Siêu pháo 'không đạn' viện trợ cho Ukraine hé lộ thực trạng quân đội Đức

Báo Tin Tức TTXVN

Đức trang bị rất thiếu cho các hoạt động quân sự, mặc dù sở hữu một trong những nền công nghiệp quốc phòng lớn nhất thế giới, với xuất khẩu vũ khí trị giá 9,35 tỷ euro năm 2021.

Pháo tự hành Gepard (Con báo) của Đức.

Bốn tuần trước, Đức đã đồng ý gửi hàng chục pháo phòng không tự hành để hỗ trợ Ukraine đối đầu với Nga trong một quyết định mà họ gọi là bước ngoặt sau nhiều thập kỷ kiềm chế quân sự. Berlin cho biết họ có thể chuyển giao những siêu pháo tự hành Gepard đầu tiên vào tháng 7.

Đó là một lịch trình quá chậm - một nghị sĩ Ukraine phàn nàn hôm 24/5, trong bối cảnh các lực lượng Nga đang dồn dập tấn công ở miền đông và nam Ukraine.

Nghị sĩ Anastasia Radina nói với Reuters tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (DAVOS) 2022: “Để tôi ví dụ thế này: Hãy hỏi một người mẹ buộc phải ngồi trong tầng hầm với đứa con mới sinh không có sữa bột. Tháng 7 với cô ấy lâu đến chừng nào?”

Kiev đang ngày càng khẩn thiết xin trợ giúp vũ khí hạng nặng sau khi Moskva chuyển hướng hỏa lực sang miền đông và nam Ukraine. Nhưng một trong những lý do khiến Đức trì hoãn là do thiếu đạn dược – theo các nguồn tin trong ngành và đại sứ Ukraine. Thực tế này đã hiển hiện với Berlin khi nước này lần đầu tiên đưa ra cam kết.

Theo số liệu của chính phủ, Đức trang bị rất thiếu cho các hoạt động quân sự, mặc dù sở hữu một trong những nền công nghiệp quốc phòng lớn nhất thế giới, với xuất khẩu vũ khí trị giá 9,35 tỷ euro vào năm 2021.

Cung cấp vũ khí cho Ukraine "chỉ có ý nghĩa khi có đạn dược đi cùng - điều đó đã rõ ràng đối với mọi người ngay từ đầu" - một nguồn tin giấu tên trong ngành nói với Reuters.

Khi được yêu cầu bình luận về việc thiếu đạn dược, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức cho biết chính phủ sẽ hỗ trợ nếu có thể. Hôm 20/5, Berlin cho biết họ đã tìm thấy kho đạn và sẽ gửi pháo phòng không cho Ukraine. Nhưng khi được hỏi làm thế nào tìm thấy đủ đạn dược, Bộ này không trả lời.

Xem video pháo phòng không tự hành Gepard của Đức khai hỏa.

Vài giờ sau khi Moskva phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" vào ngày 24/2, Tổng tư lệnh quân đội Đức cho biết trên LinkedIn rằng ông "chán ngấy" với việc Đức bỏ bê quân đội, và rằng quân đội Đức đang giống như “tay không”.

Để khắc phục điều đó, vào ngày 27/2, Thủ tướng Olaf Scholz đã có bước ngoặt quan điểm, cam kết một quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ euro (107 tỷ USD) cho quốc phòng.

Nhưng đó không phải là một phản ứng tự phát đối với cuộc xung đột Ukraine, các nguồn tin quốc phòng nói với Reuters rằng kế hoạch nói trên thực sự dựa trên một đề xuất của Bộ Quốc phòng được đưa ra từ nhiều tháng trước đó, trong các cuộc đàm phán để thành lập liên minh cầm quyền.

Theo Reuters, tài liệu này cho biết quân đội Đức (Bundeswehr) sẽ cần khoảng 102 tỷ euro để đảm bảo kinh phí cho các dự án quốc phòng lớn tới năm 2030, và đề xuất một quỹ đặc biệt ngoài ngân sách thông thường.

Kể từ khi hứa viện trợ pháo Gepard, Berlin cũng đã cam kết cung cấp nhiều vũ khí hạng nặng hơn cho Ukraine. Ở trong nước, họ đặt mục tiêu sử dụng quỹ đặc biệt để thúc đẩy chi tiêu quốc phòng trong vòng 4-5 năm, đưa chi tiêu lĩnh vực này lên mức 2% GDP mà NATO yêu cầu. Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), điều đó sẽ khiến Đức trở thành nước chi tiêu quân sự lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Trung Quốc.

Đức không còn sử dụng loại pháo này nữa và có rất ít đạn dược, vốn cần được sản xuất đặc biệt. Ảnh: DW

Strack-Zimmermann, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (FDP) một đối tác trong liên minh ba bên của Thủ tướng Scholz, cho biết: "Chúng tôi được yêu cầu thể hiện vai trò lãnh đạo quân sự ngay lúc này. Đây là một sự thay đổi trong tâm lý mà người Đức phải thích nghi".

10 năm cho một chiếc mũ bảo hiểm

Sau hai cuộc chiến tranh thế giới, Đức cố gắng tránh xa các cuộc đối đầu. Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, người dân Đức thấy như "được bao quanh bởi bạn bè" – theo lời một ngoại trưởng nói vào năm 1997. Cơ sở chính trị tập trung vào thương mại, đến mức nước này phụ thuộc vào một nửa nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga.

Ở trong nước, quân đội Đức vẫn đang chờ đợi những chiếc mũ bảo hiểm mà họ yêu cầu từ năm 2013, loại đã được lực lượng Mỹ sử dụng vào những năm 1990. Bà Eva Hoegl, Ủy viên Ủy ban Quân lực Hạ viện Đức, cho biết: “Điều đó có nghĩa là Đức mất 10 năm để mua một chiếc mũ bảo hiểm sẵn có trên thị trường và đã được sử dụng ở Mỹ”.

Quân đội Đức, Bundeswehr, không có một lữ đoàn (khoảng 5.000 quân) sẵn sàng chiến đấu nào để bảo vệ lãnh thổ. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu chỉ sở hữu 1/10 trong số 3.500 xe tăng chiến đấu chủ lực mà nước này có vào những năm 1980. Các đội máy bay chiến đấu và tàu ngầm của nước này chỉ mang 1/4 sức mạnh thời Chiến tranh Lạnh.

Quân đội Ukraine đang khẩn thiết xin viện trợ vũ khí hạng nặng cho cuộc chiến ở miền đông nam.

Trong những năm mà Đức phải cung cấp một lữ đoàn cho lực lượng phản ứng nhanh của NATO, thì các binh sĩ của họ phải mượn thiết bị từ các đơn vị khác.

Ngay sau khi Nga tấn công Ukraine, quan chức cấp cao Bộ quốc phòng, Phó Đô đốc Carsten Stawitzki, đã mời các nhà sản xuất vũ khí dự một cuộc họp vào ngày 28/2, thảo luận về cách tăng cường khả năng sẵn sàng quân sự để bảo vệ nước nhà - theo một bức thư được Reuters tiết lộ.

Một nguồn tin trong ngành nói với Reuters: “Ông ấy nói rõ rằng chúng tôi phải sẵn sàng đẩy mạnh sản xuất với dự kiến khối lượng lớn và nhiều đơn đặt hàng sẽ đến”.

Nhưng hai nguồn tin quốc phòng nói với Reuters rằng đến nay điều đó vẫn chưa thành hiện thực. "Chúng tôi chưa có đơn đặt hàng nào", một nguồn tin khác trong ngành cho biết, "Ở Đức, chiến tranh không ảnh hưởng đến các thủ tục mua sắm quốc phòng."

Trong khi đó, các nhà ngoại giao Ukraine kêu gọi vũ khí của Đức đang nhận được nhiều thông điệp trái chiều. Kiev đã yêu cầu Đức gửi pháo phòng không tự hành Gepard từ khi bắt đầu chiến tranh, nhưng Berlin từ chối.

Vào ngày 26/4, Mỹ đã tiếp đón hơn 40 quốc gia tại một căn cứ không quân ở thị trấn Ramstein của Đức, để đàm phán về việc giao vũ khí cho Kiev. Đó là ngày Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết Berlin đã chấp thuận chuyển giao pháo Gepard: "Đây chính xác là những gì Ukraine cần vào lúc này để bảo vệ không phận của mình", bà Christine nói với các phóng viên.

Thông báo được Đại sứ Ukraine Melnyk cho biết vào ngày 27/4 là một bất ngờ lớn vì Berlin đã nói rằng không có đủ đạn dược.

Gepard là một hệ thống cũ mà chỉ một số quốc gia vẫn đang sử dụng. Đức đã bán những chiếc Gepard cuối cùng cách đây một thập kỷ nên họ không có nhu cầu phải tích trữ đạn dược. Loại pháo phòng không này hiện thuộc sở hữu của công ty quốc phòng đã chế tạo chúng, KMW.

Hầu hết các loại vũ khí hạng nặng mà các nước NATO gửi đến Ukraine cho đến nay là vũ khí do Liên Xô chế tạo vẫn còn trong kho của các nước thành viên NATO ở Đông Âu. Tuy nhiên gần đây một số đồng minh đã bắt đầu cung cấp lựu pháo do phương Tây sản xuất.

Hôm 6/5, Bộ trưởng Quốc phòng Lambrecht cho biết Đức cũng sẽ gửi 7 pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 tới Ukraine. Đây là một trong những loại pháo mạnh nhất trong kho vũ khí của Bundeswehr và có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 40 km.

Berlin cho biết, số pháo này lấy từ kho dự trữ của Bundeswehr và sẽ được giao trong những tuần tới. Việc huấn luyện quân đội Ukraine cũng đã bắt đầu ở Đức vào đầu tháng này và Berlin sẽ cung cấp một gói đạn dược ban đầu, sau đó, việc mua thêm sẽ được tiến hành giữa Kiev và ngành công nghiệp.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Reuters)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so-quan-su/sieu-phao-khong-dan-vien-tro-cho-ukraine-he-lo-thuc-trang-quan-doi-duc-20220527114307127.htm