[Hướng dẫn] Cách chăm sóc người bệnh bị nhiễm HIV

Đã đăng 19/09/2020

Những người bị nhiễm HIV cần có một chế độ chăm sóc đặc biệt. Bởi nó có liên quan mật thiết trong việc cải thiện các biến chứng nguy hại do bệnh HIV gây ra cũng như phòng tránh nguy cơ lây nhiễm sang cho người khác. Dưới đây, chúng tôi sẽ giúp các bạn biết cách chăm sóc người bệnh nhiễm HIV đúng cách. Nếu trong gia đình bạn chẳng may có người bị nhiễm HIV thì đây là những thông tin bổ ích mà các bạn cần ghi nhớ.

HIV là gì?

HIV là một căn bệnh vô cùng nguy hại được gây ra bởi virus Human Immunodeficienc. Đây là một loại siêu vi trùng có thể gây ra tình trạng liệt kháng trong cơ thể.

Theo nghiên cứu, bệnh HIV chủ yếu lây truyền qua việc dùng chung kim tiêm, qua quan hệ tình dục không an toàn và từ mẹ sang con. Về bản chất, quá trình lây nhiễm chính của virus HIV là qua đường máu. Bởi vậy, những con đường khác, nhất là qua tiếp xúc thông thường sẽ không làm lây nhiễm virus HIV.

Một người được xác định nhiễm HIV khi vi trùng xâm nhập được vào đường máu. Nó sẽ tấn công hệ miễn dịch của cơ thể, gây ra những tổn thương và bệnh tật khó khắc phục. Đặc biệt, khi HIV phát triển mạnh hơn, nó có thể dẫn đến AIDS (Acquired Immune Deficiency Syndrome) – hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải, có thể dẫn tới tử vong.

Hướng dẫn cách chăm sóc người bệnh nhiễm HIV

Người bị nhiễm HIV thường có sức khỏe kém do hệ miễn dịch bị suy yếu. Bởi vậy, họ cần một chế độ chăm sóc đặc biệt không chỉ để khắc phục các triệu chứng bệnh mà còn để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh sang cho người khác.

Khi trong gia đình có người bị nhiễm HIV, các bạn cần ghi nhớ cách chăm sóc sau đây.

  1. Về việc sử dụng thuốc

Hiện nay, các trường hợp bị nhiễm HIV thường được sử dụng thuốc để kiểm soát lượng virus trong cơ thể và nâng số lượng tế bào bạch cầu CD4. Các loại thuốc này sẽ giúp người bệnh kéo dài sự sống cũng như chống chọi lại các bệnh lý khác do việc suy giảm hệ thống miễn dịch gây ra.

Để đảm bảo cho thuốc phát huy hết công dụng, các bạn cần phải chú ý cho người bệnh dùng thuốc đúng loại, đúng liều, đúng giờ và tái khám thường xuyên. Trong quá trình sử dụng thuốc, các bạn cũng cần chú ý tơi các tác dụng phụ có thể xảy ra để thông báo cho bác sĩ. Tốt nhất, người thân nên có một số quyển sổ ghi chú để theo dõi quá trình dùng thuốc của người bệnh. Nếu có bất cứ vấn đề bất thường gì xảy ra, hãy liên hệ ngay với bác sĩ.

  1. Về chế độ tiêm phòng

Người bị nhiễm HIV khi phát triển đến giai đoạn 3 hoặc giai đoạn 4 (AIDS) sẽ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng thông thường do hệ miễn dịch đã suy yếu. Do đó, cả người bệnh và người nhà cần tiêm ngừa một số vaccine như cúm, bại liệt, sởi, lao…

Các bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị để biết được nên sử dụng loại vaccine nào cho người bệnh. Thông thường, bệnh nhân nhiễm HIV sẽ được yêu cầu tiêm ngừa cúm, viêm phổi, sởi, quai bị và rubella.

Các thành viên trong gia đình có người nhiễm HIV cần tiêm phòng đầy đủ và kiểm tra lao mỗi năm.

  1. Tránh người bệnh tiếp xúc với mầm bệnh

HIV sẽ khiến hệ miễn dịch người bị suy yếu. Do đó, nếu người thân hoặc người chăm sóc bệnh nhân HIV bị bệnh thì cần cách ly khỏi người bệnh cho tới khi khỏi bệnh hoàn toàn. Điều này nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh cho người bị HIV.

Đặc biệt, hãy thật cẩn trọng với những trường hợp bị thủy đậu và zona. Bởi 2 căn bệnh này có thể gây tử vong cho người bị HIV. Không nên để một người bị thủy đậu hoặc zona tiếp xúc hoặc ở chung phòng với người nhiễm HIV. Những người đã tiếp xúc với mầm bệnh thủy đậu và zona cũng không được chăm sóc người bị HIV trong 3 tuần.

  1. Che chắn các vết thương hở và các vết sẹo chưa lành

Để tự bảo vệ bản thân cũng như người bị HIV, người chăm sóc các bệnh nhân HIV phải che chắn các vết thương hở hoặc các vết sẹo chưa lành trên cơ thể bằng băng gạc. Nếu trên tay người chăm sóc có vết trầy xước, hãy nhớ đeo găng tay khi tiếp xúc người bệnh. Còn trong trường hợp có mụn nước hoặc bất cứ loại nhiễm trùng da nào khác thì tốt nhất nên tránh tiếp xúc với người bệnh, kể cả các vật dụng cá nhân của họ.

  1. Xử lý đồ dùng cá nhân của người bệnh

Với đồ dùng cá nhân như quần áo, khăn mặt, khăn tắm của người bệnh cần được giặt giũ riêng sạch sẽ. Đặc biệt, với các đồ vải bị dính máu người bệnh thì nên ngâm nước Javen 0,1 – 0,5% trong 30 phút rồi giặt lại bằng xà phòng. Còn trong trường hợp quần áo bị dính các chất đặc như chất nôn, phân của người bệnh thì hãy gột bớt bằng nước sau đó cũng ngâm Javen và giặt lại.

Với các rác thải có chứa máu người bệnh như bông, băng gạc, giấy… thì hãy cho vào 2 túi nylon rồi buộc kín trước khi bỏ vào thùng rác.

  1. Vệ sinh môi trường sống cho người bị nhiễm HIV

Môi trường sống cũng là một yếu tố rất quan trọng đối với người bị nhiễm HIV. Theo đó, người trong gia đình cần chú ý vệ sinh sạch sẽ xung quanh nơi ngủ, nơi sinh hoạt của người nhiễm bệnh. Hãy giữ cho môi trường thông khí tốt, nhiệt độ thích hợp. Dùng nước sạch để sinh hoạt, có khu vực vệ sinh riêng, đạt tiêu chuẩn.

Vì bệnh HIV không lây qua tiếp xúc thông thường, do đó người nhiễm bệnh vẫn có thể sinh hoạt hay làm việc chung với người khỏe mạnh.

  1. Chế độ dinh dưỡng dành cho người nhiễm HIV

Người bị nhiễm HIV cần một chế độ ăn uống khoa học, đảm bảo chất dinh dưỡng để cung cấp năng lượng cho cơ thể và hỗ trợ hệ miễn dịch. Do đó, người chăm sóc cần phải đảm bảo cho bữa ăn hàng ngày của người bệnh có đầy đủ những nhóm thức ăn như lipid, protein, đường bột, vitamin, khoáng chất…

Có thể kể đến một số loại thức ăn tốt cho bệnh nhân bị HIV/AIDS như rau bó xôi, khoai tây, trứng, thịt, các loại quả mọng, bánh mì, sữa chua…

Tuy nhiên, người nhà cũng cần chú ý đến một số loại thực phẩm có thể gây ngộ độc, tiêu chảy cho người bị nhiễm HIV như: sữa sống, sữa chưa tiệt trùng, các loại đồ tái, nấu chưa kỹ, cá sống, các loại ốc, trứng sống hay các món ăn có trứng sống…

Có thể liên quan: Thực phẩm dinh dưỡng dành cho người nhiễm HIV

Những lưu ý trong quá trình chăm sóc người nhiễm HIV

Trong quá trình chăm sóc người bị nhiễm HIV, người thân phải chú ý các vấn đề sau đây để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh:

  • Khi máu và dịch tiết của người bệnh bị vương vãi ra ngoài, các bạn hãy dùng giấy hoặc vải lau sạch. Vệ sinh lại khu vực đó bằng nước xà phòng rồi lau lại bằng nước javen hay cồn 70 độ. Các rác thải có chứa máu, dịch của người bệnh nên được cho vào túi bóng và thùng rác, tránh vứt bừa bãi.
  • Khi chăm sóc vết thương hoặc giặt đồ cho người bệnh HIV, người nhà nên mang găng tay cao su. Nếu bị dính máu hay dịch tiết của bệnh nhân thì hãy rửa sạch bằng nước xà phòng và dùng cồn 70 độ để sát trùng lại.
  • Nếu người chăm sóc bị những vật bén nhọn như kim tiêm, dao cạo… đã dùng cho người bị bệnh làm bị thương thì hãy làm sạch vết thương bằng xà phòng, nước sạch, sát trùng bằng cồn 70 độ và liên hệ cơ sở y tế để điều trị dự phòng.
  • Người có các tổn thương ở da hoặc bị viêm da thì không nên chăm sóc người bệnh trực tiếp.
  • Sử dụng khẩu trong trong trường hợp người bị nhiễm HIV có bệnh lao tiến triển.
  • Tránh hồi sức nhân tạo bằng miệng qua miệng với người bệnh
  • Không giặt chung quần áo, đồ đạc với người nhiễm HIV/AIDS.

Những lưu ý dành cho người bị nhiễm HIV

Bản thân người bị nhiễm HIV cũng cần chú ý cách chăm sóc sức khỏe để đảm bảo cho bệnh không diễn tiến quá nhanh và ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm cho những người thân trong gia đình. Các bạn hãy ghi nhớ những điều sau:

  • Dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, đúng thuốc, đúng liều lượng, thời gian sử dụng.
  • Dùng riêng các đồ dùng cá nhân như quần áo, khăn tắm, khăn mặt, bàn chải đánh răng, dao cạo, kìm bấm móng tay,…
  • Không cho người khác nhận máu và mô của mình
  • Tuyệt đối không sử dụng bơm kim tiêm với người khác. Nên dùng bơm kim tiêm mới, sạch.
  • Luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục
  • Duy trì thói quen vận động, luyện tập thể thao vận động thường xuyên để duy trì sức khỏe của hệ tim mạch, tránh tâm trạng buồn phiền, lo lắng.
  • Bố trí thời gian làm việc, nghỉ ngơi phù hợp
  • Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân thường xuyên như đánh răng, tắm rửa, thay quần áo, vệ sinh vùng kín…
  • Không uống rượu, bia, không hút thuốc lá, thuốc lào.
  • Không tự ý dùng thuốc khi không có hướng dẫn của thầy thuốc.

 Cách xử lý một số vấn đề mà người nhiễm HIV hay gặp phải

Bệnh HIV có thể gây ra rất nhiều vấn đề đối với sức khỏe của người bệnh. Và khi gặp phải những ảnh hưởng do HIV gây ra, các bạn cũng cần chú ý cách xử lý như sau:

  • Buồn nôn và nôn: Khi người bị nhiễm HIV bị nôn thì không nên cho ăn gì trong 2 giờ đầu, sau đó nên ăn các món ăn lỏng. Chú ý vệ sinh răng miệng, tránh để xảy ra tình trạng nhiễm trùng. Sử dụng thuốc chống nôn theo hướng dẫn của bác sĩ, dùng trước bữa ăn 30 phút. Trong trường hợp bị nôn kéo dài thì cần bù dịch bằng ORS.
  • Sốt: Với trường hợp này, người chăm sóc cần đo thân nhiệt cho người bệnh khoảng 4 giờ/lần. Chỉ dùng thuốc hạ sốt theo đơn của bác sĩ. Khuyến khích người bệnh uống các chất dịch nếu có thể hấp thụ được. Khi người nhiễm HIV bị sốt thì nên tắm bằng nước ấm và chườm lạnh bằng túi nước mát.
  • Đau: Khi người bệnh nhiễm HIV xuất hiện các cơn đau trước tiên hãy xác định vị trí đau, cường độ cũng như tần suất các cơn đau. Nếu trường hợp cơn đau chỉ xảy ra ở mức độ nhẹ thì có thể dùng thuốc uống paracetamol. Với trường hợp bị đau nặng, nhất là ở đầu hay bụng theo chiều hướng tăng dần thì nên nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế.
  • Nhiễm trùng ở da: Các trường hợp nhiễm trùng da ở người nhiễm HIV thường gây ra tình trạng ngứa ngáy, lở loét, đau đớn… Các bạn nên xin ý kiến của bác sĩ để được tư vấn điều trị bằng các loại thuốc bôi, thuốc uống phù hợp. Tuyệt đối tránh tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định.
  • Tiêu chảy: Chú ý vệ sinh khu vực hậu môn bằng nước ấm, xà phòng. Có thể dùng thuốc theo đơn của bác sĩ. Khuyến khích ăn các đồ lỏng, uống oresol. Cứ khoảng 2 giờ thì mới cho người bệnh ăn 1 lượng thức ăn ít chất thô.

Chăm sóc người bệnh bị HIV là cả một quá trình lâu dài và vất vả. Đòi hỏi sự kiên trì không chỉ của cả người bệnh mà cả những người thân xung quanh. Đặc biệt, với sự đồng hành và chia sẻ của gia đình, bạn bè, người bị nhiễm HIV mới có nhiều động lực để khắc phục bệnh, duy trì cuộc sống và sức khỏe. Hi vọng những thông tin trên đây đã phần nào giúp mọi người hiểu hơn về cách chăm sóc người bệnh nhiễm HIV. Nếu trong gia đình không may có người nhiễm phải virus này, các bạn hãy áp dụng để mang đến hiệu quả chữa trị tốt nhất.

 

Tra cứu