"Không thể chấp nhận lương công nghệ thông tin gấp 2-3 lần bác sĩ'

Hoàng Lê

(Dân trí) - "Nếu trả lương cho đội ngũ công nghệ thông tin vượt quá 2-3 lần bác sĩ, chuyên gia thì không thể chấp nhận được" - PGS Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương nói.

Sáng 25/10, đoàn công tác của HĐND TPHCM đã có buổi làm việc tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) về việc triển khai thực hiện đề án y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030 tại đây.

5 năm không triển khai được hệ thống PACS

Đại diện bệnh viện cho biết, nơi đây hiện đã ứng dụng công nghệ thông tin để số hóa đơn thuốc và hầu hết các chứng từ chuyên môn, sử dụng phần mềm để giám sát việc kê đơn thuốc, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, khám bệnh theo quy trình một điểm dừng, giúp người dân tiện lợi rất nhiều khi đến điều trị. Hiện tại, đã có 4 khoa được thí điểm thực hiện bệnh án điện tử.

Ngoài ra, bệnh viện cũng xây dựng phần mềm quản lý giường bệnh, máy thở, để đảm bảo việc bệnh nhân nằm khoa cấp cứu không quá 4 tiếng. Ngoài ra còn có phần mềm giám sát sử dụng kháng sinh, quản lý cấp phép nuôi ăn tĩnh mạch, giám sát kho thuốc thông minh… Năm 2019, bệnh viện đã đạt được giải nhất về giải pháp an toàn trong phẫu thuật.

Về việc đấu thầu, một trong những công tác nặng nề nhất là về mặt hành chính, giấy tờ. Do đó, bệnh viện đã xây dựng phần mềm đấu thầu y tế thông minh, tích lũy "big data", nhờ vậy mà công tác hành chính thuận lợi hơn rất nhiều.

Không thể chấp nhận lương công nghệ thông tin gấp 2-3 lần bác sĩ - 1

Trung tâm can thiệp tim mạch chuyên sâu của Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Theo đại diện bệnh viện, nơi đây có những thuận lợi để thực hiện "y tế thông minh", như có sự hỗ trợ của các ban ngành, có sự quyết tâm của lãnh đạo bệnh viện và các khoa phòng. Ngoài ra, đội ngũ phòng công nghệ thông tin (CNTTT) của bệnh viện có chuyên môn cao.

Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều thách thức. Thứ nhất là ở hệ thống PACS (hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế), bệnh viện đã có kế hoạch triển khai gần 5 năm nay nhưng phải "đứng lại" vì không có cơ chế trong đấu thầu mua sắm. Thứ hai là thách thức trong việc duy trì tính ổn định và phát triển, cụ thể là khó khăn trong mua sắm trang thiết bị công nghệ thông tin.

Thứ ba là ở mặt nhân sự công nghệ thông tin. Bệnh viện chỉ có 12 nhân sự nhưng quản lý gần 700 máy tính và hàng chục máy in. "Một anh em kỹ sư phần mềm của bệnh viện, lương ra ngoài dư sức vài ngàn đô la, nhưng bệnh viện thì không thể đáp ứng" - đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 nói về khó khăn trong việc giữ chân nhân sự CNTT vì thu nhập không tương xứng.

Báo cáo với HĐND TPHCM, bệnh viện cho biết sắp tới sẽ hướng đến hoàn thành hồ sơ bệnh án điện tử, tiếp tục triển khai chuyển đổi số toàn bộ hoạt động của bệnh viện và xây dựng hệ thống BMS (quản lý tòa nhà).

Không thể chấp nhận lương công nghệ thông tin gấp 2-3 lần bác sĩ - 2

Kios lấy số thứ tự, đăng ký làm xét nghiệm tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

"Lương CNTT không thể gấp 2-3 lần bác sĩ trong bệnh viện"

Ông Đặng Thanh Hùng, Trưởng phòng CNTT của bệnh viện cho biết, trong việc xây dựng bệnh án điện tử, khó nhất là xây dựng tờ điều trị và tờ chăm sóc của điều dưỡng. Khó khăn khác là việc thu hút nhân sự. "Một sinh viên vừa ra trường đã phải trả 500 USD, có 2-3 năm kinh nghiệm thì lương phải 1.500-2.000 USD. Trong khi đó bệnh viện chỉ trả lương theo cơ chế" - ông Hùng dẫn chứng.

Ngoài ra, việc cập nhật công nghệ tại bệnh viện cũng không theo kịp với các công ty chuyên về CNTT bên ngoài.

Đại diện Sở Tài chính TPHCM chia sẻ, đề án y tế thông minh thực hiện đến 2030, có nhiều nguồn thực hiện, trong đó có kinh phí từ ngân sách Nhà nước là hơn 1.000 tỷ đồng. Về việc bệnh viện phản ánh gặp khó khăn trong mua sắm máy tính tập trung, Sở Tài chính cho rằng, nếu bệnh viện dùng nguồn quỹ phát triển sự nghiệp thì không cần mua sắm tập trung.

Về chính sách thu nhập nhân sự, phía Sở Tài chính cho biết, ngoài cơ chế lương theo quy định Nhà nước, bệnh viện là cơ sở tự chủ chi thường xuyên, nên có thể cân đối thêm khoản thu nhập tăng thêm cho đội ngũ CNTT..

Đại diện Bảo hiểm xã hội TPHCM chia sẻ, nhiều đơn vị trên địa bàn TPHCM đã thực hiện được hệ thống PACS rồi, do đó mong bệnh viện sớm triển khai tốt hơn để phục vụ cho người bệnh. Mỗi quý, bệnh viện được thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) hơn 100 tỷ đồng. Năm 2022, bệnh viện chưa bị vượt tổng mức thanh toán BHYT.

Không thể chấp nhận lương công nghệ thông tin gấp 2-3 lần bác sĩ - 3

Phụ huynh đưa con em đến thăm khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (Ảnh: Hoàng Lê).

"Quỹ BHYT không phải là vô hạn, chính vì vậy phải có biện pháp quản lý phù hợp… Nếu chúng ta có hình thức quản lý tốt, chỉ định điều trị hợp lý thì sẽ không vượt tổng mức. Một năm chúng tôi chi 20.000 tỷ thanh toán BHYT thì chi phí vượt tổng mức khoảng 200 tỷ đồng, chỉ vượt 1%" - phía Bảo hiểm xã hội TPHCM nói.

Phía Sở Kế hoạch đầu tư thông tin, 3 dự án của Bệnh viện Nhi đồng 1 đang bị vướng về vấn đề mua sắm trang thiết bị. Sở này mong bệnh viện sớm xử lý để không ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

PGS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, thành viên Đoàn khảo sát của HĐND TPHCM chia sẻ, bài toán về giữ chân nhân lực CNTT không phải chỉ riêng ở Bệnh viện Nhi đồng 1 mà ở tất cả các bệnh viện khác. Mức lương CNTT của nhân sự tại bệnh viện so với mặt bằng chung bên ngoài là quá thấp.

Sở Tài chính có đề nghị dùng quy chế chi tiêu nội bộ để bù đắp, tuy nhiên bà Tuyết nhận định, muốn làm được thứ nhất phải có tiền. Thứ hai, nếu có tiền thì cũng phải cân đối giữa các bộ phận với nhau. Thu nhập của CNTT không thể nhiều gấp 2-3 lần lương bác sĩ, đặc biệt là với các chuyên gia đầu ngành. Bởi bệnh nhân khi vào viện, điều đầu tiên là phải tiếp cận với bác sĩ, chẩn đoán, điều trị hiệu quả. Còn CNTT được ứng dụng cho việc chăm sóc bệnh nhân thuận tiện hơn.

"Nếu đưa lên bàn cân hỏi bệnh nhân: Anh muốn điều trị cho khỏi bệnh hay anh muốn thuận tiện, chắc chắn 101% bệnh nhân trả lời rằng muốn hết bệnh.

Do đó, nếu trả lương cho đội ngũ CNTT bằng với thị trường chung, vượt quá 2-3 lần bác sĩ, chuyên gia về chuyên môn thì không thể chấp nhận được. Cho dù có tiền cũng không thể chấp nhận được trong môi trường bệnh viện" - bà Tuyết nói.

Không thể chấp nhận lương công nghệ thông tin gấp 2-3 lần bác sĩ - 4

Nhân viên y tế tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 chăm sóc bệnh nhi (Ảnh: Hoàng Lê).

Về mặt đầu tư hạ tầng dữ liệu, CNTT, bà Tuyết cho rằng nếu giao hẳn và đổ hết gánh nặng chi đầu tư cho các bệnh viện thì e rằng các đơn vị lo không nổi, vì hiện nay CNTT chưa có trong cơ cấu giá. Các bệnh viện dù đã tự chủ chi thường xuyên nhưng chi đầu tư vẫn phải dựa vào ngân sách Nhà nước.

Bà Tuyết mong các Sở Ban ngành có sự tham mưu cho UBND TPHCM, HĐND TPHCM để kiến nghị xây dựng kế hoạch tổng thể, phân kỳ, để cho các bệnh viện có được sự đầu tư toàn cục, từ đó TPHCM mới có thể triển khai về y tế thông minh.