07:43 10/06/2019

1 triệu người Hồng Kông biểu tình phản đối dự luật dẫn độ

An Huy

Đã có tới 1 triệu người Hồng Kông xuống đường biểu tình vào ngày Chủ nhật để phản đối một dự luật về dẫn độ tội phạm

Dòng người biểu tình trên đường phố Hồng Kông ngày 9/6 - Ảnh: Reuters.
Dòng người biểu tình trên đường phố Hồng Kông ngày 9/6 - Ảnh: Reuters.

Đã có tới 1 triệu người Hồng Kông xuống đường biểu tình vào ngày Chủ nhật để phản đối một dự luật cho phép dẫn độ tội phạm trong các vụ án ở Hồng Kông tới Trung Quốc đại lục để xét xử.

Theo tin từ Bloomberg, người biểu tình trong trang phục áo trắng đã phủ kín các đại lộ ở khu vực trung tâm ở Hồng Kông và di chuyển về phía trụ sở chính quyền thành phố.

Đến buổi tối cùng ngày, đụng độ đã xảy ra giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát chống bạo động. Cảnh sát đã phải dùng bình xịt hơi cay và dùi cui để chống lại những người biểu tình tấn công họ - cảnh sát Hồng Kông cho biết thông qua mạng xã hội Twitter.

Các nhà tổ chức nói rằng tính đến lúc 9h30 tối, đã có tổng cộng 1,03 triệu người xuống đường biểu tình. Trong khi đó, theo ước tính của cảnh sát, số người biểu tình vào lúc cao điểm là 240.000 người.

Dù dựa theo con số nào, đây cũng là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất ở Hồng Kông kể từ khi vùng lãnh thổ này được Anh trao trả lại cho Trung Quốc cách đây hơn 2 thập niên. Nếu số người biểu tình là 1 triệu người, thì điều đó có nghĩa là khoảng 1/7 dân số Hồng Kông đã xuống đường tham gia biểu tình.

Gây tranh cãi là một dự luật được khởi xướng bởi chính quyền Hồng Kông do bà Carrie Lam đứng đầu. Dự luật lần đầu tiên cho phép dẫn độ tội phạm từ Hồng Kông tới Trung Quốc đại lục. Người biểu tình kêu gọi trưởng đặc khu Lam từ chức, nhưng chính quyền Hồng Kông vào tối ngày Chủ nhật phát tín hiệu vẫn sẽ thúc đẩy dự luật này.

Hồi năm 2003, khoảng nửa triệu người Hồng Kông đã biểu tình phản đối một dự luật an ninh gây tranh cãi. Cuộc biểu tình năm đó đã góp phần dẫn tới việc trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông khi đó là ông Đổng Kiến Hoa phải từ chức. Đến nay, dự luật đó vẫn chưa được thông qua.

Nhiều chính phủ phương Tây và doanh nghiệp nước ngoài cho rằng dự luật dẫn độ của Hồng Kông là một sự đe dọa đối với khuôn khổ "một quốc gia hai chế độ" - điều vốn được xem là nhân tố giúp duy trì địa vị của Hồng Kông là một trung tâm tài chính toàn cầu.

Bà Lam hiện đang nỗ lực đưa dự luật trên được thông qua trong tháng 7, trước khi kết thúc kỳ họp đang diễn ra của nghị viện Hồng Kông. Tuần trước, chính quyền Hồng Kông đã nới lỏng dự luật, bằng cách đề xuất giới hạn dẫn độ là các tội danh có mức án từ 7 năm tù giam, từ ngưỡng 3 năm trước đó.

Biểu tình cũng được tổ chức ở nhiều thành phố khác trên thế giới để phản đối dự luật dẫn độ của Hồng Kông, trong đó một cuộc biểu tình với sự tham gia của 2.000 người đã diễn ra ở Sydney, Australia. 

Trước khi biểu tình nổ ra, dự luật trên đã trở thành một vấn đề căng thẳng mới giữa Trung Quốc và Mỹ - quốc gia cấp cho Hồng Kông địa vị thương mại đặc biệt dựa trên sự độc lập về pháp lý của vùng lãnh thổ với đại lục. Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đều đã bày tỏ quan ngại về dự luật.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày thứ Hai nói rằng "các thế lực nước ngoài" đang tìm cách gây tổn hại cho Trung Quốc bằng cách kích động biểu tình ở Hồng Kông - hãng Reuters đưa tin.

Một bài viết của tờ Trung Quốc nhật báo nói rằng dự luật dẫn độ của Hồng Kông rất cần được thông qua. "Một người có quan điểm vô tư sẽ xem dự luật này là chính đáng và phù hợp nhằm tăng cường thượng tôn pháp luật ở Hồng Kông và đảm bảo công lý", bài báo viết.

Tờ Thời báo Hoàn cầu thì nói rằng các nhóm đối lập ở Hồng Kông và lực lượng nước ngoài ủng hộ các nhóm này đang "thổi phồng chính trị" hoạt động lập pháp bình thường của Hồng Kông.