Thứ tư, 20/10/2021, 09:38 (GMT+7)

Giám đốc quỹ đầu tư mạo hiểm 9x: ‘Nhất định phải đẹp có học thức’

Lê Hàn Tuệ Lâm là một trong 30 người trẻ được Forbes đánh giá có sức ảnh hưởng tới dòng vốn tại châu Á. Trong mắt "định giá" của cô gái sinh năm 1994 này, phụ nữ đẹp không chỉ nhờ vào hình thức.

Giám đốc quỹ đầu tư Nextrans Việt Nam, Lê Hàn Tuệ Lâm, chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với VnExpress. Ảnh: Ngọc Thành

Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc quỹ đầu tư Nextrans Việt Nam, là một trong ba người Việt góp mặt trong danh sách 300 tài năng dưới 30 tuổi trong nhiều lĩnh vực ở châu Á do Forbes lựa chọn.

Lâm cũng là một trong những giám đốc quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital - VC) trẻ nhất tại Việt Nam khi phụ trách quỹ Nextrans Việt Nam từ năm 26 tuổi. Quỹ đầu tư mạo hiểm này hoạt động chủ yếu ở ba thị trường Hàn Quốc, Mỹ và Việt Nam với danh mục quản lý hơn 70 công ty trong nhiều lĩnh vực. Trước đó, cô từng là một trong những thế hệ đầu đời của startup Base và hỗ trợ đắc lực cho startup này trong tất cả vòng gọi vốn.

Trong giới khởi nghiệp, Lâm để lại ấn tượng như một "bông hồng có gai" thông minh, sắc sảo và luôn nhiệt huyết chia sẻ cho cộng đồng startup. Chương trình VCFP do Lâm và Nextrans xây dựng, được giới startup đánh giá rất có ý nghĩa, đặc biệt với founders khi làm việc và đàm phán với các quỹ đầu tư. VCFP là chiếc cầu nối giúp startup hiểu được ngôn ngữ của quỹ đầu tư và tránh được những "vết xe đổ" của người đi trước.

Cô cũng là nữ giám khảo duy nhất góp mặt trong cuộc thi Tìm Kiếm Giải pháp Chuyển đổi số Quốc gia (Viet Solutions) năm 2020 và 2021.

Sắc đẹp từ sự tự tin của phụ nữ

- Công việc của Lâm chuyên định giá startup. Còn về khía cạnh cuộc sống, Lâm "định giá" như thế nào là một người phụ nữ đẹp?

-Lâm luôn nhớ lời mẹ dặn: "Khi con đẹp người ta sẽ ngắm con, khi con giỏi người ta sẽ nghe con. Vậy nên nếu muốn là trung tâm trên sân khấu, con nhất định phải đẹp có học thức".

Lâm tin rằng chữ đẹp để tả một người phụ nữ không giới hạn ở vẻ bề ngoài, mà đi sâu vào tâm hồn và nhân cách. Đẹp mà nhìn thấy ngay thì có thể chỉ là vẻ đẹp thoáng qua, nhưng đẹp có hiểu biết, học thức sẽ để lại ấn tượng khó quên. Có một vài phụ nữ "đẹp" mà Lâm rất thích, chẳng hạn như Emma Waston, Ivanka Trump, Sheryl Sandberg.

Hay như trong giới tài chính của Lâm cũng có rất nhiều "chị đẹp" tài sắc vẹn toàn, mà điển hình có thể kể đến Ruth Porat, CFO của Google.

Thực ra Lâm thấy người phụ nữ nào tự tin cũng đẹp. Bất kể ở độ tuổi nào, vị trí nào, sau cùng sắc đẹp bắt nguồn từ mức độ tự tin của mỗi phụ nữ thôi.

Ảnh: Ngọc Thành.

- Là dân tài chính, Lâm quan niệm như thế nào về tiền bạc?

- Thực tế, Lâm từng đặt câu hỏi rất trực diện: Làm thế nào để kiếm được nhiều tiền?

Xuất phát điểm không sung túc nên câu hỏi này đã lái mọi hành động của Lâm từ ngày còn bé, từ việc quyết tâm vào trường chuyên, học ngành tài chính hay cho đến quyết định đầu tư chứng khoán.

Lâm hiểu rằng, "lãi suất kép" là kỳ quan của thế giới. Nếu làm 8 giờ một ngày hay kể cả dành nhiều thời gian hơn để kiếm thêm tiền, chúng ta khó giàu lên được. Thời gian là hàm đường thẳng, chúng ta cần hàm mũ. Vì thế phải dùng tiền kiếm tiền, phải sở hữu công ty hoặc cổ phần để tài sản phình to hằng ngày.

Thực tế tiền bạc dù không phải lúc nào cũng là điều quan trọng nhất nhưng với nhiều người, đó vẫn là thước đo nhất định cho sự thành công. Một cách khách quan, sự giàu có là động lực phấn đấu của cả cá nhân và xã hội.

Nói gì thì nói, một quốc gia giàu mạnh là quốc gia có GDP cao, một công ty thịnh vượng có lợi nhuận tốt, những cá nhân có tầm ảnh hưởng nhất vẫn thường là các tỷ phú.

Với Lâm, tiền bạc cũng quan trọng chứ, chỉ là mọi thứ khi đạt đến ngưỡng đủ thì Lâm sẽ không lãng phí thời gian chạy theo tiền bạc.

Đủ ở đây là một cuộc sống đầy đủ, có thể ăn món mình thích, mua thứ mình cần, giúp đỡ người thân, bạn bè khi khó khăn. Cá nhân Lâm không có nhu cầu quá lớn về tiền bạc (thực tế Lâm cũng chẳng có nhiều thời gian mua sắm), nhưng nếu là giúp đỡ cộng đồng, làm từ thiện thì Lâm nghĩ có bao nhiêu cũng không đủ.

Lâm vẫn sẽ cố gắng kiếm thật nhiều tiền, nhưng là để giúp những người khác ngoài kia khó khăn hơn mình, lớn hơn có lẽ là giúp cả một thế hệ. Đó là điều Lâm suy nghĩ rất nghiêm túc trong nhiều năm qua.

Sau cùng, chúng ta cũng chỉ có 70-80 năm cuộc đời, ghi danh vào danh sách tỷ phú là con đường của một số ít người chứ không phải tất cả. Và với Lâm được ghi danh là một người sáng lập ra một ngành học, một chương trình nào đó có sức hấp dẫn hơn nhiều.

Dù vậy, Lâm nghĩ rằng lấy tiền bạc làm động lực phấn đấu chưa bao giờ là sai cả. Kim chỉ nam ấy khá thực tiễn và dễ đong đếm. Với những người trẻ, nếu chưa có mục tiêu rõ ràng thì tốt nhất hãy cứ lấy thu nhập cao làm mục tiêu, đạt được từng cột mốc rồi có thể thay đổi mục tiêu khác.

Ảnh: NVCC

- Là phụ nữ, Lâm chi nhiều tiền nhất vào đâu?

- Lâm thật không nhớ nổi mình đã chi bao nhiêu tiền cho sách, các chương trình, khoá học từ đại học đến giờ. Cứ thấy thứ gì hay ho là Lâm sẵn sàng mang hết tiền đi đóng học phí.

Giờ thì mình có thể thoải mái học bất cứ thứ gì mình muốn, nhưng lại không còn nhiều thời gian như hồi sinh viên hay mới ra trường.

Lâm chưa bao giờ tiếc tiền với việc học, có khi dồn cả mấy tháng lương tiết kiệm chỉ để học một khoá Modeling theo chuẩn Wall street tốn cả nghìn USD (từ hồi mới ra trường).

Nếu hỏi Lâm chi nhiều tiền nhất vào đâu chắc câu trả lời sẽ là: vào Lâm.

Bên cạnh đó thì Lâm cũng thường không tiếc tiền khi mua bất cứ thứ gì cho mẹ, người thân. Về cơ bản, Lâm không phải người thích mua sắm nên chỉ cần thoả mãn những nhu cầu cơ bản về ăn, mặc thì Lâm thường dành tiền mua sách, gửi về cho mẹ và đi làm từ thiện.

Chuyện startup gọi vốn và phụ nữ tìm đại gia

- Nhiều người hay ví câu chuyện startup tìm nhà đầu tư cũng giống như việc tìm bạn đời. Lâm thấy sao?

- Lâm đồng ý với quan điểm này. Nếu đã là "bạn đời" thì việc đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi quan trọng hơn nhiều so với chỉ tiền. Lâm thấy, việc gọi vốn cũng như mong muốn tìm "đại gia" vậy, đừng xem đó là đích đến.

Tuệ Lâm trong sự kiện kick-off chương trình VCFP. Ảnh: NVCC

Bạn đời bao giờ cũng là người quan trọng, không phải chỉ là chỗ dựa vật chất, đi xa được với nhau chắc chắn cần phải có sự chia sẻ, động viên về tinh thần.

Việc xây dựng một công ty phát triển thành công không phải chỉ là trách nhiệm của CEO hay nhân sự công ty, mà tất cả cổ đông, bao gồm cả những nhà đầu tư phải cùng nhau cố gắng hợp sức. Tại Nextrans, việc ngồi lại cùng các CEO trong danh mục để giúp đỡ họ đã trở thành văn hoá mà thành viên nào của quỹ cũng thấm nhuần.

- Theo quan sát của Lâm, Covid-19 đã tác động như thế nào tới thị trường startup?

- Đại dịch khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn nhưng vô hình chung cũng khiến nhiều startup trở nên thực sự tập trung hơn bao giờ hết. Họ không có lựa chọn nào khác - hoặc tập trung vượt qua hoặc chết.

Nếu trong điều kiện bình thường, họ có thể đi từ từ chậm rãi, thiếu vốn một chút có thể tìm nhà đầu tư hoặc vay ngân hàng. Nhưng trong điều kiện dịch bệnh, họ chỉ có "phao cứu sinh" duy nhất là chính họ. Trước dịch, nhiều doanh nghiệp thích các chỉ số bóng bẩy để tăng trưởng, họ đốt rất nhiều tiền vào chạy quảng cáo để tăng trưởng người dùng. Nhà đầu tư nhìn vào đấy có thể sẵn sàng rót vốn.

Nhưng trong dịch và sau dịch, startup không còn tiền nữa, làm gì có mà đốt? Muốn đốt, họ phải tìm cách tự kiếm tiền. Điều đó khiến startup tập trung hơn, nhanh nhẹn hơn.

Bởi vậy, Lâm thấy Covid-19 như một phép thử khiến học sinh giỏi phải lao ra ngoài kia giải bài toán thật thay vì giải bài toán trên giấy. Đó dường như là cuộc thanh lọc khiến thị trường mạnh khoẻ hơn.

- Bên cạnh yếu tố thị trường và con người, tố chất nào của startup theo Lâm là điểm cộng lớn nhất để quỹ đầu tư đồng hành cùng họ?

-Lâm cho rằng đó là "sự tập trung". Duy nhất một đối tượng mà công ty và đội ngũ cần tập trung chính là khách hàng. Họ không cần quan tâm nhiều tới nhà đầu tư hay đối thủ.

Nhà đầu tư hỏi báo cáo, startup có thể chưa cần trả lời. Nhưng khách hàng phản hồi điều gì họ phải nhảy vào ngay giải quyết, để làm hài lòng họ. Các nhà sáng lập cần tập trung vào khách hàng và thực ra không cần bận tâm quá nhiều tới việc tham gia sự kiện hay là đối thủ cạnh tranh.

Đấy là điểm chung các công ty trong danh mục của Nextrans đều có. Trong danh mục của Nextrans, thú thật, có những team rất ít khi tiếp chuyện với nhà đầu tư vì họ quá bận giải quyết với khách hàng. Nextrans chưa bao giờ khiển trách mà thậm chí khuyến khích họ như vậy. Chừng nào họ còn đặt trọng tâm vào khách hàng, công ty còn phát triển được.

- Làm việc với cả startup ở Mỹ và Việt Nam, Lâm thấy khác biệt giữa đội ngũ Mỹ và Việt Nam là như thế nào?

- Yếu tố khách quan đầu tiên là thị trường. Thị trường Mỹ lớn hơn Việt Nam rất nhiều, vì thế, có nhiều cơ hội cho họ làm, từ những sản phẩm nhỏ nhất cho đến những sản phẩm yêu cầu trình độ chất xám nhiều hơn. Vì thị trường lớn hơn nhiều nên đội ngũ startup cũng được va chạm nhiều hơn.

Còn ở Việt Nam, hiện tại đây cũng là cơ hội tốt vì thị trường đang tăng trưởng, từ lĩnh vực công nghệ, thương mại điện tử hay fintech (công nghệ tài chính). Tuy nhiên, thị trường của mình vẫn đi sau họ.

Nếu so về năng lực, mặt bằng chung các startup ở Mỹ có đủ mọi yếu tố tốt hơn về cả cơ sở hạ tầng, giáo dục, các cơ hội thực tập hay việc làm. Còn nếu chỉ nhìn ở những đội ngũ xuất sắc nhất ở cả hai thị trường, Lâm thấy không có sự chênh nhau nhiều. Dân tự nhiên hay kỹ thuật của Việt Nam có cái đầu rất xuất sắc. Có chăng chúng ta thiếu hơn họ nền tảng có sẵn.

Lâm cũng hy vọng 3-5 năm nữa, ngày càng nhiều đội ngũ ở Việt Nam sẽ tạo ra được các sản phẩm đi ra thị trường thế giới.

Tuệ Lâm chia sẻ tại một chương trình khởi nghiệp. Ảnh: NVCC

- Một ngày làm việc của giám đốc quỹ đầu tư mạo hiểm ra sao?

- Thường là bắt đầu từ 8h sáng đến nửa đêm, trải qua ba múi giờ từ Hàn Quốc, Việt Nam, Mỹ. Tất nhiên, giữa đó Lâm có những quãng nghỉ thay vì làm việc một mạch như công việc hành chính.

Nhiều người cho rằng làm việc quá nhiều thật đáng thương, nhưng Lâm nghĩ khác. Giả sử mình làm việc 15 giờ nhưng mình tận hưởng thì thực ra mình được chơi 15 giờ đấy chứ. Lâm nghĩ rằng việc đem thời gian làm việc ra để đánh giá sự vất vả của một công việc có lẽ không còn đúng nữa.

Nhìn chung, công việc của Lâm xoay quanh hai phần việc cơ bản, gặp gỡ các startup mới để tìm kiếm cơ hội đầu tư và giúp đỡ các công ty trong danh mục hiện tại. Người ngoài nhìn vào có lúc nói đùa rằng nghề VC có vẻ "sướng" hơn làm startup vì đâu phải chịu áp lực vì bỏ tiền túi ra. Trong khi đó, người làm startup ngày nào cũng đầu tắt mặt tối 14-15 tiếng mà còn không biết sẽ đi về đâu.

Thế nhưng, Lâm nghĩ ngành nào cũng có áp lực thất bại. Nếu một công ty trong danh mục đầu tư phải dừng cuộc, tình huống đó cũng không khác gì khi một bác sĩ thấy bệnh nhân của mình qua đời, cô giáo chứng kiến học sinh ưu tú của mình trượt đại học, hay trưởng phòng tín dụng phải báo cáo khoản vay trở thành nợ xấu. Lâm cũng có nhiều đêm mất ngủ.

Đặt KPI tối đa '2 giờ' cho cảm xúc

- Đối mặt với khó khăn hay stress, Lâm xử lý như thế nào?

- Mỗi khi cảm thấy khó khăn hay nản chí, Lâm thường tạm thời lùi lại và không làm gì hết. Đọc một quyển sách hoặc chơi một bản nhạc để mình bình tĩnh lấy lại tinh thần, sau đó mới tiếp tục công việc.

Nhưng thông thường, Lâm luôn đặt ra giới hạn không bao giờ để bị stress quá hai giờ đồng hồ. Đó là KPI với Lâm. Mình buộc phải làm điều đó bởi nếu stress kéo dài không chỉ ảnh hưởng lúc đó, mà còn tác động dây chuyền đến hiệu quả công việc về sau

Mình không phải là người máy, có cảm xúc, lúc buồn lúc vui. Nhưng buồn cũng được, khóc lóc cũng được nhưng hai tiếng đồng hồ là phải xong. Đó là cách Lâm đối mặt với stress.

Lâm cũng không có quá nhiều bạn bè. Có người cho rằng Lâm sống hướng nội, có người lại thấy mình nói năng hoạt bát nên nghĩ là người hướng ngoại. Nhưng thực ra Lâm không kết giao với quá nhiều bạn bè có mối quan hệ không sâu.

Có hai "kiểu" người Lâm xây dựng mối quan hệ.

Thứ nhất, đó là những người suy nghĩ lạc quan và luôn nhìn thấy điểm tích cực trong vấn đề. Khi mình buồn mình nói chuyện với họ.

Thứ hai, những người "critical thinking" (có tư duy phản biện). Khi mình vui quá, nói chuyện với họ sẽ giúp mình nhìn ra liệu có vấn đề gì mình cần chuẩn bị tâm lý trước hay không.

Trong hai tình huống, nói chuyện với họ giúp mình cân bằng năng lượng.

Là nhà đầu tư, không đặt mình ở thế "cửa trên"

- Ở vai là một người có quyền để đầu tư hoặc không vào doanh nghiệp, tuổi tác còn trẻ có gây bất lợi cho Lâm?

- Tuổi tác đúng là vấn đề lúc Lâm "mới vào nghề" thật. Nhiều nhà sáng lập hay CEO thường kỳ vọng vào một nhà đầu tư chín chắn, trưởng thành và nói được những câu chuyện hiểu biết. Thậm chí, có lúc Lâm cũng thất bại trong việc "thuyết phục" startup nhận vốn đầu tư. Đó là cái khó mà Lâm đã phải tìm cách thích nghi và khắc phục.

Trong các buổi gặp gỡ, Lâm thường chủ động nói rằng mình trẻ và nhiều lĩnh vực là mới đối với mình. Lâm không bao giờ đặt mình vào thế "tôi là người ra quyết định, anh phải trình bày hay thuyết phục tôi". Khi mình gặp những nhà sáng lập, Lâm hỏi họ rất nhiều vì đối với Lâm, họ nên là "chuyên gia" trong lĩnh vực đó.

Không ít lần mình gặp được những nhà sáng lập khiến mình phải "wow". Họ quả thực rất hiểu biết và có những góc nhìn sâu sắc. Miễn là mình luôn giữ thái độ cầu thị thì Lâm tin tuổi tác sau này không còn là vấn đề nữa.


Tuệ Lâm phát biểu trong các cuộc họp và sự kiện khởi nghiệp. Ảnh: NVCC

- Điều gì làm nên một Tuệ Lâm như ngày hôm nay?

- Thực ra, Tuệ Lâm như ngày hôm nay là kết quả của việc "không có nhiều lựa chọn nào khác". Với tính cách của Lâm, nếu đặt vào một gia đình có điều kiện, chắc chắn mình không đến nỗi kém, nhưng có thể sẽ ương bướng, nghịch ngợm.

Nhưng trong một hoàn cảnh ngược lại, Lâm phải cố gắng và nỗ lực vì không có lựa chọn nào khác. Ngày còn bé, hàng xóm hay người thân của Lâm đều là người lao động chân tay. Vì họ nghèo nên thứ họ có thể chia sẻ với nhau là tình cảm chứ không phải là cơm áo gạo tiền. Mình lớn lên trong môi trường như vậy, và mình cũng học được điều đó.

Lâm cũng may mắn vì có mẹ là người phụ nữ tìm mọi cách để con mình hưởng giáo dục tốt nhất. Lâm luôn nhớ là mẹ lúc nào cũng nói đi nói lại, đầu tư cho giáo dục không bao giờ sợ lỗ. Lâm muốn học, mẹ luôn tìm mọi cách.

Môi trường sống định hình con người mình. Cứ tạm coi mình xuất thân từ hoàn cảnh yếu thế hơn nhiều người thì sau này điểm mạnh của mình là hiểu được người yếu thế và nỗ lực của họ. Lâm không tiếc tiền làm từ thiện vì mình hiều rằng một chút tấm lòng của mình có thể có giá trị rất lớn với họ.

Danh hiệu có thể là đích đến của nhiều người, nhưng với Lâm, đó đơn thuần là sự may mắn. Điều duy nhất Lâm muốn mọi người khi nhớ về mình, các công ty khi nhớ đến quỹ Nextrans, ấy là sự tử tế mà thôi.

Quỳnh Trang
Ảnh: Ngọc Thành