'Tôi còn làm bí thư thì tôi chưa chấp hành bản án này'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
22/08/2018 20:04 GMT+7

Ông Hoàng Văn Hùng, Ủy viên Ủy ban Tư pháp , thuật lại lời bí thư một thành phố mà đoàn giám sát của ủy ban này tới giám sát việc chấp hành pháp luật của chính quyền trong giải quyết các vụ án hành chính.

"Còn tôi, còn tòa, không bao giờ tôi đến!"
Thảo luận về dự thảo Báo cáo giám sát việc giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch ủy ban nhân dân (UBND), UBND của Ủy ban Tư pháp, tại phiên họp toàn thể lần thứ 10 của ủy ban này sáng 22.8, ông Hoàng Văn Hùng cho biết ông rất lo ngại khi càng ngày, số lượng lãnh đạo chính quyền không đối thoại, không tham gia phiên tòa xét xử các vụ án hành chính ngày càng tăng.
“Ngay cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đều có tình trạng này. Đối thoại với dân và tham gia phiên tòa xử các vụ án hành chính như vậy là hỏng”, ông Hùng bày tỏ, và cho rằng, nguyên nhân chính là do ý thức trách nhiệm với nhân dân của lãnh đạo chính quyền địa phương thấp, chứ không phải không có đủ thời gian hay cấp phó, vì thực tế bên cạnh những địa phương không tốt thì có những địa phương làm rất tốt.
Ông Hùng cho biết, ông là thành viên đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp tại 2 tỉnh, thành phố lớn ở phía Nam, trong quá trình làm việc, có bí thư một thành phố tuyên bố: Tôi còn làm bí thư thì tôi chưa chấp hành bản án này. “Đó là một sự thách thức mà nếu Chính phủ không có giải pháp triệt để, không làm mạnh thì không ổn", ông Hùng nói thẳng.
Ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, cũng cho rằng, việc lãnh đạo chính quyền địa phương không tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa, thậm chí không chấp hành các bản án đã có hiệu lực, bắt nguồn từ vấn đề nhận thức.
“Đây là một sự coi thường, bất chấp pháp luật, chứ không chỉ là vấn đề "không nghiêm túc" như báo cáo nêu”, ông Cương nói.
Theo ông Cương, nếu lãnh đạo chính quyền cử đại diện thì phải người đại diện có trách nhiệm, chứ không thể cử một ông chuyên viên đến để nghe cho vui, khi hỏi đến thì bảo “nghe để về báo cáo”.
Đồng tình, ông Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh, cho rằng việc lãnh đạo chính quyền địa phương không chịu ra đối thoại và tham gia tố tụng tại tòa là do ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân người đó và phải có biện pháp để chấn chỉnh. “Chủ tịch UBND các cấp có người chấp hành rất tốt, nhưng có người thậm chí còn tuyên bố: còn tôi, còn tòa, không bao giờ tôi đến”, ông Bộ nêu.
Chủ tịch tỉnh đầu tư nhiều cho tòa án thì y rằng sẽ ít án hành chính
 Nhiều đại biểu khẳng định có sự nể nang, ngại va chạm giữa các cơ quan tư pháp với chính quyền địa phương, do có nhiều yếu tố phụ thuộc, từ việc bổ nhiệm cho tới vấn đề kinh phí.
Ông Nguyễn Mai Bộ, hiện vẫn là một thẩm phán cấp cao của tòa án quân sự T.Ư, cho biết nhiều thẩm phán bị tòa án cấp cao hơn sửa các bản án hành chính do mình tuyên không thấy buồn, mà còn thấy vui vì tòa án cấp trên sửa án của họ, nghĩa là tuyên các chủ tịch UBND, UBND là sai.
Ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư, khẳng định cần có chỉ đạo để chấm dứt sự can thiệp của cấp ủy vào công việc chuyên môn của tòa án Ảnh Lê Hiệp
Theo nhìn nhận của ông Bộ, hiện nay có nhiều trường hợp cán bộ, đảng viên lợi dụng chức vụ trong cấp ủy để làm khó tòa án, trong khi đây không phải là chủ trương của Đảng và Nhà nước. Ông Bộ kể, có thực tế là hiện nay, tòa án các cấp không dám gửi giấy triệu tập cho các chủ tịch UBND ra tòa, mà phải đổi hình thức bằng cách bên ngoài thì gửi giấy mời tới tham dự phiên tòa, còn trong hồ sơ thì kẹp giấy triệu tập.
Ông Bộ cũng khẳng định có tình trạng lệ thuộc kinh phí hoạt động của toà án. “Cứ tỉnh nào chủ tịch tỉnh đầu tư nhiều cho tòa án thì y như rằng, tỉnh ấy ít án hành chính. Điều đó là có thật”, ông Bộ nêu, và đề nghị Quốc hội phải phân bổ ngân sách thế nào để ngành kiểm sát, tòa án không phải đi xin kinh phí hoạt động nữa, thì mới độc lập được. 
Ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư, cho rằng, thực tế ở các địa phương có chuyện các cấp ủy Đảng can thiệp sâu, thậm chí trái pháp luật vào hoạt động xét xử của cơ quan tư pháp.
“Vấn đề này phải nói rõ ràng, Đảng không buông lỏng sự lãnh đạo với các cơ quan tư pháp, nhưng không được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động chuyên môn của cơ quan tư pháp”, ông Học nhấn mạnh, và khẳng định Ban Nội chính T.Ư sẽ tham mưu để có chỉ đạo chấm dứt sự can thiệp trái pháp luật của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động xét xử.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.