Chính vì công nghệ, niềm tin giờ đã là một trạng thái khác, không còn là thứ niềm tin bạn từng biết (Phần 1)

Lên mạng hoặc xem nhanh một tờ báo online bất kì (dù đó có phải là một tờ báo chuyên công nghệ hay không), có khả năng rất cao là bạn sẽ được đọc về các công nghệ “đột phá” hiện đang thay đổi thế giới của chúng ta.

Rõ là như vậy thật đấy chứ. Hàng ngày, chúng ta sử dụng các dịch vụ được cung cấp bởi một loạt các công ty công nghệ trực tuyến có những cái tên đã trở thành một từ đồng nghĩa với chính dịch vụ họ cung cấp, như “để chút mình Grab đồ qua cho” hay “Đã Google thông tin đó chưa?” chẳng hạn. Vậy Grab, Google, hay Facebook, Lazada, Tiki, Zalo… có điểm gì chung? Những dịch vụ này xây dựng trên nguyên lý gì để khiến bạn cảm thấy thoải mái sử dụng chúng?

Câu trả lời: Niềm tin của con người. nhưng đây không phải là thứ niềm tin bạn đã từng biết.

Trước hết, thử đi định nghĩa “niềm tin” là gì?

“Niềm tin” là một từ phổ biến, tất cả chúng ta đều biết và sử dụng hàng ngày, nhưng nó lại là một khái niệm khó khăn để định nghĩa cho rõ ràng. Mỗi chúng ta đều có cách giải thích ít nhiều khác nhau. Tuy nhiên, suy nghĩ kỹ, bạn sẽ thấy rằng hầu mỗi định nghĩa của mỗi người đều có một yếu tố chung:

"Niềm tin mở ra cánh cửa đến với thế giới và mở rộng tầm nhìn của mỗi cá nhân”

Hãy lấy một ngày thông thường làm ví dụ. Nếu không có lòng tin, bạn sẽ chẳng thể đi đâu ra khỏi nhà, chứ đừng nói đến việc mua một món hàng từ một người lạ trực tuyến. Và hãy tưởng tượng thêm nhé, nếu bạn không tin tưởng vào khả năng của chiếc máy bay có thể vững vàng lướt trên không trung, thì bạn chẳng thể đi đâu xa cả.

Từ việc sử dụng thẻ tín dụng trên một trang mua bán hàng trực tuyến cho đến việc để bay đi đâu đó trong kỳ nghỉ, cái thế giới phức tạp, đầy mối liên kết của chúng ta đều trông cậy vào niềm tin ở mỗi lần chúng ta đưa ra quyết định.

Tuy nhiên, lòng tin là một con đường hai chiều. Một trong những lý do phổ biến, cơ bản nhất để chúng ta tin tưởng người khác là khi chúng ta biết rằng họ có nhiều thứ để mất hơn nếu họ phản bội lòng tin của chúng ta.

Có một bài học về niềm tin trong kinh doanh như thế này. Vào những năm thuộc thế kỷ 16, một nhóm các thương nhân phải đối mặt với một vấn đề hóc búa. Họ muốn vận chuyển hàng hóa của họ đến các thị trường có lợi nhuận cao hơn nhưng xa xôi. Điều này buộc họ phải sử dụng những người vận chuyển trung gian. Ở thời điểm ấy, họ phải nghĩ ra một cách nào đó để chắc chắn rằng những người lạ phải mang hàng của họ đến đúng nơi họ mong muốn và không bị lừa mất hàng.

Thế là một giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả đã ra đời. Nếu các đối tác vận chuyển của họ không trung thực, họ sẽ bị loại khỏi mạng lưới kinh doanh của các thương nhân và đánh mất luôn các cơ hội kiếm tiền trong tương lai. Bằng cách phát triển một hệ thống có tác dụng đến cả 2 đầu, là các thương nhân và các đối tác vận chuyển, họ đã thiết lập một nền tảng niềm tin cho phép thực hiện công việc kinh doanh như mong muốn và tránh bị lừa.

Những gì các thương nhân này đã phát minh ra chính xác là một hệ thống xếp hạng, một sáng kiến mang tính cách mạng được sử dụng trong thế giới kinh doanh cho đến ngày hôm nay. Và phiên bản hiện đại của nó, điều được nhắc đến trong phần tiếp theo của bài viết, đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

“Cách mạng niềm tin” lần thứ 3 trong lịch sử loài người đang diễn ra

Niềm tin là (luôn luôn là) yếu tố cốt lõi khiến thế giới kinh doanh vận hành. Nhưng niềm tin cũng luôn vận động, thay đổi liên tục trong suốt lịch sử nhân loại. Trước thời đại hiện nay đã có hai đợt “Cách mạng niềm tin” rõ rệt, tạm gọi ngắn gọn với 2 cái tên: “niềm tin vào thân cận” và “niềm tin vào cơ chế”.

“Niềm tin vào thân cận” xuất hiện trước thời kỳ công nghiệp hóa, trước khi hình thành các dạng xã hội phức tạp. Trong thời đại này, mọi người có quan hệ gần gũi vì xã hội nhỏ bé, giao thương chỉ được tiến hành trong các cộng đồng nhỏ, chặt chẽ.

Và rồi công nghiệp hóa đã thay đổi mọi thứ. Thương mại và kinh doanh giờ đây được tiến hành từ những khoảng cách địa lý lớn hơn bao giờ hết; các khoản vay và trái phiếu đã có thể thực hiện xuyên quốc gia, vượt qua các ranh giới và biên giới cũ.

Duy trì các hệ thống tín dụng và thương mại phức tạp cũng đồng nghĩa với việc là các tổ chức - ngân hàng, chính phủ và tòa án - ngày càng trở nên đặc biệt quan trọng. Họ phải đảm bảo sự ổn định và thực thi được công bằng. Đây là cơ chế và đây chính là những mấu chốt của hệ thống “niềm tin về cơ chế”.

Và rồi, bản chất của niềm tin phải thay đổi một lần nữa trong thời đại toàn cầu mà chúng ta đang sống. Và giờ đây, con người đang bước vào một kỷ nguyên của “niềm tin phân tán”.

Vậy sự khác biệt là gì?

“Niềm tin phân tán” là mối quan hệ ngang giữa con người với con người hơn là mối quan hệ cấp bậc từ trên xuống, như giữa những tổ chức và công dân. Lấy AirBnB làm ví dụ. Khi nói đến việc đến du lịch tại một thành phố mới, giờ đây, những người trẻ coi trọng trải nghiệm thực tế, được cung cấp bởi những chủ nhà được đánh giá cao trên Airbnb, hơn là ở tại những khách sạn được tổ chức bài bản nằm trong những chuỗi khách sạn lớn.

Với AirBnB, đó là ví dụ điển hình về một trong nhiều cách mà chúng ta tin tưởng người lạ trong cuộc sống này. Nhiều thể hệ trẻ em được sinh ra và được nuôi dạy rằng đừng bao giờ lên xe của một người lạ, nhưng đó chính xác là điều mà hàng triệu người trong chúng ta làm mỗi ngày khi xe Grab của chúng ta đến, đúng vậy không?

Thời đại mới mở ra vô vàn khả năng mới. Rất đơn giản, chỉ cần tin tưởng người lạ (chưa gặp mặt bao giờ), đưa họ chi tiết thẻ tín dụng của bạn khi giao dịch trực tuyến nên giờ đây, bạn có quyền truy cập vào nhiều loại hàng hóa hơn bao giờ hết.

Dạng niềm tin dựa vào cơ chế không bao giờ phù hợp trong thời đại số hóa

Chúng ta đang ngày càng rời xa dạng niềm tin vào cơ chế. Những cú sốc như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã khuếch đại sự hoài nghi về các tổ chức bên trong hệ thống cơ chế được thành lập ở lõi của các nền xã hội toàn cầu. Tuy nhiên, sự sụp đổ về niềm tin vào các cơ chế trong năm 2008 đã thúc đẩy một quá trình mới được tiến hành.

Đó là sự minh bạch trong cuộc sống nhờ vào những công nghệ mới.

Internet tiếp tục cung cấp cho chúng ta quyền truy cập nhiều hơn vào thông tin về các tổ chức. Wikileaks là một ví dụ tuyệt vời về điều này. Nó đã đưa ra ánh sáng những mưu mô của kẻ mạnh, cho phép bất kì ai trở thành một con ruồi trên tường trong những căn phòng nơi định mệnh của thế giới được quyết định. Và những gì chúng ta biết giờ đây đã không còn quá đẹp đẽ nữa.

Hồ sơ Panama cũng là một ví dụ không thể không nhắc đến. Được công bố vào năm 2016 bởi Hiệp hội Nhà báo điều tra Quốc tế hợp tác với các tờ báo là The Guardian và Le Monde, tài liệu đã ghi lại các kế hoạch trốn thuế công phu của các nhân vật công chúng, từ ngôi sao bóng đá người Argentina Lionel Messi cho đến tổng thống Nga Vladimir Putin và cha của David Cameron, cựu thủ tướng Anh.

Những tiết lộ này đã cho thấy rằng các quy tắc và luật lệ mà hầu hết chúng ta phải tuân theo dường như không áp dụng cho những người giàu có và quyền lực. Không có gì ngạc nhiên khi chúng ta trở nên hoài nghi về các tổ chức tạo ra những cơ chế cho xã hội.

Mặc dù vậy, công nghệ mới không chỉ làm giảm sự tin tưởng của tổ chức bằng cách tiết lộ bí mật. Nó còn dùng để bóp méo sự thật.

Đây chính là khả năng điển hình của mạng xã hội. Những nghiên cứu kém, giật gân hoặc đơn giản là tuyên bố sai lầm lại lan truyền như lửa chát trong rừng khổ thông qua các kênh truyền thông xã hội, làm suy yếu những báo cáo điều tra chính thống. Các bài báo giả mạo thường được chia sẻ bởi những người chưa đọc chúng – chứ chưa nói đến việc họ có kiểm chứng lại nội dung hay không – bởi một lý do đơn giản, là vì tiêu đề phản ánh đúng thế giới quan của họ.

Điều này đang tạo ra những cuộc tấn công dữ dội vào uy tín của các tổ chức. Vấn đề tệ hơn là sau đó, việc xây dựng lại niềm tin cho các tổ chức này đặc biệt khó khăn.

Lần một bị cắn, lần hai nhát.

Một khi những hành vi sai trái đã bị phơi bày, chúng ta khó có thể tin rằng các tổ chức lớn đang hành động đúng đắn.

Hết phần 1…

Phần tiếp theo: Nền kinh tế chia sẻ, blockchain sẽ tiếp tục định hình dạng niềm tin phân tán của chúng ta như thế nào?