Chủ tịch nước: "TP.HCM phải rút kinh nghiệm sâu sắc việc chậm giãn cách…"

Huy Thịnh, Theo Tiền phong 17:16 30/07/2021

Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, TP.HCM phải rút kinh nghiệm sâu sắc việc chậm giãn cách, người dân ra đường còn đông và khi thực hiện không nghiêm, không kiên quyết thì Chỉ thị 16 hay 16+ cũng không giải quyết được vấn đề phòng chống dịch COVID-19.

Chủ tịch nước: TP.HCM phải rút kinh nghiệm sâu sắc việc chậm giãn cách… - Ảnh 1.

Trưa 30/7, phát biểu tại buổi làm việc của đoàn công tác Trung ương với TP.HCM về công tác phòng, chống dịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc TP.HCM đã xây dựng mới 16 bệnh viện dã chiến với quy mô lên đến 50.000 giường.

Ông cũng đồng thời biểu dương các địa phương đã quan tâm, hỗ trợ TP.HCM trong thời gian qua.

Theo Chủ tịch nước, biến chủng Delta rất nguy hiểm đối với những thành phố đông dân như TP.HCM vì tốc độ lây lan rất nhanh. Cá nhân ông luôn theo dõi tình hình TP.HCM hằng ngày, hằng đêm và luôn luôn liên lạc với lãnh đạo TP.HCM không chỉ với trách nhiệm của một lãnh đạo Nhà nước mà còn là của một đại biểu Quốc hội của TP.HCM.

Đề cập đến các biện pháp phòng chống dịch, Chủ tịch nước nhấn mạnh, TP.HCM đã có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện theo Chỉ thị 15, 16, 16 nâng cao… nhưng vấn đề cốt lõi ở tổ chức thực hiện.

"Chúng ta phải rút kinh nghiệm sâu sắc việc chậm giãn cách, người dân ra đường còn đông. Thực hiện giãn cách không nghiêm, không kiên quyết thì 16 hay 16+ cũng không giải quyết được vấn đề", Chủ tịch nước khẳng định và chỉ ra vẫn còn một bộ phận người dân, một số nơi thực hiện chưa nghiêm việc giãn cách xã hội.

Chủ tịch nước: TP.HCM phải rút kinh nghiệm sâu sắc việc chậm giãn cách… - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Trung ương làm việc với lãnh đạo TP.HCM sáng 30/7 (Ảnh: Thành ủy TP.HCM)

Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng lưu ý khi thực hiện giãn cách nghiêm và lâu dài thì phải lo cho dân, nhất là người nghèo, không được để người dân thiếu đói, lâm vào cảnh cùng cực. TP.HCM phải chủ động cấp thẻ các đối tượng lưu thông hàng hóa, vật tư, tạo điều kiện cho đội ngũ shipper chuyển hàng hóa thiết yếu...

Chính quyền phải đảm bảo việc cung cấp đầy đủ các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, viễn thông… cho nhân dân và cùng hệ thống MTTQ, các đoàn thể chính trị, tổ chức thiện nguyện chung tay hỗ trợ người dân.

Đặc biệt, mặc dù tỉ lệ tử vong thấp nhưng TP.HCM cần tập trung trước hết và quan trọng nhất lúc này là bảo vệ an toàn tính mạng và sức khỏe cho người dân, giảm tối đa tử vong.

TP.HCM phải tăng cường hệ thống điều trị, không chỉ cho bệnh nhân COVID-19 mà các bệnh khác theo từng tầng và tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người bị nhiễm bệnh báo tin mà không được chính quyền và cơ sở y tế quan tâm, tình trạng người ốm không được chăm sóc.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TP.HCM cần tổ chức tiêm vắc xin cho lực lượng thiện nguyện cũng như lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Chủ tịch nước lưu ý TP.HCM phải đảm bảo cả hai nhiệm vụ điều trị và phòng chống dịch. "Không chỉ lo chữa người bị bỏng khi nhà đang cháy mà còn phải lo dập lửa. Hai vấn đề này phải đồng hành. Tôi nhắc lại. Không phải chỉ tập trung lo điều trị mà không lo đề phòng dịch bệnh tràn lan trên diện rộng. Nếu giảm được số lượng người nhiễm thì sẽ giảm số ca tử vong", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định tinh thần trong hệ thống chính trị, đó là "không có chuyện giành phần dễ về mình, phần khó về người".

"TP.HCM cần khen thưởng kỷ luật nghiêm minh, kịp thời hơn. Cùng với đó làm tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông, vận động người dân đồng lòng chống dịch. Cần có phương án phục hồi sản xuất, tái thiết mạnh mẽ đồng bộ sau dịch COVID-19. Sau dịch, hệ thống chính trị vững mạnh hơn", Chủ tịch nước khẳng định.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày