‘Sai lầm tiền bạc năm 20 tuổi của tôi: Vung quá nhiều tiền vào trà sữa, không dám deal lương, thưởng với sếp’

22/04/2021 13:43 PM | Kinh doanh

"Tâm trí tôi đã đưa ra nhiều lý do để biện minh cho sự chi tiêu có phần quá tay vào trà sữa và cà phê sang chảnh của mình".

*Bài viết là chia sẻ của tác giả Jessica Vu

Không ít người chào đón tuổi 20 với một khoản nợ đại học, một tấm bằng và rất ít hoặc thậm chí là không chút kiến thức tài chính cá nhân nào. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi chúng ta phạm phải một số sai lầm về tiền bạc trước, trong và sau tuổi 20, bao gồm mắc nợ hay chi tiêu vượt quá khả năng.

Dưới đây là một số sai lầm tài chính mà nhiều bạn trẻ mắc phải ở độ tuổi 20:

Vung quá nhiều tiền vào trà sữa, cà phê

‘Sai lầm tiền bạc năm 20 tuổi của tôi: Vung quá nhiều tiền vào trà sữa, không dám deal lương, thưởng với sếp’ - Ảnh 1.

Nếu mua một ly cà phê hay trà sữa với giá khoảng 5 USD mỗi ngày, 1 năm bạn sẽ tiêu 1.825 USD. Tôi không mua những đồ uống trên mỗi ngày nhưng cũng khá thường xuyên, đến mức đã trở thành khách hàng thân thiết của các cửa hàng.

Sâu thẳm, tôi biết rằng mình không nên như vậy nhưng tâm trí tôi đã đưa ra nhiều lý do để biện minh cho sự chi tiêu có phần quá tay này. Một trong số đó là tôi có thể kiếm được nhiều hơn số tiền 3 USD – 5 USD ít ỏi cho một cốc đồ uống trong 1 giờ làm việc.

Nhưng điều đó là sai lầm. Sau này, tôi nhận ra rằng chỉ vì bạn có đủ hoặc thừa khả năng mua thứ gì đó không có nghĩa là bạn nên làm như vậy. Cha mẹ tôi thường so sánh việc tôi mua trà sữa/cà phê là một kiểu "nghiện" và cho rằng nếu bớt lại, tôi có thể để ra được một khoản tiền. Tất nhiên, số tiền không quá lớn nhưng vẫn giúp tôi chi tiêu vào những thứ khác có ích hơn và lành mạnh hơn. Việc tiêu thụ nhiều đường trong các loại đồ uống này hàng tuần thực sự không có lợi cho sức khỏe của bạn chút nào.

Không thương lượng lương, thưởng

Không ít lần tôi đã không thương lượng mức lương cơ bản hoặc lương khởi điểm. Lý do là tôi cảm thấy khá khó xử khi yêu cầu nhiều tiền hơn so với tin tuyển dụng trong khi mình chưa có nhiều kinh nghiệm. Do đó, tôi thấy thoải mái khi nhận mức lương thấp. Vào thời điểm đó, tôi không biết giá trị của bản thân nên mới làm như vậy.

Tôi biện minh cho sự chấp nhận trên là sau khi chứng minh được giá trị bản thân, lương của tôi sẽ tăng lên. Tôi đã hy vọng mình sẽ được tăng lương và tiền thưởng theo thời gian.

Nhưng thực tế lại ngược lại. Dù được khách hàng và đồng nghiệp khen ngợi nhưng hy vọng của tôi đã không thành hiện thực. Vậy là tôi đã mắc sai lầm.

Khi tôi chia sẻ với đồng nghiệp, họ nói rằng họ yêu cầu tăng lương khi nhận thấy bản thân xứng đáng và nếu câu trả lời là không, họ sẽ đợi cơ hội khác hoặc tìm công việc trả lương hậu hĩnh hơn.

Hội chứng sợ bỏ lỡ

Tôi thường đánh đồng các cuộc đi chơi với việc bắt buộc phải tiêu nhiều tiền hơn. Tôi gặp khó khăn khi nói "Không". Là người hướng ngoại, tôi gần như không từ chối các cuộc vui để kết nối bạn bè sau những giờ làm việc căng thẳng.

Nhưng khi xem lại hóa đơn thẻ tín dụng, tôi nhận ra rằng có rất nhiều điều mình có thể làm mà không phải bỏ ra số tiền đáng kể như vậy. Thay vì đi ăn uống ở những nơi sang chảnh, tôi hoàn toàn có thể mua đồ về chế biến tại nhà mà vẫn tận hưởng được trọn vẹn niềm vui.

Tập trung vào tiết kiệm hơn là đầu tư

‘Sai lầm tiền bạc năm 20 tuổi của tôi: Vung quá nhiều tiền vào trà sữa, không dám deal lương, thưởng với sếp’ - Ảnh 2.

Tôi đã nạp 500 USD vào tài khoản Robinhood để được nhận cổ phiếu miễn phí và sau đó không động đến nó trong nhiều năm. Đáng lẽ ra tôi nên đầu tư sớm và tích cực hơn.

Thay vì đầu tư, tôi có một khoản tiết kiệm tương đối lớn với lãi suất thấp. Tôi tập trung vào việc cắt giảm chi tiêu và tích lũy tiền. Điều này đem lại sự an toàn nhưng không khiến tiền đẻ ra nhiều tiền.

Việc có sẵn tiền mặt trong tài khoản ngân hàng giúp tôi chủ động hơn trong các trường hợp khẩn cấp như khám chữa bệnh. Tuy nhiên, sau khi tham khảo ý kiến của những người thành công trong đầu tư tài chính, tôi biết mình cần thay đổi chiến lược. Tư duy bảo thủ là một điều mà tôi phải rất khó khăn mới thay đổi được.

Cuối cùng, tôi đã điều chỉnh để đầu tư nhiều hơn. Có một thực tế là các triệu phú tự thân không để tất cả tiền nhàn rỗi của họ nằm im trong tài khoản tiết kiệm mà họ tìm cách để sinh lời hiệu quả từ việc đầu tư.

Nguồn: MOM

Mộc Tiên

Cùng chuyên mục
XEM