Đánh giá Surface Go dưới góc độ người dùng iPad Pro

    Bình Minh - Thiết kế: Tom,  

    Surface Go là một chiếc máy hiếm có, khó tìm dành cho những người với nhu cầu làm việc mọi lúc, mọi nơi.

    Đánh giá Surface Go dưới góc độ người dùng iPad Pro - Ảnh 1.

    Trước khi đi đến với những cảm nghĩ của tôi về chiếc Surface Go, chúng ta hãy cùng ngồi lại và làm rõ một chuyện. Surface Go là một chiếc máy tính bảng lai laptop với chip yếu, RAM thường, SSD "còi" mà mức giá lên đến 15-20 triệu đồng. Nếu đến đây bạn nghĩ rằng: "Từng ấy tiền tôi có thể mua được một chiếc máy chip Core i đời 8, RAM khỏe, thậm chí VGA rời... tội gì phải lựa chọn chiếc máy yếu xìu như thế này?" thì có lẽ bạn nên dừng đọc bài review này tại đây... vì Surface Go không phải chiếc máy dành cho bạn.

    Đánh giá Surface Go dưới góc độ người dùng iPad Pro - Ảnh 2.

    Cứ thi thoảng, tôi lại nhận được câu hỏi: "Đâu là chiếc laptop tốt nhất trong tầm giá X triệu?". Và cứ mỗi lần như vậy, tôi lại cảm thấy hết sức khó xử. Nếu ở lĩnh vực smartphone, chúng ta có thể đưa ra câu trả lời cho câu hỏi trên vì đa phần người dùng đều có những nhu cầu rất giống nhau như thiết kế đẹp, mượt mà, chụp ảnh tốt... thì, đối với laptop, những nhu cầu đó lại rất khác nhau. 

    Một số người với nhu cầu công việc nặng hoặc có sở thích chơi game thì cấu hình rõ ràng là yếu tố hàng đầu. Tuy nhiên, nếu bạn là một người coi trọng tính di động và cần một chiếc laptop mỏng, nhẹ nhất có thể, thì rõ ràng những chiếc gaming laptop hay workstation to, dày, nặng sẽ không phải là sự lựa chọn hợp lý. Khoản đầu tư cho một chiếc laptop được coi là hợp lý khi nó phục vụ tốt cho nhu cầu của bạn, chứ KHÔNG PHẢI là nó có sở hữu cấu hình mạnh nhất tầm giá hay không.

    Surface Go, đúng như tên gọi, được sinh ra dành cho người với nhu cầu liên tục di chuyển và luôn mang theo mình một chiếc máy tính nhỏ-mỏng-nhẹ và có hiệu năng vừa đủ để giải quyết công việc ở mức cơ bản.

    Đánh giá Surface Go dưới góc độ người dùng iPad Pro - Ảnh 3.

    Trước khi đến với Surface Go, tôi vẫn luôn sử dụng iPad Pro làm chiếc máy tính "mọi lúc-mọi nơi" của mình. Sở dĩ tôi lựa chọn chiếc máy này cũng vì lẽ rất đơn giản: nó nhỏ (có thể đút vừa chiếc túi đeo chéo Xiaomi mà tôi sử dụng), nó nhẹ (tổng trọng lượng kèm cả bàn phím rời là khoảng gần 700g) và nó đáp ứng được phần nào nhu cầu làm việc của tôi.

    Đánh giá Surface Go dưới góc độ người dùng iPad Pro - Ảnh 4.

    Sở dĩ nói là "phần nào" vì iOS vẫn là một hệ điều hành khá hạn chế dành cho công việc và vẫn chưa thể giúp tôi giải quyết được tất cả chúng một cách dễ dàng. Mặc dù Apple đã có nhiều cải tiến cho iPad trong các phiên bản iOS gần đây (đặc biệt là iOS 11) nhằm tăng cường khả năng làm việc của chiếc máy này, tuy nhiên những vấn đề về quản lý tập tin, ứng dụng bên thứ ba hay không hỗ trợ chuột khiến tôi cảm thấy khả năng của mình như đang bị giới hạn.

    Đánh giá Surface Go dưới góc độ người dùng iPad Pro - Ảnh 5.

    Chuyển từ iPad sang Surface Go để làm việc cũng như chuyển từ xe đạp sang xe máy vậy. Mọi công việc được giải quyết nhanh hơn, dễ dàng hơn và theo một cách cũng thân thuộc hơn rất nhiều.

    Đầu tiên, cần phải nói rằng Surface Go là một chiếc máy tính bảng, và để có thể sử dụng nó như một chiếc laptop bạn sẽ phải mua thêm phụ kiện Type Cover với giá là 130 USD. Đây là một khoản đầu tư không hề nhỏ, nhưng hãy tin tôi đi, nếu bạn đã mua Surface Go thì đừng ngần ngại mua thêm món phụ kiện này - nó sẽ thay đổi hoàn toàn trải nghiệm của bạn đấy.

    Đánh giá Surface Go dưới góc độ người dùng iPad Pro - Ảnh 6.

    Một trong những điểm tôi thích nhất ở Type Cover (và ghét nhất ở iPad Pro) chính là khả năng hỗ trợ trackpad và chuột. Cả Surface Pro và iPad Pro đều có màn hình cảm ứng, tuy nhiên khi đặt lên bàn để làm việc thì với iPad Pro, người dùng sẽ phải giơ tay "chọt chọt" vào màn hình - rất mỏi và không hề thuận tiện một tí nào. Trong khi đó với Surface Pro, người dùng có thể sử dụng chuột hoặc trackpad được tích hợp ngay trên Type Cover. Sau một thời gian sử dụng iPad Pro, cánh tay của tôi có lẽ đang nợ Surface Go một lời cảm ơn.

    Cảm giác gõ của Type Cover không thế đã bằng bàn phím laptop thông thường, kích thước phím nhỏ cũng khiến tôi phải tốn một thời gian để làm quen. Tuy nhiên, khi xét đến độ mỏng và trọng lượng tối giản của Type Cover thì tôi không thể phàn nàn. Cảm giác gõ và độ mỏng/nhẹ của bàn phím là hai yếu tố đối nghịch nhau: bàn phím càng dày/nặng thì gõ càng "đã", còn bàn phím càng mỏng/nhẹ thì gõ càng tệ. Ở một thiết bị mang tính di động như Surface Go, tôi cho rằng Microsoft đã tìm được một sự cân bằng tốt giữa hai yếu tố trên. Chưa kể, Type Cover của Surface Go còn có cả đèn nền bàn phím, một thứ mà Smart Keyboard của iPad Pro hay các bàn phím bluetooth gắn ngoài dạng này đều thiếu vắng.

    Đánh giá Surface Go dưới góc độ người dùng iPad Pro - Ảnh 7.

    Surface Go và iPad Pro

    Nói về thiết kế sản phẩm và sự tiện dụng trong công việc, một chi tiết khác không thể bỏ qua ở Surface Go là chân đế. Đây là một "tính năng" xuất hiện ngay từ những thế hệ Surface đầu tiên, và thật tuyệt vời khi Microsoft vẫn giữ nguyên nó sau nhiều thế hệ. 

    So với iPad Pro, chân đế của Surface Go là một lợi thế lớn. Để có thể đứng được trên bàn như vậy, người dùng iPad Pro sẽ buộc phải mua thêm phụ kiện Smart Case (hoặc Smart Keyboard). Kể cả như vậy, cảm giác của nó cũng không chắc chắn bằng chân đế của Surface, người dùng cũng không thể điều chỉnh góc màn hình như Surface được.

    Đánh giá Surface Go dưới góc độ người dùng iPad Pro - Ảnh 8.

    Màn hình của Surface Go có kích thước 10.6 inch và độ phân giải 1800x1200. Có thể với nhiều người, kích thước màn hình 10.6 inch là quá nhỏ để làm việc thoải mái - và tôi cũng phải công nhận điều này. Tuy nhiên khi bạn là một người ưu tiên yếu tố di động, thì việc Surface Go sở hữu một màn hình nhỏ bỗng chốc lại trở thành điểm mạnh, vì nếu máy quá to thì sẽ gây khó khăn khi di chuyển. Thực tế, bạn có thể tìm được rất nhiều chiếc laptop mỏng và nhẹ (như LG Gram hay MacBook 12"), tuy nhiên khi bạn cần cả nhỏ-mỏng-nhẹ thì trên thị trường không có nhiều sự lựa chọn đâu.

    Đánh giá Surface Go dưới góc độ người dùng iPad Pro - Ảnh 9.

    Về cổng kết nối, Surface Go bao gồm 1 cổng Surface Connect, 1 cổng USB-C, 1 jack cắm tai nghe 3.5mm và 1 khe thẻ nhớ microSD. Trong khi đó, iPad Pro chỉ có 1 cổng Lightning duy nhất. 

    Rõ ràng, USB-C là một cổng kết nối linh hoạt hơn rất nhiều do là một chuẩn chung, trong khi Lightning lại là chuẩn riêng của Apple. Cổng USB-C của Surface Go chỉ là USB-C đơn thuần chứ không phải Thunderbolt 3, tuy nhiên băng thông của nó cũng đủ lớn để người dùng có thể cắm một chiếc hub với hàng loạt các cổng kết nối quen thuộc hơn như USB-A, Ethernet, HDMI... 

    Cổng USB-C còn đem đến một lợi thế khác là sạc. Trong hộp của Surface Go là một cục sạc qua cổng Surface Connect, tuy nhiên, tôi thậm chí còn không cần sử dụng cục sạc này. Do tôi đã có sẵn cục sạc USB-C PD dòng ra 29W và một sợi cáp USB-C to USB-C, tôi hoàn toàn có thể sử dụng nó để sạc cho Surface Go. Thật tiện lợi vô cùng khi tôi chỉ cần mang theo mình một củ sạc duy nhất là có thể sạc cho cả Surface Go, điện thoại và các thiết bị khác với cổng USB-C. 

    Đánh giá Surface Go dưới góc độ người dùng iPad Pro - Ảnh 10.

    Một điểm mà tôi rất ưng ở Surface Go là khe cắm thẻ nhớ. Là một người thường xuyên chụp ảnh và làm việc với các phần mềm như Photoshop hay Lightroom, khả năng của Surface Go cho phép tôi nhập ảnh từ thẻ nhớ và chỉnh sửa ngay sau khi chụp quả là tuyệt vời. 

    Để làm điều tương tự với iPad Pro, bạn sẽ cần mua thêm một adapter Lightning to SD Card với giá 29 USD. Giá cả chỉ là một phần, nhưng đối với tôi thì vấn đề lớn nhất của nó là tính di động. Như đã nói ở trên, do đây là một chiếc máy tính tôi luôn mang theo người, vì vậy tôi mong muốn nó phải nhẹ nhất có thể. Và, việc phải mang theo một đống adapter sẽ không phải là giải pháp phù hợp. 

    Sự kết hợp giữa chân đế, cổng kết nối đa dạng và Type Cover của Surface Go tạo ra một công cụ làm việc thoải mái, tiện lợi... như một chiếc laptop. Đây là điều mà tôi chưa bao giờ cảm nhận được ở iPad Pro với góc nhìn màn hình cố định, cổng kết nối hạn chế và sự thiếu vắng chuột/bàn rê của nó.

    Đánh giá Surface Go dưới góc độ người dùng iPad Pro - Ảnh 11.

    Tuy nhiên, sự khác biệt lớn nhất giữa Surface Go và iPad Pro không phải là phần cứng, mà là phần mềm. Nếu như iPad Pro chạy iOS - một hệ điều hành nguyên bản được sinh ra dành cho điện thoại, thì Surface Pro chạy Windows 10 - một hệ điều hành thực thụ dành cho máy tính. 

    Như đã nói ở trên, Apple đã cố gắng rất nhiều để có thể biến iOS trở thành một môi trường làm việc hấp dẫn hơn thông qua một số tính năng như chia đôi màn hình, kéo thả, hỗ trợ phím tắt... Ngược lại, Microsoft lại có thể hoàn toàn tự tin "dậm chân tại chỗ" với Windows, đơn giản là vì hệ điều hành này vẫn được coi là tiêu chuẩn vàng dành cho công việc trong suốt hàng thập kỷ qua, và những tính năng mà iOS mới được bổ sung thì Windows đã có từ lâu rồi.

    Đánh giá Surface Go dưới góc độ người dùng iPad Pro - Ảnh 12.

    Yếu tố quan trọng nhất góp phần cho thắng lợi của Windows chính là ở ứng dụng. Xét về cả số lượng và chất lượng, ứng dụng hỗ trợ công việc trên Windows đều áp đảo iOS, và khoảng cách giữa hai hệ điều hành này là rất, rất xa. Một số ứng dụng công việc phổ biến như Microsoft Office hay Adobe Lightroom mặc dù có phiên bản cho iPad, tuy nhiên cách sử dụng lại có khác biệt so với PC và người dùng sẽ phải tập làm quen. 

    Nhìn chung khi mua iPad Pro, bạn sẽ phải tìm hiểu rất kỹ về các ứng dụng mà bạn sẽ sử dụng, để chắc chắn rằng chúng có thể đáp ứng được nhu cầu công việc của bạn. Đây không phải là vấn đề với Surface Go.

    Đánh giá Surface Go dưới góc độ người dùng iPad Pro - Ảnh 13.

    Dưới vai trò của một chiếc laptop, của một công cụ hỗ trợ công việc, Surface Go là một chiếc máy rất tốt. Tuy nhiên, dưới vai trò của một chiếc tablet, của một công cụ giải trí, Surface Go lại là một chiếc máy tệ hại.

    Như đã nói ở trên, Windows và iOS có hai khởi đầu khác nhau: một là hệ điều hành nguyên bản dành cho máy tính, còn một là hệ điều hành nguyên bản dành cho điện thoại. Nếu như Windows là hệ điều hành tuyệt vời để tạo dựng (creation), thì iOS lại là hệ điều hành tốt hơn để... "hưởng thụ" (consumption). 

    Thật vậy, tất cả các ứng dụng mà chúng ta có thể coi là "giải trí" như lướt web, Facebook, Youtube, Zing MP3/Spotify và cả game đều được đảm nhiệm tốt hơn trên iPad Pro. Các dịch vụ trên đều có ứng dụng chính chủ và có thể cài đặt trực tiếp trên iPad, còn với Surface Go thì người dùng sẽ phải "lọ mọ" gõ địa chỉ website vào trình duyệt - khá rườm rà. Giao diện người dùng của iOS cũng "dễ thở" và phù hợp với các thao tác cảm ứng bằng ngón tay hơn Windows. 

    Đánh giá Surface Go dưới góc độ người dùng iPad Pro - Ảnh 14.

    Giao diện người dùng của Windows không phù hợp với thao tác bằng ngón tay

    Nếu như Surface Go đem lại cảm giác thoải mái khi làm việc, thì iPad Pro lại đem lại sự thư thái khi giải trí. Chẳng có ai dành cả cuộc đời mình để làm việc và ai cũng có phút giây giải trí. Chính vì vậy, tôi vẫn sẽ giữ chiếc iPad Pro nhằm phục vụ cho mục đích giải trí và giải quyết một số công việc đơn giản.

    Đánh giá Surface Go dưới góc độ người dùng iPad Pro - Ảnh 15.

    Nếu như bạn đã hiểu được Surface Go là một chiếc máy như thế nào, bạn thấy rằng mình phù hợp với nó và đang cân nhắc đến chuyện sở hữu, thì sau đây là một vài điều mà bạn cần lưu ý về chiếc máy này.

    Đánh giá Surface Go dưới góc độ người dùng iPad Pro - Ảnh 16.

    Surface Go có hai phiên bản: RAM 4GB bộ nhớ trong 64GB với giá 399 USD và RAM 8GB bộ nhớ trong 128GB với giá 549 USD. Đã có nhiều thông tin cho biết phiên bản 64GB sử dụng bộ nhớ trong eMMC cho tốc độ chậm hơn nhiều so với SSD của phiên bản 128GB. Kể cả khi bạn không quan tâm đến tốc độ, bạn vẫn nên lựa chọn phiên bản cao cấp hơn vì dung lượng lưu trữ 64GB là quá ít, chưa kể dung lượng RAM 8GB sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình làm việc hiện tại và sau này. Đây cũng là phiên bản mà tôi lựa chọn để đánh giá.

    Đánh giá Surface Go dưới góc độ người dùng iPad Pro - Ảnh 17.

    Tốc độ của SSD 128GB trên Surface Go

    Hiệu năng có lẽ là thứ mà nhiều người quan tâm nhất. Surface Go được trang bị con chip Pentium Gold 4415Y, và như đã nói ở đầu bài viết, hiệu năng của nó thậm chí còn thua cả một con chip Core i5 thế hệ thứ 3 là Core i5-3317U.

    Đánh giá Surface Go dưới góc độ người dùng iPad Pro - Ảnh 18.

    Hiệu năng của con chip Pentium Gold 4415Y thua kém cả Core i5-3317U từ 6 năm trước

    Mặc dù điểm số benchmark "bết bát" là vậy, tuy nhiên trong thực tế thì Surface Go không hề chậm như nhiều người nghĩ. Tôi vẫn có thể lướt web với 5-7 tab Chrome, kèm thêm một số ứng dụng chạy nền như Telegram, Spotify, Outlook, Word... mà chưa bao giờ thấy khó chịu vì máy chạy chậm. Nó thậm chí còn có thể "cân" được cả một số ứng dụng chuyên nghiệp như Photoshop và Lightroom ở mức cơ bản.

    Đánh giá Surface Go dưới góc độ người dùng iPad Pro - Ảnh 19.

    Phần mềm chỉnh sửa ảnh Lightroom trên Surface Go

    Lợi thế lớn nhất của chip Pentium Gold 4415Y là công suất tiêu thụ (TDP) chỉ 6W. Nhiệt lượng tỏa ra ít khiến cho Surface Go không cần đến quạt hay thậm chí là cả ống đồng tản nhiệt, nhưng vẫn giữ được mức nhiệt độ ổn định (xấp xỉ 60 độ C khi full load). Ngoài ra, do bên trong Type Cover không có bất cứ thành phần nào sinh nhiệt, người dùng cũng sẽ không cảm thấy tình trạng nóng ở phân kê tay (palm rest) như những chiếc laptop khác.

    Đánh giá Surface Go dưới góc độ người dùng iPad Pro - Ảnh 20.

    Con chip Pentium Gold 4415Y không vượt ngưỡng 60 độ C khi full load

    Thời lượng pin của Surface Go không hẳn là xuất sắc, nhưng dừng lại ở mức chấp nhận được. Với nhu cầu sử dụng như trên, chiếc Surface Go có thể trụ được khoảng 4-4.5 tiếng. Nếu bạn không sử dụng các ứng dụng như Photoshop, Lightroom hay đặc biệt là mở ít tab Chrome hơn tôi, có lẽ thời lượng pin sẽ cao hơn một chút - nhưng chắc chắn là sẽ không thể đạt được mức 9 tiếng mà Microsoft hứa hẹn.

    Đánh giá Surface Go dưới góc độ người dùng iPad Pro - Ảnh 21.

    Thời lượng pin của Surface Go ở mức chấp nhận được

    Bên cạnh thời lượng pin, một điều nữa mà tôi không thật sự ưng ở Surface Go là viền màn hình khá dày. Mặc dù tôi đã có thể làm quen với điều này sau một thời gian sử dụng, tuy nhiên cứ mỗi khi chuyển qua những chiếc smartphone với viền mỏng dính rồi quay lại Surface Go, tôi không khỏi cảm thấy "tù túng". Hy vọng Microsoft sẽ có thể tìm cách giảm thiểu viền màn hình trên thế hệ Surface Go 2 tiếp theo, vì đó là một cách rất tốt để tăng không gian hiển thị của màn hình và cải thiện quá trình làm việc của người dùng.

    Đánh giá Surface Go dưới góc độ người dùng iPad Pro - Ảnh 22.

    Viền màn hình của Surface Go khá dày

    Thứ mà tôi cảm thấy lo lắng nhất với Surface Go là chất lượng và độ bền. Surface không phải là dòng máy bền bỉ nhất mà bạn có thể mua được - tôi đã từng gặp nhiều trường hợp Surface bị hỏng sau khoảng 2 năm sử dụng. Ngay cả Consumer Reports trước đây cũng từng ngừng khuyến nghị mua Surface vì độ bền thấp hơn so với các dòng máy khác (mặc dù vậy, tất cả mọi dòng máy Surface trừ Surface Go đã tiếp tục được Consumer Reports khuyến nghị cách đây không lâu).

    Do thời gian sử dụng Surface Go của tôi là chưa lâu, vậy nên tôi khó có thể đưa ra bất kỳ kết luận nào về độ bền của chiếc máy này. Tuy nhiên, điều tôi có thể nhận thấy là chất liệu vải của Type Cover bắt đầu xuất hiện những mảng màu sắc khác so với phần còn lại, cảm giác khi đặt ngón tay lên đó cũng sần sùi hơn. Đây là một điều đã được dự đoán trước với chất liệu vải này - ước gì Microsoft có thể sử dụng một chất liệu bền hơn.

    Đánh giá Surface Go dưới góc độ người dùng iPad Pro - Ảnh 23.

    Chất liệu vải của Type Cover xuất hiện những vết sần sùi sau một thời gian ngắn sử dụng

    Đánh giá Surface Go dưới góc độ người dùng iPad Pro - Ảnh 24.

    Đây là điều mà có thể bạn đã hiểu, tuy nhiên tôi nghĩ không thừa khi nhắc lại: Surface Go không phải là chiếc máy dành cho tất cả mọi người. Đây là điều quá rõ ràng đối với không chỉ đối tượng người dùng nặng như game thủ, kỹ sư, designer... mà là ngay cả với đối tượng người dùng bình dân. Sở dĩ nói như vậy vì cùng tầm giá của Surface Go, người dùng có thể dễ dàng tìm được những chiếc máy với màn hình lớn hơn, cấu hình mạnh hơn, đáp ứng công việc tốt hơn và trọng lượng vẫn nằm trong mức chấp nhận được.

    Surface Go được sinh ra để phục vụ 1 đối tượng người dùng duy nhất, đó là những người liên tục di chuyển và cần một chiếc máy nhỏ-mỏng-nhẹ. Cá nhân tôi là một người có đam mê với những dòng máy nhỏ-mỏng-nhẹ như thế này, và tôi có thể phải khẳng định rằng Surface Go là một chiếc máy hiếm có-khó tìm mà tôi và nhiều người khác đã chờ đợi từ rất lâu.

    Xin cảm ơn cửa hàng TMTShop đã giúp đỡ chúng tôi thực hiện bài viết này!

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ