MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Startup bị Shark Bình mắng là "ngáo giá": "Anh em trong công ty chúng tôi xem ông ấy là "kẻ ngạo mạn" chỉ biết châm chọc và coi thường người khác!"

31-08-2019 - 08:37 AM | Doanh nghiệp

"Chúng tôi gọi vốn đầu tư 5 triệu USD để đổi lấy 10% cổ phần là hoàn toàn hợp lý, và chắc chắn không phải là tôi "ngáo giá" như Shark Bình đã nói. Nhiều người rất bức xúc và bất bình với câu nói đó của Shark Bình, nhất là các anh em trong công ty chúng tôi, xem ông ấy là "kẻ ngạo mạn" chỉ biết châm chọc và coi thường người khác. Nhưng tôi chỉ cười xòa và không hề trách giận gì ông ấy", Lê Nguyễn Khánh Trình trải lòng sau khi bị mắng "ngáo giá" và ra về tay trắng trên Shark Tank Việt Nam.

Shark Tank Việt Nam mùa 3 tập 6 phát sóng với kết quả 2 startup phải ra về tay trắng, trong đó có Lê Nguyễn Khánh Trình - CEO CTCP Khánh Trình. "Tài sản" Khánh Trình mang về sau Shark Tank là những lời khuyên nhủ, nhưng cũng có những lời mắng cực gắt mà chủ yếu đến từ Shark Nguyễn Hòa Bình - vị cá mập mới xuất hiện đến từ NextTech.

"Em phải tỉnh ra, đừng ngáo giá", Shark Bình nhắn nhủ mà lời nhắn nhủ này, theo bình luận của nhiều độc giả, không khác việc "vả vào mặt startup " là mấy.

"Anh em trong công ty chúng tôi xem ông ấy là "kẻ ngạo mạn" chỉ biết châm chọc và coi thường người khác!"

Startup bị Shark Bình mắng là ngáo giá: Anh em trong công ty chúng tôi xem ông ấy là kẻ ngạo mạn chỉ biết châm chọc và coi thường người khác! - Ảnh 1.

Bình luận về câu chuyện định giá doanh nghiệp, đặc biệt là nhận đinh "ngáo giá" của Shark Bình , Khánh Trình trải lòng:

"Suy cho cùng, bản chất của việc gọi vốn là người chủ doanh nghiệp bán đi một phần Doanh nghiệp của mình cho người khác để lấy vốn đầu tư phát triển. Nếu hai bên thuận mua vừa bán, anh sẽ gọi vốn thành công. Nếu người bán định giá cao, người mua trả giá thấp hoặc không đủ tiền, người bán sẽ không bán được. Câu chuyện gọi vốn Shark Tank của chúng tôi cũng như vậy".

"Các Shark đã định giá Công ty chúng tôi căn cứ vào Doanh thu và lợi nhuận quá khứ như cách họ vẫn làm, trong khi chúng tôi định giá Doanh nghiệp căn cứ vào Tài sản vô hình, lợi thế kinh doanh cùng doanh thu và lợi nhuận dự tính trong tương lai. Hai cách định giá này ngay từ đầu đã trái ngược nhau, do vậy, không một Shark nào đầu tư cho chúng tôi cũng là điều dễ hiểu".

"Chúng tôi gọi vốn đầu tư 5 triệu USD để đổi lấy 10% cổ phần của Công ty, điều đó là hoàn toàn hợp lý, và chắc chắn không phải là tôi " ngáo giá " như Shark Hòa Bình đã nói. Nhiều người rất bức xúc và bất bình với câu nói đó của Shark Hòa Bình, nhất là các anh em trong Công ty chúng tôi, xem ông ấy là "kẻ ngạo mạn" chỉ biết châm chọc và coi thường người khác. Nhưng tôi chỉ cười xòa và không hề trách giận gì ông ấy".

Trình cũng cho rằng "chuyện "dìm giá" của người mua đối với người bán trong giao thương là quá bình thường".

"Vậy nên tôi chỉ cười khi Shark Dũng tính toán rất nhanh các con số (định giá theo cách của anh ấy) để chứng minh rằng tôi đã định giá quá cao. Tôi đã đọc về kỹ thuật định giá của các Shark, nên không muốn giải thích hay tranh luận gì nhiều với anh ấy".

"Không phải vì tôi bế tắc hay nhận ra mình định giá sai, cũng không phải vì tôi không đủ bản lĩnh tranh luận. Mà vì tôi biết, ngay từ khi làm phép tính định giá, chúng tôi đã sử dụng hai phương pháp khác nhau. Cách tính toán không hề giống nhau giữa hai bên thì nói gì đến chuyện đúng sai. Vậy nên, im lặng và cười là thượng sách, tranh cãi với các Shark trên sóng truyền hình chỉ là hạ sách", Trình nói.

"Nếu thực sự các Shark không đầu tư chỉ vì "sản phẩm quá đơn giản", rõ ràng là tư duy kinh doanh của họ có vấn đề"

Startup bị Shark Bình mắng là ngáo giá: Anh em trong công ty chúng tôi xem ông ấy là kẻ ngạo mạn chỉ biết châm chọc và coi thường người khác! - Ảnh 2.

"Tôi không chê trách gì các Shark, tôi nghĩ họ không đầu tư chủ yếu bởi nhân tố thứ ba và thứ tư như tôi đã nói ở trên. Còn nếu thực sự họ không đầu tư chỉ vì "sản phẩm quá đơn giản" thì rõ ràng là tư duy kinh doanh của họ có vấn đề. Bởi vì họ chỉ thích những thứ phức tạp, cao siêu, trong khi trên thực tế là những sản phẩm đơn giản nhưng đánh đúng nhu cầu khách hàng mới nhanh chóng tạo nên những Thương hiệu hàng đầu thế giới".

"Chẳng hạn như triệu phú $ người Mỹ gốc Á Cheong Choon Ng đã rất thành công với những chiếc dây chun nhiều màu đơn giản, hay chiếc dao cạo râu Gillette tuy đơn giản và nhỏ bé nhưng đã là thương hiệu hàng chục tỷ USD cả trăm năm nay…Có rất nhiều những dẫn chứng khác cho thấy sản phẩm đơn giản mà nhiều người cần còn hiệu quả hơn rất nhiều những thứ phức tạp nhưng ít người mua. Có những phát minh sáng chế cực kỳ phức tạp nhưng mãi chỉ nằm trên giấy hoặc làm ra không thể bán được bởi chẳng ai cần đến cũng là một dẫn chứng khác cho điều đó", Trình phân trần.


Nội dung phản hồi của Trình được lược lại từ một bài phỏng vấn dài 3.878 chữ, được thực hiện bởi Bộ phận truyền thông và thương hiệu của CTCP Khánh Trình, đăng tải ngay sau khi công chiếu Shark Tank Việt Nam mùa 3 tập 6. Trước khi đi vào nội dung chính, bài phỏng vấn còn được gắn kèm form đăng ký đặt hàng hoặc hợp tác với Khánh Trình.

Click vào form đó, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là anh Trình chỉ ngón chỏ vào mặt người xem và tuyên bố "Tôi là CEO của công ty Khánh Trình. Nếu bạn muốn mua xà đơn…".

khanh-trinh-2-15671305566821671997352

Có vẻ Khánh Trình đã đạt được mục tiêu chính khi lên gọi vốn trên Shark Tank - PR. Trình chia sẻ ngay từ vòng loại, đã có nhiều ý kiến của các Thành viên Ban thẩm định Startup cho rằng số tiền anh gọi là rất lớn (5 triệu USD đổi lấy 10% Công ty), có thể vượt định mức đầu tư của các Shark, nên sẽ không có ai đầu tư đâu. Nhưng anh vẫn kiên định và không giảm số tiền này. Mức gọi vốn 5 triệu USD tương đương với mức gọi vốn của "người giời" Trần Khiêm, người gọi vốn thay sếp Smartlog vì CEO bận đi nghỉ mát.


Theo Bảo Bảo

Trí thức trẻ

Trở lên trên