Thứ hai, 29/3/2021, 13:32 (GMT+7)

Trần Anh Khoa: 'Vì hết tiền nên tôi giải nghệ'

Ngày 13/9/2015 khởi đầu cho một hành trình gian khổ mà Trần Anh Khoa phải đơn độc chống chọi, khi dính chấn thương nặng vì cú vào bóng của Quế Ngọc Hải ở V-League.

Trần Anh Khoa điều hành một buổi tập của đội trẻ Đà Nẵng tháng 3/2021. Ảnh: An Ngọc.

- Xin chào trợ lý U19 Đà Nẵng - Trần Anh Khoa. Một ngày của anh bây giờ thế nào?

- Sau khi phải giải nghệ ở tuổi 24, cuộc sống của tôi vẫn gắn với trái bóng. Mỗi ngày của tôi bắt đầu bằng một ly cafe và mấy lát bánh mì, trước khi họp hội đồng HLV lúc 7h30. Ở đội, các cầu thủ trẻ phải học văn hoá vào buổi sáng nên tôi dành khoảng thời gian đầu ngày để soạn giáo án, chuẩn bị cho buổi tập chiều. Công việc xong xuôi, khoảng 17h30 hoặc 18h00, tôi trở về với gia đình, trò chuyện với vợ và chơi với con. Cuộc sống ngày nào cũng diễn ra êm đềm như thế suốt hai năm qua.

- Hơn 5 năm trước, Anh Khoa dính chấn thương nghiêm trọng trong trận SLNA và Đà Nẵng ở V-League 2015 trên sân Vinh. Bằng cách nào, anh vượt qua nỗi ám ảnh đó?

- Chi tiết chấn thương tôi gặp phải, mọi người đọc tin tức đã hiểu. Sau pha bóng đó, tôi rời sân khi cơ thể còn nóng ran, người vẫn vã mồ hôi. Tôi đi cà nhắc từng bước. Nhưng đến khi về phòng, sau khi tắm xong, tôi mới nhận ra chân trái của mình không còn lết được nữa. Nó bất động, chính xác là thế. Rồi cảm giác đau buốt ớn lạnh xuất hiện. Tôi nhờ bác sĩ kiếm cái nạng. Trong thâm tâm, tôi khao khát được trở về Đà Nẵng ngay lập tức.

Nhưng không may, hôm sau Đà Nẵng gặp bão. Chuyến bay bị huỷ. Đội phải ở lại thêm một ngày. Trong khi mọi người đi chơi thì tôi ở một mình trong căn phòng trống. Cảm giác buồn tủi, đau đớn đan xen khi đó. Bấy giờ, không nhiều người biết mức độ chấn thương mà tôi gặp phải nghiêm trọng mức đó nên ít ai hỏi thăm. Chấn thương ở gối khó nhận diện hơn so với một ca gãy ống đồng, dù bản chất còn kinh khủng gấp nhiều lần.

Chính tôi còn không nghĩ mình bị nặng đến vậy. Chỉ đến khi anh Châu Lê Phước Vĩnh, đồng đội của tôi ở Đà Nẵng lúc đó, gửi video và nói: "Này Khoa, tao xem thấy chân mày bị ghê quá", tôi mới xem lại, khoảng trên dưới chục lần. Tôi bắt đầu cảm thấy hoang mang, nổi da gà và biết mình "xong rồi". Tôi bắt đầu đối diện với nỗi cô độc, một mình chống chọi với chấn thương kể từ ấy. Cũng may mắn một chút là khi về Đà Nẵng, tôi còn có bố, có anh trai hỗ trợ trong sinh hoạt.

- Sau bao lâu anh được phẫu thuật?

- Chính xác là 36 ngày, vào nửa cuối tháng 10/2015, tôi phẫu thuật tại Gleneagles, Singapore.

- Tại sao phải chờ lâu vậy?

- Chân của tôi sưng to sau va chạm. Khi chụp cộng hưởng từ (MRI), dịch trong chân quá nhiều. Thời ấy, bác sĩ Việt Nam cũng không thể đọc chính xác phim MRI. Họ nói tôi đứt một dây chằng chéo sau. Tôi không tin lắm, vì thực ra tôi từng mổ gối hai lần liên quan đến dây chằng. Tôi gửi phim chụp sang Singapore. Một tuần sau, họ mới đọc xong và báo kết quả. Bác sỹ Tan Jee Lim, người phẫu thuật cho tôi sau này, chẩn đoán tôi bị đứt dây chằng chéo trong, dây chằng chéo giữa, dây chằng chéo sau, nứt xương, tổn thương dây chằng chéo trước, rách cơ. Ông bảo tôi phải đợi chân xẹp bớt thì mới có thể sang phẫu thuật. Chân tôi sưng hơn 20 ngày. Khi chân đỡ dần, CLB quyết định cho tôi sang Singapore phẫu thuật. Đội ban đầu cử bác sỹ đi cùng. Nhưng vì anh ấy bận việc nên phút chót, tôi phải tự di chuyển sang bên đó.

Trước đó, Đà Nẵng liên hệ với chi nhánh bệnh viện tại Việt Nam để sắp xếp cho tôi một chị phiên dịch viên đang sống tại Singapore. Ngoài ra, bệnh viện cũng tư vấn để CLB thuê cho tôi một căn phòng cách nơi điều trị tầm hơn 200 m. Thực sự, tôi rất biết ơn CLB Đà Nẵng, bởi ngay từ lúc chưa biết thông tin vụ việc được đền bù, đội đã sẵn sàng hỗ trợ kinh phí giúp tôi đi điều trị.

Cú đạp của Quế Ngọc Hải khiến Anh Khoa đứt một loạt dây chằng. Sự việc nghiêm trọng đến mức được nhiều báo nước ngoài đưa tin.

- Triệu Mộc Trinh, vợ của tiền vệ Đỗ Hùng Dũng từng nói chuyến bay từ Hà Nội vào TP HCM thăm chồng bị gãy chân là dài nhất cuộc đời. Vậy chuyến bay đưa anh một mình từ Đà Nẵng sang Singapore thì sao?

- Cảm xúc của Trinh đứng trên khía cạnh một người vợ đang lo lắng cho chồng. Vì thế, cô ấy sốt sắng, bồn chồn và mong được ở bên cạnh Hùng Dũng thật nhanh. Tôi thì khác. Tôi trải qua một tháng rưỡi sống chung với cái đầu gối sưng to vì tràn dịch. Đó cũng là thời gian để tôi suy ngẫm nhiều điều.

Tôi có một cảm giác khác so với Trinh. Đó là nỗi đau của cơ thể và nỗi buồn của sự cô đơn. Tôi đi một mình sang Singapore với cái chân không thể gập vào được. Nếu người bình thường đứt dây chằng có thể đi tập tễnh sau 10-15 ngày nhưng tôi phải dùng đến nạng. Ngồi trên máy bay, tôi cũng chẳng thể gập chân. Đau đớn và vất vả vô cùng. Tôi phải nhờ tiếp viên hàng không hỗ trợ một ghế phía trước để gác chân trái trong suốt hành trình bay sang Singapore.

- Quá trình phẫu thuật ở Singapore thế nào?

- Xuống tới Changi, tôi đến thẳng bệnh viện và gặp chị phiên dịch. Từng hai lần phẫu thuật dây chằng, nhưng khi đặt chân trở lại bệnh viện, cảm giác hãi hùng vẫn "quen thuộc" tới rùng mình. Câu chuyện giữa chị phiên dịch với bác sỹ Tan được thuật lại cho tôi sau đó càng khiến tôi hoang mang, không biết phía trước có phải địa ngục không nữa.

Tôi nhận thấy sự nghiêm trọng của vấn đề từ cách mà bác sỹ Tan kéo chị phiên dịch quay lưng lại và trao đổi. Tôi đâu có biết tiếng Anh. Nhưng nhìn như thế là nắm được tình hình. Chị phiên dịch cố gắng nói giảm nói tránh cho tôi đỡ sợ, song tôi vẫn hiểu rằng vấn đề của mình không hề đơn giản. Tôi được xếp lịch phẫu thuật vào 10h hôm sau. Đêm đầu tiên ở Singapore, tôi không ngủ nổi.

Sáng hôm sau, tôi nhập viện. Nếu như đêm hôm trước, tôi không thể chợp mắt thì cả hành trình từ phòng thay đồ đến vào phòng mổ, tôi không tài nào mở mắt ra. Tôi sợ. Tôi nhắm nghiền mắt lại. Tai tôi chỉ nghe tiếng lộc cộc của bánh xe băng cáng. Người ta bôi một loại nước gì đấy lên chân tôi. Họ hỏi tôi thông qua phiên dịch. Tôi vẫn cứ nhắm mắt, đầu gật gật cho xong chứ không dám nhìn đi đâu cả. Mùi thuốc sát trùng hắc, nồng nặc làm tôi nổi da gà. Họ chụp vào mặt tôi một chiếc mặt nạ. Khói thuốc mê phun ra và phải ở trong hoàn cảnh ấy, khi biết rằng chỉ vài giây nữa mình sẽ ngất đi, bạn mới hiểu cảm giác tử thần đã cận kề là thế nào.

Trong lúc hôn mê, tôi không mơ thấy gì cả. Đến khi tỉnh dậy, một người túc trực ở đấy báo với bác sỹ là tôi đã mở mắt. Tôi thấy chị phiên dịch và hỏi: "Mấy giờ rồi chị?". Chị đáp lại: "19h rồi em. Em mổ từ lúc 13h đấy. Sáu tiếng mới xong". Tôi đứt quá nhiều dây chằng, tổn thương sụn chêm rồi rách cơ dẫn đến ca phẫu thuật vốn dự kiến diễn ra trong ba tiếng kéo dài lên sáu tiếng. Bác sỹ cố gắng trấn an, bảo tôi cơ hội trở lại thi đấu vẫn là 50-50. Trời ơi. Chỉ là 50-50. Tôi xác định mình không còn nhiều hy vọng. Mà thực ra lúc đấy tôi không vội nghĩ đến chuyện trở lại đá bóng. Tôi cũng không có cảm giác đau vì còn tác dụng của thuốc mê. Chỉ buồn và cô đơn, vì không có lấy một người thân thuộc ở bên cạnh.

- Rồi những ngày sau phẫu thuật ở Singapore ra sao?

- Tôi ở Singapore 10 ngày. Hai ngày đầu tiên là phẫu thuật và điều trị tại viện. Họ tiêm hay nhét một thứ thuốc nào đó ở trong chân nên thời gian đầu, tôi không có cảm giác. Tôi chỉ thấy chân nặng như chì, không thể nhấc lên nổi thôi. Tám ngày sau, tôi về phòng nghỉ và chờ tái khám theo yêu cầu của bác sỹ. Tám ngày đó với tôi như bị đi đầy.

Tôi phải tự túc mọi việc. Chân hết thuốc giảm đau bắt đầu buốt, chịu không nổi. Tôi phải vác nạng đi từ nơi này sang nơi khác. Lúc đi tắm, tôi phải lấy màng bọc thực phẩm để cuốn hết cái chân trái lại, tránh bị ướt đến vết mổ. Mỗi lần vào phòng tắm là tôi sợ. Bởi lúc đấy tôi phải dùng nạng, chân lại còn yếu. Tôi chỉ sợ mình trượt chân thì không biết thế nào. Đó đúng là những ngày nhớ đời. Tôi không bao giờ quên cảm giác một mình vượt qua nỗi đau ấy.

- Chuyện ăn uống, anh giải quyết thế nào?

- Tôi ăn mì tôm trong một-hai ngày đầu tiên. Rồi sau đó, tôi nhờ được một chị người Việt Nam đi chợ và nấu ăn giúp mình. Mỗi ngày, tôi mất khoảng 100 đôla Sing tiền sinh hoạt, cộng thêm 20 đôla để chị ấy hỗ trợ mình.

- Quế Ngọc Hải có liên lạc không?

- Tôi nhận được nhiều cuộc gọi. Có người quan tâm, động viên thật sự rất vui. Khi không có ai nói chuyện qua điện thoại, tôi lên Youtube xem câu cá.

Ngọc Hải cũng liên lạc. Khi ấy, tôi là tiêu điểm mà. Ai cũng liên hệ với tôi. Sau này, hai anh em cũng hay nói chuyện, hỏi thăm nhau chứ không phải xong việc rồi "đường ai nấy đi".

Anh Khoa đơn độc trong những ngày đi điều trị ở Singapore. Ảnh: Trần Ngoan.

- Suy nghĩ đầu tiên của anh khi trở về Việt Nam là gì?

- Hành lý của tôi chẳng có nhiều, chỉ hai-ba bộ quần áo, cặp nạng và một cái vali nhỏ. Ngày thứ 10 ở Singapore, tôi sang viện tái khám. 13h, tôi ra sân bay và tự làm thủ tục về nước. Đến 15h, tôi trở về Đà Nẵng, thấy hạnh phúc tột độ. Có thể với người bình thường, 10 ngày ở nước ngoài chẳng là gì. Nhưng với một người bị bệnh, không đi lại được, 10 ngày ở Singapore giống như 10 ngày bạn lênh đênh trên biển mà không có la bàn, ngắc ngoải nhìn về phía trước chờ đợi điều kỳ diệu nào đó.

- Phẫu thuật chỉ chiếm 50% lộ trình điều trị. 50% còn lại thuộc về vật lý trị liệu để hồi phục chấn thương hoàn toàn. Anh xoay xở ra sao cho 50% còn lại ấy?

- Giá như lúc đó, Việt Nam có những trung tâm phục hồi như bây giờ thì có lẽ, tôi có thể quay lại nghề cầu thủ. Nhưng năm 2016, không có một trung tâm như vậy. Hai-ba tháng đầu sau phẫu thuật, tôi tự tập hoặc nhờ bố hỗ trợ trong việc gập chân vào. Băng gối được cài chế độ cho từng mức. Bác sỹ Tan có lộ trình với định mức rõ ràng. Ví dụ, sau một tháng, tôi có thể gập chân vào được một mức nào đó. Sau hai tháng, tôi sẽ gập hơn được thêm thế nào.

Mỗi tháng, tôi phải sang Singapore để bác sỹ Tan chỉnh lại mức tập. Sau sáu tháng, chân của tôi cũng gập được gần như tối đa. Đấy chính là thời điểm mà việc tập phục hồi rất quan trọng. Nhưng tôi phải nói rằng sáu tháng ấy, tôi và Đà Nẵng tốn quá nhiều tiền rồi. Mỗi lần sang Singapore, CLB hỗ trợ tôi từ 30 triệu đến 40 triệu đồng. Chi phí quá cao. Nếu như tôi tập phục hồi bên đó nữa thì miệng ăn núi lở. Tôi cũng ngại lắm. Tôi chưa cống hiến được gì cho CLB, mới lên đội 1 được vài năm. Quả thực, tôi không dám đòi hỏi thêm. Vậy tôi mới nói giá như có một trung tâm như PVF hiện tại ở Việt Nam, mọi thứ đã dễ dàng hơn.

- Không sang Singapore, anh tập phục hồi bằng phương pháp nào?

- Bác sỹ Tan từng gọi điện trách móc: "Khoa, sao không sang bên này? Cậu cần phải tập phục hồi. Chân của cậu đang tiến triển tốt. Sao lại không sang Singapore?". Tôi cũng muốn nói là tôi không có tiền. Tôi rất muốn nói như vậy đấy. Nhưng tôi đành phải nói dối rằng tôi có thể chủ động tập được. Từ đó, ông ấy không gọi cho tôi nữa mà chỉ hỏi thăm qua chị phiên dịch.

Tôi tập ở phòng gym tại Đà Nẵng. Giáo án phục hồi cũng chẳng có, toàn là tôi tự biên tự diễn. Tôi tự tập bằng kinh nghiệm đã mổ gối trước đây. Giờ nghĩ lại mới thấy mình dại, không hiểu biết và sai lầm tới mức nào. Những bài tập mà tôi cho đó là kinh nghiệm chỉ áp dụng với trường hợp đứt duy nhất dây chằng chéo trước. Còn tôi bị đứt tới bốn loại dây, cần nhiều bài tập khác nhau bổ trợ. Tôi hiểu rằng nếu muốn trở lại đỉnh cao thì mất nhiều tiền cũng phải chịu. Nhưng ngộ nhỡ, mất nhiều tiền mà tôi vẫn không quay lại được thì ai cho mình lại số tiền đấy?

- Nhưng khoản tiền đền bù 800 triệu đồng từ Quế Ngọc Hải thì sao?

- Tôi đến khổ sở vì những thông tin không đầy đủ. Riêng chi phí mổ đã là 834 triệu đồng. Các khoản từ ăn uống, đi lại, vé máy bay... CLB Đà Nẵng lo cho tôi. Các khoản phí tái khám sau này, Đà Nẵng cũng chịu. Có người không hiểu chuyện từng buông lời cay nghiệt, bảo "Mổ gì mà hết 800 triệu?".

- Đến lúc nào, anh nhận ra mình không thể quay lại bóng đá đỉnh cao?

- 13 tháng sau phẫu thuật, tôi trở lại các buổi tập của Đà Nẵng. Mấy ngày đầu tiên, tôi thấy ổn. Nhưng khoảng một tuần sau, chân của tôi tràn dịch. Tôi xin HLV Lê Huỳnh Đức nghỉ hai ngày, cho chân lành hẳn mới tập tiếp. Nhưng cứ tập được một chút thì gối tràn dịch. Nghỉ hai ngày – tập một ngày - nghỉ hai ngày, vòng tuần hoàn ấy lặp đi lặp lại khiến tôi hiểu rằng mình không thể thi đấu đỉnh cao được nữa. Buồn lắm nhưng tôi đành xin thầy Đức cho nghỉ hẳn. Tôi xin thầy thêm một điều là học bằng C huấn luyện để về đào tạo trẻ. Đấy là năm 2017.

- Bỏ dở giai đoạn phục hồi quan trọng ở Singapore, tại sao anh không quyết định giải nghệ ngay mà vẫn mạo hiểm, cố gắng trở lại sân cỏ?

- Nếu không đam mê bóng đá, tôi đã không xin HLV Lê Huỳnh Đức cho đi học huấn luyện. Thế giới của tôi chỉ xoay quanh quả bóng. Đôi khi đội 1 tập luyện kế bên sân đội trẻ do tôi phụ trách, tôi còn ngộ nhận mình là thành viên của Đà Nẵng đang thi đấu tại V-League. Bây giờ tôi mới 30 tuổi, đáng ra là cái tuổi đẹp nhất trong đời cầu thủ. Trong tôi vẫn còn cảm giác buồn man mác.

Thanh xuân của tôi gắn liền với bóng đá Đà Nẵng. Năm 2005, tôi tham gia giải U15 Quốc gia tại Đà Nẵng. Ở trận bán kết gặp Nghệ An, bạn đá đúng vị trí của tôi bị thuỷ đậu. Tôi được tạo điều kiện đá chính. Lần đầu tiên ra sân, tôi không ngờ mình chơi tốt và ghi được hai bàn, qua đó giúp Đà Nẵng vào chung kết gặp Đồng Tháp. Rồi đến trận chung kết, chúng tôi thắng 1-0 và lên ngôi vô địch. Tôi được giải cầu thủ xuất sắc, dù mới đá hai trận.

Đến năm 2011, tôi đứt dây chằng chéo và phải mổ gối. Lúc đấy tôi cũng 20 tuổi rồi. Nếu không nỗ lực tập luyện để trở lại, tôi sẽ bị thanh lý. Và tôi tái xuất kịp cho vòng chung kết U21 Quốc gia. Nhưng sau khi thắng Đồng Tháp và Nghệ An ở hai lượt đầu vòng bảng, chúng tôi bất ngờ thua Ninh Thuận 1-5 và bị loại. Sau giải đó, thầy Đào Quang Hùng gọi một số bạn lên đội 1 nhưng không phải là tôi. Phải nhờ tác động của HLV Phan Thanh Hùng, thầy Đức mới đồng ý gọi tôi lên thử chân. May mắn thay, tôi tập tốt, hoà nhập nhanh và được đánh giá tích cực. Đầu năm 2013, tôi được đăng ký thi đấu ở V-League và Cup Quốc gia. Trận chuyên nghiệp đầu tiên trong cuộc đời là Siêu Cúp giữa Đà Nẵng và Sài Gòn Xuân Thành. Hôm ấy, tôi vào sân từ ghế dự bị. Cả lứa trẻ khi đó, chỉ một mình tôi được trao cơ hội như vậy.

Tôi đá chuyên nghiệp được ba năm. Đáng ra nếu không có sự cố chấn thương, tôi sẽ được ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên vào cuối năm 2015. Tôi cũng khao khát, tò mò muốn biết hợp đồng của cầu thủ chuyên nghiệp mặt mũi ra sao. Nhưng ông trời không cho tôi cái diễm phúc ấy. Tôi chỉ trách mình không may mắn được như các đồng đội, đồng nghiệp cùng thời.

Dù giải nghệ sớm, Anh Khoa vẫn cảm thấy hài lòng vì còn được làm công việc liên quan đến bóng đá, có một gia đình nhỏ với bạn gái lâu năm. Ảnh: An Ngọc.

- Chấn thương và ám ảnh tâm lý đó ảnh hưởng thế nào tới quan điểm, phương pháp huấn luyện của anh hiện tại?

- Cách đây không lâu, tôi làm trọng tài cho một trận đấu nội bộ. Một cầu thủ đội A phạm lỗi trên mức quyết liệt với cầu thủ đội B. Người bị phạm lỗi không gặp vấn đề nghiêm trọng nào nhưng tôi cắt còi và đuổi thẳng ra ngoài. Tôi cho cậu ấy nghỉ 10 ngày, không tập luyện, thậm chí chỉ đứng cột dọc từ đầu đến hết buổi tập giữa trời nắng nóng. Tôi bảo chừng nào biết lỗi, không bay, phóng, đạp đối phương thì hẵng quay lại tập luyện. Trong đội, tụi nhỏ sợ tôi lắm. Chỉ cần tôi đứng trên sân là phải chơi đàng hoàng.

Tôi dặn tụi nhỏ, trong bóng đá đỉnh cao có thể dùng tiểu xảo nhưng tuyệt đối không được chơi ác ý. Đừng bao giờ làm điều đó. Hãy nghĩ đến sức khoẻ và tương lai của người đối diện và nghĩ tới hậu quả bản thân phải gánh chịu. Phạm lỗi thô bạo, làm gãy chân đồng nghiệp, bạn không chỉ mất tiền mà còn mất đi hình ảnh của một con người tử tế và sẽ phải sống với mặc cảm đó suốt đời.

- Sau tất cả, khi những điều tồi tệ nhất đi qua, cảm giác trong anh bây giờ là gì?

- Một năm sau ngày giải nghệ, tôi cưới vợ. Nếu còn có thể tiếp tục thi đấu đỉnh cao, tôi chỉ nghĩ đến chuyện lập gia đình vào năm 31 hoặc 32 tuổi. Nhưng bóng không thể đá, vợ cũng đã quen 10 năm. Đó là khoảng thời gian đủ dài để hai đứa hiểu nhau. Hai vợ chồng tôi hiện có một đứa con. Chẳng có gì hạnh phúc hơn thế. Tôi bây giờ thấu hiểu cảm giác làm cha, làm mẹ đau xót khi thấy con ốm, con đau hay con gặp chuyện buồn. Có lẽ, cuộc đời cũng không quá khắc nghiệt, vẫn cho tôi một điểm tựa.

Hai học trò tôi phụ trách được lên đội tuyển U18 Việt Nam trong đợt tập trung vừa qua. Với người thầy, đó là niềm vui và cũng là niềm tự hào. Tôi sẽ cố gắng tiếp thu, tích luỹ thêm kinh nghiệm, đầu tư nhiều hơn để trở thành một HLV "được việc".

Nhưng với các học trò, những người đang đi cùng tôi qua năm tháng trên con đường tìm tới sân khấu của bóng đá chuyên nghiệp, tôi quan tâm tới những điều quan trọng khác. Trong 30 cầu thủ đang ăn tập ở đội trẻ do tôi huấn luyện, không phải ai cũng sẽ được xuất hiện tại V-League. Không thể đá chuyên nghiệp là cú sốc, nhưng không phải dấu chấm hết. Cuộc sống còn nhiều thứ lớn lao hơn. Và dù làm nghề gì đi chăng nữa, bạn cũng phải là người tốt.

* Xem thêm: Gramoz: 'Bóng đá ở Scotland bạo lực gấp 10 lần V-League'
Pedro Paulo: 'Đá ở Anh hay Pháp chẳng khác gì Việt Nam'

An Ngọc