Bình tĩnh mà sợ

(Một phiên bản của bài này đã đăng trên báo Thanh Niên).

Cập nhật 18/3/2020: thêm một vài chú thích.

Đầu tuần này công ty của tôi đề nghị tất cả nhân viên làm việc ở nhà, nếu có thể. Các công ty công nghệ là những nơi đầu tiên ở Mỹ thực hiện chính sách giữ khoảng cách (social distancing). Vài ngày trước đây có người vẫn còn nói rằng chúng tôi làm quá, nhưng lúc tôi viết những dòng này, Nhà Trắng cũng đã kêu gọi trường học, công sở trong cả nước thực hiện giữ khoảng cách.

Giới công nghệ ở Silicon Valley phản ứng nhanh, vì hơn ai hết, chúng tôi hiểu rõ sức mạnh khủng khiếp của tăng trưởng lũy thừa. Coronavirus không giống bất kỳ loại virus nào khác mà con người từng biết. Với số ca nhiễm đang tăng trưởng lũy thừa nhưng không có vắc-xin hay thuốc điều trị, chuyện gì cũng có thể xảy ra.

Tôi nghĩ chúng ta nên sợ coronavirus, nhưng sợ thế nào cũng cần phải có sự bình tĩnh và hiểu biết.

Sợ càng sớm càng tốt

Nếu bạn sợ bị lây nhiễm, nếu bạn lo dịch bùng phát không kiểm soát được, không sao cả, đây là cảm xúc rất bình thường, rất người. Biết sợ là cách để sinh tồn. Đa số chúng ta đều là con cháu của những người biết sợ, bởi lẽ trong quá trình tiến hóa, những ai biết sợ đúng lúc thường sẽ tồn tại và có cơ hội duy trì nòi giống. Biết sợ quan trọng đến nỗi bộ não của chúng ta có sẵn những bộ phận và chuỗi phản ứng để kích hoạt nỗi sợ.

Khi tai ương chuẩn bị ập đến, nhiều người sẽ phản ứng bằng cách đổ xô đi mua sắm, trích trữ; hạn chế ra đường, không muốn cho con đi học; liên tục theo dõi số ca lây nhiễm; dò xét những người xung quanh xem họ có biểu hiện bệnh hay không, nghe ai ho là giật mình, tự hỏi không biết có nên báo công an hay không. Giáo sư Peter Sandman, chuyên gia xử lý khủng hoảng, gọi đây là những phản ứng thích nghi, rất tự nhiên và hữu ích khi một người đối diện với nguy cơ mới [1].

Với kinh nghiệm nhiều năm đối phó với dịch bệnh, giáo sư Peter Sandman thấy rằng những phản ứng thích nghi thường diễn ra tự động. Nghĩa là bạn có thể không kiểm soát được hành động của mình. Nhiều người cho rằng đây là những việc làm thiếu suy nghĩ, nhưng họ quên rằng những phản xạ không điều kiện đôi khi có ích hơn là dừng lại và suy nghĩ, vì chúng xảy ra nhanh hơn. Đây là lý do tay bạn tự động rụt lại khi chạm vào vật nóng.

Nếu bạn đi mua sắm, tích trữ ngay khi Việt Nam có những ca đầu tiên, không sao cả, tiềm thức của bạn chỉ đang tìm cách thích nghi càng sớm càng tốt. Không ai biết dịch sẽ bùng phát khi nào, rất khó để nói thế nào là sớm, thế nào là hợp lý. Chỉ trong vòng vài tuần ngắn ngủi, Hàn Quốc và Ý từ chỗ chỉ có vài ca đã tăng lên vài ngàn.

Những ai chỉ trích việc chuẩn bị sớm hoàn toàn không hiểu rằng cần phải chuẩn bị trước khi dịch đến, vì lúc có dịch rồi là đã quá muộn. Có người nói rằng nỗi sợ còn lây lan nhanh hơn coronavirus, nhưng điều cuối cùng chúng ta muốn thấy là một cơn đại dịch lây nhanh hơn nỗi sợ của cộng đồng về nó.

Phản ứng càng nhanh thì bạn càng có nhiều thời gian để chuẩn bị, về cảm xúc và về vật chất, để lỡ nếu xảy ra khủng hoảng thật bạn cũng sẽ đỡ bỡ ngỡ. Nhà tôi ở khu vực có khả năng bị động đất cao, đại dịch lần này thật sự là cơ hội tốt để chúng tôi chuẩn bị tinh thần và coi lại coi mình còn thiếu cái gì để chuẩn bị. Chuẩn bị sớm tốt hơn rất nhiều không chuẩn bị gì cả. Khi chuyện xảy ra rồi, có muốn chuẩn bị cũng không kịp.

Những người có chuẩn bị sớm, tức là biết sợ sớm, sẽ đối phó tốt hơn khi thảm họa xảy ra. Những ai không chuẩn bị trước, khi chuyện xảy ra, lại thường có xu hướng phản ứng còn quá đà gấp nhiều lần, như là một cách bù lại lỗi lầm của chính mình. Chúng tôi đi mua sắm từ cách đây nhiều tuần trong tâm trạng khá bình thản, vì mua để an tâm, chứ không phải mua vì sợ hết phần như những ai để nước đến chân mới nhảy.

Muốn đỡ sợ, hãy chuẩn bị

“Tôi sợ [El Capitan] đến nỗi tôi đã liên tục tập luyện và chuẩn bị trong hai năm cho đến khi nó không còn đáng sợ nữa", Alex Honnold, người đầu tiên và có lẽ sẽ là duy nhất tay không một mình leo đỉnh El Capitan dựng đứng 900 mét, đã trả lời như vậy khi có người hỏi bí quyết chinh phục nỗi sợ.

Có việc để làm là cách tốt nhất để đối diện với nỗi sợ. Chúng ta có thể chuyển hóa nỗi sợ thành năng lượng để làm những việc có ích. Hãy cùng chuẩn bị như sau.

Hãy giữ một cái đầu lạnh. Bạn sẽ có nhiều lựa chọn khó khăn. Có nên cho con đi học hay là giữ ở nhà. Có nên đi làm hay là ở nhà. Tích trữ nhu yếu phẩm gì, bao nhiêu. Có bán tháo cổ phiếu để cắt lỗ hay là cố giữ. Bạn sẽ không thể suy nghĩ thấu đáo nếu rơi vào hoảng loạn. Tình hình càng xấu bạn càng phải giữ cho đầu óc minh mẫn để có thể ra quyết định chính xác.

Hãy tin vào khoa học. Chỉ có khoa học và một sự tôn trọng sâu sắc dành cho thiên nhiên mới có thể giúp chúng ta vượt qua vấn nạn này. Hãy lắng nghe những nhà khoa học, thay vì những KOL hay chuyên-gia-Wikipedia. Hãy cẩn trọng với thông tin trên Facebook hay YouTube. Các tờ báo uy tín, CDC, WHO, các bệnh viện và cơ quan y tế chính phủ vẫn là nguồn tin đáng tin cậy nhất. Dẫu vậy không cần thiết phải liên tục cập nhật, chỉ cần 1-2 lần/ngày là đủ.

Hãy chuẩn bị tinh thần rằng khả năng cao là nhiều người trong chúng ta sẽ bị nhiễm bệnh. Vì lý do kinh tế, vì tránh xáo trộn xã hội, vì số ca nhiễm quá nhiều, vì hạn chế nguồn lực, v.v. các phương án ngăn chặn hoàn toàn đại dịch (containment) rồi sẽ không còn tác dụng nữa, mà chúng ta phải chấp nhận sống chung với coronavirus và chuyển sang các phương án làm chậm tốc độ lây lan, để giảm tải cho hệ thống y tế (mitigation).

Hãy giữ khoảng cách, tập thể dục, ăn ngủ điều độ. Có thể bạn khỏe mạnh, không thuộc diện nguy cơ cao, nhưng nếu bạn bị lây nhiễm, bạn có thể lây cho những người thuộc diện nguy cơ cao và tạo thêm gánh nặng cho hệ thống y tế. Nếu bạn bị bệnh, hãy tự cách ly ở phòng riêng và báo cho đội ngũ chuyên trách. Nếu bạn có thể làm việc ở nhà, đừng đến văn phòng. Nếu có thể, hãy mua hàng qua mạng. Nếu phải ở nhà trong một thời gian dài, hãy tận dụng cơ hội để chơi đùa với con trẻ, đọc sách hay là làm một dự án cá nhân.

Hãy tập cho mình những thói quen tốt. Rửa tay thường xuyên, hắt-xì-hơi vào cùi chỏ, dùng đốt ngón trỏ để bấm nút thang máy, không dùng tay khi ra vào nhà vệ sinh, v.v. là những thói quen không chỉ tốt lúc có dịch, mà còn giúp bảo vệ sức khỏe cả đời.

Hãy chuẩn bị tài chính cá nhân để vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế đang kéo đến. Coronavirus gây thiệt hại không chỉ về người mà nhiều khả năng sẽ khiến kinh tế Mỹ, kinh tế Việt Nam và cả thế giới rơi vào suy thoái. Một tin không vui khác cho Việt Nam là cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia đã đẩy giá dầu thô giảm mạnh. Thắt lưng buộc bụng chưa chắc gì là một giải pháp tốt, vì bạn có xài tiền thì kinh tế mới đi lên được, nhưng đây là lúc loại bỏ những khoản chi không cần thiết (ví dụ như mua iPhone, trang sức đắt tiền, v.v.).

Hãy tìm cơ hội đầu tư. Ông bà nói, trong họa có phúc. Ai mượn tiền mua nhà hay đầu tư thì đây là cơ hội tìm gói vay lãi suất thấp. Thị trường chứng khoán tụt dốc không phanh là phép thử về chiến lược đầu tư của bạn. Không ai có thể dự đoán được thị trường, nhưng nếu bạn đầu tư cho 20-30 năm tới, chuyện xảy ra hôm nay sẽ chẳng có ảnh hưởng gì đáng kể.

Nếu bạn tính bán cổ phiếu rồi mua lại sau khi giá hạ xuống nữa, tôi khuyên là không nên. Thời gian bạn nắm giữ cổ phiếu là yếu tố quyết định đến lợi nhuận đầu tư, chứ không phải thời điểm mà bạn mua hay bán. Một thống kê thị trường chứng khoán Mỹ cho thấy, trong 20 năm vừa qua, nếu bạn bỏ lỡ 10 ngày tăng cao nhất của thị trường, bạn sẽ mất ⅔ lợi nhuận. Nếu bạn bỏ lỡ 20 ngày, bạn sẽ bị lỗ. Ai mà không thấy xót khi thị trường đi xuống, nhưng bạn sẽ còn xót hơn nữa nếu bạn bỏ lỡ lúc nó quay trở lại.

Hãy mua sắm, tích trữ những gì thật sự cần thiết và vừa đủ thôi. Làm đúng cách thì bạn vừa tiết kiệm cho bản thân, vừa giảm áp lực khan hiếm hàng hóa, duy trì giá cả hợp lý cho cả cộng đồng. Nếu chẳng may kinh tế tuột dốc, bạn mất việc, lúc đó có thể bạn sẽ tiếc hùi hụi số tiền vài triệu đồng đã bỏ ra mua giấy vệ sinh và khẩu trang mà không dùng đến. Bạn chỉ cần tích trữ lương thực và thuốc men trong vòng hai tuần, nếu chẳng may bị phong tỏa, không ra ngoài được. Ngay cả ở Vũ Hán hay ở Ý cũng không bị khan hiếm hàng hóa và vẫn có thể gọi đồ ăn qua mạng.

Hãy chấp nhận và thông cảm nỗi sợ của người khác. Ai cũng có một “Ông Kẹ" của riêng mình. Nếu bạn thấy ai đó tích trữ hàng hóa, đừng tranh cãi hay dè bỉu. Chúng ta không biết được tại sao họ làm như vậy. Có khi họ đang cảm thấy stress nặng và mua sắm là cách để họ giải tỏa. Khi thấy quá nhiều người đổ xô đi mua sắm, một ông già mà tôi quen đã hỏi, bộ có đổi tiền hả con? Có thể nhiều người đã trải qua những đợt khủng hoảng nặng nề, tích trữ là cách duy nhất khiến cho họ cảm thấy an tâm, không hối tiếc. Ngược lại, nếu bạn sống ở một nơi mà người dân không có văn hóa đeo khẩu trang khi ra đường, hãy nhập gia tùy tục. Dẫu sao đi chăng nữa thì chúng ta cũng cùng một phe. Nếu không đoàn kết, khó lòng chống dịch.

Hãy tôn trọng và bảo vệ quyền riêng tư của người bệnh. Đây là cách tự tôn trọng và bảo vệ riêng tư của chính bạn. Dịch không chừa một ai. Ngày hôm nay nếu bạn không tôn trọng và bảo vệ riêng tư của người khác, rất có thể ngày mai chính sự riêng tư của bạn sẽ bị xâm phạm. Singapore, Đài Loan hay Hồng Kông đã chống dịch rất tốt mà không cần công bố đầy đủ danh sách họ tên, địa chỉ, số điện thoại của người bệnh và người đang bị cách ly.

Hãy chú ý đến những thay đổi về luật và chính sách. Coronavirus rồi sẽ đi qua nhưng những thay đổi về luật và chính sách sẽ ở lại rất lâu. Khủng hoảng là cơ hội để lãnh đạo chứng minh năng lực nhưng cũng là lúc mà quyền lợi chính đáng của người dân dễ bị tước đoạt nhất, nhân danh bảo vệ cộng đồng. Không phải ngẫu nhiên mà ngài giám đốc WHO đã yêu cầu tất cả quốc gia phải tìm cách cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe cộng đồng với giảm thiểu xáo trộn kinh tế xã hội và tôn trọng quyền con người.

Cuối cùng, đừng chỉ lo cho riêng mình, hãy xắn tay góp sức góp tiền chống dịch. Trước mắt không ai đoán được chuyện gì sẽ xảy ra. Dịch có thể sẽ xì hơi và biến mất, nhưng nhiều nếu dịch lan rộng mọi chuyện sẽ kéo dài và còn rất nhiều khó khăn. Không ai trên thế giới hiểu rõ về coronavirus, nhưng các nhà khoa học của chúng ta trong thời gian ngắn cũng đã biết khá nhiều về nó. Đây cũng không phải là lần đầu tiên xảy ra đại dịch. Nếu tất cả cùng đồng lòng, chúng ta vẫn có thể vượt qua với thiệt hại nhỏ nhất. Chúng ta nên sợ khi không ai sợ, nhưng chúng ta không phải sợ khi có nhiều người cùng sợ [2].

[1] Ai làm security hoặc public health nên đọc hết các bài viết của giáo sư Peter Sandman. Có thể bắt đầu từ đây.

[2] Dịch từ câu "If people are sufficiently worried, then there's a lot less to worry about. But if no one is worried - that's when you should worry" trong một clip rất đáng xem Exponential growth and epidemics của 3Blue1Brown.

Cảm ơn Nghĩa B., Chân L., Huân T., Hưng N., Minh D., Hân V., Mười đã đọc và góp ý.

Comments

~_Faith_^ said…
Bài viết rất hay. Cảm ơn tác giả và xin phép được chia sẻ bài viết ^_^
huongstory said…
Cảm ơn anh. Bài viết rất hay và có nhiều góc nhìn giúp mình cảm thấy bình an hơn sau khi đọc.
Val Ng said…
Cảm ơn anh, em đọc và học được rất nhiều từ bài viết này, ko chỉ là thông tin mà còn là quan điểm và thái độ sống.

Chúc anh và gia đình sức khỏe tốt. Mong bệnh dịch này sớm qua đi.
bài viết có nhiều thứ bổ ích. mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi
tvh said…
This comment has been removed by the author.
Quang Nguyễn said…
Cái miệng a Thái nó dự báo trúng thật đó a a Thái