Người châu Á đã đúng khi đeo khẩu trang để hạn chế dịch bệnh

Trước thực tế các quốc gia châu Á kiểm soát đại dịch Covid-19 tốt hơn phương Tây, nhiều chuyên gia y tế đặt nghi vấn về lời khuyên không nên đeo khẩu trang của WHO.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, người dân ở nhiều nơi bắt buộc phải đeo khẩu trang. Bất kỳ ai không đeo sẽ bị xã hội xa lánh.

Ở Hàn Quốc, Nhật Bản hay Hong Kong, nếu bạn ra đường mà không đeo khẩu trang, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những ánh nhìn kỳ thị. Tuy nhiên, một số quốc gia khác như Mỹ, Australia, hay ở châu Âu, bạn không đeo khẩu trang cũng chẳng sao.

 Một người đàn ông đeo khẩu trang trên tàu điện ngầm New York (Mỹ), những người khác lại không. Ảnh: Getty Images.

Một người đàn ông đeo khẩu trang trên tàu điện ngầm New York (Mỹ), những người khác lại không. Ảnh: Getty Images.

Người dân Hong Kong từng chỉ trích mạnh mẽ nhóm khách du lịch phương Tây sau khi hình ảnh những vị khách ngoại quốc này không đeo khẩu trang và tụ tập đông người được đăng trên nhiều tờ báo lá cải.

Những người không đeo khẩu trang ở xã hội châu Á sẽ bị kỳ thị, thậm chí là không được vào cửa hàng và tòa nhà. Ngược lại, ở những quốc gia phương Tây, những người dùng khẩu trang lại bị xa lánh, hoặc tấn công bạo lực.

Tuy nhiên, trước thực tế các quốc gia châu Á kiểm soát đại dịch Covid-19 tốt hơn phương Tây, nhiều chuyên gia y tế đặt nghi vấn về lời khuyên không nên đeo khẩu trang của WHO.

Kể từ khi virus corona lan rộng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo rằng chỉ những người có triệu chứng bệnh và những người chăm sóc bệnh nhân mới phải đeo khẩu trang. Những trường hợp còn lại không cần dùng khẩu trang.

Theo WHO, khẩu trang không phải vật dụng ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 tuyệt đối, dễ tạo cảm giác an toàn giả. Nghiên cứu khoa học cho thấy loại virus này lây qua giọt bắn. Vì vậy, rửa tay thường xuyên với xà phòng có hiệu quả phòng bệnh cao hơn.

Người Châu Á đeo khẩu trang hàng ngày. Ảnh: SFGate.

Người dân Châu Á vẫn thận trọng đeo khẩu trang hàng ngày. Họ giả định bất kỳ ai cũng có thể là người mang mầm bệnh, kể cả những người trong trạng thái khỏe mạnh.

Trên thực tế, một số bằng chứng cho thấy có nhiều người nhiễm bệnh nhưng không có hoặc có ít triệu chứng xuất hiện.

Theo SCMP, ước tính có 1/3 trong số những trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 ở Trung Quốc không biểu hiện triệu chứng. Trên con tàu du lịch Diamond Princess, khoảng 300 ca nhiễm bệnh cũng không có triệu chứng.

Nhiều chính phủ kêu gọi người dân đeo khẩu trang mỗi khi ra đường. Thậm chí, chính phủ Trung Quốc có mức xử phạt đối với các trường hợp không chấp hành.

Khẩu trang góp phần ngăn chặn sự lan truyền dịch bệnh. Ảnh: Stripes.

Benjamin Cowling, nhà dịch tễ học ở Đại học Hong Kong, nói: “Nếu khẩu trang được sử dụng ở những nơi tụ tập đông người, nó có thể góp phần ngăn chặn tốc độ lan truyền dịch bệnh”.

Từ lâu, người dân khu vực Đông Á có thói quen đeo khẩu trang khi ốm bởi họ coi hành vi hắt hơi hoặc ho nơi công cộng là bất lịch sự. Dịch SARS năm 2003 cũng cho thấy tầm quan trọng của chiếc khẩu trang, đặc biệt ở nơi có nhiều ca tử vong như Hong Kong.

Một số người cho rằng việc đeo khẩu trang thường xuyên như một lời nhắc nhở về sự tồn tại của virus trong đời sống.

Donald Low, giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, cho biết: “Đeo khẩu trang trước khi bạn ra ngoài đường tương tự với việc mặc đồng phục. Loại đồng phục này khiến bạn có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân như việc không chạm vào mặt nếu chưa rửa tay với xà phòng”.

Hồng Chang (Theo BBC)

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-chau-a-da-dung-khi-deo-khau-trang-de-han-che-dich-benh-post1065046.html