Nguy cơ dư thừa dầu vì kinh tế châu Á suy yếu

Giới đầu tư đang lo ngại dầu thô sẽ dư thừa khi nguồn cung dầu tăng lên mức kỷ lục ngay đúng lúc triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế quan trọng ở châu Á suy yếu.

Bức tranh thị trường dầu thay đổi đột ngột

Sản lượng dầu của Mỹ (đường màu xanh dương), Nga (màu đỏ) và Saudi Arabia (màu xanh lá cây) đạt mức kỷ lục trong tháng 10-2018. Ảnh: Reuters

Vào tháng 9 và tháng 10, giới phân tích và các tổ chức giao dịch dầu thô hàng đầu toàn cầu dự báo giá dầu Brent ở thị trường London sẽ chạm mức 90 thậm chí 100 đô la/thùng vào cuối năm nay do lo ngại nguồn cung suy giảm mạnh bởi tác động từ lệnh cấm vận dầu của Mỹ nhằm vào Iran. Tuy nhiên, giờ đây, họ lại lo ngại nguồn cung sẽ dư thừa khi bức tranh thị trường dầu thay đổi đột ngột.

Hôm 13-11, thị trường dầu chứng kiến ngày giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 9-2015 khi giá dầu Tây Texas (WTI) trên thị trường New York giảm 7% xuống còn 55,69 đô la/thùng, mức thấp nhất trong vòng một năm. Đà giảm giá kỷ lục 12 phiên liên tiếp đã khiến giá dầu WTI giảm 25% so với mức đỉnh vào đầu tháng 10. Giá dầu Brent tại thị trường London cũng giảm mạnh 6,6% về mức 65,47 đô la/thùng, thấp hơn 20 đô la so với mức đỉnh hơn 86 đô la/thùng được xác lập vào đầu tháng 10.

Giá dầu giảm dù 24 giờ trước đó, Saudi Arabia cam kết giảm sản lượng khai thác trong tháng 12 và kêu gọi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng nước đồng minh ngoài OPEC cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày.

Russ Mould, Giám đốc đầu tư ở Công ty AJ Bell (Anh) cho biết các thảo luận cắt giảm sản lượng dầu của Saudi Arabia thường sẽ hỗ trợ giá dầu nhưng lần này sẽ gồm các yếu tố khác như sản lượng dầu của Mỹ tăng vọt và quyết định cho phép 8 nước tiếp tục mua dầu của Iran trong 6 tháng sau khi Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt đầy đủ, bao gồm lệnh cấm vận dầu nhằm vào Iran hôm 5-11.

Dữ liệu theo dõi hoạt động chở dầu bằng đường biển cho thấy trong tháng 11, mỗi ngày có trung bình hơn 22 triệu thùng dầu được cung cấp cho các thị trường châu Á, tăng khoảng 15% so với thời điểm tháng 1-2017 và tăng gần 5% so với đầu năm nay. Phần lớn khối lượng dầu này được đặt mua trước khi Mỹ chính thức tái áp đặt lệnh cấm vận dầu đối với Iran khi các công ty lọc dầu ở châu Á chuẩn bị cho tình huống nguồn cung suy giảm đột ngột. Tuy nhiên, với gần 8 nước được Washington cho phép tiếp tục mua dầu thô của Iran, nguy cơ suy giảm mạnh nguồn cung đã không xảy ra.

Nguồn cung dầu trên toàn cầu cũng đang tăng mạnh mẽ nhờ sản lượng tăng vọt từ ba nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới gồm Mỹ, Nga và Saudi Arabia. Trong tháng 10-2018, sản lượng dầu tổng cộng của 3 nước này lần đầu tiên vượt mức 33 triệu thùng/ngày, giúp đáp ứng hơn 1/3 nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu mỗi ngày. Nguồn cung dồi dào được hấp thụ tốt nhờ nhu cầu mạnh mẽ không chỉ ở các nền kinh tế mới nổi ở châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ và còn ở các thị trường phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Song giờ đây, nguồn cung tăng mạnh đang đe dọa tạo ra tình trạng dư thừa dầu, khiến giá dầu Brent và dầu WTI lao dốc vì các nhà đầu tư rút tiền khỏi các thị trường dầu.

Nỗi lo tăng trưởng suy yếu ở châu Á

Doanh số ô tô ở Trung Quốc (màu đỏ) và Ấn Độ (màu xanh) được dự báo suy giảm trong năm 2018. Ảnh: Reuters

Giới phân tích cảnh báo thị trường dầu có thể ảm đạm hơn khi các dấu hiệu của một đợt suy giảm tăng trưởng kinh tế xuất hiện khắp các nền kinh tế lớn nhất châu Á. “Xung lực tăng trưởng dường như đang chậm lại ở khu vực châu Á do các điều kiện tài chính bị thắt chặt hơn và thương mại toàn cầu đang trì trệ”, Frederic Neumann, đồng giám đốc bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á của Ngân hàng HSBC tại Hồng Kông, nói.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất châu Á, có thể lần đầu tiên chứng kiến doanh số ô tô trong năm 2018 vì sức mua của người dân yếu đi trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh vẫn chưa có lối thoát. Doanh số ô tô giảm sẽ tác động tiêu cực đến nhu cầu dầu.

Tại Nhật Bản, nền kinh tế tăng trưởng âm 1,2% trong quí 3-2018 do các thảm họa thiên nhiên cũng như suy giảm xuất khẩu khi làn sóng chủ nghĩa bảo hộ dâng cao giáng một đòn mạnh vào thương mại toàn cầu. Và tại Ấn Độ, giá của đồng rupee lao dốc đã khiến chi phí nhập khẩu hàng hóa bao gồm dầu thô tăng vọt, làm giảm sức mua của một trong những thị trường mới nổi lớn nhất châu Á. Doanh số ô tô tại Ấn Độ cũng được dự báo suy giảm trong năm nay.

“Dù trong những tháng vừa qua, tâm điểm chú ý của thị trường là lệnh cấm vận dầu của Mỹ nhằm vào Iran và sản lượng dầu suy giảm ở Venezuela sẽ làm tăng các rủi ro nguồn cung bị thu hẹp nhưng hiện nay, thị trường lại lo lắng về nguy cơ nguồn cung quá nhiều. Các quỹ phòng hộ và các dòng tiền đầu cơ khác đã thay đổi vị thế từ mua sang bán khống”, Norbert Ruecker, Giám đốc bộ phận nghiên cứu ở Ngân hàng Julius Baer (Thụy Sĩ), nói.

Còn theo ông Frederic Neumann dự báo xu hướng giảm của giá dầu sẽ tiếp tục kéo sang năm 2019, “Các hoạt động kinh tế trên toàn cầu tiếp tục giảm tốc và có thể kìm hãm nhu cầu dầu trong một thời gian”.

Trong báo cáo hàng tháng công bố hôm 13-11, OPEC cảnh báo tình trạng dư thừa nguồn cung dầu có thể tái xuất hiện trong năm 2019 khi nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và nguồn cung từ các nước sản xuất dầu ngoài OPEC tăng nhanh hơn dự báo. Báo cáo cho biết nhu cầu dầu của thế giới sẽ tăng thêm 1,29 triệu thùng/ngày, giảm 70.000 thùng/ngày so với lần dự báo trước đây của OPEC. Trong khi đó, nguồn cung dầu ngoài OPEC sẽ tăng 2,23 triệu thùng/ngày, cao hơn 120.000 thùng/ngày so với dự báo trước đây.

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/281694/nguy-co-du-thua-dau-vi-kinh-te-chau-a-suy-yeu.html