Trung Quốc còn lại gì sau khi chứng kiến 'nghĩa địa xe đạp', một ngành vốn bùng nổ liệu đã lụi tàn?

05/12/2021 10:28 AM | Kinh doanh

Dường như sau cuộc chiến của Ofo và Mobike cách đây hơn 5 năm, ngành này lại càng ổn định hơn khi các công ty như Qingju, Meituan và Hello đã chiếm lĩnh thị trường.

Mỗi sáng từ 8-9 giờ, người đi làm ở các thành phố trên khắp Trung Quốc bước ra khỏi ga tàu điện, rút điện thoại để quét mã QR và thuê một chiếc xe đạp để di chuyển vài trăm mét đến nơi làm việc.

Vào giờ cao điểm, hàng chục đến hàng trăm chiếc xe đạp được xếp dọc vỉa hè bên ngoài hầu hết các trung tâm trung chuyển lớn. Để đáp ứng nhu cầu, các công ty cho thuê xe đạp sử dụng đội xe tải để vận chuyển xe đạp từ khắp thành phố trở lại ga tàu điện, đôi khi vài lần mỗi ngày.

Các công ty cho thuê xe đạp này vẫn đang sống trong "cuộc chiến xe đạp". Đây là một cuộc chiến kéo dài, được hậu thuẫn bởi dòng vốn mạo hiểm, là sự cạnh tranh giữa Ofo và Mobike diễn ra từ năm 2016 đến 2017.

Cả 2 công ty này đều muốn trở thành "Uber" của ngành cho thuê xe đạp. Họ đã chi hàng trăm triệu đô để cạnh tranh xem bên nào có thể xây dựng đội xe đạp lớn nhất và nhận được nhiều tiền của người dùng nhất.

Đối với người tiêu dùng, cuộc chiến này mang lại lợi ích cho họ. Họ được hưởng lợi khi phí thuê xe cạnh tranh, khi các chương trình giảm giá liên tục được áp dụng. Hơn nữa, khắp thành phố cũng có rất nhiều xe đạp. Song, đối với những cơ quan quản lý, số lượng lớn xe đạp lại là cơn ác mộng vì làm tắc nghẽn vỉa hè và gây bất tiện cho người đi bộ.

Tháng 8/2017, Bộ Giao thông và Vận tải Trung Quốc cùng 10 cơ quan khác đã ban hành các quy tắc mới. Họ yêu cầu giới chức đô thị và doanh nghiệp quản lý bãi đậu xe đạp, tiêu chuẩn hóa các dịch vụ và đảm bảo an toàn cho tiền gửi của người dùng.

 Trung Quốc còn lại gì sau khi chứng kiến nghĩa địa xe đạp, một ngành vốn bùng nổ liệu đã lụi tàn? - Ảnh 1.

Ngành cho thuê xe đạp sau đó đột ngột trải qua cơn khủng hoảng. Hàng chục triệu chiếc xe đạp "biến mất" khỏi các con phố. Cuối cùng, cả 2 công ty đều thua lỗ, ôm những khoản nợ lớn và những "nghĩa địa" xe đạp xuất hiện.

Tuy nhiên, sự vấp ngã của Ofo và Mobike vẫn không khiến ngành cho thuê xe đạp ở Trung Quốc biến mất.

Dường như sau cuộc chiến đó, ngành này lại càng ổn định hơn khi các công ty như Qingju, Meituan và Hello đã chiếm lĩnh thị trường. Theo một báo cáo năm 2020 do cơ quan dữ liệu EqualOcean phát hành, 3 công ty này đã hoạt động ở 400 thành phố và có hàng chục triệu người dùng hoạt động mỗi tháng.

Với lượng xe đạp được di chuyển trên vỉa hè ít hơn và rất ít sự cạnh tranh từ những công ty nhỏ hơn, việc quản lý đội xe đã trở thành một "ván cờ vua". Công ty càng có nhiều xe, thì chi phí hoạt động của họ càng và tạo sự chú ý cho các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, nếu không triển khai đủ lượng xe, người dùng có thể sẽ ngừng sử dụng dịch vụ vì khó tìm xe khi họ cần.

Theo đó, các công ty buộc phải cải thiện kỹ thuật quản lý và điều động xe. Một phần của "ván cờ vua" này là yêu cầu người dùng đậu xe đúng cách sau khi sử dụng. Các công ty cho thuê xe đạp đã phát triển nhiều giải pháp cho vấn đề này, như sử dụng công nghệ định vị để chỉ dẫn đường xung quanh khu vực đậu xe.

Người dùng có thể xác nhận xem họ có đỗ xe trong khu vực được phép sau khi đi xe hay không. Nếu không, họ sẽ bị tính thêm phí, người vi phạm nhiều lần có thể không được sử dụng các ưu đãi sau này.

 Trung Quốc còn lại gì sau khi chứng kiến nghĩa địa xe đạp, một ngành vốn bùng nổ liệu đã lụi tàn? - Ảnh 2.

Đương nhiên, tuân thủ quy định là điều quan trọng, nhưng mối quan tâm thực sự của các công ty này vẫn là lợi nhuận. Hiện tại, hầu hết các dịch vụ cho thuê xe đạp ở Trung Quốc có giá 1,5 tệ/phút, giá rẻ hơn nếu người dùng đăng ký thành viên. Tại Hello, phí bảo dưỡng xe là 0,3 tệ/ngày. Về lý thuyết, 1 người đạp xe 1 lần/ngày sẽ giúp công ty này kiếm được lợi nhuận.

Tuy nhiên, mức sinh lời vẫn thấp và không tính đến các chi phí hoạt động khác, như R&D hay marketing. Các công ty này nghĩ ra một giải pháp mới: chia sẻ xe đạp điện. Giá thuê xe đạp điện đắt hơn so với xe thông thường, nhưng giúp người dùng đi được quãng đường xa hơn.

Giới chức đô thị nước này vẫn chưa quen với sự phức tạp của cuộc chiến xe đạp và cũng khá thờ ơ với tiềm năng của xe đạp điện. Ngoài các vấn đề về an toàn giao thông đường bộ thông thường, giới chức các thành phố lo ngại về tác động của xe đạp điện với hệ thống taxi và phương tiện giao thông công cộng.

Xe đạp đi thuê rất phù hợp với những người đi làm chỉ cách bến xe buýt hoặc tàu vài trăm mét. Song, việc xe đạp điện có mặt ở khắp nơi có thể khiến phương tiện giao thông công cộng trở nên lỗi thời.

Vu Lam

Cùng chuyên mục
XEM