Gạc Ma - Trường Sa mãi mãi khắc ghi

14/03/2022 04:15 GMT+7

Những ngày tháng ba, hàng ngàn người có mặt tại khu tưởng niệm Gạc Ma , xã Cam Hải Đông (H.Cam Lâm, Khánh Hòa) lặng lẽ dâng hương, tưởng nhớ các anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc.

Tại đây, từng dòng người nghiêm trang, lặng lẽ dâng hoa, thắp những nén hương thơm tưởng nhớ 64 liệt sĩ. Cũng trong ngày, Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, thân nhân liệt sĩ và nhiều người đến viếng đã cùng nhau làm giỗ chung cho 64 liệt sĩ. Trên mâm cơm, những sản vật quê hương đất Việt được bày biện, mời hương hồn các anh.

Lãnh đạo Liên đoàn lao động Việt Nam và tỉnh Khánh Hòa dâng hương viếng 64 anh hùng liệt sĩ

Thế Quang

Sự hy sinh cao cả

Nhắc đến ngày 14.3.1988, ai cũng nhói lòng. Ngày này, khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng, 64 chiến sĩ của chúng ta đã anh dũng hy sinh ở tuổi đời còn rất trẻ, chỉ trong ngoài đôi mươi. Để tưởng nhớ những người đã ngã xuống, khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã được xây dựng trên khu đất cao ráo rộng hơn 25.000 m2 ở phía đông Đại lộ Nguyễn Tất Thành, tại xã Cam Hải Đông, H.Cam Lâm. Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 7.2017. Khu tưởng niệm mang nhiều ý nghĩa về lòng tri ân, là địa chỉ thiêng liêng để giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ sau.

Nhiều người dân đến dâng hương tại Khu tưởng niệm Gạc Ma, tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ

Hơn 30 năm đã trôi qua, nhưng ký ức bi tráng về 64 anh hùng vẫn sống mãi trong trái tim những người VN. Nhiều người đến đây đều thầm nghĩ, kể từ nay, các anh đã có “mái nhà chung” để quây quần bên nhau. Bà Nguyễn Thị Anh, Phó giám đốc Ban quản lý khu tưởng niệm Gạc Ma, cho biết hai ngày qua có hàng ngàn người đến khu tưởng niệm thắp hương, dâng hoa. Từ khi đưa vào hoạt động tới nay hơn 1.000 đoàn với gần 300.000 lượt khách đến thăm viếng. Nhiều trường học trong tỉnh cũng thường đưa học sinh, sinh viên đến đây dâng hương, hoa để giáo dục cho các em biết ghi nhớ lịch sử đã qua.

Trước đó, trong chuyến công tác đến Khánh Hòa, vào chiều 12.3 Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn lãnh đạo Chính phủ đã tới dâng hương tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Ghi trong sổ lưu niệm tại khu tưởng niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính viết: “Đây là những tấm gương đã anh dũng quên mình hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Những tấm gương chói sáng ấy luôn là minh chứng của chủ nghĩa anh hùng, tô thắm thêm truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam”.

Xúc động bức thư liệt sĩ viết cho chị gái

Năm nào cũng vậy, bà Nguyễn Thị Hường (60 tuổi, xã Trường Sơn, H.Đô Lương, tỉnh Nghệ An) lại một mình bắt xe khách từ miền quê nghèo Nghệ An vào Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma để làm giỗ cho người em trai là liệt sĩ Nguyễn Tất Nam (sinh năm 1967) và 63 liệt sĩ khác.

Nhắc lại chuyện cũ, mắt bà Hường bỗng nhòa lệ. Đã 34 năm trôi qua nhưng những hình ảnh về người em trai hiền lành, chất phác vẫn luôn hiện về trong tâm trí bà. Bà kể, Nam là con thứ hai trong gia đình có ba người con. Là chị cả trong nhà, mẹ lại mất sớm, bà Hường chăm lo cho các em. “Là chị nhưng Nam nó xem tôi như mẹ vậy, có chuyện gì hai chị em cũng tâm sự, chia sẻ với nhau. Nam nó thương tôi lắm”, bà Hường nghẹn ngào.

Theo bà Hường, ở một vùng quê nghèo, học hành lại không đến nơi đến chốn nên Nam muốn đi bộ đội, sau đó phấn đấu để có thể tìm được một công việc dễ dàng hơn. Đến đầu năm 1985, chàng trai trẻ Nguyễn Tất Nam nhập ngũ và được chuyển vào hải quân nhận nhiệm vụ. Bà Hường không ngờ rằng lần tiễn em lên xe lại là lần cuối cùng hai chị em được gặp nhau. “Hôm đó trời rất lạnh, Nam lên xe rồi mới thấy tôi đứng dưới, thương chị chịu rét nên đã cởi chiếc áo len đang mặc nhờ một người bạn đưa xuống cho tôi rồi ngồi thụp xuống. Nam sợ nếu đưa trực tiếp thì tôi sẽ khóc”, bà Hường nhớ lại.

Sau khi em trai đi bộ đội, hai chị em vẫn thường xuyên biên thư hỏi thăm tình hình sức khỏe, công việc, cuộc sống của nhau. Ngày cuối bà Hường nhận được thư của em trai là ngày 10.3.1988. Trong thư, liệt sĩ Nam viết rằng sức khỏe của mình vẫn tốt, công việc cũng không vất vả lắm. “Nói chung em chỉ nhớ về gia đình mà đã xa 3 năm nay chưa được gặp cha, chị và các em, nhớ cả cháu Quang (con bà Hường - PV) mà không biết làm sao cả. Chỉ mong cho hết nghĩa vụ để về thăm gia đình”, thư có đoạn viết. Anh cũng cho biết đợt này tàu của anh lại đi vận chuyển hàng cho quần đảo Trường Sa và động viên gia đình đừng lo lắng: “Nói chung năm nào tàu chúng em cũng tham gia vận chuyển hàng... Tàu của em là tàu vận tải, chỉ việc vận chuyển hàng ra cho đảo chứ không có việc gì mà chị phải lo cả. Em nói thế chắc chị hiểu và chị nói với cha, không cha nghe đài báo nói cha lại lo cho con mình đang đi ở ngoài đảo”.

3 ngày sau khi viết thư gửi về gia đình, anh Nam đã hy sinh anh dũng khi bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Và bức thư được bà Hường giữ bên người như một kỷ vật không thể mòn phai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.