Lấy Marvel làm chuẩn, Tencent cũng muốn tạo dựng chuỗi nhượng quyền đa phương tiện thông qua anime

    Tấn Minh,  

    Tencent đã và đang sử dụng anime và manga để lôi kéo mọi người đến với các nền tảng của họ tại Trung Quốc, nhưng nay hãng muốn có được chỗ đứng lớn hơn ở nước ngoài, bắt đầu với các tựa game dựa trên các anime và manga đình đám.

    Tencent Holdings Ltd., hãng từng bị cự tuyệt bởi ngành công nghiệp giải trí Nhật Bản nhiều năm về trước, đang tìm cách hâm nóng lại mối quan hệ với các ông lớn anime và manga của xứ mặt trời mọc.

    Gã khổng lồ truyền thông xã hội Trung Quốc trong vài tháng gần đây đã "cuỗm" một số thành viên cộm cán từ hai studio khá nổi tiếng ở Nhật Bản, những bộ não đằng sau tựa game bom tấn Nier: Automata và Marvelous Inc. Hành động vung tiền này chỉ là khởi đầu của một chuỗi chi tiêu vô tiền khoáng hậu với mục tiêu mở rộng chỗ dứng của Tencent tại một thị trường được xem là trung tâm sáng tạo của thế giới, đồng thời học hỏi những kỹ năng thượng thừa của Nhật Bản trong phát triển game console và sáng tạo nên những thương hiệu game bom tấn. Công ty Trung Quốc hiện đang thương thảo với nhiều studio khác để thực hiện thêm những kế hoạch đầu tư tiềm năng trong tương lai.

    Lấy Marvel làm chuẩn, Tencent cũng muốn tạo dựng chuỗi nhượng quyền đa phương tiện thông qua anime - Ảnh 1.

    Hãng game đình đám thế giới Tencent và tham vọng thâu tóm thị trường.

    Tencent từ lâu đã nhận ra rằng xuất khẩu giải trí sang Nhật Bản là một lĩnh vực cần được tối ưu hơn nữa – bởi những chiến lược phân phối và marketing tốt hơn có thể giúp hãng sản sinh ra những khoản doanh thu khổng lồ. Sau khi hoàn thành những thương vụ thâu tóm nhiều tỷ đô, như nhà phát triển Clash of Clans là Supercell Oy, và nhà sáng tạo Fortnite là Epic Games Inc., nhà phát hành game hàng đầu Trung Quốc đã liên tục bị cự tuyệt khi tìm cách thâu tóm các nhà phát triển và studio của Nhật Bản. Hướng đi mới của Tencent lúc này là bỏ tiền ra để trở thành một đối tác yêu thích, mua ghế trong ban lãnh đạo quyền truy xuất ưu tiên đến nội dung mới.

    Thường được viết tắt là ACG, các chuỗi nhượng quyền anime, truyện tranh, và game của Nhật Bản đã rất phổ biến tại thị trường Trung Quốc – đấu trường game di động lớn nhất của thế giới. Chúng là yếu tố làm bùng lên các dịch vụ như nền tảng stream Bilibili Inc., và cung cấp các nhân vật cho nhiều tựa game yêu thích của đất nước này. Nhưng các nhà sáng tạo Nhật Bản, vốn không hề mong muốn bị mất quyền kiểm soát đối với những tài sản giá trị của họ, lại ưa chuộng các hợp đồng cấp phép theo hình thức ad-hoc, làm nổ ra những cuộc chiến đấu thầu giữa các nhà phát hành như Tencent và ByteDance Ltd. (sở hữu TikTok) – hai hãng này hiện đều sở hữu cho riêng mình một tựa game Naruto với tính cạnh tranh cực cao tại Trung Quốc. ByteDance đang chuẩn bị sẵn sàng để tấn công lĩnh vực game trong năm nay, và NetEase Inc., một nhà phát hành game lớn khác của Trung Quốc, mới đây cũng đã công bố sắp mở một studio phát triển game tại Tokyo.

    "Các ACG của Nhật Bản đều thuộc đẳng cấp thế giới, trong khi các đối thủ Trung Quốc của họ thì tụt hậu lại đằng sau nhiều năm trời. Kể cả Tencent cũng không thể nhanh chóng đạt được trình độ tinh vi như vậy được" – nhà phân tích trong ngành công nghiệp game ở Tokyo là Serkan Toto nói. "Tất cả đều xoay quanh việc nhanh chóng mở rộng ra quốc tế, tiếp cận đến những tài sản ACG nổi tiếng, và làm sao nắm được cách kiến tạo những tài sản trí tuệ đỉnh cao từ con số không".

    Tầm nhìn của Tencent là thiết lập nên những chuỗi nhượng quyền đa phương tiện giống Vũ trụ Marvel, tập trung vào việc đưa các siêu anh hùng nổi tiếng trong anime và manga, cùng tuyến truyện của họ, vào video game, tận dụng tối đa tài sản trí tuệ liên quan mỗi nhân vật đó. Nắm trong tay quyền kiểm soát WeChat, siêu ứng dụng và là nền tảng nhắn tin số một Trung Quốc, công ty có một lợi thế đáng kể trong việc quảng bá các sản phẩm của mình.

    Lấy Marvel làm chuẩn, Tencent cũng muốn tạo dựng chuỗi nhượng quyền đa phương tiện thông qua anime - Ảnh 2.

    Theo Hideki Yasuda thuộc Viện nghiên cứu Ace, thì Nhật Bản có rất nhiều nhân vật tiềm năng có thể khai thác được. Các tài sản trí tuệ nổi tiếng như Neon Genesis Evangelion và Doraemon đều rất phổ biến ở Trung Quốc, nhưng vẫn chưa được chuyển thể thành các bom tấn game tại quốc gia này. Các tựa game như LovePlus bởi Konami Holdings Corp., Disgaea bởi Nippon Ichi Software Inc., và Legend of Heroes bởi Nihon Falcom Corp cũng có tiềm năng tăng trưởng nếu được chuyển thể và phân phối hợp lý tại thị trường quê nhà của Tencent.

    Công ty trụ sở tại Thâm Quyến này hiện nắm giữa trong tay gần một nửa thị trường game di động và PC trị giá 33 tỷ USD của Trung Quốc. Lĩnh vực này ngày càng bị thống trị bởi các tựa game dựa trên các nhân vật và tuyến truyện đã quen thuộc với người chơi, khi mà 73 trong số 100 game di động tăng trưởng tốt nhất năm ngoái đều dựa trên các tài sản trí tuệ sẵn có.

    Tencent hồi tháng 4 vừa qua đã tiếp cận công ty Marvelous trụ sở tại Tokyo nhằm tìm kiếm cơ hội khai thác thư viện tài sản trí tuệ, kỹ năng phát triển game console, và những mối quan hệ với các nhà sáng tạo ACG khác của hãng. Marvelous nỏi tiếng với tựa game giả lập nông trại Story of Seasons và tham gia xây dựng các show truyền hình dựa trên các series anime đình đám như Prince of Tennis (vốn cũng là một sản phẩm xây dựng dựa trên một series manga thành công).

    Số tiền 65 triệu USD mà Tencent chi ra để mua 20% cổ phần sẽ đảm bảo cho họ có thể sử dụng các tài sản trí tuệ của Marvelous và đưa giám đốc Tencent Nhật Bản lên làm giám đốc bên ngoài của Marvelous. Tencent muốn có người trong hội đồng quản trị nhằm có cái nhìn từ trong nội bộ về dòng sản phẩm của công ty.

    "Marvelous sở hữu nhiều ACG – một mục tiêu tốt đối với Tencent" – Toto nói. Và đối với các nhà sáng tạo ACG Nhật Bản, "Tencent là một cái tên nổi tiếng để cùng hợp tác".

    Trong cuộc chiến gay go với các đối thủ trong nước, Tencent dường như sẵn sàng chi đậm để bảo vệ quyền tiếp cận đến các chuỗi nhượng quyền nổi tiếng của Nhật Bản, với kỳ vọng sẽ có thể tận dụng chúng vào các siêu phẩm đa phương tiện nhằm thu hút người tiêu dùng Trung Quốc vào hệ sinh thái của hãng và thúc đẩy tham vọng phát triển trên toàn cầu.

    Sự thành công của Marvelous trong phát triển game console cũng có tầm quan trọng không kém đối với Tencent. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc hầu như không góp mặt trên lĩnh vực này, vốn chiếm 30% tổng doanh thu ngành công nghiệp game. Với một thế hệ console mới sắp ra mắt từ Microsoft và Sony, và mối quan hệ đối tác mới chớm nở giữa Tencent với Nintendo, trong đó Tencent đóng vai trò là nhà phân phối chính thức duy nhất đối với phần cứng và phần mềm Switch tại Trung Quốc – rõ ràng Tencent muốn có một miếng bánh lớn hơn trên thị trường hấp dẫn này.

    Lấy Marvel làm chuẩn, Tencent cũng muốn tạo dựng chuỗi nhượng quyền đa phương tiện thông qua anime - Ảnh 3.

    Tencent cũng từng đầu tư vào nhà phát triển của Bayonetta và Nier: Automake – PlatinumGames Inc hồi đầu năm nay. Vào tháng 2, đồng sáng lập và CEO của PlatinumGames là Kenichi Sato đã trấn an các fan rằng liên minh tài chính với Tencent sẽ không ảnh hưởng đến cơ cấu lãnh đạo của công ty, rằng "Họ tôn trọng quyền tự trị của chúng tôi trong việc sáng tạo game".

    Studio này – vốn có những sản phẩm đã được phát hành bởi các đối tác lớn hơn như Nintendo và Square Enix Holdings – đã và đang tìm kiếm sự trợ giúp để tăng trưởng mạnh mẽ hơn và chuyển mình thành nhà phát hành các sản phẩm của chính mình. Trong khi đó, Tencent lại nhận thấy tiềm năng cao đối với các sản phẩm của hãng tại các thị trường Trung Quốc và di động. Sato nói rằng thỏa thuận giữa cả hai là một chiến thắng cho cả đôi bên.

    "Nhật Bản và Trung Quốc đã hình thành một mốt quan hệ cộng sinh trên lĩnh vực game trong vài năm trở lại đây, và các công ty game từ mỗi quốc gia đang học hỏi lẫn nhau để thành công trên cả hai thị trường" – nhà nghiên cứu Daniel Ahmad của Niko Partners nói.

    Tham khảo: AbacusNews

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ