Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ bảy, 23/5/2020, 10:46 (GMT+7)

Văn Miếu 79 tỷ đồng ở Hà Tĩnh

Văn Miếu được phục dựng với kinh phí 79 tỷ đồng, dự kiến công bố đón khách đầu năm nay song phải hoãn vì Covid-19.

Văn Miếu Hà Tĩnh xây vào năm Minh Mệnh thứ 14 (1833), bị chiến tranh tàn phá nên chỉ còn dấu tích. Năm 2010, UBND tỉnh phê duyệt dự án phục hồi.

Tháng 12/2014, trên nền đất cũ tại phường Thạch Linh, di tích được phục dựng và mở rộng 1,67 ha. Kinh phí 79 tỷ đồng trích từ ngân sách và huy động xã hội hóa. Tháng 12/2019, công trình chưa hoàn thiện, song nhà chức trách mở cửa cho người dân tham quan để ghi nhận ý kiến đánh giá. Kế hoạch công bố đón khách rộng rãi đầu năm 2020 phải tạm hoãn vì Covid-19.

Hiện tại, hạng mục chính của Văn Miếu như nhà tiền tế, nhà đại bái, bốn cổng phụ đã hoàn thiện. Các công trình phụ khác như nhà chờ đón khách, khu vệ sinh... mới chỉ xây được phần móng.

Ông Phạm Mạnh Hiền, Trưởng phòng Văn hóa thông tin thành phố Hà Tĩnh cho biết Văn Miếu đã thi công hết gần 50 tỷ đồng, trong đó ngân sách ủy ban thành phố là 18 tỷ đồng, còn lại là xã hội hóa. "Các hạng mục nhỏ kính phí khoảng 31 tỷ đồng dự kiến hoàn thành trong năm nay. Thành phố sẽ bố trí 5 tỷ đồng, bên cạnh đó huy động các nguồn lực khác", ông Hiền nói.

Nhà lầu trống trong văn miếu treo chiếc trống trị giá 2,7 tỷ đồng do một doanh nhân người Việt tại Nga tặng. Dịp này đang hoãn đón khách tham quan, nên ban quản lý đã lấy bạt phủ trống để tránh hư hỏng.

Theo Trưởng phòng Văn hóa thông tin thành phố Hà Tĩnh, Văn Miếu được phục dựng với kinh phí vừa phải, không lãng phí. Đến nay, ngân sách nhà nước đầu tư không nhiều, "đa số đều được các mạnh thường quân ủng hộ".

Một tuần qua, công nhân được huy động xới đất, trồng cây xanh cho khuôn viên. Phần cổng chính của di tích sau khu vực tường rào chưa thể mở vì không có đường vào.

Nhà chức trách muốn rải thảm nhựa dài hơn 1 km, nối đường Lê Hồng Phong (phường Thạch Linh) với cổng chính, nhưng thiếu kinh phí, dự kiến hàng chục tỷ đồng, nên chưa thể thực hiện. Hiện tại, người dân và du khách vào tham quan phải đi theo cổng phụ, tắt qua trường dạy nghề số 5 Hà Tĩnh.

Khuôn viên Văn Miếu sẽ trồng hơn 10 cây xanh. Sáng 22/5, nhiều cây được xe cẩu chở về, công nhân thay nhau dịch chuyển đến các vị trí đã đào hố sẵn. Những cây xanh trên đều do nhà hảo tâm tặng.

Phía sau dãy nhà đại bái, gạch hoa và ngói dùng không hết được xếp lại. Ban quản lý dự tính bảo quản vật liệu này để sau thay thế cho các điểm xuống cấp. Hiện nhiều tấm bạt che vật liệu đã rách, ngói rơi vỡ chưa được dọn dẹp.

Tại sân Văn Miếu, đèn chiếu sáng cũng vỡ, lộ phần dây điện bên trong.

Nhà lầu chuông xây chếch về phía Bắc, bên trong đặt chiếc chuông cổ. Hiện một số cột gỗ xung quanh bị mốc do ngấm nước mưa.

Hoa văn trên các mái nhà sao chép từ nguyên bản của Văn Miếu cũ. Theo nhà chức trách, Văn Miếu Hà Tĩnh là một trong 7 văn miếu cấp tỉnh được chính quyền địa phương phê duyệt phục dựng.

Nhà tiền tế là nơi để du khách vào dâng hương. Ông Phạm Mạnh Hiền đánh giá Văn Miếu tôn vinh đạo học nên thời gian tới khi công bố mở cửa, ban quản lý không lo thiếu du khách, học sinh, sinh viên, người đỗ đạt tới tham quan, dâng hương.

"Ngoài ra, với những buổi tôn vinh học sinh giỏi, các hoạt động liên quan giáo dục, chính quyền cũng sẽ chọn Văn Miếu làm điểm tổ chức", ông Hiền nói.

Phía trong nhà tiền tế đặt tượng thờ đại thi hào Nguyễn Du, nhà giáo Chu Văn An, thám hoa Nguyễn Huy Oánh, đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp.

Trưởng phòng Văn hóa thông tin thành phố Hà Tĩnh cho hay năm người được thờ trong Văn Miếu "có công với nền giáo dục, văn hóa, y khoa... của nước nhà cũng như riêng tỉnh Hà Tĩnh".

Đức Hùng