Freelancer "lên ngôi" trong mùa dịch… thu nhập tăng gấp 3 lần

Ngọc Ánh

(Dân trí) - "Nếu làm hết công suất, tôi có thể kiếm được tối đa 50 triệu đồng/tháng, gấp 3 lần đi làm ở công ty cũ" - Phạm Đăng Trung, một freelancer với 4 năm làm nghề, cho hay.

Thu nhập tăng cao

Với anh Phạm Đăng Trung (SN 1994, quê Hà Nội), công việc freelancer có đặc điểm năng động trong tác nghiệp, linh hoạt về thời gian thay vì phải ngồi ở văn phòng 8 tiếng mỗi ngày.

Anh Phạm Đăng Trung đã có 4 năm kinh nghiệm trong nghề. Ngoài dịch thuật cho một nhà xuất bản sách, thông qua các diễn đàn tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội, chàng trai sinh năm 1994 còn nhận thuyết minh, lồng tiếng cho các dự án phim ngắn tại TP.HCM và Hà Nội.

Freelancer lên ngôi trong mùa dịch… thu nhập tăng gấp 3 lần - 1

Anh Phạm Đăng Trung thường tìm kiếm việc làm và khách hàng mới từ các diễn đàn trên mạng xã hội (Ảnh: NVCC).

"Nếu làm hết công suất, tôi kiếm được tối đa 50 triệu đồng/tháng, gấp 3 lần đi làm ở công ty cũ. Tất nhiên, công việc cũng rất áp lực và đòi hỏi sức khỏe dẻo dai. Khi khỏe tôi làm nhiều, lúc mệt thì nghỉ ngơi", anh nói.

Một câu chuyện khác về freelancer, anh Dương Hùng Long (SN 1992, quê Hà Tĩnh) từng là nhân viên của một công ty thiết kế nội thất tại Hà Nội. Dịch Covid-19 đã khiến anh bị cắt giảm lương do công ty gặp khó khăn về tài chính. Thu nhập không như kỳ vọng, anh quyết định nghỉ việc và bắt đầu làm freelancer từ cuối tháng 4/2020.

Anh Dương Hùng Long cho hay: "Chuyển sang làm freelancer, có ngày tôi xử lý công việc gấp đôi, gấp 3 lần so với trước kia, số tiền kiếm được cũng theo đó tăng lên".

Freelancer lên ngôi trong mùa dịch… thu nhập tăng gấp 3 lần - 2

Anh Dương Hùng Long là một freelancer trong lĩnh vực thiết kế, thi công nội thất (Ảnh: NVCC).

Hiện nay, anh cộng tác với một số công ty thiết kế tại Hà Nội và đảm nhận thiết kế cho các dự án chung cư, nhà phố. Mức thu nhập của chàng trai quê Hà Tĩnh đạt khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, do dịch bệnh phức tạp, Anh Dương Hùng Long đã phải hủy liên tiếp 3 hợp đồng vì khách thay đổi kế hoạch thiết kế và lùi thời gian thi công.

Tranh thủ thời gian làm việc ở nhà vì dịch covid-19, chị Đặng Tuyết Trang (SN 1998, quê Phú Thọ) nhận viết bài truyền thông, quảng cáo cho một thương hiệu thời trang lớn tại Hà Nội. Dù chỉ là nghề tay trái nhưng mỗi tháng chị đều nhận được mức lương tối thiểu khoảng 10 triệu đồng.

"Nhờ làm tự do, tôi có thêm một khoản để sửa sang lại nhà, sắm nội thất mới. Điều mà tôi ấp ủ từ lâu nhưng chưa có cơ hội thực hiện vì khả năng tài chính còn hạn hẹp", chị Đặng Tuyết Trang nói.

Chấp nhận không phúc lợi và bảo hiểm xã hội

Làm việc theo hình thức freelance giúp nhiều người tăng thu nhập, không bị gò bó về mặt thời gian, không gian. Nhưng đổi lại, họ sẽ không được đối tác đóng bảo hiểm xã hội, không được hỗ trợ những khoản phí như nghỉ dưỡng, đào tạo, trợ cấp trong những trường hợp rủi ro.

Chia sẻ về thực trạng sử dụng nguồn lực freelancer, anh Nguyễn Văn Minh (SN 1993, quê Thái Bình), sáng lập viên của một startup trong lĩnh vực môi giới bất động sản tại Hà Nội cho rằng hình thức gắn kết này giúp doanh nghiệp tiết kiệm tối đa ngân sách, giảm được rủi ro về các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Freelancer lên ngôi trong mùa dịch… thu nhập tăng gấp 3 lần - 3

Làm freelancer trong lĩnh vực truyền thông, quảng cáo giúp chị Đặng Tuyết Trang có nguồn thu nhập tốt (Ảnh: NVCC).

Hơn nữa, doanh nghiệp không phải mất chi phí thuê văn phòng làm việc cho freelancer như nhân viên chính thức.

Anh Nguyễn Văn Minh chia sẻ: "Tôi nhận thấy khả năng sáng tạo của freelancer nhiều khi còn cao hơn so với nhân viên ở công ty. Tôi rất yên tâm khi giao phó dự án cho họ. Vì đa số các freelancer đều đáp ứng tốt yêu cầu, giảm thiểu được thời gian kiểm tra, giám sát công việc".

Trao đổi với PV về mô hình làm việc tự do, TS Phan Minh Đức (giảng viên Khoa Kinh tế chính trị, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đánh giá cao nhiều cơ hội phát triển cho các freelancer trong thời gian tới, khi dịch bệnh được đẩy lùi.

"Nhân sự truyền thống đòi hỏi ở doanh nghiệp rất nhiều khoản đầu tư như phí tuyển dụng, đào tạo, phúc lợi hàng năm. Giải pháp thuê freelancer sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, linh hoạt trong các dự án", TS Phan Minh Đức cho hay.

Theo TS Phan Minh Đức, bất lợi lớn nhất của doanh nghiệp khi làm việc với các freelancer là tính cam kết trong công việc của người lao động theo dạng hợp đồng khoán tự do.

Trên thực tế, có không ít trường hợp freelancer nhận việc nhưng "đuối" và đem con bỏ chợ, tạo khó khăn, làm gián đoạn công việc của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp nên chọn freelancer có kinh nghiệm phù hợp và chỉ nhận bàn giao khi hài lòng với kết quả cuối cùng của công việc.

Cơ hội tiếp cận nhiều công việc

Freelancer là những người làm việc độc lập, không thuộc sự quản lý của bất kỳ công ty, tổ chức nào. Người làm việc theo hình thức này có thể cùng lúc cộng tác với nhiều khách hàng. Tuy nhiên, họ vẫn phải đảm bảo tiến độ công việc, đáp ứng yêu cầu từ phía người thuê. Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, nhiều bạn trẻ có xu hướng chuyển dịch sang làm công việc tự do vì có nguồn thu nhập lớn, thời gian làm việc linh động.