- Dưới đây là một góc nhìn khác, cảnh tỉnh và kêu gọi sự nhìn lại các giá trị văn hóa truyền thống sau những ồn ào quanh vụ “cô dâu mất trinh”.Vụ “Cô dâu mất trinh”: Văn hóa Trọng Lễ hay Trọng Hình?

Vụ cô dâu Xuân Thùy bị gia đình đại gia Nguyễn Hoàng Năm (Ninh Kiều, Cần Thơ) trả về gia đình do mất trinh và nghi ngờ tham gia đóng trong 1 đoạn clip khiêu dâm, đã làm xôn xao dư luận nhiều tuần nay. Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh câu chuyện này chứng tỏ trong xã hội chúng ta, chuyện trinh tiết vẫn là một vấn đề được hết sức quan tâm.

Thực tế, xã hội phương Tây không hẳn đã thờ ơ với trinh tiết phụ nữ như quan niệm tại VN (Hình minh họa)
Một thống kê của độc giả trên báo mạng cho thấy có đến 80% sinh viên nam không chấp nhận lấy vợ không còn trinh tiết. Mặc dù số liệu này chưa biết chính xác đến đâu, nhưng cùng với câu chuyện về cô dâu Xuân Thùy, nó đã làm dấy lên làn sóng phản đối từ nhiều phụ nữ. Chủ đề nhạy cảm này thường xuyên gây ra những cuộc tranh cãi chẳng đi đến đâu. Và để phản bác lại quan điểm của phái mạnh, thì các đại diện của phái được cho là yếu hơn, thường chụp một cái mũ khá to mang tên gia trưởng, phong kiến, Nho giáo, lên đầu những người có quan điểm ủng hộ công khai vấn đề giữ gìn trinh tiết cho hôn nhân.

Tuy nhiên trong thực tế, xã hội phương Tây không hẳn đã thờ ơ với trinh tiết phụ nữ như nhiều “chiến sỹ” vẫn đấu tranh cho nữ quyền tại VN thường quan niệm. Dựa trên cơ sở phỏng vấn 3.500 bạn trẻ nam nữ tuổi từ 15-24, cuộc Khảo sát Quốc gia về tăng trưởng gia đình  tại Mỹ cho thấy 28% những người được phỏng vấn không tham gia bất cứ hình thức quan hệ xác thịt nào, tỷ lệ này tăng 6% so với kết quả năm 2002. Đặc biệt, có đến 29% bạn nữ (so với 27% bạn nam) cho biết, họ vẫn còn trinh trắng trước khi lấy chồng. Cuộc khảo sát này còn phát hiện số bạn nữ tuổi vị thành niên mang bầu cũng giảm 40% trong 20 năm qua. Từ năm 1998, ở Mỹ có Vũ hội Trinh tiết là nơi các ông bố đưa con gái đến khiêu vũ, ký vào bản giao kèo và đọc to lời hứa trước Chúa sẽ bảo vệ, gìn giữ trinh tiết cho tới lúc kết hôn.

Các thống kê ở Mỹ cũng cho thấy những cô gái có quan hệ tình dục vào tuổi teen, sau này có đến 30% li dị trong 5 năm đầu, và 47% li dị trong 10 năm đầu của hôn nhân. Với các cô gái có quan hệ tình dục khi đã trưởng thành, thì tỷ lệ này giảm tương ứng còn 15% và 27%. Quan hệ tình dục quá sớm thực sự ảnh hưởng đến sự bền vững của hôn nhân.

Xã hội coi trọng Lễ, thì sẽ ít phải dùng đến sự can thiệp của Hình phạt trong mối quan hệ giữa Người với Người
Trọng Lễ hay Trọng Hình?

Phương Tây đang quay lại những giá trị đạo đức và gia đình, cái mà phương Đông vẫn theo đuổi trong vài ngàn năm qua. Một trong những giá trị nền tảng của phương Đông là Nho giáo đã từng bị đả phá, phê phán mạnh mẽ, và trong các xu hướng phê phán Nho Giáo, thì phổ biến nhất là phê phán nó đàn áp nữ quyền. Dường như trọng Nam khinh Nữ là một điểm yếu dễ bị tấn công nhất của Nho Giáo.

Tuy nhiên những triết gia của Nho Giáo đã xây dựng hệ thống giá trị này trong các không gian lịch sử hoàn toàn khác, và nếu gạt bỏ các yếu tố đã không còn phù hợp trong thế kỷ chúng ta đang sống, thì nhiều quan điểm cốt lõi của nó vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn.

Trong nhiều lớp học của VN vẫn trang trọng treo khẩu hiệu “Tiên học Lễ, Hậu học Văn”, đó cũng là một trong những giá trị cơ bản của Nho Giáo. Con người cần học Lễ, học cách ứng xử trong các mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội, tu dưỡng phẩm đức của mình trước, rồi mới đến các kiến thức văn hóa, khoa học kỹ thuật. Ngày trước, trẻ em miền Nam đi đâu gặp người lớn cũng khoanh tay cúi đầu chào hỏi. Gia đình miền Bắc dù có bận thế nào cũng cố gắng gặp nhau trong bữa cơm tối, con cái dù sinh sống xa xôi đến đâu, Tết cũng về với quê cha đất tổ. Những Lễ nghi đó đã thành nét văn hóa của xã hội chúng ta, nhưng đang mất dần theo nhịp sống của xã hội hiện đại.

Xã hội coi trọng Lễ, thì sẽ ít phải dùng đến sự can thiệp của Hình phạt trong mối quan hệ giữa Người với Người. Một đứa trẻ biết khoanh tay chào người lớn, ắt sẽ khó trở thành kẻ giết người không ghê tay. Một gia đình ngồi bên nhau hàng ngàn bữa cơm tối, cũng sẽ có những mối quan hệ bền vững hơn nhiều. Không biết ở VN đã có nghiên cứu nào về tỷ lệ ly hôn trong số các cô gái còn trinh tiết đến khi lấy chồng hay không, nhưng có cơ sở để tin rằng tỷ lệ này thấp hơn so với mặt bằng chung.

Chuyện trinh tiết của cô dâu thực ra cũng là một nghi thức trong cái Lễ của xã hội phương Đông. (Hình minh họa)

Chạy đến chỗ người ta đã đi qua?

Chuyện trinh tiết của cô dâu thực ra cũng là một nghi thức trong cái Lễ của xã hội phương Đông.  Nó là một yếu tố góp phần tăng sự bền vững của hôn nhân. Ảnh hưởng lối sống tự do sau cuộc cách mạng tình dục đã lan đến châu Á, làm một số người từ thái cực quá coi trọng trinh tiết cô dâu, chuyển qua thái cực cho rằng chuyện đó chẳng có một chút ý nghĩa nào. Tuy nhiên tỷ lệ ly hôn lên đến 50% tại Mỹ, và hơn 30% tại VN trong những năm gần đây, cho thấy rằng khi con người sống thiếu kiềm chế và coi nhẹ các giá trị đạo đức, thì xã hội sẽ phải trả giá bằng sự bất ổn ngày càng gia tăng. Thực tế này đã được các triết gia Nho giáo nhìn thấy từ hàng ngàn năm trước, với quan điểm cho rằng xã hội luôn cần sự cân bằng, nếu trọng Lễ thì sẽ nhẹ Hình, và ngược lại.

Những cuộc tranh cãi về các giá trị phương Đông như trinh tiết, li dị, gia đình, hôn nhân,… không được định hướng tốt đẹp, mà thường kết luận bằng những lập luận võ đoán, không có cơ sở, cho rằng trong các xã hội “văn minh” thì không ai còn coi trọng các giá trị phương Đông ấy nữa.

Trong khi phương Tây đang quay về với trinh tiết, các giá trị gia đình, sống tiết kiệm, gìn giữ thiên nhiên, không quá coi trọng đồng tiền,… thì chúng ta lại chạy theo mô hình phát triển với các giá trị không bền vững mà họ đang bỏ lại phía sau.

Viên Thông