Nhìn lại thảm họa đập Bản Kiều

05/10/2012 03:00 GMT+7

Đến nay đã gần 40 năm nhưng thảm họa vỡ đập Bản Kiều tại Trung Quốc vẫn khiến người ta không thể không rùng mình khi nhớ đến.

Theo một số chuyên trang điện ảnh, bộ phim Dam999 vừa được trình chiếu trong LHP Kim Kê - Bách Hoa diễn ra tại thành phố Chiết Giang, Trung Quốc, hồi cuối tháng trước. Với nội dung có đề cập vụ vỡ đập Bản Kiều, bộ phim tái hiện thảm họa từng làm thiệt mạng được cho là lên đến gần 250.000 người. Năm 1975, 62 đập nước, đặc biệt là con đập trên, bị vỡ tan sau trận siêu bão Nina ở thành phố Trú Mã Điếm thuộc tỉnh Hà Nam, trở thành thảm họa công trình xây dựng tồi tệ nhất lịch sử thế giới.

Đại hồng thủy

Theo tạp chí News China, ngày 5.8.1975, cơn bão lớn thứ 3 trong năm đó tại Trung Quốc đổ bộ vào tỉnh Hà Nam. Ảnh hưởng của bão, những trận mưa lớn kéo dài tại khu vực này với lưu lượng lên đến 400 - 1.000 mm từ ngày 5 - 7.8.1975. Vì thế, mực nước ở vùng thượng lưu của các con sông trong vùng nhanh chóng dâng cao, gây sức ép lên các hồ chứa nước và dần biến thành lũ lớn. Khi cơn lũ tràn qua, các đập nước lần lượt bị vỡ và Trú Mã Điếm, nơi có đập Bản Kiều, trở thành rào chắn cuối cùng.

 Đập Bản Kiều sau thảm họa
Đập Bản Kiều sau thảm họa - Ảnh: litverse

Theo cuốn sách tựa đề Thảm họa lũ lụt Hà Nam tháng 8.1975 do Sở Tài nguyên nước Hà Nam xuất bản năm 2005, mực nước tại con đập này, vào lúc 21 giờ ngày 7.8.1975, chỉ còn cách đỉnh 2 cm. Lúc ấy, con đập Thạch Mạn Than ở kế đó vỡ tan tạo ra cơn đại hồng thủy phá hủy hoàn toàn đập Bản Kiều. Chẳng mấy ai kịp trở tay, đặc biệt là những người đang chìm trong giấc ngủ. Gần 10 tỉ m3 nước tạo ra những cơn sóng cao 10 m, quét qua toàn bộ vùng Trú Mã Điếm chỉ trong vài giờ. Hơn 4 triệu người ở 30 huyện bị nước lũ bao vây, 5 triệu ngôi nhà bị cuốn trôi, giao thông gián đoạn suốt 16 ngày.

Cũng theo News China, chính phủ Trung Quốc đến nay vẫn chưa xác nhận số thương vong. Dòng chữ khắc trên bia tưởng niệm tại khu vực đập Bản Kiều năm 1987 viết mơ hồ rằng: “Trận lũ đã nuốt hàng ngàn sinh mệnh”. Theo số liệu của chính quyền tỉnh Hà Nam hồi cuối tháng 8.1975, khoảng 85.600 người đã chết trong thảm họa trên. Tính luôn cả những người không phải cư dân bản địa, con số khoảng 100.000. Trong khi đó, một chương trình của kênh Discovery hồi năm 2005 chỉ ra con số thiệt mạng là 240.000 người. Ngoài ra, theo một báo cáo do 8 ủy viên Chính hiệp Trung Quốc công bố vào thập niên 1980, vụ vỡ đập Bản Kiều khiến 100.000 người chết đuối cùng 130.000 người khác chết do dịch bệnh và nạn đói sau lũ.

Thực tế vượt xa thiết kế

Đập Bản Kiều với chiều cao 24,5 m được xây dựng vào năm 1951 nhằm chế ngự sông Hoài, vốn chảy qua Hà Nam. Ngoài ra, hơn 100 con đập được xây mới tại địa phận thành phố Trú Mã Điếm trong giai đoạn từ năm 1956 - 1957. Tuy nhiên, theo cựu kỹ sư trưởng của Sở Tài nguyên nước Hà Nam Trần Hưng, nhiều đập được xây dựng dưới tiêu chuẩn thiết kế ngăn lũ vì chính phủ xem trọng khả năng tích nước hơn tháo nước. Trong cuốn hồi ký của mình, ông Trần cho biết chính quyền địa phương liên tục giảm số lỗ thông trên các cửa xả nhằm tăng khả năng dung tích hồ chứa. Riêng với Bản Kiều, theo Nhân dân nhật báo, số cửa xả theo tính toán ban đầu là 12, sau bị rút xuống còn 5. Chưa hết, đập được thiết kế dựa trên tiêu chuẩn tần suất lũ 1.000 năm một lần tương ứng lượng mưa 300 mm/ngày. Tuy nhiên, thực tế thì trận lũ với tần suất 2.000 năm một lần đã xảy ra. Vì thế, đập Bản Kiều khi đó phải hứng đến 697 tỉ m3 nước, trong khi năng lực được thiết kế chỉ là 492 tỉ m3 nước.

Năm 2010, tờ Southern Metropolis Weekly dẫn lời ông Hoàng Minh Xuyên, người giữ chức Trưởng trạm thủy văn tại Bản Kiều hồi xảy ra thảm họa, cho biết dù mở hết cửa xả kịp thời thì cũng không tiêu thoát hết nước. Thế nhưng, trong thực tế, việc truyền tin thông báo lũ đã gặp trục trặc nên cảnh báo không kịp thời. Ngoài ra, tờ Nhân dân nhật báo dẫn lời ông Lê Tắc Xuân, thuộc Viện Hàn lâm khoa học kỹ thuật Trung Quốc, tuyên bố vấn đề của thảm họa Bản Kiều không nằm ở chỗ dự báo thời tiết. Theo đó, bên cạnh sự “ham hố” dung tích chứa nước, chính quyền còn thiếu cả hệ thống cảnh báo sớm và kế hoạch sơ tán thiếu hiệu quả. Vì thế, khi trận đại hồng thủy ập đến, hậu quả quá thảm khốc.

Trùng Quang

>> Công khai phương án sơ tán dân nếu vỡ đập thủy điện
>> Mưa lũ miền Trung: Nguy cơ vỡ đập thủy điện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.