Đồng tính luyến ái được nhìn nhận như thế nào ở Trung Hoa cổ đại?

Tác giả Matthew Nghiem (嚴黃) (https://qr.ae/TWyPH7)


Điều tối quan trọng cần được hiểu ở đây là nhận thức chung của xã hội về đồng tính luôn chuyển biến rất nhiều xuyên suốt lịch sử 5000 năm dài đằng đẵng của Trung Quốc. Vì nó luôn chuyển động theo dòng chảy thời gian, nên không có một quan điểm cố định nào của quần chúng về hiện tượng đồng tính luyến ái.

Ví dụ, trước Thời kỳ Đế quốc (1), đồng tính không được xem là một điều dị thường, thậm chí còn khá phổ biến giữa những thành viên cao nhất của tầng lớp quý tộc.

Sau đó, do chính quyền lấy Khổng giáo làm ý thức hệ chung của quốc gia, đồng tính chỉ được chấp nhận miễn là niềm tin cốt lõi của Khổng giáo về việc củng cố gia tộc và có người nối dõi tông đường được tuân thủ và là ưu tiên hàng đầu.

Những cản trở đầu tiên đối với đồng tính xuất hiện ở Trung Quốc một cách trớ trêu, bắt đầu từ thời nhà Đường (618 - 907 sau Công nguyên). Xã hội thời Đường khá phóng khoáng và bao dung với những quan điểm mới lạ, vậy nên những định kiến hà khắc với đồng tính bị nhân dân phản đối trên diện rộng để thể hiện sự ủng hộ cho quyền tự do của đời tư cá nhân.

image

Tranh vẽ cảnh sinh hoạt tình dục đồng tính của một họa sĩ thời nhà Minh

Tuy nhiên, hàng trăm năm sau, khi bộ máy quân chủ chuyên chế nhà Thanh (1644 - 1912) nắm quyền, cùng với sự đổ bộ ngày càng mạnh mẽ của nền văn minh phương Tây, đồng tính luyến ái đã trở nên bị coi thường hơn bao giờ hết, bị xem như là một hành vi xã hội suy đồi và bất bình thường, đặc biệt là sau những nỗ lực hiện đại hóa trong giai đoạn cuối của Thời kỳ Đế quốc.

Lý do tại sao nền văn minh Trung Hoa có những góc nhìn đa dạng về đồng tính chứ không phải là một định kiến đơn lẻ suốt hàng ngàn năm lịch sử, điều này phụ thuộc vào tính biến đổi của văn hóa Trung Hoa, một nền văn hóa không bao giờ đứng yên. Thay vào đó, theo dòng thời gian, những hệ tư tưởng triết học và tôn giáo mới đã xuất hiện và lưu thông qua lại, dẫn đến sự thay đổi trong quan điểm xã hội về đồng tính dựa trên những giáo lý này.

Tuy nhiên, vào bất kỳ thời đại nào, đồng tính nữ luôn bị khai trừ khỏi sử sách một cách kỳ lạ, trong khi đồng tính nam vẫn được ghi nhận, bằng chứng là: Có vô số tác phẩm được lan truyền rộng rãi viết về chủ đề đồng tính nam.

Nguyên nhân của việc này có lẽ là do thời xưa, các tác phẩm văn chương và nghiên cứu học thuật thường được viết bởi nam giới, cho nam giới. Và như một hệ quả, nhiều khía cạnh của tính dục nữ nằm ngoài mối bận tâm của nam giới sẽ hiếm khi được đề cập, cho đến thời nhà Minh (1368 - 1644 sau Công nguyên) trở đi, mới bắt đầu được nhắc tới rộng rãi hơn.

So sánh với các khu vực khác trên thế giới trong 2000 năm qua, người Trung Quốc có một thái độ khoan dung về quan hệ đồng giới hơn bất cứ nơi đâu vào thời kì trước, đặc biệt với sự hình thành của những xã hội lấy Cơ Đốc giáo hoặc Hồi giáo làm nền tảng.

Cảnh báo: Câu trả lời cực kỳ dài với 10500 từ, chúc may mắn.

Ngoài ra, một số hình ảnh trong câu trả lời này mặc dù có liên quan tới lịch sử, nhưng chúng vẫn nên được dán nhãn NSFW, không dành cho trẻ vị thành niên. Nhưng mà này, liệu có ai sẽ thực sự ngăn mấy đứa nó đọc những thứ như này chứ?

Dưới đây là nội dung của câu trả lời được chia ra để các bạn dễ theo dõi:

  • Phần I: Nhận thức của người Trung Quốc về đồng tính luyến ái trong thời Tiền Đế quốc Trung Hoa.
  • Phần II: Nhận thức của người Trung Quốc về đồng tính luyến ái trong giai đoạn sơ kỳ của Thời kỳ Đế quốc Trung Hoa.
  • Phần III: Nhận thức của người Trung Quốc về đồng tính luyến ái trong giai đoạn trung kỳ của lịch sử Trung Hoa.
  • Phần IV: Nhận thức của người Trung Quốc về đồng tính luyến ái trong thời cận đại.
  • Tổng kết.
  • Các nguồn tham khảo.

Phần I: Nhận thức của người Trung Quốc về đồng tính luyến ái trong thời Tiền Đế quốc Trung Hoa

Trước khi Đế quốc Trung Hoa bắt đầu được khai sinh vào năm 221 trước Công nguyên, đồng tính luyến ái là một hiện tượng không bị đông đảo quần chúng lên án. Tình yêu đồng giới vào thời kỳ này thường được đối xử bằng sự rộng mở, không bị cuốn theo các loại tệ nạn, không phải lo sợ trước sự đe dọa của cái chết mà người ta phải gánh chịu khi bị xem là những kẻ đồi trụy đi ngược lại với tự nhiên như ở một số nơi trên thế giới.

Ngay cả vị quân chủ huyền thoại, “Vua Vàng”, Hiên Viên Hoàng Đế, thủy tổ của nền văn minh Hoa Hạ (2), được cho rằng đã đặt tiền lệ cho đồng tính luyến ái khi ông bắt đầu lập ra một hậu cung “ba nghìn giai lệ”, trong đó có cả những người tình đồng giới.

image

Tranh của một họa sĩ vẽ Hiên Viên Hoàng Đế, vị vua được người Trung Quốc cổ đại tin rằng là người đầu tiên lập ra tiền lệ cho đồng tính luyến ái.

Trong sử sách chính thống của Trung Quốc, người ta không cho đó là lạ kỳ khi một người tham gia hay theo đuổi các hoạt động đồng tính. Thậm chí đồng tính còn được nhắc đến rộng rãi và được ca tụng trong văn chương và văn hóa đại chúng thời Xuân Thu (771 - 476 trước Công nguyên) và thời Chiến Quốc (476 - 221 trước Công nguyên).

Cuốn “Chiến Quốc sách”, một tư liệu lịch sử được tổng hợp bao gồm những câu chuyện, lời nói và sự kiện từ thời Chiến Quốc, đã ghi lại việc Tấn Hiến công, vị vua thứ 19 của nước Tấn, lên kế hoạch đưa nhiều chàng trai trẻ đẹp vào cung điện của kẻ thù, khiến ông ta luôn bị xao nhãng bởi sự quyến rũ từ thể xác của họ, cản trở tới tài thao lược của một vị quân vương.

Quả là một chiến thuật thông minh. Trong “Chu thư”, các sử gia đã bình rằng:

“Một thiếu niên tuấn lãng có thể làm một con cáo già trở nên trì độn.”

Bằng cách này, các gián điệp đã chiếm được lòng tin của vị vua phe đối địch, điều sau này sẽ tạo cơ hội để họ phá vỡ kế hoạch của kẻ thù bằng cách gợi ý cho ông ta những lời khuyên phản tác dụng. Từ đó, quân nhà Tấn sẽ có những lợi thế trên chiến trường lấn át phe địch.

image

Bức vẽ cảnh Tấn Hiến công duyệt binh cho trận chiến, nhờ vào chiến thuật gian xảo mà giành được ưu thế.

Việc các chiến thuật như vậy được công nhận và ủng hộ ngay cả trong tầng lớp hoàng tộc, cho thấy rằng đó là một kiến thức phổ thông đối với đông đảo nhân dân. Có thể nhiều bậc quân chủ là người song tính ( ở thời điểm đó tất cả các vị vua chúa có nghĩa vụ phải đảm bảo huyết mạch nối dõi, vậy nên tất cả những người có quan hệ đồng giới sẽ tự động được cho là người song tính thay vì người đồng tính). Điều đó mang hàm ý rằng một người không cần che dấu sở thích tính dục của bản thân, bởi vì vào thời kỳ đó xã hội không hề bài trừ hiện tượng này.

Tương tự, Hàn Phi (người khai sinh ra học thuyết Pháp trị), sống cách thời Tấn Hiến công khoảng 300 năm, đã viết về một mối tình đồng tính nổi tiếng trong cuốn sách triết học mang tên ông, “Hàn Phi Tử”. Đó là câu chuyện tình giữa Vệ Linh công - vị quân chủ thứ 28 của nước Vệ và chàng trai trẻ Di Tử Hà. Chuyện kể rằng có lần Vệ Linh công đã lách luật vì người tình của ông, để bảo vệ anh ta khỏi hậu quả khi một người thường phạm tội khi quân:

“Di Tử Hà là một đại phu, được Vệ Linh công - vua nước Vệ đem lòng yêu thương. Chàng là sủng nam của vua. Theo như luật nước Vệ, việc tự ý sử dụng xe ngựa của nhà vua là một điều bị cấm, kẻ nào dám khi quân sẽ bị chặt chân.

Một hôm thân mẫu của Di Tử Hà bị bệnh nặng, một người đưa tin nửa đêm chạy vào cung để báo tin dữ cho chàng. Không do dự dù chỉ một giây, Di Tử Hà nhảy lên xe ngựa của Vệ Linh công để về nhà. Khi Vệ Linh công phát hiện ra, vua không những phạt chàng mà còn tấm tắc khen:

-Thật là một hiếu tử! Vì mẫu thân mà Tử Hà không ngại bị chặt chân!”

image

Tranh vẽ Di Tử Hà và Vệ Linh công

Hàn Phi cũng ghi lại chuyện Di Tử Hà định ăn một quả đào, nhưng thay vì ăn trọn quả đào thì lại chia phần còn dư cho Vệ Linh công:

“Một lần khác, vào một chiều mùa hạ ấm áp, Di Tử Hà tản bộ trong vườn với Vệ Linh công. Một trái đào tươi ngon căng mọng trên một cành cây hạ thấp lọt vào mắt chàng. Di Tử Hà bèn hái xuống, cắn một miếng, miếng đào ngọt thơm như tan ra trong khoang miệng. Chàng đưa quả đào ăn dở cho Vệ Linh công. Vệ Linh công xúc động tận tâm can, thổn thức nói rằng:‘Tử Hà thật quá yêu ta! Quên miệng ăn mà nhớ đến phần ta!’”

Tranh vẽ cảnh Di Tử Hà và Vệ Linh công giao hợp với nhau. Điểm đáng lưu ý ở đây là họa sĩ thể hiện Di Tử Hà là người có nước da trắng, phản ánh sự nữ tính của anh ta và vai trò là người thụ động trong khi quan hệ, ngược lại Vệ Linh công lớn tuổi hơn, được xem là người chủ động, có nước da tối màu để thể hiện tính nam:

image

Tình yêu giữa Vệ Linh công và Di Tử Hà về bản chất là một tình yêu lãng mạn, không phải là một tình yêu lí tưởng thuần khiết hay tình huynh đệ (3). Năm tháng trôi qua, dung nhan của Di Tử Hà dần nhạt phai, và sự khoan dung của Vệ Linh công dành cho những sai sót của anh ta cũng vậy:

“Về sau, vẻ tuấn tú kiều mị của Di Tử Hà bắt đầu nhạt phai. Một lần nọ, Di Tử Hà bị cáo buộc đã phạm tội. Vệ Linh công chỉ buông ra mấy lời lạnh nhạt:

“Hắn đã từng tự ý đi xe ngựa của ta, thậm chí đã từng to gan đưa cho ta nửa quả đào hắn ăn dở!”

Lúc đó Di Tử Hà đã không làm bất cứ điều gì quá phận. Vệ Linh công lại buộc tội chàng thay vì khen ngợi chàng như trước đây. Phải chăng bởi vì lòng sủng ái của quân vương nay đã trở thành chán ghét?”

Triết học gia Hàn Phi đã kể lại câu chuyện trên để chứng minh một quan điểm: Ông muốn khẳng định rằng, cuối cùng, Vệ Linh công - một vị vua sẽ phải làm một điều đúng đắn của bậc quân chủ, kể cả việc bỏ rơi người yêu. Đó không phải là vì đồng tính là một điều dị thường và xấu xa, mà bởi vì: Một kẻ gánh vác vận nước sẽ phải đặt quốc gia lên đầu tiên và trên hết, thay vì bận tâm đến những khoái cảm nhục dục tầm thường như tình ái, bất kể người yêu của họ là nam hay nữ.

Như vậy, Hàn Phi đã từng cảnh báo về một điều tai hại: Bất kể người có giới tính nào cũng có thể tạo ra sự phân tâm đến năng lực cai trị của một vị vua. Điều này ngầm ám chỉ sự phổ biến rộng rãi của quan hệ đồng tính.

Chân dung Hàn Phi, một trong những người tiên phong của học thuyết Pháp trị.

“Bậc quân vương có thể dễ dàng bị mồi chài bởi những người phụ nữ yêu kiều và những chàng trai tuấn tú, bởi tất cả những ai có thể chơi đùa và nịnh hót trong ái tình.”

Một câu chuyện nổi bật khác về đồng tính luyến ái vào thời Chiến Quốc là chuyện kể về một vị vua vô danh của nước Ngụy (4) và nam sủng của ông ta, Long Dương. Long Dương sau khi liên tiếp câu được hai con cá bèn bắt đầu rơi lệ, bởi vì anh ta phải ném con cá thứ nhất đi sau khi câu được con cá thứ hai có chất lượng tốt hơn. Cũng giống như, một ngày nào đó anh ta sẽ bị nhà vua bỏ rơi khi một người đẹp hơn, quyến rũ hơn xuất hiện, chiếm lấy sự sủng ái của quân vương.

“Tại sao ngươi lại khóc?” - Ngụy Vương hỏi.

Long Dương nức nở bẩm lại: “Khi tiểu thần câu được cá, lúc đầu tiểu thần thấy vô cùng sướng vui. Nhưng sau khi tiểu thần bắt được con cá to hơn, tiểu thần bèn muốn quẳng lại con cá khi nãy vừa bắt được. Vì việc làm độc ác này mà tiểu thần có thể không được cùng bệ hạ âu yếm trên long sàng nữa! Khắp thiên hạ này có vô số trang mỹ nhân tuyệt sắc, ghen ghét tiểu thần được bệ hạ sủng ái. Họ bèn nghĩ ra trăm mưu nghìn kế, thậm chí cởi bỏ y phục để được gần gũi với bệ hạ. Tiểu thần cũng sẽ chỉ như lũ cá kia, một ngày sẽ bị bệ hạ vứt bỏ mà thôi! Hỏi sao tiểu thần không rơi lệ được?”

Hành động này của Long Dương làm Ngụy Vương cảm động, bèn ra chiếu:

“Bất cứ kẻ nào dám tiến cống mỹ nhân cho trẫm, sẽ bị tru di diệt tộc!”

image

Tranh vẽ Long Dương câu cá bên cạnh vua nước Ngụy

Như vậy, đồng tính luyến ái vào thời kỳ Tiền Đế chế Trung Hoa là một hiện tượng phổ biến được chấp nhận rộng rãi. Điều này được thấy rõ nhất từ các ghi chép được lưu truyền rộng khắp, không phải hứng chịu sự chỉ trích từ các nhà văn và quần chúng thời bấy giờ.

Mặc dù đây là một quan điểm phổ biến đến tận giai đoạn cuối của thời kỳ Tiền Đế chế, nhưng với sự xuất hiện của Nho giáo cùng những triết lý Nho gia bắt đầu đi vào xã hội, mọi thứ dần có sự thay đổi.

Mặc dù Khổng giáo rất ôn hòa với tư tưởng Pháp trị, nó vẫn đặt nặng trật tự gia tộc lên trên hết. Như một hệ quả, điều này tạo ra mối xung đột với đồng tính luyến ái (5):

“Để thiết lập trật tự thế giới, trước tiên cần thiết lập trật tự quốc gia. Để thiết lập trật tự quốc gia, cần thiết lập trật tự gia đình. Để thiết lập trật tự gia đình, cần vun đắp cho cuộc sống cá nhân. Và để vun đắp cho cuộc sống cá nhân, tâm trí cần hướng tới những điều đúng đắn.’’

-Khổng Tử (551 - 479 trước Công nguyên), người sáng lập của Nho giáo

Một bức tượng Khổng Tử, cha đẻ của Nho giáo, hệ tư tưởng đã thay đổi quan điểm của người Trung Quốc trong giai đoạn sơ kỳ của Thời kỳ Đế quốc Trung Hoa:

image

Nho giáo bắt buộc mỗi cá nhân phải tuân theo những giáo lý của nó để tối đa hóa lợi ích xã hội.

Do đó, bất kỳ giới hạn và khuynh hướng mang tính cá nhân nào cũng cần phải gạt bỏ để nhường chỗ cho lợi ích tập thể. Như vậy, Nho giáo và tự do là hai khái niệm không thể thích ứng với nhau, dù cho đó là quyền tự để theo đuổi một mối quan hệ đồng tính.

Lịch sử của đồng tính tại Trung Hoa rẽ sang một bước ngoặt khác là điều không thể tránh khỏi, khi Nho giáo được nhà nước tiếp nhận và bảo hộ, bắt đầu từ thời kỳ nhà Hán hùng mạnh của Trung Quốc (206 trước Công nguyên - 220), như một loại vũ khí để bảo tồn sự thịnh vượng của vương triều, gây tổn hại đến đồng tính luyến ái.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH:

  1. Thời kỳ Tiền Đế quốc: Trước năm 221 trước Công nguyên. Bao gồm nhà Hạ, nhà Thương, nhà Chu và thời Xuân Thu - Chiến Quốc.

Thời kỳ Đế quốc Trung Hoa: Được xác định từ năm 221 trước Công nguyên đến năm 1912, từ nhà Tần đến hết nhà Thanh. Vào năm 221 trước Công nguyên, các vương quốc nhỏ lẻ bắt đầu thống nhất trở thành một đế quốc duy nhất, dưới sự cai trị của Tần Thủy Hoàng.

  1. Hiên Viên Hoàng Đế: Một vị vua có trong huyền sử của Trung Quốc, không được ghi lại trong chính sử. Người Trung Quốc có lưu truyền huyền thoại về thời kỳ Tam Hoàng - Ngũ Đế , thời kỳ của những người thống lĩnh các bộ tộc sơ khai, thủy tổ của dân tộc Hoa Hạ. Hiên Viên Hoàng Đế là vị đứng đầu trong Ngũ Đế.

  2. Platonic love: Mối quan hệ tình cảm được đặt theo tên của nhà triết học Hy Lạp Plato, chỉ một thứ tình cảm không có những cảm xúc lãng mạn hoặc ham muốn tình dục, hai người trong mối quan hệ gắn bó với nhau dựa trên những kết nối về mặt tư tưởng, tinh thần. Trái với romantic love (tình yêu lãng mạn).

  3. Unamed king: OP dùng từ “unamed king” để chỉ vị vua nước Ngụy trong câu chuyện này. Nhưng trên thực tế đó chính là Ngụy An Ly Vương, vị vua thứ 6 của nước Ngụy.

  4. Chính là nhắc tới “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, một câu nói của Khổng Tử trong “Đại học”- một cuốn trong bộ Tứ thư, tác phẩm đại diện của hệ tư tưởng Nho giáo của Trung Quốc. “Tu thân”- bồi dưỡng, rèn luyện phẩm cách của mỗi cá nhân chính là nền tảng của việc kiến tạo và phát triển những thứ lớn lao hơn ở tầm vóc xã hội, là gốc rễ của mọi đại sự.

Phần II: Nhận thức của người Trung Quốc về đồng tính luyến ái trong giai đoạn sơ kỳ của Thời kỳ Đế quốc Trung Hoa

Nhưng kỳ lạ rằng, Khổng giáo trên thực tế rất hiếm khi đề cập đến các hành vi đồng tính luyến ái một cách trực tiếp, cũng ít khi tuyên bố chống lại các mối quan hệ đồng tính. Mối quan tâm chính của Khổng giáo xoay xung quanh vấn đề tề gia. Trên lý thuyết, điều này cho phép quan hệ đồng tính được tiếp tục tồn tại, với điều kiện trật tự gia đình được đặt lên hàng đầu.

Do đó, Khổng giáo không gây quá nhiều tổn hại đến đồng tính luyến ái. Nhiều người đàn ông nhận thấy rằng họ có thể làm bất cứ điều gì họ thích, miễn là tuân theo các lời dạy của Khổng giáo: Sinh con đẻ cái để nối dõi tông đường và làm trụ cột cho gia đình. Điều này cũng được xã hội thời Hán khuyến khích rộng rãi.

Thậm chí một số cá nhân cũng khẳng định rằng, Khổng giáo không những không tạo ra nhiều hệ lụy cho đồng tính luyến ái, thậm chí còn gián tiếp thúc đẩy hiện tượng này. Hệ tư tưởng Khổng giáo khích lệ tất cả người đàn ông trong mọi giai tầng xã hội không những nên duy trì mối quan hệ hòa thuận với nhau, mà còn nên hình thành mối quan hệ sư đồ thân thiết.

image

Một bức họa Lưu Bang, vị hoàng đế đầu tiên của nhà Hán - người áp dụng và bảo trợ của tư tưởng Khổng giáo. Vẽ vào thời nhà Thanh.

Nếu một người tuân theo tất cả những điều kiện và quy tắc kể trên, mọi thứ sẽ ổn, không ai sẽ quan tâm anh ta làm gì trong thời gian rảnh rỗi. Tuy nhiên, vào thời Hán, khi ai đó theo đuổi một mối quan hệ đồng tính mà không đem lại lợi ích cho xã hội, anh ta sẽ bị đánh giá theo cách rất tiêu cực. Điều này trái với thời kỳ Tiền Đế quốc trước đó. Như vậy, đối với quan hệ đồng tính, nhận thức của xã hội Trung Hoa vào giai đoạn sơ kỳ của Thời kỳ Đế quốc đã có những thay đổi so với thời Xuân Thu - Chiến Quốc.

Dù sao thì, đồng tính vẫn được cho phép tồn tại, với điều kiện tuân theo giáo lý Nho gia. Điều này tạo ra một “kẽ hở” của xã hội, tạo cơ hội cho 10 trên tổng số 13 vị hoàng đế của nhà Tây Hán (1) (206 trước Công nguyên - 9 sau Công nguyên) lách luật để theo đuổi những mối quan hệ đồng tính, trong khi vẫn có một hậu cung đầy cung tần mỹ nữ. Trong số đó, không thể không nhắc tới Hán Ai Đế (trị vì từ năm 27 đến năm 1 trước Công nguyên) và người tình đồng giới của ông, Đổng Hiền.

Hán Ai Đế đem lòng sủng ái Đổng Hiền, một viên quan nhỏ, bởi vì ông yêu những nét tính cách trong con người của chàng thanh niên tuấn tú này: Đơn thuần, ngay thẳng và không ưa thị phi. Đổng Hiền là một con người hoàn toàn đối lập với những kẻ tâm cơ bụng đầy mưu thâm kế độc trong triều đình. Ở bên chàng trai này, Hán Đế cảm thấy tâm hồn thảnh thơi và thoải mái sau bộn bề triều chính cùng những đấu đá tranh giành quyền lực.

Chẳng bao lâu sau, hai người công khai ở bên nhau. Mối tình đồng tính này ngày nay vẫn được nhớ đến ở Trung Quốc qua điển cố “cắt ống tay áo”. Chuyện kể rằng, một hôm Hán Đế phải lên thiết triều, nhưng không thể rời đi vì Đổng đang ngủ, đầu đè lên ống tay áo của nhà vua. Không muốn quấy rầy giấc ngủ của người yêu, ngài bèn cắt tay áo trên chiếc áo bào quý giá của mình để Đổng Hiền ngủ ngon, sau đó mới đi thiết triều.

“Hán Ai Đế đang nằm nghỉ giữa ban ngày, Đổng Hiền nằm tì lên tay áo của ngài. Khi hoàng thượng tỉnh dậy, Đổng Hiền vẫn say giấc nồng. Không muốn đánh thức Đổng Hiền, Hán Ai Đế bèn cắt đứt ống tay áo, sau đó ngồi dậy. Tình yêu và tấm lòng quan tâm của hoàng thượng đã sâu nặng tới nhường này!”

-Trích trong Hán Thư, soạn bởi Ban Cố.

image

Tranh vẽ cảnh Hán Ai Đế cắt tay áo để không đánh thức giấc ngủ của người yêu Đổng Hiền.

Sau buổi thiết triều, Hán Đế thậm chí còn kể lại câu chuyện cho bá quan văn võ, khoe ống tay áo bị cắt với họ. Đáp lại, triều thần cũng đồng loạt cắt bỏ tay áo của họ, để bày tỏ sự tán thành với hành động của nhà vua.

Rõ ràng là với sự hình thành của Khổng giáo, đồng tính luyến ái đã bị tổn hại không ít, nhưng nó vẫn được coi là một điều hoàn toàn bình thường ở xã hội Trung Quốc vào thời đại này. Điều đáng chú ý nhất trong mối quan hệ giữa Hán Ai Đế và Đổng Hiền, không phải vì nó là một mối quan hệ công khai, mà là cả hai người đều đã lập gia thất. Điều này chứng minh rằng: Ngay cả những người đàn ông có địa vị cao quý nhất trong triều đình nhà Hán cũng tận dụng tối đa những khe hở xã hội, bằng cách làm tròn những bổn phận mà Khổng giáo quy định, trước khi công khai sánh bước cùng người tình đồng giới của họ.

Việc lợi dụng sơ hở của giáo lý đạo Khổng để theo đuổi quan hệ đồng tính là một thực tế được nhà sử học Tư Mã Thiên ghi chép lại rõ ràng thông qua các sự kiện.

Hậu thế thường coi ông cùng sử gia người La Mã, Suetonius là “người tám lạng kẻ nửa cân”. Nhưng không giống như Suetonius, người đôi lúc phán xét các hoạt động đồng tính của những cá nhân mà ông nghiên cứu trong cuốn “Tiểu sử 12 Hoàng đế La Mã”, Tư Mã Thiên không đưa ra những phán xét tương tự, mà thay vào đó, ông thích tập trung vào sức ảnh hưởng của họ trên chính trường hơn. Điều này ngụ ý rằng, so với Đế quốc La Mã, Trung Quốc thời Hán đón nhận đồng tính luyến ái hơn.

Tư Mã Thiên cũng từng viết rằng, vẻ đẹp của nam giới cũng có tiềm năng để sử dụng như một lại vũ khí làm phân tâm các bậc đế vương:

“Không chỉ riêng phụ nữ mới có thể dùng nhan sắc để lọt vào mắt xanh của quân vương, quan lại và thái giám cũng có thể sử dụng chiêu thức đó để được vua ưu ái. Rất nhiều bậc nam tử thời xưa đạt được nhiều ưu thế nhờ vào cách này.”

image

Tư Mã Thiên (145 - 86 trước Công nguyên)

Chân dung Tư Mã Thiên, sử gia uy tín nhất của nền lịch sử Trung Hoa vào thời nhà Hán. Những tác phẩm của ông tạo tiền đề cho các nhà Hán học thời nay nghiên cứu về thái độ của người Trung Quốc đối với đồng tính luyến ái.

Một sự kiện đáng chú ý khác được ghi lại trong chính sử thời Hán nói về Hoắc Quang, một chính trị gia của nhà Tây Hán, say mê người quản lý các nô tì của gia đình mình. Đối với người nước ngoài, câu chuyện này rất nực cười, nhưng với người Trung Quốc thì chẳng có gì khôi hài ở đây cả. (2)

Bên cạnh đó, Lương Ký, một vị tướng quân của nhà Đông Hán (25 - 220 sau Công nguyên) cũng được biết với quan hệ đồng tính với Qin Gong (Tần Cung?) - một người hầu, đồng thời cũng là người tình (hoặc người thiếp) của ông. Ông cũng đặc biệt ưu ái vợ mình khi chia sẻ Tần Cung với bà. Khi nhu cầu tình dục của ông cần được thỏa mãn, ông sẽ yêu cầu cả ba người tham gia vào một cuộc “chơi ba” (threesome).

Cũng vào thời Hán, khía cạnh đồng tính nữ lần đầu tiên được đề cập đến. Nhà sử học thời Đông Hán, Ứng Thiệu, đã ghi lại việc những cung tần mỹ nữ trong cung hình thành những mối quan hệ đồng tính luyến ái với nhau. Mối quan hệ này được gọi là “đối thực” (một thuật ngữ dùng để ám chỉ hành vi kích thích khoái cảm tình dục bằng miệng qua lại của hai người), trong mối quan hệ này, có người sẽ đóng vai trò của một người chồng, người còn lại làm vợ. Ứng Thiệu ghi lại rằng:

“‘Đối thực’ chỉ những những người phụ nữ danh giá cặp kè với nhau như vợ chồng, họ rất hay ghen.”

-Trích từ cuốn “Mối tình cắt áo”, Bret Hinsch.

Đó cũng là một thuật ngữ được hoàng hậu Triệu Phi Yến sử dụng khi quan sát hai người cung nữ của mình. Triệu Hoàng hậu cảm thấy thú vị khi nhìn họ “chia sẻ bữa cơm với nhau”. Hiếu Vũ Trần Hoàng hậu, chính thê của Hán Vũ Đế, cũng được người đời biết đến với mối quan hệ đồng tính với một nữ pháp sư. Bà được cho rằng đã rơi vào lưới tình với vị pháp sư này, người được bà triệu vào cung để dùng chú thuật giúp bà sinh được hoàng tử, nhưng sau cùng đã thất bại và bị xử chết.

Các nhà khảo cổ học đương đại cũng đã phát hiện được những chiếc dương vật giả hai đầu trong những lăng mộ có niên đại từ nhà Hán. Điều này cho thấy đồng tính nữ có thể là một hiện tượng tương đối phổ biến ở giai đoạn sơ kỳ của Thời kỳ Đế quốc Trung Hoa. Tuy nhiên, những dương vật giả này chỉ được tìm thấy trong mộ của hoàng thất, cho thấy rằng những hoạt động tình dục nữ chỉ được giới hạn trong tầng lớp cao quý nhất của xã hội thời Hán.

image

Dương vật giả hai đầu được phục chế, tìm thấy trong lăng mộ hoàng gia của nhà Hán.

Triều đại nhà Hán sụp đổ vào năm 220 sau Công nguyên, mở ra giai đoạn huy hoàng nhất cho đồng tính luyến ái trong Thời kỳ Đế quốc Trung Hoa. Hàng trăm năm sau, dưới thời kỳ Nam - Bắc triều đầy hỗn loạn (420 - 589), xã hội Trung Hoa chuyển mình, mở ra một nhận thức mới đầy cởi mở với đồng tính luyến ái. Vào giai đoạn này, quần chúng có mức độ chấp nhận đồng tính tiệm cận với Thời kỳ Tiền Đế quốc.

Lý do cho sự đổi mới này rất đơn giản. Nhà Hán chấm dứt, kéo theo sự chấm dứt cho một kỷ nguyên của quyền lực tối thượng và thể chế tập quyền trung ương. Tất cả những vương triều sau đó 400 năm đều không đủ mạnh mẽ và bị phân tán quyền lực, do đó rất khó để tái thiết lập một xã hội lấy Khổng giáo làm nền tảng. Khổng giáo vì thế mà bị xem thường trong giai đoạn này. Điều này hồi sinh làn sóng khoan dung cho đồng tính luyến ái, một làn sóng đã từng tồn tại hàng trăm năm về trước.

Như vậy, một lần nữa hiện tượng đồng tính phát triển mạnh mẽ. Không bao lâu sau, nó trở thành một điều cực kỳ bình thường, thậm chí người thời đó còn đôi lúc phá bỏ những lời răn dạy của Khổng giáo: Một bộ phận nam giới bắt đầu lơ là vợ con cùng những bổn phận gia đình, trở thành những người hoàn toàn theo đuổi đồng tính.

Vào thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên, dưới thời Nam triều Lưu Tống (420 - 479), các hoạt động đồng tính lan tỏa rộng khắp, đến nỗi có rất nhiều người phụ nữ phải cay đắng nếm trải cuộc sống chăn đơn gối chiếc.

“Giới thượng lưu và quan lại ưa chuộng nó. Tất cả những người đàn ông trong vương quốc đổ xô theo trào lưu này, đến nỗi dẫn tới cảnh vợ chồng ghẻ lạnh nhau. Những thiếu nữ chưa chồng cảm thấy ghen tị với nam giới.”

-Trích “Mối tình cắt áo”, Bret Hinsch

Lãnh thổ của vương triều Lưu Tống vào năm 440 sau Công nguyên:

image

Vào giai đoạn Lục triều (220 - 581 sau Công nguyên), thơ ca thường nhắc đến đồng tính một cách gián tiếp (vì nhắc đến vấn đề tính dục dưới bất cứ hình thức nào một cách trực tiếp sẽ bị coi là tục tĩu). Nhưng do sự phổ biến rộng rãi của đồng tính luyến ái, những bài thơ này trở nên lỗi thời, tất cả độc giả sẽ ngay lập tức hiểu được ngụ ý của thi sĩ trong bài thơ. Dưới đây là một ví dụ điển hình, trích trong một bài thơ của thi sĩ Liu Xiaozhuo vào thế kỷ thứ 6:

“Nàng bước chậm, không dám tới gần hơnChỉ sợ rằngTrong mắt chàng, nàng không sánh được với trái đào ăn dở*”
“Trái đào ăn dở” được nhắc tới trong câu thơ ám chỉ “dư đào đoạn tụ” - câu chuyện tình giữa Vệ Linh công và Di Tử Hà được đề cập ở phần I.

Một ví dụ rõ ràng khác đến từ bài “Thiếu niên tuấn lãng” của thi sĩ Từ Lăng, miêu tả vẻ đẹp ngoại hình của những chàng trai trẻ tuổi:

Xa xa có chàng thiếu niên
Mi thanh mục tú, xinh đẹp tựa hoa
Hỏi chàng có biết Đổng - Hà
Mỹ nam tuyệt sắc, vương triều lao đao
Với chàng chẳng đáng là bao
Chàng muôn kiều diễm, thanh tao tót vời

Bên rèm buông phủ sương mai
Hương thơm nắng sớm, nhẹ nhàng tỏa lan
Mang mang tình ý dâng tràn
Màn che trướng rủ, vấn vương ái tình

Tà dương đỏ rực nhẹ buông
Ngàn mây che phủ, ráng mây vương đầy
Ái tình vương vấn đâu đây
Nam tử kinh diễm, câu hồn kẻ si
Mỹ nhân cũng chẳng đáng chi
Nhìn chàng niên thiếu, tự ti trong lòng
Trầm ngư lạc nhạn bởi chàng
Tu hoa bế nguyệt, hỏi chàng thấu chăng? (3)

Như vậy, có thể nhận thấy rõ ràng là ngay cả vào giai đoạn sơ kỳ của Thời kỳ Đế quốc Trung Hoa, một chặng đường lịch sử rất dài, đồng tính luyến ái vẫn được đông đảo quần chúng nhìn nhận theo chiều hướng rất tích cực.

image

Tranh vẽ cảnh một phụ nữ nhìn trộm cảnh một cặp đôi đồng tính nam làm tình.

Mặc dù ban đầu vào triều đại nhà Hán, Khổng giáo đã đặt ra một số điều luật để hạn chế đồng tính luyến ái, nhưng phần lớn những giáo điều đó đã bị loại bỏ. Điều này cho phép chủ nghĩa tự do cá nhân được hiện diện rộng rãi hơn trong đời sống của nhân dân, với điều kiện tiên quyết rằng một người phải đặt trách nhiệm với xã hội lên hàng đầu.

Tuy nhiên, điều này không kéo dài được lâu. Một lần nữa, thời kỳ loạn thế Ngụy-Tấn-Nam-Bắc triều chấm dứt, lãnh thổ Trung Hoa lại quy về một mối dưới sự cai trị nhà Tùy (581-618). Sau đó, cột mốc hoàng kim trong lịch sử 5000 năm của Trung Quốc bắt đầu với sự khai sinh của triều đại nhà Đường (618-907 sau Công nguyên) - triều đại cực thịnh của Đế quốc Trung Hoa. Từ đây, những rào cản đối với quyền tự do tuyệt đối của đồng tính luyến ái được tái khởi và trỗi dậy một lần nữa.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH

  1. Tây Hán - Đông Hán: Hai giai đoạn của triều đại nhà Hán (206 -220 trước Công nguyên) do Hán Cao Tổ Lưu Bang thành lập. Nhà Hán bị chia cắt thành hai giai đoạn do Vương Mãng, một vị đại thần cướp ngôi đoạt vị. Sau đó, Hán Thế Tổ Lưu Tú bình định được thiên hạ, tái lập lại nhà Hán. Từ giai đoạn Hán Thế Tổ cầm quyền, nhà Hán được gọi đầy đủ là Đông Hán, phân biệt với nhà Tây Hán trước đó.

  2. Chuyện Hoắc Quang: Câu chuyện này không được xem như một truyện hài gây cười với người Trung Quốc vì khác biệt văn hóa Đông Tây. Sau khi Hoắc Quang qua đời, người vợ của ông sau thời gian để tang chồng không lâu, bèn đến bên tình mới, chính là người quản lí nô tì của gia đình họ Hoắc, cũng là tình nhân đồng giới trước đây của Hoắc Quang.

  3. Giải thích bản dịch thơ của mình:

  • “Hỏi chàng có biết Đổng - Hà” - Bản gốc: “You surpass Dong Xian and Mizi Xia.” Đổng - Hà chính là Đổng Hiền và Di Tử Hà.
  • “Our curtained bed is inlaid with ivory …” Câu này dịch thô là “Chiếc giường có màn che của chúng ta được khảm ngà voi”, mình không biết dịch thơ thế nào cho vần nên tạm lược bỏ.
  • “Mỹ nhân cũng chẳng đáng chi/ Nhìn chàng niên thiếu, tự ti trong lòng/ Trầm ngư lạc nhạn bởi chàng/ Tu hoa bế nguyệt, hỏi chàng thấu chăng?” - Bản gốc: “You’re enough to make the girls of Yan envious,/ And cause even Zheng women to sigh.” Mình không hiểu “Yan” và “Zheng” ở đây nghĩa là gì, nhưng đại khái cả câu thơ muốn nói chàng trai đẹp đến nỗi làm nữ giới ghen tị và tự ti. Nên mình sử dụng điển cố “Trầm ngư lạc nhạn, bế nguyệt tu hoa” (nghĩa là người đẹp đến nỗi cá phải lặn xuống nước, chim đang bay trên trời thì rơi xuống, mặt trăng xấu hổ trốn sau mây, hoa nhìn thấy người mà ủ rũ héo tàn) của tứ đại mỹ nhân Trung Quốc cổ đại - biểu tượng cho sắc đẹp phái nữ ở Trung Quốc ngày xưa để nói lên ngụ ý của tác giả.

Phần 3: Nhận thức của người Trung Quốc về đồng tính luyến ái vào giai đoạn trung kỳ của lịch sử Trung Hoa

Ngày nay, nhà Đường được đông đảo người dân công nhận và vinh danh là triều đại Trung Hoa vĩ đại nhất trong lịch sử. Đây là giai đoạn vàng son của chủ nghĩa thế giới và sự rộng mở. Vào thời đại này, chính quyền nhà Đường và quần chúng nhân dân mở lòng đón nhận những phương diện tốt đẹp nhất từ cộng đồng quốc tế, thế nhưng, cũng vô tình tạo điều kiện cho những khía cạnh tiêu cực ngoại lai len lỏi vào xã hội Trung Hoa. Đây là một điều không thể tránh khỏi.

Xét trong mối tương quan với giai đoạn sơ kỳ của Thời kỳ Đế quốc Trung Hoa, giai đoạn mà chúng ta có rất nhiều ghi chép về những trào lưu đồng tính, đồng tính luyến ái vào thời nhà Đường đã trở nên ít nhận được sự chú ý hơn.

Phật giáo trở thành hệ tư tưởng chính của Trung Quốc dưới thời nhà Đường. Giáo lý nhà Phật không tán thành những mối quan hệ nhục dục, thay vào đó, cho rằng tình dục chỉ hoàn toàn hướng tới mục đích duy trì nòi giống. Với quan điểm tôn giáo nghiêm khắc này, đồng tính luyến ái trở nên không được khuyến khích. Người ta tin rằng đồng tính sẽ khiến một người bị phân tâm trên con đường giác ngộ và đạt tới trạng thái “Niết bàn”.

Tuy nhiên, đây không phải là một giới luật Phật giáo được toàn thể tín đồ chấp hành. Chỉ có một số tông phái Phật giáo nhất định có niềm tin như vậy, nhiều tông phái khác thì duy trì một quan điểm trung lập về vấn vấn đề này. Vào thời bấy giờ, Phật giáo là tôn giáo phát triển rực rỡ nhất ở Trung Hoa, vượt mặt các tôn giáo và tín ngưỡng bản địa. Trong số đó, phải kể đến Đạo giáo. Mặc dù đã suy yếu trước Phật giáo, nhưng Đạo giáo vẫn có những động thái nhằm làm phong phú thêm những quan điểm phổ biến về đồng tính luyến ái.

Điều đáng chú ý nhất trong hệ tư tưởng của Đạo giáo là niềm tin vào sự cân bằng giữa Thiên - Địa - Nhân (1). Điều này cho đến ngày hôm nay vẫn còn được biểu trưng bởi biểu tượng Âm Dương, với ý nghĩa sự hòa hợp giữa năng lượng tính nữ (âm) và năng lượng tính nam (dương).

Biểu tượng Âm Dương, tượng trưng cho sự cân bằng trong Đạo giáo.

Theo Đạo giáo, mỗi một cá thể con người đều có đủ hai phần âm và dương: Trong nam vẫn có âm và trong nữ vẫn có dương. Do đó, người đồng tính nam là một người đàn ông có năng lượng tính nữ quá dư thừa. Như một điều hiển nhiên, họ sẽ bị thu hút bởi nguồn năng lượng dương tỏa ra từ những người đàn ông khác.

Phật giáo là một tôn giáo có nhiều hệ phái đa dạng, vì vậy trong số đó, tất nhiên sẽ có một số tông phái có cái nhìn ôn hòa và rộng mở với đồng tính luyến ái. Người Phật môn có niềm tin mạnh mẽ vào sự tồn tại của tiền kiếp và “nghiệp” (karma). Những khái niệm này được sử dụng để giải thích cho bản chất tự nhiên của đồng tính luyến ái.

Một số hệ phái tin rằng, khi một người đàn ông nảy sinh tình cảm với một người đàn ông khác, đó là bởi vì họ từng nên duyên vợ chồng với nhau ở một trong số vô lượng kiếp quá khứ, nhưng ở kiếp sống đó, họ đã không hạnh phúc bên nhau. Vậy nên, giữa Tam thiên Đại thiên Thế giới, luân hồi đưa họ gặp lại nhau một lần nữa trong hình tướng của hai người nam. Một cơ hội được trao cho họ lần thứ hai để kiếm tìm hạnh phúc. Vậy nên, trong kiếp này hai người họ phải sửa đổi, hoặc vòng lặp bất hạnh sẽ một lần nữa được tái hiện. (2)

Bằng cách đưa ra những lý giải tự nhiên cho sự tồn tại của đồng tính luyến ái, Phật giáo và Đạo giáo đã bình thường hóa hiện tượng này. Ngoài ra, điều này cũng nhằm mục đích chống lại những xu hướng kỳ thị đồng tính đến từ những tôn giáo khác như Ki-tô giáo và Hồi giáo.

Nói về Khổng giáo. Mặc dù hệ tư tưởng này không còn sức ảnh hưởng mạnh mẽ lên quần chúng nhân dân như lúc trước, nhưng vẫn hiện hữu trong xã hội lúc bấy giờ, thậm chí còn nhận được sự ủng hộ của triều đình nhà Đường.

Bên cạnh đó, những tôn giáo khởi nguồn từ Abraham như Do Thái giáo, Ki-tô giáo và Hồi giáo cũng bắt đầu có những động thái để củng cố những rào cản chống lại đồng tính luyến ái. Các nhà sử học cũng cho rằng, Ấn Độ giáo với nhiều văn bản có nội dung kỳ thị đồng tính chính là một trong những nguyên nhân khiến một bộ phận dân chúng có cái nhìn phản cảm với đồng tính vào thời nhà Đường.

Một bức tranh tường có xuất xứ từ một nhà thờ Cảnh giáo (3), miêu tả quá trình hành lễ ngày Chúa Nhật Lễ Lá của tu sĩ Cảnh giáo (vào thời nhà Đường, Ki-tô giáo du nhập vào Trung Hoa, tạo ảnh hưởng cực kỳ mạnh mẽ lên nhận thức của xã hội về đồng tính luyến ái).

image

Thời Đường không chỉ là giai đoạn mà tiếng lóng đầu tiên dùng để miệt thị người đồng tính xuất hiện - “Jijian” (kê gian) (4), mà còn là giai đoạn mà lần đầu tiên chính quyền phong kiến Trung Hoa có những biện pháp chính thức để cải tổ xã hội theo một trật tự “đạo đức” hơn. Những biện pháp này cũng nhằm mục đích giúp những hệ tư tưởng mới, được nhà nước bảo trợ có thể thâm nhập và thích ứng dễ dàng với đời sống xã hội. Thế nhưng, tất cả những việc làm trên đều vô ích, khi nhân dân Trung Hoa dưới thời nhà Đường không thực sự coi trọng điều đó.

Tuy nhiên, với nền tảng tư tưởng từ ái và tự do được thiết lập dưới sự cai trị của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, những tác động tiêu cực đến từ văn hóa ngoại lai sẽ bị lấn át. Nhân dân thời Đường được quyền phủ quyết những rào cản chống lại tự do cá nhân của họ. Do đó, xã hội thời Đường có xu hướng quay trở lại với những tư tưởng thời Hán đối với quan hệ đồng giới.

Trong bối cảnh như vậy, khi người Ả Rập (đa số là người theo đạo Hồi) đến Trung Quốc để giao thương, họ thấy rất kinh tởm với một tục lệ khá phổ biến ở Trung Quốc vào thời nhà Đường: Những cậu bé chưa dậy thì phải quan hệ với đàn ông trong đền thờ - một loại hình thức mại dâm tôn giáo. (5)

Trong khi đó, đồng tính nữ cũng đã trở thành một hiện tượng tràn lan trong xã hội. Theo cuốn “The Memoir on the Music Academy” (Nhạc viện Ký sự?), một công trình chuyên luận về âm nhạc được viết vào khoảng 742-907 sau Công nguyên, vào giai đoạn này, các ni cô trong chùa thậm chí cũng tìm kiếm những mối quan hệ thế tục với nhau. Cuốn sách cũng nói về hiện tượng nhiều cặp đồng tính nữ ở bên nhau theo mô hình hôn nhân dị tính. Bên cạnh đó, cũng có ghi chép về việc các đạo cô trao đổi những bài thơ tình tự với nhau.

Một bộ phim tái hiện lại cảnh tụ họp của đồng tính nữ thời Đường (Chú ý đến trang phục của người nữ ngồi ở giữa, cô ấy đang cải nam trang, diện y phục nam giới có tên là “viên lĩnh bào” chịu ảnh hưởng của người Ba Tư và Tiên Ti).

Thời Đường là thời đại hoàng kim của thi ca Trung Quốc. Các nhà Hán học thế kỉ 21 đã ghi nhận một điều rất đáng chú ý của giai đoạn này: Trong cổ văn, từ tā (他) được dùng để chỉ cả người nam và người nữ, do đó rất khó để phân biệt. Điều này cho thấy rằng, các nhà thơ không muốn tiết lộ giới tính của nhân vật trong tác phẩm, và Hán ngữ trung cổ không có những từ ngữ, cú pháp để phân định giới tính. Vậy nên, các nhà học giả tin rằng việc các tác phẩm thi ca được đọc và cảm nhận dưới góc độ dị tính hay đồng tính là tùy thuộc vào mong muốn của mỗi độc giả khác nhau.

Các bài cổ thi thời Đường cũng thường được viết bởi những nhà thơ nam sử dụng giọng thơ nữ tính khi sáng tác, để than thở về việc bị bằng hữu ruồng bỏ hoặc bị vua chúa bỏ mặc.

Đôi lúc, trong văn thơ, các tác giả cũng thường miêu tả hình ảnh những nàng thiếu nữ đầy khiêu gợi trong những mối quan hệ thể xác. Vào thời kỳ trước, nữ giới thường bị trói buộc vào những cuộc hôn nhân được sắp đặt từ trước, bị ép lấy người mà họ không hề yêu. Do đó, các thi sĩ văn nhân thời Đường dùng văn chương để phê phán xã hội, nâng cao nhận thức của dân chúng về nhiều bất cập của xã hội đương thời.

Cũng vào thời nhà Đường, những nỗ lực đầu tiên trong việc biên soạn tư liệu lịch sử về đồng tính luyến ái và sự tồn tại của nó được ghi nhận, được thi hào Bạch Hành Giản nhắc tới trong tác phẩm “Thiên địa âm dương giao hoan đại nhạc phú” (Bài phú về khoái lạc tình dục tột đỉnh giữa Trời Đất và Âm Dương?).

Sau thời kỳ thịnh trị của nhà Đường, nhà Tống (960-1279) lên nắm quyền cai quản Trung Hoa. Đây là triều đại mà bộ luật đầu tiên ngăn cản đồng tính luyến ái (nói chính xác hơn là ngăn cản các hoạt động mại dâm nam) chính thức được ban hành và thông qua. Mặc dù giống như nhà Đường trước đó, xã hội thời Tống là một xã hội khoan dung, rộng mở và tự do. Vào giai đoạn cầm quyền của Hoàng đế Tống Huy Tông, triều đình đã có một sắc lệnh bắt giữ và phạt trượng những người hành nghề kỹ nam vì những hành vi làm mất thuần phong mỹ tục ở nơi công cộng.

Tranh vẽ Tống Thái Tổ, vị hoàng đế đầu tiên của nhà Tống, người đã lập nền móng cho một xã hội tương đối tự do ở Trung Hoa trong suốt 300 năm tồn tại của vương triều.

image

Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận (927 - 976)

Tuy nhiên, những nỗ lực này của triều đình cũng chỉ đem về con số 0. Xã hội thời Tống không giống thời Đường ở một điểm: Hạn chế việc tiếp thu văn hóa quốc tế và những ảnh hưởng ngoại lai. Điều này nhằm mục đích tránh đi vào vết xe đổ của nhà Đường trước đó: Để những tác động tiêu cực của quá trình giao lưu văn hóa gây hại đến đồng tính luyến ái.

Nhà Tống là giai đoạn mà Trung Quốc đạt tới trình độ kinh tế và khoa học kỹ thuật của một quốc gia tiền công nghiệp hóa. Điều này kết hợp với chủ nghĩa tự do của xã hội thời Tống, và như một hệ quả tất yếu, khiến cho những bộ luật ngăn chặn đồng tính luyến ái của nhà nước trở nên hoàn toàn thừa thãi và không thể thi hành nổi. Đây là một sự thật về xã hội thời nhà Tống mà hầu hết mọi người đều biết đến.

Vào thời nhà Tống, dân số Trung Quốc tăng trưởng mạnh, chiếm tới ⅓ tổng dân số thế giới tại thời điểm đó. Tốc độ đô thị hóa cũng tăng lên chóng mặt, tiền giấy được phát minh. Tất cả những điều này tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển cực kỳ mạnh mẽ của một tầng lớp trung lưu có tiềm lực tài chính dồi dào, đồng thời cũng trực tiếp đẩy mạnh tỉ lệ người hành nghề mại dâm.

Một góc nhỏ của bức kiệt tác “Thanh minh thượng hà đồ” được vẽ vào thời nhà Tống. Bức tranh có kích thước 25,5 cm x 5,25 m, tả 814 người, 28 con thuyền, 60 con vật, 30 ngôi nhà, 20 xe cộ, 8 cái kiệu và 170 cây cối, mô tả sự thịnh vượng của nền kinh tế dưới triều đại nhà Tống - kết quả của chính sách giao thương quốc tế, từ đó tạo ra sự trỗi dậy của tầng lớp tư bản trung lưu, dẫn tới sự tăng trưởng nhanh chóng của mại dâm nam và nguồn thu nhập ổn định từ việc kinh doanh tất cả sản phẩm liên quan tới tình dục.

“Thanh minh thượng hà đồ”, họa sĩ Trương Trạch Đoan.

Nắm trong tay quyền lực và tiền bạc, các nhà tư bản thời Tống trở thành tầng lớp thống trị nền kinh tế Trung Hoa đương thời. Quyền lực chi phối xã hội chuyển giao từ bộ máy quan lại truyền thống sang những nhà tư bản giàu có này. Với nguồn tài chính quá dư dả, cùng với những tưởng tượng về tình dục không được thỏa mãn, họ không chỉ tìm kiếm giờ phút vui vẻ cùng kỹ nữ, mà còn bắt đầu thử của lạ cùng kỹ nam, như một thú tiêu khiển phổ biến lúc rảnh rỗi.

Xu hướng này tạo ra cơ hội kiếm tiền cho mọi thứ liên quan tới khoái cảm nhục dục, do đó làm tăng trưởng tỉ lệ mại dâm nam. Các luật lệ được triều đình ban hành để ngăn chặn hiện tượng này phát triển, giờ trở thành trò hề. Chưa từng có một thời điểm nào trong lịch sử mà các quý ông giàu có ở tầng lớp trung lưu ra vào kỹ viện với tần suất thường xuyên đến như vậy, để tình tự với những anh chàng “bồ nhí” của họ - những chàng trai mà nếu xét theo tiêu chuẩn ngày nay chỉ là “trẻ vị thành niên”. Những chàng kỹ nam trẻ tuổi này sẽ lần lượt phục vụ những khách làng chơi lắm tiền nhiều của - những người luôn nóng lòng để thể hiện “bản lĩnh đàn ông” với những cậu chàng đóng vai trò “nằm dưới”.

Đồng tính luyến ái vào xã hội thời Tống cũng bắt đầu bị cản phá nặng nề bởi những cải cách mới trong tư tưởng Nho giáo. Những luồng tư tưởng Nho gia cổ điển từ thời nhà Hán đã có nhiều biến đổi mới mẻ vào thời nhà Tống. Hệ tư tưởng này được gọi là “Tân Nho giáo” (Tống Nho), đề cao tầm quan trọng chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa đạo đức khắt khe.

Tân Nho giáo tán thành với việc kiêng kị và tránh xa các khoái lạc nhục dục dưới bất cứ hình thức nào, đối với cả dị tính và đồng tính. Tuy nhiên, Tân Nho giáo chỉ là một hệ tư tưởng vừa mới hình thành. Ngoài ra, nhà Tống không chỉ định tôn giáo nào làm quốc giáo, thay vào đó chủ trương cân bằng và hòa hợp giữa Phật - Đạo - Nho (6) (lưu ý rằng Phật giáo và Đạo giáo có cái nhìn ôn hòa với đồng tính luyến ái); cộng với những lý do đã được đề cập phía trên, đã dẫn tới một hệ quả: Những giáo điều khắt khe về tính dục của con người sẽ không được đón nhận bởi đông đảo quần chúng trong xã hội thời Tống.

Một bức họa từ thời nhà Thanh vẽ Lỗ Trí Thâm nhổ bật rễ cây. Đây là một trong những nhân vật của tiểu thuyết “Thủy Hử” - tác phẩm nằm trong Tứ đại danh tác của nền văn học cổ điển Trung Hoa. “Thủy Hử” lấy bối cảnh vào thời nhà Tống, đôi khi được người đời diễn giải rằng đã tinh tế ngụ ý về mối quan hệ đồng tính giữa 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc trong tác phẩm.

image

Điểm đáng chú ý duy nhất là về y phục của phụ nữ thời Tống, chúng tương phản với y phục phụ nữ thời Đường: Kín đáo, không lộ khe ngực, không lả lướt. Mặt khác, Tân Nho giáo chỉ tạo ra những ảnh hưởng không đáng kể, hầu như không gây ra tác động lớn lên dị tính cũng như đồng tính.

Như vậy, vào giai đoạn trung kỳ của lịch sử Trung Quốc, đã xuất hiện những biến chuyển bất lợi đối với đồng tính luyến ái. So với giai đoạn Tiền Đế quốc và giai đoạn sơ kỳ của Thời kỳ Đế quốc Trung Hoa, đồng tính đã bị hạn chế nhiều hơn, do quá trình tiếp nhận các luồng văn hóa ngoại lai cũng như do biến đổi của những hệ tư tưởng “cây nhà lá vườn” của người Trung Quốc.

Nói chung, hầu như mọi sự thay đổi trong xã hội thời kỳ này chỉ là “hữu danh vô thực”. Những tác động tiêu cực đến từ các hiện tượng đó đã bị đông đảo quần chúng nhân dân phản đối trên nền tảng xã hội tự do, phát triển và thịnh vượng của hai triều đại Đường - Tống.

Tuy nhiên, tinh thần tiến bộ này sẽ sớm biến mất vào thời cận đại của Trung Quốc - một thời đại mà sự ủng hộ dành cho đồng tính vẫn tồn tại một cách yếu ớt trước chế độ toàn trị hà khắc của triều đại nhà Minh và nhà Thanh.

Từ đây, sử sách Trung Hoa đã đặt dấu chấm hết cho một nền văn minh rộng mở với đồng tính luyến ái.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH

  1. “Sự cân bằng giữa Thiên - Địa - Nhân” - Bản gốc “balance between the forces of Heaven and Earth”. Mình nghĩ OP đang muốn nhắc tới thuyết tam tài của Đạo giáo. Tam tài gồm Thiên (Trời), Địa (Đất) và Nhân (Người), ba nhân tố cấu thành và tác động vào cuộc sống của con người. Trong khi Trời và Đất là hai thái cực đối lập nhau, thì Người đứng giữa trời đất, là nơi giao hòa của tinh hoa nhật nguyệt, chịu tác động của trời và đất, bản tính của người cũng là hội tụ cho những nét đối lập của trời và đất. Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử cũng viết: “Nhân pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên” , có thể hiểu đại khái là người thuận theo tự nhiên, vạn vật đều thuận theo lẽ tự nhiên mà tồn tại và phát triển.

  2. “Vậy nên, giữa Tam thiên Đại thiên Thế giới, luân hồi đưa họ gặp lại nhau một lần nữa trong hình tướng của hai người nam. Một cơ hội được trao cho họ lần thứ hai để kiếm tìm hạnh phúc.” - Bản gốc “the homosexual relationship was the universe’s way of giving the couple a second chance at happiness”. Trong thế giới quan của Phật giáo Trung Hoa, vũ trụ được cấu thành từ hàng tỉ tỉ thế giới, tạo thành Tam thiên Đại thiên Thế giới (“Tam thiên” tức là 3000, một đại thiên thế giới lại bao gồm 1000 trung thiên thế giới, một trung thiên thế giới lại bao gồm 1000 tiểu thiên thế giới, một tiểu thiên thế giới lại bao gồm 1000 tiểu thế giới, một tiểu thế giới có 1 thái dương hệ) . Đây là một hình tượng để mô tả tính mênh mông vô hạn của vũ trụ, mà Trái Đất của chúng ta chỉ là một hành tinh vô cùng, vô cùng nhỏ bé, tựa như một hạt cát trôi nổi giữa không gian vô tận bao la. Nghiệp lực của mỗi chúng sinh cuốn họ vào vòng luân hồi. Gặp gỡ nhau trong một kiếp luân hồi giữa vũ trụ rộng lớn, chính là duyên phận. Đoạn này mình dịch có hơi thiên về cảm xúc cá nhân, nhưng mình đảm bảo là không làm biến tướng ý của OP.

  3. Cảnh giáo (Nestorianism): Giáo hội Đông phương là một hệ phái của Ki-tô giáo. Khi du nhập vào Trung Quốc vào thời nhà Đường, Giáo hội Đông phương được gọi là Cảnh giáo.

  4. Jijian (kê gian): Tiếng lóng ám chỉ anal sex.

  5. “Những cậu bé chưa dậy thì phải quan hệ với đàn ông trong đền thờ - một loại hình thức mại dâm tôn giáo”. Mình không rõ về loại tập tục này trong lịch sử Trung Quốc thời phong kiến, nhưng đại khái nó là một hình thức mại dâm tôn giáo. Ví dụ trước kia ở Hy Lạp cổ đại, trong các nghi lễ thờ cúng nữ thần tình yêu và sắc đẹp Aphrodite được tổ chức tại các đền thờ nữ thần, những cô gái trẻ và xinh đẹp sẽ phải quan hệ với những người đàn ông - những người đã bỏ tiền vào quỹ của ngôi đền để tham gia buổi lễ. Những tục lệ tương tự cũng xuất hiện trong nền văn minh Lưỡng Hà.

  6. Phật giáo - Nho giáo - Đạo giáo: Sự kết hợp giữa 3 hệ tư tưởng này trong nền văn hóa, còn được gọi với cái tên “Tam giáo đồng nguyên”. Ở Việt Nam, “Tam giáo đồng nguyên” là một nét đặc sắc của nền văn hóa truyền thống. Các hệ tư tưởng khi du nhập vào một đất nước sẽ phải biến đổi để có thể dễ dàng phát triển hơn, thậm chí phải dung nạp cả những tín ngưỡng bản địa (ví dụ tín ngưỡng thờ Mẫu) để trở nên dễ tiếp nhận hơn với quần chúng nhân dân. Điều này không phải lúc nào cũng tốt, vì nó làm biến tướng các tư tưởng thuần nhất của một tôn giáo, khiến nhiều người có cái nhìn sai lệch. Điển hình là Phật giáo ở Việt Nam hiện nay đã bị hiểu lầm rất nhiều.

Phần IV: Nhận thức của người Trung Quốc về đồng tính luyến ái trong thời cận đại (Phần cuối)

Không giống như nhà Đường và nhà Tống trước đó, những vị hoàng đế đầu tiên của nhà Minh như Hồng Vũ Đế (trị vì từ 1368 - 1398) và Vĩnh Lạc Đế (trị vì từ 1402 -1424) không áp dụng lòng khoan dung hay chủ nghĩa tự do vào đường lối cai trị, thay vào đó, họ thúc đẩy Tống Nho - hệ tư tưởng hình thành vào thời nhà Tống làm ý thức hệ mới của Thiên triều. Chủ nghĩa toàn trị trở thành vũ khí mới để các vị quân chủ nhà Minh thực thi các chính sách của mình.

Tuy nhiên, Tống Nho đã gây ra những hệ quả đi ngược lại với lý tưởng ban đầu của nó. Vì bị tư tưởng Tống Nho ngăn cấm cặp kè với những cô kỹ nữ hạng sang, tầng lớp quan lại buộc phải tìm đến những kỹ nam trẻ tuổi để được vui thú thể xác.

Sự cai trị nghiêm ngặt đến tàn nhẫn cùng chủ nghĩa đạo đức khắt khe của nhà Minh là một nguyên nhân khiến họ phải duy trì một lập trường kỳ thị những mối quan hệ đồng giới không đoan chính. Có rất nhiều điều luật cấm đoán các hành vi tình dục phi tự nhiên* vào giai đoạn giữa sự cai trị của nhà Minh.

Sodomy: các hành vi tình dục không nhằm mục đích sinh sản, vậy nên được coi là phi tự nhiên và trái với đạo đức. VD: anal sex, oral sex, … Trong bối cảnh này thì ám chỉ QHTD đồng giới.

Trước khi một điều luật được sửa đổi vào năm 1526, việc quan hệ qua đường hậu môn được ví với việc tống rác thải vào miệng. Và do đó, bất cứ ai tham gia vào một hành động “đáng ghê tởm” như vậy sẽ bị phạt đánh 100 trượng.

Chân dung Chu Nguyên Chương, vị hoàng đế đầu tiên của nhà Minh - người đã khởi đầu một trang sử mới trong Thời kỳ Đế quốc Trung Hoa: Đặt tiền lệ cho thể chế toàn trị kéo dài tại Trung Quốc suốt 500 năm.

image

Chu Nguyên Chương (Hồng Vũ Đế)

Tuy nhiên, từ giai đoạn giữa đến cuối của triều đại nhà Minh, quyền lực của những vị hoàng đế càng ngày càng suy yếu. Khi họ dần lui về phía sau ngai vàng một cách miễn cưỡng hoặc do không có đủ khả năng để tiếp tục trị vì, đó cũng là lúc những điều lệ ngăn cấm đối với đồng tính luyến ái mà họ đặt ra mất đi hiệu lực. Như một hệ quả, một lần nữa đồng tính luyến ái trở lại mạnh mẽ trong một xã hội vô chính phủ dưới thời nhà Minh.

Giống như thời nhà Tống - giai đoạn mà đồng tính luyến ái được ghi nhận có sự gia tăng bền vững ở tầng lớp trung lưu, những nhà tư bản dưới triều nhà Minh cũng bắt đầu coi những hoan ái đồng giới như những thú vui cực kỳ xa xỉ. Một lần nữa, họ lại theo đuổi cái vui thú xa xỉ đó. Đây là khoảng thời gian khi nền toàn trị của Hồng Vũ Đế và Vĩnh Lạc Đế đã kết thúc, thay vào đó là những vị quân chủ không thích nhúng tay vào việc nước lên nắm quyền, bởi vì họ quá lười biếng hoặc không đủ năng lực để cai quản vương triều.

Đồng tính luyến ái trở nên rất phổ biến vào giai đoạn này, đến nỗi nhà văn Tạ Triệu Chiết (được mệnh danh là Shakespeare đương thời của Trung Quốc) (1) đã có những nhận định như sau về đồng tính vào xã hội thời nhà Minh:

“Từ Giang Nam và Chiết Giang đến Bắc Kinh và Sơn Tây, không một ai không biết về xu hướng được ưa chuộng này.”

Văn sĩ họ Tạ cũng đã ghi lại việc những chàng trai đang độ xuân thì được “chia sẻ” trong các cuộc gặp gỡ của các nhà tư bản tại kinh thành.

Một chiếc bình sứ “Thanh Hoa” nổi tiếng có niên đại từ thời nhà Minh, được tất cả các quốc gia trên thế giới khao khát sở hữu. 16% bình sứ dưới thời nhà Minh được xuất qua châu Âu - đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các nhà tư bản thời Minh một lần nữa vực dậy trở thành tầng lớp thống trị nền kinh tế Trung Hoa.

image

Dưới sự cai trị hà khắc của nhà Minh, thật trớ trêu khi có vẻ đồng tính luyến ái còn phát triển đến độ vượt qua thời Đường và thời Tống - hai triều đại với hệ tư tưởng phóng khoáng, tự do. Đặc biệt, tỉnh Phúc Kiến được ghi nhận rộng rãi là điểm nóng duy nhất của các hoạt động đồng tính luyến ái vào thời nhà Minh. Ngoài ra, nơi này cũng được đông đảo dân chúng thời bấy giờ gắn với một định kiến: Nếu bạn là người đồng tính, bạn nhất định đến từ Phúc Kiến. Hoặc, ít nhất là họ nghĩ như vậy.

Đồng tính luyến ái trở nên phổ biến rộng khắp ở tỉnh Phúc Kiến đến nỗi Shen Defu (Thẩm Đức Phù?) - một vị quan chức thời Minh đã có lời bình như sau về hiện tượng này:

“Đàn ông Phúc Kiến cực kỳ thích vẻ đẹp nam nhi. Không quan trọng là giàu hay nghèo, đẹp hay xấu, họ đều có thể tìm được một người bằng hữu cùng địa vị với mình. Giữa hai nam nhân này, người lớn tuổi hơn được gọi là “khế huynh”, người nhỏ tuổi hơn được gọi là “khế đệ”.

Khi “khế huynh” đến nhà “khế đệ”, phụ mẫu của “khế đệ” sẽ chăm sóc và yêu thương “khế huynh” như con rể. Và tất cả những chi phí của “khế đệ”, bao gồm cả lễ vật cầu hôn sẽ được “khế huynh” chăm lo. Hai người họ yêu thương nhau đến nỗi khi đã ở ngưỡng 30, họ vẫn ngủ chung một giường với nhau như một cặp phu thê.”

Điều đáng chú ý nhất là, ngày nay, đoạn văn trên thường được các nhà Hán học xem như một tài liệu để nghiên cứu hiện tượng “hôn nhân đồng tính” trên danh nghĩa - một việc tuy không được luật pháp thừa nhận nhưng vẫn xảy ra trong đời sống của nhân dân vào xã hội thời Minh, khoảng 400-500 năm về trước.

Nói thêm về khái niệm hôn nhân đồng tính, Lý Ngư - một nhà soạn kịch thời Minh, đã viết rằng:

“Họ không hề bỏ qua tam trà lục lễ (2). Nó thực sự giống như một cuộc hôn nhân đúng nghĩa với một đám cưới được cử hành chính thức.”

Sau đám cưới, người nam nhỏ tuổi hơn sẽ chuyển vào nhà của người nam lớn tuổi hơn để sinh sống. Từ đây, người nam nhỏ tuổi hơn sẽ trao thân gửi phận cho chồng của mình, và sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào đối phương. Cha mẹ của người nam lớn tuổi sẽ đối xử với chàng trai trẻ kia như một chàng rể, và chàng rể này sẽ cùng chồng mình nhận nuôi những đứa trẻ.

Xu hướng này đáng chú ý nhất ở điểm: Người Phúc Kiến đã có thể đưa đồng tính luyến ái vào những khuôn phép của Nho giáo truyền thống, thậm chí tạo ra những sửa đổi trong ý thức hệ cũ để phù hợp với lối sống mới của họ. Điều này không giống với thời nhà Hán, nhà Đường và nhà Tống, khi mà ngược lại, mỗi cá nhân phải thay đổi chính họ để thích ứng với Nho giáo.

Một bản đồ thể hiện lãnh thổ nhà Minh vào cuối thời nhà Minh. Phúc Kiến nằm ở ven bờ biển Đông Nam của Trung Quốc (màu xanh), gần đảo Đài Loan.

Đó là một cuộc hôn nhân đồng giới chính thức, không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng cuộc hôn nhân này cũng không thể kéo dài đến suốt đời, bởi theo những truyền thống Nho giáo có từ thời nhà Hán, cặp nam nhân này rồi sẽ phải cưới phụ nữ để sinh con đẻ cái, đảm bảo có người lo hương khói cho gia tộc. Sau khoảng 20 năm bên nhau, cuộc hôn nhân đồng giới của hai người phải kết thúc để cưới vợ sinh con.

Nhưng bên cạnh đó, họ thậm chí cũng lên kế hoạch với những người vợ mới, sắp xếp cho hai nhà sống cùng nhau trong một hộ gia đình. Như vậy, “đôi vợ chồng” cũ cũng có thể sống bên nhau dưới một mái nhà. Những mối quan hệ đồng tính “chỉ cần có đôi ta” như vậy rõ ràng bị xem thường trong xã hội thời Minh, cũng như trong thời Hán, và chỉ nhận được sự khoan dung nếu họ cùng phụ nữ sinh con trong quá trình của mối quan hệ nhập nhằng này.

Các vị hoàng đế sau cuối của nhà Minh cũng vậy. Họ không hạn chế đồng tính luyến ái, thay vào đó còn khá nhiệt tình theo đuổi xu hướng này. Mao Kỳ Linh - một sử gia thời nhà Thanh, đã ghi lại việc Chính Đức Đế của nhà Minh có rất nhiều người tình nam giới, cũng như việc Thiên Khải Đế được đồn rằng có hai cung điện riêng biệt, một cung điện dành cho các cung tần mỹ nữ, một cái còn lại dành để vui thú cùng các nam sủng của ông.

Triều đại nhà Minh cũng được coi là thời kỳ hoàng kim của đồng tính nữ tại Trung Quốc, điều này được nhắc đến rộng rãi trong nền văn hóa đại chúng của thời nhà Minh bấy giờ. Tất cả tác phẩm văn học hay hội họa khiêu dâm lúc đó đều thường xoay quanh chủ đề đồng tính nữ, với rất nhiều câu chuyện miêu tả cảnh phụ nữ tham gia vào các hoạt động tình dục đồng giới, để “khám phá” nhau và tối đa hóa khoái cảm nhục dục.

Trong xã hội thời Minh, những hoạt động tình dục đồng giới của phái nữ thậm chí còn được đẩy mạnh để đáp ứng xu hướng đồng tính nữ đang phát triển nhanh chóng. Các hành vi này không chỉ dừng lại ở việc hai người nữ cọ sát phần thân dưới vào nhau (được gọi nôm na là “nghiền đỗ tương để làm đậu phụ “ - mo doufu), mà còn bao gồm cả việc dùng miệng để kích thích khoái cảm và thủ dâm cho nhau.

Bên cạnh đó, họ cũng có những dương vật giả như thời nhà Hán, với đủ loại kích cỡ, hình dáng và trang trí, làm bằng đồng, gỗ hoặc ngà voi. Chúng được đánh dấu và phân biệt bởi nhiều cái tên khác nhau, ví dụ như “Người chồng câm” (Bu Yu Xiansheng), “Tiên sinh sừng” (Jiao Xiansheng) hoặc “Tình yêu Quảng Đông” (Guangdong Renshi).

Một dương vật giả rỗng bên trong được làm bằng đồng, có niên đại từ thời nhà Hán. Các nhà nghiên cứu cho rằng dụng cụ này được sử dụng như một chiếc strap-on tạm bợ trong quá trình QHTD dị tính, và dĩ nhiên cả QHTD đồng tính nữ.

Ngoài ra, vào thời nhà Minh, có hàng loạt người tuyên bố đã chứng kiến tận mắt, hoặc được nghe kể chuyện về những người thê thiếp, mẹ kế, con dâu, đặc biệt là các diễn viên nữ trong các nhà hát kịch chỉ dành cho nữ, bắt đầu cuốn vào những mối tình đồng tính với nhau khắp Trung Hoa.

Thái độ của xã hội đối với đồng tính luyến ái chỉ thay đổi một chút vào giữa và cuối thời nhà Minh. Mặc dù vào thời điểm này của lịch sử, văn minh Trung Hoa đã có nhiều sự va chạm hơn với nền văn minh châu Âu; và điều này chính thức bắt đầu khi những thương nhân người Bồ Đào Nha lần đầu tiên đặt chân đến Trung Quốc để giao thương vào năm 1557. Cùng với họ, những nhà truyền giáo Ki-tô cũng cũng đổ bộ vào Trung Quốc, kéo theo cả những giá trị đạo đức của nền văn minh phương Tây.

Bằng cách sử dụng hai cuốn sách trong kinh Cựu Ước: sách Xuất Hành và sách Lê-vi, các tín đồ Ki-tô bắt đầu khủng bố dân chúng nhà Minh với lời đe dọa rằng Đức Chúa Trời sẽ đày ải họ trong những ngọn lửa vĩnh cửu, nếu họ tiếp tục đi trên con đường tội lỗi giống như người dân của thành Sodom và Gomorrah. (3)

Thậm chí, tu sĩ dòng Đa Minh, Gaspar da Cruz đã bắt đầu viết lại lịch sử Trung Quốc, tuyên bố rằng đã từng có một loạt các trận động đất xảy ra ở Trung Hoa thế kỷ 12 vào thời nhà Tống - hậu quả mà người Trung Quốc phải gánh chịu khi có những hoạt động đồng tính đầy dâm loạn.

Một điều rất đáng chú ý khác là, tu sĩ Dòng Tên nổi tiếng, Matteo Ricci - một trong những người phương Tây được triều đình ưu ái nhất vào thời Minh Mạt, đã thể hiện sự khinh bỉ ra mặt đối với đồng tính, khi miêu tả hiện tượng này là “những biến thái trái với tự nhiên”. Ông cũng vô cùng băn khoăn khi thấy người Trung Quốc lại có thể cởi mở với đồng tính luyến ái đến vậy.

Tranh vẽ Matteo Ricci mặc y phục nhà Minh

Thế nhưng, người Trung Quốc không hề quan tâm đến những lời lên án này, thậm chí họ còn bắt đầu cười cợt những người đàn ông độc thân “thánh khiết”; cho rằng lý do duy nhất để những vị tu sĩ này lên án đồng tính luyến ái là vì họ bắt buộc phải tự kiềm chế những ham muốn nhục dục khi xung quanh chỉ toàn những vị thầy tu khác, còn phụ nữ thì phải hạn chế tiếp xúc.

Tuy Ki-tô giáo đã mang những nỗi căm ghét của họ tiến vào xã hội Trung Hoa dưới thời nhà Minh, cùng với hàng nghìn người dân đã cải đạo sang Ki-tô giáo, nhưng thái độ của đông đảo quần chúng nhân dân đối với đồng tính luyến ái vẫn tương đối khoan dung (dù thái độ này đã có những dấu hiệu phai nhạt), nếu so sánh với châu Âu theo Ki-tô giáo và Trung Đông theo Hồi giáo.

Song, vẫn có một bộ phận người Trung Quốc không chấp nhận quan điểm rộng mở đối với đồng tính của đa số người dân trong nước lúc bấy giờ. Đặc biệt là các nho sĩ Tống Nho, họ kịch liệt cho rằng xã hội này đang suy đồi về mặt đạo đức.

Tuy vậy, sự đổ bộ của người châu Âu cuối cùng cũng đã đánh dấu cho sự khởi đầu của một kỷ nguyên với những hệ giá trị đạo đức mới - những giá trị đạo đức không khởi nguồn từ văn hóa truyền thống của Trung Hoa mà thay vào đó, du nhập vào đất nước này trong quá trình giao lưu với phương Tây. Chúng xâm nhập vào ý thức hệ lâu đời của người Trung Quốc với những bước đi chậm chạp, trước khi phát triển thần tốc vào giai đoạn cuối của triều đại nhà Mãn Thanh; từng bước một đặt dấu chấm hết cho lòng khoan dung đã kéo dài hàng ngàn năm của xã hội Trung Hoa cổ đại đối với đồng tính luyến ái.

Một bức tranh của người Hà Lan, miêu tả cảnh đầu hàng nhà Minh trên đảo Formosa (Đài Loan) của Công ty Đông Ấn Hà Lan. Sự xuất hiện của người châu Âu (thường là người Hà Lan hoặc Bồ Đào Nha) trên lãnh thổ Trung Quốc lúc bấy giờ thường xuyên dẫn tới các cuộc chiến với người bản địa.

Như một hệ quả của sự ảnh hưởng từ làn sóng văn hóa phương Tây đang trên đà bành trướng mạnh mẽ này, sự khoan dung dành cho đồng tính từ nay đã bị thay thế bởi một hệ giá trị văn hóa mới, thúc đẩy sự kỳ thị đồng tính luyến ái trong xã hội.

Tuy nhiên, trước khi thời đại kỳ thị đồng tính đó xảy ra, thái độ “tôn vinh” đồng tính luyến ái vẫn tiếp tục hiện diện từ giai đoạn cuối của thời nhà Minh đến đầu nhà Thanh.

Ngay trong năm 1651 (chỉ vỏn vẹn 7 năm sau khi 25 triệu người thiệt mạng và Trung Hoa bị tàn phá nặng nề bởi cuộc xâm lược của người Mãn Châu), nhà soạn kịch Lý Ngư đã sáng tác vở “Liên Hương Bạn”, tác phẩm tập trung nói về mối tình cảm nắng giữa hai cô gái trẻ, họ đã đấu tranh để được bên nhau.

“Thôi thiếu phụ mười bảy tuổi, một hôm lên chùa, chạm mặt một thiếu nữ trẻ hơn hai tuổi. Họ rơi vào một tình yêu vô vọng với nhau, bèn cùng nhau lập lời thề non hẹn biển trước tượng Phật với sự chứng kiến của những người nô tì thân cận. Cặp đôi rầu rĩ than khóc khi họ phải chia lìa, nguyện cầu kiếp sau được nên vợ nên chồng với nhau.Trong một cảnh khác, họ tinh nghịch ướm thử một bộ y phục nam nhân để xem ai mặc vừa hơn. Sau đó, Thôi thiếu phụ nghĩ ra một cách thiết thực để hai người được bên nhau. Nàng bảo chồng cưới cô gái kia về làm thiếp. Người chồng đồng ý, và vở kịch kết thúc có hậu.”

-Trích từ cuốn “Đồng tính luyến ái và Văn minh”, tác giả Louis Crompton.

image

Một bức tranh miêu tả cặp đôi nữ chính trong vở kịch

Tuy nhiên, chỉ không bao lâu sau đó, khi những người đã trải qua chuỗi ngày tàn cuối cùng của triều nhà Minh cho rằng sự sụp đổ của vương triều này là do các giá trị đạo đức bị suy đồi, nếu so sánh trên nền tảng tư tưởng Tống Nho; thì thái độ của nhà nước Thanh triều sơ khai đã có sự thay đổi nhẹ. Họ bắt đầu áp chế những tư tưởng còn nghiêm khắc hơn dựa trên ý thức hệ Tống Nho và ban hành những bộ luật chính thức nhằm ngăn chặn đồng tính luyến ái.

Trong bối cảnh này, Hoàng đế Hoàng Thái Cực (trị vì từ năm 1626 - 1643) đã đặt ra một hệ thống hình phạt, trong đó quy định bất cứ hình thức đồng tính luyến ái nào sẽ bị phạt đánh 100 roi - một hình phạt vẫn được coi là nhẹ nhàng trong mắt những người châu Âu. Tuy nhiên, những biện pháp này cũng không mang lại hiệu quả, và đồng tính luyến ái vẫn hiện diện rộng rãi trong khoảng vài thập kỷ sau đó.

Chỉ cho đến năm 1740, dưới sự trị vì của Càn Long Đại Đế (từ năm 1735 đến 1796), những bộ luật chính thức đầu tiên, được thi hành trên quy mô lớn và có hiệu lực lâu dài được đặt ra để chống lại mọi xu hướng đồng tính luyến ái. Những luật mới này không chỉ cấm mọi hành vi đồng tính, mà thậm chí còn cấm mọi hành vi QHTD ngoài hôn thú.

Thế nhưng, có một điều đáng chú ý là, những hình phạt dành cho việc vi phạm những bộ luật này cũng không quá nặng nề: Những người phạm luật chỉ phải chịu mức phạt nhẹ nhất, đó là bị giam giữ trong một tháng và chịu đánh 100 trượng gỗ. Ngoài ra, những người thi hành luật pháp thời Thanh thường không coi loại “tội” này là một loại tội lỗi nghiêm trọng, vì vậy họ sẽ tạo điều kiện để phạm nhân có thể giữ kín bí mật đời tư của mình với người khác. Việc bắt giữ những người phạm tội này cũng ở quy mô rất hạn chế.

Tranh vẽ Càn Long Đế, người tiên phong lập ra những bộ luật chính thức đầu tiên ngăn chặn đồng tính luyến ái trong lịch sử Trung Hoa, từ đó tạo ra những ảnh hưởng tới nhận thức của người Trung Quốc về đồng tính.

Thanh Cao Tông Càn Long Đế (1711 - 1799)

Vào thời điểm này, quyền lực của nhà nước toàn trị Thanh triều và sức ảnh hưởng của Tống Nho đã đạt tới đỉnh cao tối thượng trong lịch sử 5000 năm của Trung Hoa. Điều này khiến cho mọi quyền tự do nhìn chung đều bị hạn chế. Chỉ có những nhà hát kinh kịch là một ngoại lệ, họ vẫn còn được giữ quyền tự do ngôn luận vì địa vị của người ca kĩ được coi là thấp kém trong văn hóa Trung Hoa, cho nên khả năng họ gây tổn hại đến tính ổn định của xã hội dưới sự cai trị của nhà Thanh là hầu như không có.

Do đó, kinh kịch đã khai sinh ra một loại hình đồng tính luyến ái mới. “Văn hóa kỹ viện” đã bắt đầu được hồi sinh: Lúc đầu vươn mình một cách chậm chạp, sau đó càng ngày càng lan tỏa nhanh chóng, nhất là sau khi triều đình nhà Thanh bị suy yếu mạnh mẽ sau năm 1840 - thời điểm bắt đầu Cuộc chiến Nha phiến (1840 -1842) (4).

Những diễn viên chuyên nghiệp được gọi là “Tương công”, thường được thuê bởi tầng lớp trung - thượng lưu để biểu diễn những màn ngâm thơ ở những buổi tiệc sang trọng. “Tương công” chuyên đóng những vai nữ (vì phụ nữ bị cấm xuất hiện trên sân khấu, cũng giống như ở Hy Lạp cổ đại), thường được người ta tìm tới bởi ngoại hình nữ tính và tông giọng cao.

Giống như “Onnagata” (những diễn viên nam chuyên đóng vai nữ trong nhà hát Nhật Bản), “Tương công” nhanh chóng trở thành biểu tượng tình dục trong xã hội thời nhà Thanh. Họ thường xuyên bị sàm sỡ bởi những người hâm mộ quây quanh và la hét mỗi khi họ xuất hiện. Những người hâm mộ này bao gồm của nam và nữ, sẽ theo đuôi “Tương công” tới bất cứ nơi nào họ đặt chân tới.

Thời gian dần trôi, sức mạnh của đế chế nhà Thanh ngày một suy tàn và cuối cùng khi không còn thực quyền trong tay, đó cũng là lúc sức mạnh của “Tương công” phát triển nhanh chóng. Vào thời điểm này, đồng tính nam lan tỏa mạnh mẽ. Cuối thế kỷ 19, những ai đến các khu phố “giải khuây” để tìm kỹ nữ sẽ không chỉ bị thất vọng bởi vì có quá ít phụ nữ làm nghề này, mà thậm chí còn bị các kỹ nam cười nhạo bởi vì cố gắng tìm kiếm phụ nữ ở chốn này để vui thú.

Một bức tranh thời Thanh miêu tả cảnh đàn ông làm tình với nhau.

Không chỉ như vậy, trước giai đoạn cuối của thế kỷ 19, có nhiều người thích tìm kiếm cảm giác mạnh, sẵn sàng mạo hiểm để tìm đến những thú vui hoan ái bị luật pháp ngăn cấm, bất chấp nguy cơ bị chính quyền bắt được.

Giới học trò cũng bắt đầu hình thành những mối quan hệ đồng tính với các bạn đồng môn. Người giàu thì thường xuyên lang chạ với những nô tì nam trẻ trung, và thậm chí Càn Long Đại Đế - người đã cho thông qua những bộ luật ngăn cấm đồng tính vào năm 1740, cũng có mối quan hệ thân mật với Hòa Thân, một vị đại thần trẻ hơn Càn Long những 40 tuổi.

Những bộ luật chống lại đồng tính luyến ái của nhà Thanh vào thời điểm này gần như đã trở nên không tồn tại. Những người phương Tây đặt chân tới Trung Quốc trước và trong suốt “Bách niên quốc sỉ” (1840-1949) (5), ví dụ như nam tước John Barrow, vẫn cảm thấy ghê tởm khi đồng tính luyến ái, một hành vi được coi là tồi tệ trong mắt ông, lại vô cùng phổ biến tại đất nước này:

“Rất nhiều viên quan cao cấp không ngần ngại thể hiện hành động đáng xấu hổ và đi ngược lẽ tự nhiên này một cách công khai, họ dường như không cảm thấy xấu hổ hay thiếu tế nhị là bao. Mỗi một viên quan luôn luôn có một người cầm ống điếu theo hầu cận, đó thường là những cậu bé tuấn tú, tầm 14 đến 18 tuổi, ăn vận đẹp đẽ.”

Chân dung John Barrow

Tuy nhiên, đến cuối nhà Thanh, Trung Quốc phải đối mặt với nhiều mối đe dọa quân sự từ ngoại bang, cũng như những xung đột, bất mãn từ trong nội bộ quốc gia. Trung Quốc vào giai đoạn này bị coi là pháo đài của sự lạc hậu so với một phương Tây công nghiệp hóa; điều này buộc triều đình nhà Thanh phải bắt đầu công cuộc hiện đại hóa trên nhiều phương diện, nỗ lực du nhập những tinh hoa của nền văn minh phương Tây với mong muốn hiện đại hóa Trung Hoa.

“Cuộc vận động tự cường” (1861 - 1895), đúng như tên gọi, là công cuộc tiếp nhận các cải cách từ phương Tây với mục đích hồi xuân Thanh triều.

Khoa học - kỹ thuật - kinh tế của phương Tây, tất cả đều được Trung Quốc tiếp nhận vào thời kỳ này. Thế nhưng ngày nay, người ta tin rằng bằng cách đó, các xu hướng kỳ thị đồng tính cũng đã thâm nhập vào xã hội Trung Hoa, và sau tất cả, đặt dấu chấm hết cho truyền thống lâu đời khoan dung với đồng tính luyến ái của người Trung Quốc.

Những chuẩn mực văn hóa Tây phương đó cuối cùng cũng hoàn toàn hòa nhập vào xã hội đất nước này dưới thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc (1912 - 1949). Lúc đó, người ta tin rằng mọi thứ từ phương Tây sẽ nghiễm nhiên vượt trội hơn những giá trị văn hóa bản địa. Như vậy, sự mở lòng của người Trung Quốc qua hàng ngàn năm đối với đồng tính luyến ái đã chấm dứt tại đây, mở ra một thời đại mà người đồng tính bị đàn áp nặng nề.

Thậm chí đến tận ngày hôm nay, dưới sự lãnh đạo của chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1949 - nay), nhận thức truyền thống của dân tộc Trung Hoa đối với đồng tính luyến ái vẫn chưa được tái sinh, như nó đã từng hiện hữu trong những trang sử cũ xưa hàng trăm, hàng ngàn năm về trước.

TỔNG KẾT

Như vậy, thái độ của người Trung Quốc đối với đồng tính luyến ái luôn biến chuyển mạnh mẽ xuyên suốt các thời kỳ, đây là một điều đã quá rõ ràng. Thậm chí ngay cả trong những giai đoạn mà đồng tính được đông đảo quần chúng nhân dân chấp nhận, vẫn tồn tại một số quan điểm chống lại nó trong xã hội. Tương tự, ngay của trong những thời kỳ bị đàn áp, vẫn có nhiều hoạt động đồng tính xảy ra trên khắp đất nước này. Vào bất kỳ thời điểm nào của lịch sử, đồng tính luyến ái tại Trung Hoa vẫn luôn trong trạng thái phức tạp.

Chỉ trong giai đoạn Tiền Đế quốc Trung Hoa, đồng tính luyến ái mới là một vấn đề đơn giản, nhận được sự đón nhận rộng rãi của quần chúng, thậm chí còn được xem là một điều hết sức bình thường. Lúc bấy giờ, những phân tầng xã hội hay phán xét đạo đức dành cho những người tham gia vào các hoạt động đồng tính chưa hiện diện tại đây.

Sau đó, với sự hình thành của Nho giáo, Đạo giáo, tiếp theo là sự du nhập của Phật giáo, Ki-tô giáo và Đạo giáo vào xã hội Trung Hoa trong giai đoạn sơ kỳ và trung kỳ của Thời kỳ Đế quốc, những hành động ngăn chặn đồng tính luyến ái mới dần xuất hiện. So với thời đại trước đó, việc đồng tính luyến ái có được chấp nhận hay không còn tùy thuộc vào nhiều điều kiện, trong số đó việc phải có vợ con là điều kiện tiên quyết trước khi được phép tham gia vào các mối quan hệ đồng tính.

Một chiếc “phích cắm hậu môn” có niên đại từ thời nhà Hán, được sử dụng trong cả QHTD dị tính và đồng tính để tối đa hóa khoái cảm nhục dục.

Dưới sự cai trị của nhà nước toàn trị Minh triều và Thanh triều, quyền tự do đồng tính luyến ái liên tục bị suy yếu khi mỗi thế kỷ trôi qua. Tuy nhiên đặc biệt vào thời nhà Minh, rất nhiều tư liệu về đồng tính nữ đã được ghi nhận, và thậm chí hôn nhân đồng tính cũng tồn tại ở một số vùng của Trung Quốc, nhất là ở tỉnh Phúc Kiến.

Sau này, trong “Cuộc vận động tự cường”, những nỗ lực Tây phương hóa trở nên bùng nổ, những giá trị đạo đức truyền thống cũng bị biến đổi theo nền tảng văn hóa phương Tây. Việc này đã đặt dấu chấm hết cho hàng ngàn năm khoan dung với đồng tính luyến ái của người Trung Quốc và vẫn để lại ảnh hưởng sâu sắc tới xã hội Trung Quốc hiện đại ngày nay.

Nói tóm lại, đồng tính luyến ái trong lịch sử Trung Hoa cổ đại luôn biến đổi cực kỳ mạnh mẽ, ở trên cả ba phương diện đánh giá, nhìn nhận và đối xử. Khi những hệ tư tưởng mới du nhập vào xã hội Trung Hoa, cùng với những ảnh hưởng ngoại lai xâm nhập vào văn hóa truyền thống, chúng tác động qua lại lẫn nhau theo thời gian và kéo theo cả sự thay đổi trong thái độ của người Trung Quốc với đồng tính luyến ái. Do đó, quan điểm của người Trung Quốc cổ đại về đồng tính luyến ái luôn rất đa dạng và phong phú trong mỗi giai đoạn khác nhau của lịch sử.

CÁC NGUỒN THAM KHẢO: Xem trong link gốc.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH:

  1. Tạ Triệu Chiết - Shakespeare của Trung Quốc: Mình nghĩ OP đã có nhầm lẫn ở đây. Người được mệnh danh là “Shakespeare của Trung Quốc” là Thang Hiển Tổ, một nhà văn và nhà soạn kịch cũng sống và thời nhà Minh.

  2. Tam trà lục lễ: Trà là một loại quà cưới trong những đám cưới truyền thống Trung Hoa, tượng trưng cho sự chung thủy, bền vững, chân thành trong tình cảm vợ chồng. Tam trà bao gồm lễ trà, ăn trà/thâu trà, giao bôi trà.- Lễ trà: Nhà trai sẽ phải chuẩn bị một số quà sính lễ cho nhà gái, gọi là “lễ trà”. Các món sính lễ này thường bao gồm vàng bạc, trang sức, trà ngon, bánh kẹo, tiền, …- Ăn trà/thâu trà: Khi nhà gái đồng ý nhận sính lễ của nhà trai, đó gọi là “ăn trà/thâu trà”, cũng đồng nghĩa với việc đồng ý gả con gái cho con trai nhà bên kia.- Giao bôi trà: Trong đám cưới, cặp vợ chồng sẽ thực hiện “Nhất bái thiên địa” (lạy trời đất), “Nhị bái cao đường” (lạy cha mẹ song thân), “Phu thê giao bái” (hai vợ chồng lạy nhau). Sau khi thực hiện xong “phu thê giao bái”, cặp đôi sẽ vòng hai cánh tay lại và uống cạn một tách trà, đây gọi là “giao bôi trà”. Trong trà này sẽ có thể cho thêm hạt sen, long nhãn, … tượng trưng cho hôn nhân hạnh phúc, con cháu đầy đàn. * Ngoài “tam trà” còn có “tam thư” (sính thư, lễ thư, nghinh thân thư).Lục lễ bao gồm:- Nạp thái: Nhà trai cử một bà mai đến thưa chuyện cưới xin với nhà gái.- Vấn danh: Nhà trai cử người đến hỏi tên tuổi, ngày tháng năm sinh của cô dâu để xem hợp hay xung với chú rể.- Nạp cát: Nếu hợp tuổi thì sẽ làm đám cưới. Lúc này nhà trai sẽ đến nhà gái báo tin vui, đôi trai gái sẽ đính ước với nhau.- Nạp tệ: Nhà trai qua nhà gái đưa đồ sính lễ.- Thỉnh kỳ: Nhà trai qua nhà gái để cả hai nhà chọn ngày lành tháng tốt làm đám cưới cho đôi trẻ.- Thân nghinh: Vào ngày đã định trong lễ “thỉnh kỳ”, nhà trai sẽ qua nhà gái rước dâu về, tổ chức đám cưới.

  3. Thành Sodom và Gomorrah: Trong sách Sáng Thế của kinh Cựu Ước, đây là hai tòa thành bị Chúa Trời tiêu hủy trong biển lửa, do dân chúng phạm quá nhiều tội lỗi khó dung thứ, trong đó có tội tà dâm, đam mê những thú vui đầy dâm loạn (bao gồm cả việc quan hệ tình dục đồng giới).

  4. Chiến tranh Nha phiến: Còn gọi là Chiến tranh Anh - Trung, xảy ra vào thế kỷ 19 vào giai đoạn cuối của nhà Thanh. Nguyên nhân chính xoay quanh việc nhà Thanh cấm các thương gia Anh quốc buôn bán thuốc phiện tại Trung Quốc vì gây ra nhiều tệ nạn trong xã hội.

  5. Bách niên quốc sỉ: Nghĩa là “nỗi nhục trăm năm của quốc gia”. Bắt đầu từ giữa thế kỉ 19, Trung Quốc trở thành chiếc bánh ngon bị các đế quốc (Nhật Bản, Anh, Pháp, Nga, …) xông vào xâu xé, chia cắt, xâm lược. Vì vậy, thời kỳ này được người Trung Quốc coi là “nỗi nhục trăm năm của quốc gia”. Chiến tranh Nha phiến là một sự kiện quan trọng trong thời kỳ “Bách niên quốc sỉ”.


Dịch bởi Astrid Vi (Redirecting...)