nhận thấy, cuộc chuyển giao trong ngành bánh kẹo diễn ra không quá ồn ào. Trừ những vụ buộc phải công bố thông tin vì là công ty đại chúng, còn thì một cách lặng lẽ, nhiều thương hiệu bánh kẹo truyền thống, gắn với tuổi thơ của không ít thế hệ, cứ dần biến mất. Cái thì bị nước ngoài thôn tính, cái thì bị hàng nhập chèn lấn phải lui về vùng sâu, vùng xa; cái không trụ nổi sự khắc nghiệt của cuộc cạnh tranh nên ra đi "không kèn không trống". Không biết tự bao giờ, bánh kẹo ngoại phủ sóng khắp nơi và người tiêu dùng cũng không biết tự bao giờ, quen thuộc với điều này một cách tự nhiên. Câu hỏi đặt ra là tại sao một thị trường trị giá hàng tỉ USD, được đánh giá là hết sức tiềm năng lại rơi vào tay người ngoài đơn giản đến vậy? Tất nhiên sẽ có nhiều lý do nhưng có một điều chắc chắn là chúng ta chưa đánh giá đúng giá trị của ngành này trong khi lại mải mê chạy theo đầu tư những lĩnh vực tăng trưởng nóng. Giai đoạn mở cửa thị trường những năm 2006 - 2007 cũng là giai đoạn hàng loạt công ty lao vào tài chính, bất động sản. Nhiều ý kiến đánh giá rằng đó là thời kỳ "tay trái dài hơn tay phải" để nói về việc nhiều công ty bỏ cả nghề chính để lao vào cổ phiếu, đất đai. Trong trào lưu đó, nhiều ngành sản xuất trong nước bị lãng quên và bị nước ngoài thâu tóm. Không chỉ bánh kẹo, người tiêu dùng trong nước giờ đây không dễ để có thể tìm mua, thậm chí chỉ là kể tên vài nhãn hiệu kem đánh răng, dầu gội đầu, nước rửa chén nội. Hàng ngoại phủ sóng từ quảng cáo trên ti vi cho đến quầy kệ trong siêu thị và cuối cùng là đi vào giỏ của các bà nội trợ Việt.
Tại thị trường nội địa, người Việt không dễ để mua bánh kẹo, xà bông, nước giải khát... sản xuất trong nước. Ra thế giới, chúng ta chưa có thương hiệu nào đủ sức để cạnh tranh với quốc tế. Đó là sự thật đáng buồn và chua chát. Nó cũng cho thấy chúng ta không tận dụng được cơ hội của mở cửa trong khi phần trả giá lại nhiều hơn. Đó là lý do mấy năm gần đây, các chuyên gia kinh tế có tâm huyết đã và vẫn đang lên tiếng đề nghị xem xét lại các ưu đãi với vốn ngoại đầu tư vào VN để hạn chế bớt tình trạng các doanh nghiệp trong nước bị thua thiệt trong cạnh tranh ngay chính sân nhà. Các doanh nghiệp cũng nhiều lần yêu cầu xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường nội địa trước cuộc tấn công của các nước trong khu vực và thế giới cùng với lộ trình mở cửa ngày càng sâu và rộng hơn của VN.
Đừng để như bánh kẹo, giật mình thì đã muộn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.