Nhiều fan Việt kì thị giới tính cầu thủ nữ Thái Lan: Cổ động viên bóng đá văn minh sẽ không làm thế!

09/12/2019 15:51 PM | Sống

Trận chung kết môn bóng đá nữ SEA Games 30 kết thúc với chiến thắng thuộc về các cô gái Việt Nam. Nhưng bên cạnh việc tận hưởng vinh quang, 1 bộ phận người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã đi quá giới hạn khi chĩa mũi dùi miệt thị vào 1 nữ cầu thủ Thái.

Thái Lan tung vào sân đội hình với nhiều cầu thủ nữ có chiều cao, thể hình vượt trội so với Việt Nam. Trong đó không thể không kể đến cô gái mang số áo 11 Kanjana Sungngoen (33 tuổi). Đây là nữ cầu thủ của đội tuyển bóng nữ Thái Lan tham dự World Cup bóng đá nữ 2019. Cô đã ghi bàn thắng đầu tiên của Thái Lan tại giải đấu vào lưới của Thụy Điển dù trận đấu đó, các cô gái Thái nhận thất bại 5-1.

Nhiều fan Việt kì thị giới tính cầu thủ nữ Thái Lan: Cổ động viên bóng đá văn minh sẽ không làm thế! - Ảnh 1.

Kanjana Sungngoen (số 11) của tuyển nữ Thái Lan trong trận chung kết với tuyển nữ Việt Nam. Ảnh: Tiến Tuấn

Cộng đồng mạng Việt Nam đã ngay lập tức "soi" ra những điểm rất "nam tính" của cô gái này như yết hầu và cũng tức thì quy chụp cô ấy là "người chuyển giới". Nhiều trang mạng xã hội và cư dân mạng đã dành nhiều lời bàn tán, mỉa mai, thậm chí miệt thị Kanjana Sungngoen. Chỉ sau 1 trận bóng, Kanjana Sungngoen không chỉ nhận về nỗi buồn vô hạn của thất bại cay đắng trong trận chung kết mà còn trở thành nạn nhân của cyber-bully. Cô hứng chịu những lời miệt thị ngoại hình (body-shaming) và miệt thị về cả giới tính. Chỉ vì cô không có nét đẹp mềm mại, duyên dáng mà người đời đòi hỏi ở phụ nữ.

Nhiều fan Việt kì thị giới tính cầu thủ nữ Thái Lan: Cổ động viên bóng đá văn minh sẽ không làm thế! - Ảnh 2.

Bình luận miệt thị của cư dân mạng Việt Nam dành cho số 11 Thái Lan

Đây là hành vi phi thể thao và xứng đáng bị bài trừ trong bóng đá nói riêng và thể thao nói chung. Việc dè bỉu, chê bai, miệt thị phụ nữ nói chung đã không thể chấp nhận được. Còn kì thị giới tính trong xã hội hiện đại lại càng đáng lên án khi các quốc gia đang dần chấp nhận hôn nhân đồng tính và bóng đá thế giới ngày càng cố gắng tiến tới công bằng giữa nam và nữ và cả những người thuộc cộng đồng LGBTQ+.

Nhiều fan Việt kì thị giới tính cầu thủ nữ Thái Lan: Cổ động viên bóng đá văn minh sẽ không làm thế! - Ảnh 3.

Logo của giải Ngoại Hạng Anh trong chiến dịch ủng hộ cộng đồng LGBTQ+

Giải vô địch bóng đá nữ thế giới (FIFA Women's World Cup) được tổ chức từ năm 1991, đến năm 2019, 7 kì World Cup bóng đá nữ đã trôi qua. Với 2 lần lên ngôi vô địch giải đấu cao nhất của bóng đá nữ ở cấp đội tuyển quốc gia, các cô gái của tuyển Mỹ đều để lại những ấn tượng khó phai trong lòng người yêu thể thao.

Đầu tiên là nụ hôn ngọt ngào của tuyển thủ Abby Wambach và vợ cô ấy khi tiếng còi kết thúc trận chung kết World Cup nữ 2015 vang lên. Tuyển Mỹ giành chiến thắng 5-2 trước Nhật Bản. Nụ hôn trên đất Canada ngày 5/7/2015, chỉ 1 ngày sau Quốc khánh Mỹ, đánh dấu 1 chiến thắng không chỉ của bóng đá nữ mà còn của cộng đồng LGBTQ+ – những người dám bước ra ánh sáng, dám yêu và dám thể hiện tình yêu của mình trước thế giới.

Nhiều fan Việt kì thị giới tính cầu thủ nữ Thái Lan: Cổ động viên bóng đá văn minh sẽ không làm thế! - Ảnh 4.

Nụ hôn nổi tiếng của Abby Wambach (Ảnh: Kevin C. Cox/Getty Images)

Kết thúc World Cup nữ 2019, tuyển Mỹ bảo vệ thành công chức vô địch. Lần này, người để lại dấu ấn đậm nét là đội trưởng Megan Rapinoe – người dám thẳng thắn từ chối nếu được mời đến thăm Nhà Trắng. Rapinoe được biết đến là người truyền cảm hứng cho những người đồng tính trên toàn thế giới thông qua chuyện tình đẹp với nữ tuyển thủ bóng rổ Sue Bird. Rapinoe và Sue Bird là cặp đồng tính đầu tiên được mời làm mẫu bìa trên tạp chí danh tiếng ESPN Body Issue. Cô cũng là nữ cầu thủ nhận được danh hiệu Quả bóng Vàng năm 2019.

Nhiều fan Việt kì thị giới tính cầu thủ nữ Thái Lan: Cổ động viên bóng đá văn minh sẽ không làm thế! - Ảnh 5.

Cặp đôi Rapinoe và Sue Bird trên trang bìa tạp chí InStyle (Ảnh: InStyle)

Những thành tích của bóng đá nữ nói chung và các nữ cầu thủ nói riêng là cố gắng và nỗ lực không ngừng nghỉ. Khi các cô gái mặc quần đùi, áo số ra sân, họ cũng chiến đấu vì màu cờ sắc áo, vì vinh quang của tổ quốc và đều xứng đáng được tôn vinh.

Và nếu họ không phải phụ nữ "thực thụ", họ là người chuyển giới, là người đồng tính,… giá trị của họ vẫn không thay đổi, thậm chí còn tăng lên. Họ không chỉ đại diện cho những vận động viên nữ đang ngày ngày đấu tranh cho công bằng với nam giới mà còn đại diện cho 1 cộng đồng LGBTQ+, cổ vũ cộng đồng những người thuộc các thiên hướng tính dục và bản dạng giới thiểu số trong xã hội bước ra ánh sáng và cống hiến cho xã hội.

Nhiều fan Việt kì thị giới tính cầu thủ nữ Thái Lan: Cổ động viên bóng đá văn minh sẽ không làm thế! - Ảnh 6.

Số 11- Kanjana Sungngoen trong trận chung kết bóng đá nữ SEA Games 30. Ảnh: Tiến Tuấn

Những lời lẽ miệt thị dành cho Kanjana Sungngoen của cộng đồng mạng Việt Nam chính là đi ngược lại với lối ứng xử văn minh mà cổ động viên bóng đá thế giới hướng đến. Bức tranh bóng đá Việt Nam những năm gần đây rất đẹp, rất vinh quang, đừng làm vấy bẩn bức tranh đó bằng những hành vi kém văn minh.

Phạm Hải Yến bật khóc khi nghĩ về bà ngoại đã mất

Khoảnh khắc bùng nổ cảm xúc của ĐT nữ Việt Nam sau khi giành huy chương vàng SEA Games 2019

Theo Leclerc

Cùng chuyên mục
XEM