Cảnh báo số ca tái nhiễm Covid-19 tăng, nguy cơ dịch chồng dịch

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, dịch Covid-19 tại nước ta đang có diễn biến phức tạp trở lại khi biến chủng mới xuất hiện. Số ca mắc tăng cao và có xu hướng tiếp tục tăng, điều này làm tăng mối lo ngại quá tải hệ thống y tế, nhất là trước nguy cơ dịch chồng dịch như hiện nay.

Số ca mắc Covid-19 gia tăng trở lại

Theo Bộ Y tế, thời gian gần đây, số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam đang có xu hướng tăng trở lại. Liên tiếp trong 2 tuần qua, mỗi ngày cả nước ghi nhận hơn 1.000 ca mắc Covid-19 mới, trong đó, số ca nặng phải nhập viện thở oxy cũng tăng. Thông tin mới nhất từ Bộ Y tế cho thấy, trong ngày 15/8, cả nước ghi nhận thêm 1.695 ca Covid-19 mới, tăng hơn 200 trường hợp so với ngày trước đó. Trong ngày, số bệnh nhân nặng cũng tăng lên 124 trường hợp.

Ghi nhận từ các bệnh viện trong tuần đầu tháng 8 cho thấy, số ca mắc Covid-19 phải nhập viện tăng. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khoảng 80 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị, trong đó, hơn 10 bệnh nhân thở máy và 1 số trường hợp có bệnh nền. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, nếu như thời gian trước có khoảng 40 - 50 giường bệnh điều trị cho bệnh nhân Covid-19, thì đến thời điểm này lên đến 80 giường.

Còn tại Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) có gần 30 bệnh nhân Covid-19. Các ca bệnh nặng đa số là người cao tuổi, người có bệnh nền, thường là những người đã tiêm 2 - 3 mũi vaccine và chưa mắc Covid-19. Ngoài ra, cũng có một số trường hợp nhập viện liên quan đến vấn đề về phổi do Covid-19 nhưng không nặng như trước đây.

“Số ca F0 có tăng, nhưng tình trạng bệnh nhân nặng không tăng cao. Ngay tuần đầu tháng 8, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 6 - 8 bệnh nhân Covid-19 mới, đa số là những bệnh nhân có bệnh nền cần phải theo dõi, chăm sóc y tế. Hiện, cũng có một số bệnh nhân nặng phải thở máy, có bệnh nhân phải thở máy xâm nhập, thở oxy dòng cao" - bác sĩ Đặng Trung Anh - Bệnh viện Điều trị bệnh nhân Covid-19 cho biết.

Tại một số cơ sở ở Hà Nội đang điều trị Covid-19 có cả bệnh nhi, trường hợp trẻ tuổi và hầu hết đều là tái nhiễm và chưa tiêm mũi 4.
Tại một số cơ sở ở Hà Nội đang điều trị Covid-19 có cả bệnh nhi, trường hợp trẻ tuổi và hầu hết đều là tái nhiễm và chưa tiêm mũi 4.

Còn tại một số cơ sở ở Hà Nội đang điều trị Covid-19 có cả bệnh nhi, trường hợp trẻ tuổi và hầu hết đều là tái nhiễm và chưa tiêm mũi 4. Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, thời gian qua đã ghi nhận nhiều trường hợp tái nhiễm Covid-19 lần 2, thậm chí là lần 3.

Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hường - Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn, giai đoạn gần đây số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 đến viện thăm khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn tăng gấp nhiều lần so với trước, cao điểm có ngày ghi nhận hơn 20 bệnh nhân. Các ca mắc ở mọi đối tượng từ trẻ em đến người già. Đa phần các bệnh nhân đều đã tiêm vaccine Covid-19 từ 2 mũi trở lên. Đáng lưu ý, nhiều trường hợp dù triệu chứng Covid-19 tương đối nhẹ nhưng bệnh nền lại khởi phát nặng đến mức phải nhập viện.

“Trong bối cảnh hiện nay, người dân cần đeo khẩu trang, Đặc biệt, những người già, người có bệnh nền…càng cần phải chú ý bảo vệ sức khỏe” - bác sĩ Nguyễn Thu Hường khuyến cáo.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, những ngày gần đây thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân mắc Covid-19 nhập viện, cao điểm có những ngày lên tới hơn 20 trường hợp. Hầu hết được chuyển từ tuyến huyện hoặc các bệnh viện chuyên khoa.

“Đa số bệnh nhân vào viện trong thời gian gần đây là những bệnh nhân cao tuổi, có các bệnh lý nền. Ở nhà, những bệnh nhân này có các triệu chứng về đường hô hấp, sốt nhưng điều trị ở nhà không hiệu quả nên họ phải vào viện. Hoặc những người có triệu chứng khó thở, tự đo nồng độ oxy xuống thấp, họ phải nhập viện ngay” - bác sĩ Trần Ngọc Anh - Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết.

Ngoài ra, hiện tại các trạm y tế (TYT) của Hà Nội cũng ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng đột biến được thông báo trực tiếp tại TYT với các triệu chứng sốt cao, đau họng. Đa phần các bệnh nhân đều được điều trị tại nhà, tư vấn và nhận thuốc online tại TYT. Những bệnh nhân có bệnh lý nền, nguy cơ cao đều được tư vấn chuyển viện.

Hiện, Việt Nam đã ghi nhận thêm các biến thể mới tại các tỉnh phía Nam, các biến thể này bắt đầu chiếm ưu thế. Trong khi số ca mắc cũng như số ca chuyển nặng có xu hướng tiếp tục tăng. Điều này làm tăng mối lo ngại quá tải hệ thống y tế, nhất là trước nguy cơ dịch chồng dịch do một số bệnh dịch lưu hành khác như cúm, sốt xuất huyết,… đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...).

Xây dựng tình huống ứng phó dịch Covid-19

Theo các chuyên gia y tế, người từng mắc Covid-19 có thể tái nhiễm, đặc biệt là khi virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi. Người bệnh tái nhiễm vẫn có nguy cơ lây cho người khác do quá trình nhân lên của virus vẫn lặp lại.

Cụ thể, sau khi tiêm phòng hoặc mắc Covid-19, cơ thể chúng ta sẽ có kháng thể, nhưng do lượng kháng thể này sẽ giảm dần sau các mốc thời gian một tháng, 2 tháng, 3 tháng và đặc biệt sẽ giảm mạnh sau 3 tháng và xuống thấp sau 6 tháng. Về lý thuyết, trong 3 tháng đầu tiên, cơ thể sẽ được bảo vệ tốt hơn nhưng điều đó lại không đúng với chủng Omicron hiện nay.

Cán bộ trạm y tế phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng hướng dẫn người bệnh điều trị Covid-19.
Cán bộ trạm y tế phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng hướng dẫn người bệnh điều trị Covid-19.

Đề cập đến vấn đề tái nhiễm Covid-19, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường và đang gia tăng trở lại ở nước ta và trên thế giới. Nguyên nhân khiến số ca mắc tăng trở lại là do các chủng mới của SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh, đặc biệt là BA.4, BA.5. Ngoài ra, thế giới đang nới lỏng việc đi lại. Một số người chủ quan, không đeo khẩu trang, khử khuẩn không gắt gao như trước, đây là yếu tố khiến số ca tăng lên.

Đặc biệt, vấn đề hiện nay chúng ta cần quan tâm là miễn dịch cộng đồng đang giảm. Đặc thù của miễn dịch Covid-19 khác với các loại miễn dịch khác. Có những bệnh như sởi, miễn dịch suốt đời, chỉ một lần mắc sởi là không bao giờ mắc lại. Nhưng Covid-19 lại khác, sau lần mắc đầu tiên một thời gian, khi miễn dịch giảm, sẽ có khả năng mắc tiếp. Miễn dịch của tiêm vaccine phòng Covid-19 cũng vậy, sẽ hết trong vòng vài tháng.

Để phòng tránh tái nhiễm Covid-19, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng: “Dịch Covid-19 vẫn lây theo đường hô hấp, theo giọt bắn, nguy cơ cao là môi trường kín, tiếp xúc gần và đám đông. Vì vậy, biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là dự phòng cá nhân và tiêm vaccine các mũi nhắc lại. Người dân cũng cần thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát dịch có hiệu quả, đúng theo Nghị quyết 128, nới lỏng nhưng không buông lỏng".

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, chúng ta thực hiện thích ứng linh hoạt nhưng vẫn phải đeo khẩu trang ở những nơi có nguy cơ cao vì nguy cơ lây nhiễm của Covid-19 vẫn là môi trường kín, tiếp xúc gần, đám đông. Người có triệu chứng nghi ngờ không nên tiếp xúc với người lành đặc biệt là với trẻ em chưa tiêm vaccine, người già, người có bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch vì họ khi bị nhiễm thường có diễn biến nặng phải nhập viện gây quá tải hệ thống y tế và dễ tử vong.

“Vaccine phòng chống Covid-19 hiện nay vẫn có hiệu quả kể cả với chủng mới nên việc tiêm vaccine là rất quan trọng. Do đó, việc tiêm các mũi cơ bản và bổ sung, mũi nhắc lại rất cần thiết, đặc biệt là với các đối tượng có nguy cơ cao” - PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Bộ Y tế vừa có Tờ trình Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Trong đó, Bộ Y tế đề xuất tiếp tục coi Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A và chưa công bố hết dịch Covid-19.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, việc chuyển phân loại bệnh truyền nhiễm từ nhóm A sang nhóm B đối với Covid-19 có những thách thức như: Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và các văn bản hướng dẫn liên quan, có nhiều quy định khác biệt cần phải điều chỉnh giữa bệnh truyền nhiễm nhóm A và bệnh truyền nhiễm nhóm B như về giám sát tại cửa khẩu, tại cộng đồng; kiểm soát ra, vào vùng có dịch, công bố dịch; phòng lây nhiễm tại cơ sở khám, chữa bệnh; cách ly y tế; điều trị miễn phí; vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm và sử dụng vaccine trong tình trạng khẩn cấp.

Để tiếp tục chủ động phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, trong thời gian tới, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, TP chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên rà soát số liệu và báo cáo kịp thời, không để tình trạng báo cáo bổ sung số ca mắc với số lượng lớn dẫn đến không phản ánh đúng tình hình dịch, khó khăn cho việc nhận định, dự báo, đánh giá tình hình dịch.

 

Bộ Y tế lưu ý các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh; tiếp tục thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không để bùng phát trở lại. Trong đó, đặc biệt tập trung đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 và đảm bảo thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế và nhân lực y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch. Bộ tiếp tục bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới.