Lĩnh vực công nghệ bị 'trấn áp', các công ty nước ngoài càng thất thế trước sự hào hứng của nhà đầu tư đối với local brand Trung Quốc

09/07/2021 13:41 PM | Kinh doanh

Việc giới chức Trung Quốc đưa ra những yêu cầu gắt gao với các công ty công nghệ đã khiến nhà đầu tư cảnh giác hơn. Hiện tại, họ đang chuyển hướng đầu tư vào các start up trong nước, với một nhóm công ty nổi bật là các thương hiệu tiêu dùng.

Từ mỹ phẩm cho đến trà sữa, những nhà đầu tư mạo hiểm Trung Quốc đang tạo nên làn sóng trong thị trường người tiêu dùng thế hệ mới. Có thể, nhà đầu tư cho rằng những công ty này là sự thay thế phù hợp trong bối cảnh những start up công nghệ bị chính phủ kiểm soát gắt gao. Ngoài ra, họ cũng là yếu tố thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng trong nước và sự cạnh tranh với những công ty như Coca-Cola hay Nike.

Mark Tanner – giám đốc điều hành của công ty marketing và xây dựng thương hiệu China Skinny, cho biết, việc Bắc Kinh thắt chặt quy định đang làm tăng các rào cản đối với hoạt động đầu tư vào các lĩnh vực vốn được ưa chuộng như công nghệ. Ông nói: "Ngược lại, các lĩnh vực tiêu dùng từ thực phẩm, thời trang đến thể thao, giải trí đang nhận thấy sự hứng khởi của nhà đầu tư với nhiều hỗ trợ chính sách hơn."

Lĩnh vực công nghệ bị trấn áp, các công ty nước ngoài càng thất thế trước sự hào hứng của nhà đầu tư đối với local brand Trung Quốc - Ảnh 1.

Chênh lệch giữa thị phần của các startup Trung Quốc và thương hiệu đa quốc gia hàng đầu vào năm 2015.

Các thương hiệu tiêu dùng Trung Quốc đang cạnh tranh giành thị phần với đối thủ quốc tế trên thị trường tỷ dân. Ngay cả trước khi các công ty công nghệ chịu ảnh hưởng lớn bởi quy định mới, các startup trong lĩnh vực tiêu dùng gồm sản xuất đồ uống tốt cho sức khỏe Genko Forest và nhà sản xuất sữa Adopt A Cow đã thu hút thêm khoảng 62 tỷ USD vốn kể từ năm 2018. Khi 112 tỷ USD đổ vào lĩnh vực công nghệ, thì con số này được dự kiến sẽ tăng mạnh hơn nữa trong những năm tới.

Frank Wei – đồng chủ tịch của Warburg Pincus China, đã đầu tư 6 tỷ USD vào Genki Forest, cho hay: "Thập kỷ tới sẽ là thời kỳ hoàng kim cho sự trỗi dậy của các công ty Trung Quốc. Sự hào hứng của Gen Z sẽ định hình lại lĩnh vực này."

Quyết định hạn chế hoạt động kinh doanh của Didi Global vài ngày sau khi công ty này niêm yết tại Mỹ là đòn giáng mới nhất đối với nhà đầu tư công nghệ. Trước đó, họ đã chịu ảnh hưởng lớn khi Alibaba và Tencent cũng bị kiểm soát gắt gao.

Theo Bloomberg, động thái của Bắc Kinh đã khiến một số startup công nghệ khác cũng không tránh khỏi sự hoảng sợ. Link Doc Technology – công ty cung cấp dịch vụ y tế sử dụng AI, đã tạm dừng kế hoạch IPO tại Mỹ. Giới chức Trung Quốc lo ngại rằng, việc các công ty công nghệ niêm yết tại Mỹ sẽ gây ra mối rủi ro về bảo mật do khối lượng dữ liệu khổng lồ mà họ đang có trong tay.

Do đó, lĩnh vực tiêu dùng sẽ là một mục tiêu mới thuận lợi cho nhà đầu tư, bởi rủi ro chính sách thấp hơn nhiều so với ngành công nghệ và giáo dục. Dẫu vậy, mặt khác, các công ty tiêu dùng lại phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt và triển vọng tăng trưởng không chắc chắn.

Nguồn tin thân cận tiết lộ, một công ty đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc đang xem xét chuyển trọng tâm của danh mục sang các lĩnh vực có nhiều khả năng có khả năng nhận được sự hỗ trợ của chính phủ và có sự thuận lợi về chính sách. Nhóm này bao gồm các thương hiệu tiêu dùng địa phương và các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực thân thiện với môi trường.

Lĩnh vực công nghệ bị trấn áp, các công ty nước ngoài càng thất thế trước sự hào hứng của nhà đầu tư đối với local brand Trung Quốc - Ảnh 2.

Từng bị coi là kém chất lượng, các thương hiệu Trung Quốc hiện đã chứng kiến khối lượng giao dịch tăng hơn 6% so với các đối thủ nước ngoài vào năm 2021, theo một nghiên cứu của JD.com.

Yatsen Holding Ltd. – chủ sở hữu hãng mỹ phẩm Perfect Diary, đã trở thành mối đe dọa ngày càng lớn đối với những thương hiệu như L’Oréal và Estée Lauder, với thị phần 6,7% trong thị trường son môi và mascara, theo Euromonitor. Warburg Pincus và Hillhouse đã rót vốn trước khi công ty này niêm yết vào tháng 11 năm ngoái.

Trong khi đó, Pop Mart – hãng sản xuất đồ chơi Trung Quốc, đã thu hút hơn 100 triệu USD từ các công ty bao gồm Sequoia China, trước khi thu về 5 tỷ HKD (644 triệu USD) khi IPO tại Hồng Kông vào tháng 12 năm ngoái. Chuỗi cửa hàng trà sữa HeyTea hiện được định giá hơn 60 tỷ CNY (9,2 tỷ USD) sau vòng gọi vốn mới nhất.

Động lực của sự tăng trưởng nhanh chóng đối với các thương hiệu địa phương là khả năng tiếp cận của khách hàng qua mạng xã hội và các nền tảng mua sắm online. Theo công ty tư vấn iiMedia Research, hàng hóa bán qua các buổi livestream có thể 25% lên 1,2 nghìn tỷ CNY trong năm nay.

Ngoài ra, tinh thành yêu nước cũng đóng vai trò quan trọng trong sự thay đổi về xu hướng này. Những công ty đa quốc gia lớn như Nike và Adidas đang đối mặt với áp lực ở Trung Quốc, sau khi bị người tiêu dùng tẩy chay vì vấn đề Tân Cương.

Tuy nhiên, các mức định giá của những công ty này lại đang chững lại. Trong khi đó, sự phát triển của các thương hiệu mới cũng mang đến nhiều rủi ro. Ví dụ, công ty sản xuất phấn mắt Apinkbaby với hơn 180.000 người theo dõi trên mạng xã hội đã tuyên bố phá sản vào đầu năm nay.

Song, chủ tịch của Genki Forest – Zhang Guizhou, đang đầu tư hàng tỷ USD để đáp ứng sự ủng hộ ngày càng tăng của người dân Trung Quốc đối với những thương hiệu nội địa. Ông nói: "Các thương hiệu quốc tế không còn là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Trung Quốc. Thế hệ trẻ không còn quá ám ảnh và thần tượng các sản phẩm nước ngoài nữa."

Lục Lam

Cùng chuyên mục
XEM