Lươn điện mạnh nhất thế giới với cú phóng 860V, khiến đối phương chết không kịp ngáp

Một loài lươn mới được phát hiện, sống ở rừng rậm Amazon, có thể tung ra cú phóng điện kỷ lục 860 vôn, khiến con mồi chết khi chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra.

Video lươn điện săn mồi

Theo CNN, các nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian hôm 10/9 cho biết đã xác định được 2 loài lươn điện mới sống tại rừng rậm nhiệt đới Amazon là Electrophorus varii và Electrophorus voltai, nâng tổng số loài lươn trên thế giới lên con số 3.

Trong đó, Electrophorus voltai có thể phóng ra lượng điện 860 vôn, nhiều hơn so với mức kỷ lục 650 vôn của loài Electrophorus electricus nắm giữ trước đó, theo nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Nature Communications.

Những loài lươn mới này có thể dài tới 2,4 mét và phát hiện về chúng cho thấy vẫn còn nhiều điều trong rừng rậm Amazon vẫn chưa được khám phá, David de Santana, người đứng đầu nghiên cứu mới kiêm hội viên nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian, chia sẻ trong một thông cáo báo chí.

"Chúng thực sự dễ nhận thấy. Nếu có thể phát hiện một loài lươn điện (cá chình) mới, dài 2,4 mét sau hơn 250 năm khám phá khoa học, bạn có nghĩ vẫn còn nhiều thứ bất ngờ khác có thể được khám phá ở khu vực này hay không?", Santana nói.

Con lươn thuộc loài Electrophorus voltai

Con lươn thuộc loài Electrophorus voltai

Trong suốt 250 năm, các nhà khoa học biết rằng lươn điện sống trong lưu vực sông Amazon. Điều duy nhất họ chưa rõ là số lượng của loài này ẩn nấp tại đó.

Các nhà khoa học từ lâu cho rằng lươn điện được tìm thấy ở đầm lầy, suối, lạc và sông trên khắp Nam Mỹ đều cùng một loài. Nhưng nghiên cứu mới bác bỏ điều này.

Thực tế có 3 loài lươn khác nhau. Chúng trông khá giống nhau ở vẻ bề ngoài và đều dùng các cú phóng điện để định hướng, trao đổi, săn mồi hoặc tự vệ. Nhưng khi phân tích 107 mẫu vật, các nhà khoa học phát hiện ra rằng 3 loài này có sự di truyền, hình dạng hộp sọ và mức độ điện thế khác nhau.

Căn cứ vào nghiên cứu, Santana và nhóm của ông tin rằng 3 loài lươn này đã tiến hóa từ tổ tiên chung của chúng sống cách đây 7,1 triệu năm.

Nghiên cứu cũng chỉ ra điện thế của lươn có thể bị ảnh hưởng bởi độ dẫn điện của vùng nước nơi chúng sống. Theo CNN, có khoảng 250 loài cá có thể phóng điện nhưng chỉ có loài lươn điện là loài duy nhất sử dụng điện để đi săn và tự vệ.

Năm 1799, các nhà khoa học coi lươn điện như nguồn cảm hứng để thiết kế quả pin đầu tiên trên thế giới và cũng như cải thiện công nghệ và chữa bệnh.

Các loài lươn mới được phát hiện có thể đã tiến hóa và sở hữu hệ thống độc nhất tạo ra điện, khác hoàn toàn so với hệ thống của loài lươn điện đầu tiên. Theo ông Santana, điều này có thể mở đường cho các phát hiện mới khác.

Thủy quái biết phóng điện khiến cá sấu tê liệt trên sông Amazon

Một con cá sấu có lẽ không biết đến sức mạnh của lươn điện, toan nuốt chửng vào bụng thì bị giật điện đến tê...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - CNN, Video: Nat Geo Wild ([Tên nguồn])
Thế giới động vật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN