"Đại họa năm Thìn": Đám giỗ làng ở nơi có gần 1.500 người chết trong cơn "đại hồng thủy"

Đình Thức |

52 năm đã trôi qua nhưng cứ đến ngày mồng 5, mồng 6 tháng 10 Âm lịch hàng năm, tất cả người dân thôn Đông An ở khắp nơi lại trở về tổ chức đám giỗ làng.

LTS: Các tỉnh miền Trung trải qua đợt lũ dữ vào tháng 10/2016 khiến nhiều người chết, thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Mảnh đất miền Trung dường như đã quá quen thuộc với nỗi đau mà thiên nhiên gây ra cho người dân. Quay ngược về quá khứ cách đây 52 năm, một trận lụt cướp đi 6.000 sinh mạng ở Quảng Nam vẫn là nỗi ám ảnh khôn nguôi.

Trận đại hồng thủy đó được lưu truyền trong nhân gian với tên gọi "đại họa năm Thìn" và nó đã khiến nhiều làng mạc, dòng họ rơi vào cảnh tuyệt tự. Mới đây, khi có dịp trở lại Quảng Nam, PV đã gặp những nhân chứng sống của trận lụt năm Thìn. Họ vẫn còn ám ảnh cho đến tận bây giờ.

Kỳ 1: "Đại họa năm thìn ở Quảng Nam": Hàng loạt dấu hiệu cảnh báo lạ lùng
Kỳ 2: "Đại họa năm Thìn": Những người hiếm hoi còn sống chỉ biết thốt lên 'kinh hoàng lắm!'
Kỳ 3: "Đại họa năm Thìn": Nhiều người ngất xỉu khi thấy ngôi làng tan nát sau "đại hồng thủy"

Kỳ 4: "Đại họa năm Thìn": Đám giỗ làng ở nơi có gần 1.500 người chết trong cơn đại hồng thủy

Đám giỗ của 1.500 người chết cùng ngày

Ngày 5/10 Âm lịch vừa qua, chúng tôi theo chân một người con làng Đông An (xã Quế Phước, Nông Sơn, Quảng Nam) về quê dự đám giỗ làng và tìm hiểu câu chuyện về trận lụt năm Thìn 1964.

Làng Đông An một bên tựa vào vách núi, một bên giáp với sông Thu Bồn. Con sông ngày vốn hiền hòa mang lại tôm cá, nước tưới cho dân làng, nhưng sẽ trở nên hung dữ vào những ngày bão lụt.

Hàng năm, mỗi mùa mưa bão là người dân Đông An lại nơm nớp lo sợ, dọn dẹp nhà cửa để tránh lũ. Nhưng từ ngày khai thiên lập địa đến nay, trận lụt năm Thìn vẫn luôn là nỗi kinh hoàng lớn nhất đối với họ.

Có người sau khi thoát khỏi "đại họa năm Thìn" và được chính quyền hỗ trợ xây nhà thì họ muốn xây trên khu đất cao nhất làng, bởi ký ức kinh hoàng về cơn đại hồng thủy vẫn còn ám ảnh.

Cứ đến đầu tháng 10 Âm lịch hàng năm, người làng Đông An khắp nơi rục rịch chuẩn bị về dự ngày giỗ làng.

Đám giỗ được cúng ở 2 nơi là đình làng và đền thờ lũ. Đền thờ lũ thờ gần 1.500 người làng Đông An thiệt mạng trong đại họa năm 1964.

Theo các bậc cao niên ở Đông An, tục lệ này đã ra đời hàng chục năm nay để tưởng nhớ đến những người dân làng thiệt mạng do lũ.

Đám giỗ được tổ chức trong 2 ngày. Ngày 5/10 cả làng tổ chức chung tại nhà thờ lụt. Ngày 6/10, gia đình nào tổ chức lễ giỗ riêng ở nhà người đó.

Trong đám giỗ chung, những vị bô lão cao tuổi nhất, những người đã từng trải qua, chứng kiến hoặc sống sót trong trận đại hồng thủy kể lại cho con cháu nghe kiếp nạn của ngôi làng.

Đại họa năm Thìn: Đám giỗ làng ở nơi có gần 1.500 người chết trong cơn đại hồng thủy - Ảnh 1.

Ngôi đền lụt, nơi thờ gần 1.500 người chết trong cơn đại hồng thủy 1964

Người đứng ra tổ chức đám giỗ làng Đông An nhiều năm qua là cụ Lương Lang (79 tuổi).

Lúc xảy ra đại họa năm Thìn, cụ Lang đang ở TP.Hội An (Quảng Nam) làm việc nên may mắn sống sót. Sau đó, cụ trở về, kết duyên với cụ Nguyễn Thị Thiệp (người may mắn sống sót) và từ đó đến nay định cư ở làng.

Cụ Lang cũng chính là người đứng ra vận động để xây dựng nên nhà thờ lụt.

"Nhà thờ trước kia nằm ven sông nhưng đã bị một cơn lũ cuốn trôi. Nhà thờ hiện nay nằm chính giữa làng, ở chỗ cao ráo. Mỗi ngày rằm, mồng một hàng tháng tôi đều ra thắp hương cho những người xấu số", cụ Lang cho hay.

Không ai có thể quên được "đại họa năm Thìn"

Cụ Lang cho biết, đám giỗ làng có sự góp sức của tất cả người dân, con cháu trong làng. Mỗi hộ tự nguyện đóng góp trung bình 50.000 đồng. Con cháu đi xa cũng đóng góp theo tinh thần tự nguyện.

"Người dân Đông An ngày nay vẫn còn nghèo, khó khăn nhưng cái nghĩa với người đã khuất thì không bao giờ họ quên", cụ nói.

Theo cụ Châu, làng Đông An ngày trước có có 395 hộ gia đình với hơn 1.500 nhân khẩu. Sau cơn lũ dữ, làng có tổng cộng 1.481 người chết.

Đại họa năm Thìn: Đám giỗ làng ở nơi có gần 1.500 người chết trong cơn đại hồng thủy - Ảnh 2.

Văn tế giỗ lụt cúng những người tử nạn trong đại họa năm Thìn của làng Đông An

"Chỉ còn 19 người sống sót của 10 gia đình. Nhiều dòng họ vì thế mà tuyệt tự, tuyệt tôn không có người hương khói.

Những người sống sót có 10 người ở lại làng, số còn lại bỏ đi lập nghiệp nơi khác.

Người dân các làng xung quanh, từ các huyện Quế Sơn, Phước Sơn… hoặc từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến đây lập nghiệp xây lại làng Đông An ngày nay.

Họ đến đây dựng nhà làm ăn sinh sống. Ai nấy khi nghe lại câu chuyện đều tự nguyện tham gia giỗ làng như là cách an ủi người đã khuất", nhân chứng của "đại họa năm Thìn" cho hay.

Ông Huỳnh Bá Cường, Chủ tịch UBND xã Quế Phước cho biết, bản thân ông cũng là người từ nơi khác đến lập nghiệp. Trận đại hồng thủy năm Thìn ông chỉ được nghe các cụ cao niên kể lại.

Theo ông Cường, làng Đông An hiện có 214 hộ và 912 nhân khẩu. Cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn nhưng đang từng bước vươn lên làm giàu.

"Làng Đông An có đám giỗ lụt hàng năm đều quy tụ con cháu về thắp hương cúng bái. Riêng nhà thờ lụt đã xuống cấp nhưng vẫn chưa được sửa chữa. Chính quyền địa phương cũng muốn hỗ trợ nhưng do kinh phí hạn hẹp nên chưa thực hiện được", ông Cường nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại