Vụ dâm ô tại Trung tâm hỗ trợ xã hội: Những cảnh báo đã bị bỏ qua

12/02/2020 - 14:37

PNO - Những nguyên tắc an toàn dành cho nhân viên, cho trẻ em tại các cơ sở bảo trợ xã hội đã bị bỏ qua, để dẫn đến hậu quả kinh khủng.

Trung tâm hỗ trợ xã hội TPHCM là nơi tiếp nhận, quản lý tạm thời các đối tượng sống lang thang, không nơi cư trú, từ người già, trẻ em đường phố đến người nghiện hút. Ở một môi trường phức tạp như thế, lẽ ra các quy tắc an toàn, các tiêu chuẩn an ninh phải được đặt lên hàng đầu. Thế nhưng dường như nhiều thứ đã bị bỏ qua, giúp Nguyễn Tiến Dũng có cơ hội phạm tội.

Cánh cổng luôn đóng kín im ỉm của Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM
Cánh cổng luôn đóng kín của Trung tâm hỗ trợ xã hội TPHCM. Điều gì xảy ra phía sau nó? Ai kiểm soát?

Khi Dũng thừa nhận hành vi của mình ở cơ quan công an, cũng là lúc Trung tâm hỗ trợ xã hội TPHCM được gắn camera giám sát - điều trước đó Ban giám đốc Trung tâm từng đề nghị nhưng vẫn không được thực hiện. Dù vậy, kể cả việc gắn camera cũng chẳng thể giải quyết cái cốt lõi của vấn đề.

Từ 20 năm trước, những chuyên gia bảo vệ trẻ em quốc tế đã lên tiếng cảnh báo Việt Nam về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em tại các cơ sở bảo trợ xã hội, các trường nội trú, các mái ấm. Chuyên viên xã hội Trần Minh Hải - người có kinh nghiệm trên 20 năm làm việc với trẻ em đường phố - cho biết, 5 năm trở lại đây, tình trạng này bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam.

Để kiểm soát các nguy cơ, bảo vệ an toàn cho các đối tượng tại cơ sở bảo trợ xã hội lẫn chính nhân viên làm việc tại đây, điều cốt yếu là tất cả phải tuân theo những nguyên tắc bảo vệ trẻ em. Cụ thể, nhân viên làm việc với trẻ không được đụng chạm vào mông, ngực, bộ phận sinh dục của trẻ, dù là vô tình. Khi làm việc với trẻ, nhân viên phải ngồi đối diện trẻ, ngăn cách bằng một chiếc bàn. Khi làm việc hay nói chuyện, nếu ngồi hoặc đứng bên cạnh trẻ sẽ dễ dẫn đến những đụng chạm cơ thể. Nhân viên làm việc với trẻ không được quyền đưa trẻ đến một địa điểm chỉ có một mình trẻ. Trong bất cứ tình huống nào, tiếp xúc với trẻ em phải có ít nhất 2 người. Nhân viên không được làm việc với trẻ trong phòng riêng, nếu bắt buộc phải làm việc trong phòng riêng thì phải mở tất cả các cánh cửa…

Theo một nữ nhân viên của Trung tâm hỗ trợ xã hội TPHCM, trong thời gian làm việc ở đây, Nguyễn Tiến Dũng - người sẽ bị xét xử về hành vi dâm ô trẻ em đã thể hiện một vẻ ngoài rất trái ngược với hành vi phạm tội. Dũng luôn thể hiện mình không quan tâm và giữ khoảng cách với các đồng nghiệp nữ. Vì lẽ đó, đã không ai "ngờ" được những trò đồi bại của Dũng. Không ai nhớ rằng vẻ ngoài là thứ rất dễ đánh lừa phán đoán của chúng ta.

Ngoài những quy tắc áp dụng với nhân viên trong cơ sở bảo trợ xã hội, trẻ em còn phải được dạy những nguyên tắc để tự bảo vệ. Ông Trần Minh Hải phân tích: "Trẻ em ở Trung tâm hỗ trợ xã hội đã không biết phải làm gì khi bị xâm hại, đã sợ hãi không dám báo cho ai. Khi kẻ xâm hại biết trẻ em sợ, lại càng tiếp tục phạm tội. Một trong những nguyên tắc dạy các em là phải tìm một người tin tưởng để thông báo. Cả điều này cũng bị bỏ qua".

Cho đến khi vụ việc Nguyễn Tiến Dũng dâm ô trẻ em xảy ra, cán bộ nhân viên một cơ sở xã hội tại TPHCM mới... lần đầu được biết đến các nguyên tắc an toàn này, trong sự bất ngờ và ngạc nhiên khi được các chuyên viên xã hội tập huấn. Nếu thế, liệu tương lai sẽ còn có những vụ xâm hại nữa và chúng ta sẽ tiếp tục "không ngờ"?

Hiếu Nguyễn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI