Dân đóng tiền để các nhà máy nước "thu 2 đồng lãi 1 đồng": Có lẽ cần xem xét lại việc cổ phần hóa tại các nhà máy nước lớn

21/10/2019 10:07 AM | Kinh doanh

Câu chuyện của nước sạch Sông Đà không chỉ là câu chuyện của hàng triệu hộ dân của Hà Nội mà nó còn gióng lên một hồi chuông cho tất cả các nhà máy nước trên toàn quốc về quy trình sản xuất và việc giám sát, đảm bảo nguồn nước.

Chiều 17/10, cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án "Gây ô nhiễm môi trường" theo quy định tại điều 235, Bộ Luật hình sự. Điều đáng nói ở đây, là thái độ của đại diện Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (nhà máy nước Sông Đà), cụ thể là Phó Tổng giám đốc Bùi Đăng Khoa khi được hỏi về việc hàng triệu người dân Hà Nội bị xáo trộn cuộc sống, phải dùng nước nhiễm bẩn suốt 1 tuần nhưng chưa hề có một đơn vị nào xin lỗi người dân thì ông này không xin lỗi và cho rằng "chúng tôi là nạn nhân thiệt hại nhất".

Câu chuyện của nước sạch Sông Đà không chỉ là câu chuyện của hàng triệu hộ dân của Hà Nội mà nó còn gióng lên một hồi chuông cho tất cả các nhà máy nước trên toàn quốc về quy trình sản xuất và việc giám sát, đảm bảo nguồn nước. Không thể bao biện cho việc "tôi là nạn nhân", "tôi bị người khác đổ dầu xuống sông", bởi từ lúc nước bị đổ dầu xuống hồ, cho đến khi nước chảy vào nhà máy, đến các công ty phân phối nước rồi đến tay người tiêu dùng. Trách nhiệm thuộc về tất cả các khâu. Được biết, 90% tổng lượng nước của Nước sạch Sông Đà được bán cho Viwaco, Hawacom và Nước sạch Hà Đông.

Nước là tài nguyên quốc gia, là mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng triệu người dân.

Theo Quyết định 1232/QĐ-TTg được ban hành vào ngày 17/8/2017 đã công bố danh mục thoái vốn nhà nước đến năm 2020 mở ra một cơ hội lớn cho việc kiểm soát và thống trị ngành nước toàn quốc. Theo quyết định này, trong 3 năm, từ 2017-2019, Nhà nước sẽ tiến hành thoái vốn dần dần trên 57 công ty thuộc ngành cấp thoát nước, trải dài từ Hậu Giang đến Lạng Sơn.

Trong bối cảnh tư nhân hóa ồ ạt các Tổng công ty, tập đoàn nhà nước để kêu gọi nguồn vốn lớn phát triển hạ tầng, thì sau sự việc này có lẽ Nhà nước sẽ phải tính toán lại việc thoái vốn tại các Tổng công ty nước lớn như Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) hay Công ty TNHH Một thành viên nước sạch Hà Nội (Hawacom).

Dân đóng tiền để các nhà máy nước thu 2 đồng lãi 1 đồng: Có lẽ cần xem xét lại việc cổ phần hóa tại các nhà máy nước lớn - Ảnh 1.

Các công ty sản xuất và cung cấp nước sạch trên cả nước

Dân đóng tiền để các nhà máy nước thu 2 đồng lãi 1 đồng: Có lẽ cần xem xét lại việc cổ phần hóa tại các nhà máy nước lớn - Ảnh 2.

Sawaco có công suất gấp 9 lần Nhà máy nước sạch Sông Đà (Viwasupco - VCW)


Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco): Trên thị trường hiện nay Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) là công ty có tổng công suất sản xuất nước lớn nhất (sản xuất gần 1,9 triệu m3/ngày đêm, công suất cấp nước 2,4 triệu m3/ngày), gấp hơn 9 lần công suất của Nhà máy nước sạch Sông Đà.  Nguồn nước thô được dùng để khai thác cung cấp nước sạch chủ yếu là nguồn nước mặt lấy ở lưu vực hai sông Sài Gòn và Ðồng Nai (chiếm 94%), chỉ một phần nhỏ (6%) khai thác từ nguồn nước ngầm. Sawaco cho biết chất lượng nước mặt sông Ðồng Nai, nhất là sông Sài Gòn, có xu hướng ngày càng xấu hơn.

Sawaco hiện có vốn gần 5.140 tỷ, tổng tài sản 12.914 tỷ, doanh thu mỗi năm từ 4.500-4.800 tỷ đồng, lợi nhuận trên 360 tỷ mỗi năm. Sawaco sở hữu 10 công ty cấp nước tại khu vực TP.HCM.

Theo lộ trình, UBND Tp.HCM sẽ thoái vốn tại Sawaco xuống dưới 50%.

Dân đóng tiền để các nhà máy nước thu 2 đồng lãi 1 đồng: Có lẽ cần xem xét lại việc cổ phần hóa tại các nhà máy nước lớn - Ảnh 3.

Công ty TNHH Một thành viên nước sạch Hà Nội (Hawacom): Hawacom đang sở hữu Nhà máy nước sạch Yên Phụ tại Hà Nội, và 12 nhà máy nước. Ngoài ra công ty này có 6 công ty kinh doanh nước sạch và 5 công ty hạ tầng nước (vật tư, đồng hồ…). Theo Danh sách cổ phần hóa đến năm 2020, Nhà nước sẽ cổ phần hóa Hawacom, giảm vốn xuống dưới 65% nhưng vẫn giữ cổ phần trên 50%.

CTCP Cấp nước Đồng Nai (Dowaco – mã DNW): Tổng công suất trên 400.000 m3/ngày đêm. Công ty có Nhà máy nước Nhơn Trạch giai đoạn 1 công suất 100.000m3/ngày sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản, dự án cấp nước Thiện Tân giai đoạn 2 cũng công suất 100.000 m3/ngày, ngoài ra còn có các dự án cấp nước tại các trung tâm đô thị huyện với công suất nhỏ từ 10.000-12.000 m3/ngày.

Dân đóng tiền để các nhà máy nước thu 2 đồng lãi 1 đồng: Có lẽ cần xem xét lại việc cổ phần hóa tại các nhà máy nước lớn - Ảnh 4.

Lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp nước (thượng nguồn) - Biên lợi nhuận đều từ 40-50%, riêng TDM đạt trên 60%


CTCP Nước – Môi trường Bình Dương (mã BWS): Công ty có vốn điều lệ 1.500 tỷ, tổng công suất sản xuất nước khoảng trên 380.000 m3/ngày đêm. Năm 2017 Nhà nước đã thoái vốn xuống 41% tại Biwase. Công ty có 3 nhà máy nước Bàu Báng, Dầu Tiếng và Phước Vĩnh, 5 xí nghiệp cấp nước Dĩ An, Thủ Dầu một, Thuận An, Tân Uyên, Khu liên hợp. Địa bàn kinh doanh tại khu vực Bình Dương và huyện Chơn Thành- Tỉnh Bình Phước. Các nhà máy của BWE đều đang chạy hết công suất. 9 tháng đầu năm 2019 doanh thu đạt hơn 1.935 tỷ, lợi nhuận sau thế 305 tỷ, tăng 40% cùng kỳ năm trước.

Công ty cổ phần Cấp nước Bà Rịa - Vũng Tàu (mã BWS - UpCOM): BWACO có vốn điều lệ 630 tỷ đồng, đang quản lý 6 nhà máy sản xuất nước lớn nhỏ với tổng công suất 180.000m3/ngày cung cấp cho hơn 166.000 khách hàng trong tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Công ty đang có ý định tăng vốn điều lệ từ 630 tỷ lên 800 tỷ, thiết kế và xây dựng nâng công suất Nhà máy nước Hồ Đá Đen thêm 125.000 m3/ngày.

Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng (mã HPW - UpCOM): Công ty đang quản lý 8 nhà máy với tổng công suất 213.500 m3/ngày, hơn 300 km đường ống truyền dẫn chính và hàng nghìn km đường ống phân phối, phục vụ cho 265.000 khách hàng với dịch vụ cấp nước ổn định đảm bảo bảo chất lượng. Số dân được dùng nước sạch từ hệ thống cấp nước của thành phố hiện nay khoảng 1,2 triệu người.

Công ty cổ phần Nước Thủ Dầu Một (mã TDM - HOSE): Công ty có 2 nhà máy nước Dĩ An và Bàu Bàng với tổng công suất 137.600 m3/ngày. Giá bán nước thô năm 2018 ở mức 3.809 đồng/m3 và nước sạch là 5.240-5.764 đồng/m3 (nhà máy nước mặt sông Đuống bán nước giá 7.700 đồng/m3). Doanh thu hàng năm đạt khoảng 278 tỷ đồng, năm 2018 lãi gần 190 tỷ sau thuế, tăng 95% cùng kỳ năm trước, biên lợi nhuận gộp trên 65%. Công ty cho  biết chi phí sản xuất nước trên 1m3 là 2.966 đồng/m3.

CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà (VCW): Trước khi sự cố nước sông Đà xảy ra, 9 tháng đầu năm 2019 VCW đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận cả năm với doanh thu thuần đạt 402 tỷ đồng (tăng 21%) và lợi nhuận sau thuế 199 tỷ đồng, tăng 30% cùng kỳ 2018, gấp 2,5 lần kế hoạch năm. Viwasupco có 2 cổ đông chính là Gelex Energy (hơn 60% cổ phần) và REE (36%). (REE là một "tay chơi lớn" trong ngành nước, và đa phần là đầu tư tài chính, do đó câu chuyện của REE chúng tôi sẽ đề cập trong bài sau).

Nước từ Viwasupco được phân phối cho một công ty con trực thuộc Vinaconex chuyên cung cấp nước cho khu vực ở Hà Nội là Công ty Cổ phần VIWACO (mã VAV - UpCOM). Nếu Viwasupco là thượng nguồn thì Viwaco là hạ nguồn của nước sạch Sông Đà. Hiện tại Viwaco có vốn điều lệ 160 tỷ đồng trong đó Vinaconex nắm giữ 51%, Hawacom nắm 23,7% và các cổ đông khác nắm 25,3%.

Dân đóng tiền để các nhà máy nước thu 2 đồng lãi 1 đồng: Có lẽ cần xem xét lại việc cổ phần hóa tại các nhà máy nước lớn - Ảnh 5.

Các công ty phân phối nước sạch trên sàn, NS2 là công ty con của Hawacom

Dân đóng tiền để các nhà máy nước thu 2 đồng lãi 1 đồng: Có lẽ cần xem xét lại việc cổ phần hóa tại các nhà máy nước lớn - Ảnh 6.

Hiện nay các công ty sản xuất nước sạch đều đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái cả về chất lượng và trữ lượng nguồn nước thô nguyên liệu đầu vào để sản xuất nước sạch. Nguồn nước mặt bị ô nhiễm do chất thải, nước thải sinh hoạt và sản xuất; ngoài ra còn chịu tác động biến đổi khí hậu, khu vực đồng bằng Sông Cửu Long và vùng duyên hải miền Trung còn bị xâm nhập mặn đặc biệt trong mùa khô, nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền hàng chục km. Hoạt động sản xuất nông, công nghiệp phát triển nhanh chóng cũng kéo theo nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. Các nhà máy sản xuất chưa có hệ thống xử lý nước thải phù hợp, hoạt động sản xuất nông nghiệp sử dụng nhiều chất hóa học như phân bón, thuốc trừ sâu và đặc biệt là ý thức của người dân về việc xả rác bừa bãi dọc theo các sông cũng gây nguy có ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Nếu so sánh quy mô của nước sạch Sông Đà so với Sawaco bé hơn rất nhiều. Do đó, Ủy ban nhân dân TP.HCM có lẽ cần cân nhắc tỷ lệ khi thoái vốn khỏi Sawaco, cần thiết có thể huy động nguồn lực tư nhân để đầu tư phát triển nhưng vẫn giữ cổ phần chi phối (trên 51%). Nước là mặt hàng kinh doanh đặc biệt nên cần phải có chế tài thật nặng với các doanh nghiệp vô trách nhiệm trong việc kiểm soát và xử lý nguồn nước.

Theo Tâm An

Cùng chuyên mục
XEM