Masan đổi tên VinMart thành WinMart: Không đơn giản là “bình mới rượu cũ”, mục tiêu phục vụ mọi nhu cầu tài chính, giáo dục, giải trí...

02/04/2021 09:56 AM | Kinh doanh

Một trong những mục tiêu mà chuỗi VinMart và VinMart+ phải đạt được trong năm nay là thử nghiệm nhượng quyền và triển khai các dịch vụ tài chính

Tại Đại hội Cổ đông thường niên diễn ra vào sáng 1/4, ông Trương Công Thắng – Tổng giám đốc Công ty cổ phần The CrownX (đơn vị hợp nhất VinCommerce và Masan Consumer) cho biết Masan sẽ đổi tên VinMart thành WinMart. Tương tự, VinMart+ sẽ được đổi thành WinMart+.

Nói về việc đổi tên chuỗi bán lẻ này, ông Trương Công Thắng giải thích: “Thứ nhất, trong hợp đồng thỏa thuận, hết năm nay chúng ta phải đổi tên khác. Thứ hai, chúng ta chỉ đổi tên khi bên trong cũng thay đổi chứ không phải bình mới rượu cũ”.

Cụ thể, trong năm 2020, Masan đã tích cực thay đổi nhiều vấn đề đằng sau chuỗi VinMart, từ danh mục hàng hóa đến chất lượng dịch vụ, giá cả... Khi quá trình thay đổi về “chất” bên trong được hoàn tất thì sẽ dẫn đến sự thay đổi hình thức bên ngoài. Theo kế hoạch, quá trình này sẽ hoàn thiện trong năm 2021.

Masan đổi tên VinMart thành WinMart: Không đơn giản là “bình mới rượu cũ”, mục tiêu phục vụ mọi nhu cầu tài chính, giáo dục, giải trí... - Ảnh 1.

Ông Trương Công Thắng – Tổng giám đốc Công ty cổ phần The CrownX

Đồng thời, Vingroup cũng sẽ thoái hết vốn khỏi “chiếc vương miện” The CrownX, không còn liên quan gì đến hệ thống VinMart.

Ông Danny Le, Tổng giám đốc Masan Group chia sẻ thêm, một trong những mục tiêu mà chuỗi VinMart và VinMart+ phải đạt được trong năm nay là thử nghiệm nhượng quyền và triển khai các dịch vụ tài chính. Công ty sẽ tự phát triển và vận hành 10.000 cửa hàng; 20.000 cửa hàng sẽ được mở bằng cách hợp tác nhượng quyền với những tiệm tạp hoá gia đình. Mục tiêu đến năm 2025 có 30.000 cửa hàng, phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng.

Ngoài ra, Masan có kế hoạch phát triển các cửa hàng Vinmart+ thành điểm đến "tất cả trong một" (one-stop shop) phục vụ các nhu cầu thiết yếu về tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí và chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng. Chiến lược này giúp công ty không còn thu hút khách hàng chỉ bằng khuyến mãi và giảm giá. Ít nhất 50% cửa hàng trở thành điểm kết hợp cung cấp dịch vụ tài chính, bao gồm dịch vụ ngân hàng truyền thống và thanh toán kỹ thuật số. Techcombank - nhà băng có mối quan hệ mật thiết với Masan, tiếp tục là đối tác cung cấp các dịch vụ này.

Được biết, sau khi tiếp quản Vinmart, Masan quyết liệt đóng cửa 700 cửa hàng VinMart+, tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Năm 2020, Công ty quản lý chuỗi VinMart và VinMart+ ghi nhận doanh thu xấp xỉ 31.000 tỷ đồng, tăng 14%. Trong đó, hệ thống cửa hàng VinMart+ tăng trưởng doanh thu 42%, dù số lượng cửa hàng giảm mạnh. Người đứng đầu The CrownX cho biết, từ khoản lỗ 100 triệu USD khi tiếp nhận, quá trình tái cấu trúc đang giúp kết quả kinh doanh của VinCommerce khả quan hơn.

Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM