Câu chuyện hàng loạt sao biển bị chết khô la liệt trên bãi biển ở Phú Quốc đang thu hút nhiều người quan tâm. Phải chăng con người đã quá vô tâm đến mức tàn nhẫn với thiên nhiên? 

Thời buổi du lịch phát triển, nhiều nơi đã không còn giữ được hệ sinh thái như trước đây vốn có mà trở nên “te tua” vì sự tàn phá khủng khiếp của nhiều người. Đáng nói, việc chụp ảnh sống ảo đã gây không ít hệ lụy cho thiên nhiên, điển hình là trường hợp sao biển chết khô ở Phú Quốc đang dậy sóng dư luận. 

Du khách tên H.A đến từ Hà Nội đã có chuyến du lịch đến vùng biển Phú Quốc. Tại đây, chị có trải nghiệm không mấy vui vẻ và chia sẻ bức xúc trên trang cá nhân khi chứng kiến cảnh sinh vật biển bị vớt lên, phục vụ công cuộc “sống ảo” của khách du lịch rồi bị bỏ chết khô dưới nắng: 

Trái tim của các bác sáng nay đến trưa là thành tim sao nướng rồi… Tội chúng!

Gia đình mình ghé Rạch Vẹm vào buổi trưa, tầm 12-14h ngày thứ Sáu, 2/4. Được anh lái taxi giới thiệu 1 bãi có nhiều sao mà còn xếp thành hình trái tim, gia đình mình tới đó thì thấy như ảnh trên.

Mình rất bức xúc khi thấy lũ sao biển bị cháy khô dưới nắng. Gia đình mình đã thử cho 2 con sao biển chưa bị khô cong xuống nước nhưng chắc muộn mất rồi".

hình ảnh

Nhiều sao biển chết khô dưới nắng sau khi bị du khách vớt lên chụp ảnh sống ảo. (Ảnh Internet)

Kèm theo lời chia sẻ bức xúc là hình ảnh hàng loạt sao biển chết khô trông vô cùng thảm thương. Theo tìm hiểu, sao biển nếu bị vớt ra khỏi môi trường nước sau 5 phút sẽ chết vì chúng thở bằng chân ống và các lỗ nhú. Nước biển được ví như máu của loài vật này vì chúng không có máu: “Bản thân tụi sao biển không có máu đâu mọi người à. Cho nên tụi này quyết định lấy nước biển xài như máu. Dễ hiểu hơn là nước biển chính là máu của tụi nó!

Tưởng tượng tim bạn vẫn đập bịch bịch bịch bịch nhưng không có bơm máu đi được là nó kinh khủng như thế nào. Do vậy tụi này mới dễ chết khi bị bắt lên bờ dù dưới nước nó sống rất mạnh”, một lý giải từ fanpage trên Facebook. 

hình ảnh

hình ảnh

Nhiều du khách chụp ảnh sống ảo với sao biển. (Ảnh Internet)

Khi câu chuyện được phản ánh lên mạng xã hội, cư dân mạng cũng nhanh chóng đào lại và phát hiện đông đảo người chụp ảnh sống ảo với sao biển. Từ trẻ em đến người lớn, từ người bình thường đến cả người nổi tiếng khi đặt chân đến Rạch Vẹm, Phú Quốc ít nhất có tấm ảnh chụp cùng sao biển. 

Vớt loài sao lên chụp rồi không thả chúng về lại biển là hành động vừa tàn nhẫn, vừa vô trách nhiệm với thiên nhiên. Tưởng chừng tàn phá môi trường là chặt cây phá rừng to tát nhưng hóa ra chỉ một việc làm nhỏ cũng đã gây hại cho hệ sinh thái đến dường nào! 

Bàn chân con người đặt đến đâu là thiên nhiên, môi trường nơi đó bị tàn phá. Nhiều bãi biển hoang sơ trước đây đã trở nên ngập ngụa rác thải, cảnh vật và hệ sinh thái bị tàn phá một cách thảm hại từ khi được khai thác du lịch. Lên núi thì bẻ cây hái hoa, xuống biển thì vớt sao hay bẻ san hô. Đủ cả, miễn sao những tấm ảnh đổi vài chục vài trăm like trên Facebook là bất chấp đến mức tàn nhẫn và vô tri. 

hình ảnh

Mong rằng nhiều người sẽ kịp thời thức tỉnh và có ý thức hơn để chung tay bảo vệ thiên nhiên. Trận đại dịch như một lời cảnh tỉnh nhân loại rằng một khi mẹ thiên nhiên nổi giận thì loài người cũng khó sống an toàn nhưng liệu mấy ai đủ tỉnh táo để nhận ra và thay đổi tốt hơn?