Phong tục cưới hỏi giữa Việt Nam và Mỹ tuy khác biệt nhưng cũng có những điểm tương đồng thú vị.

Mừng cưới: Quẹt thẻ và xuống sổ

Mang 200 triệu mừng cưới đầu tư, giấu chồng 3 năm mới dám hé lời

Từ xa xưa, mùa cưới tại Việt Nam luôn bắt đầu khi mùa gặt kết thúc. Lúc này thóc lúa đầy kho, thời tiết mát mẻ nên rất thích hợp để tổ chức hỷ sự. Cao điểm mùa cưới thường diễn ra từ tháng 8 cho đến hết tháng 2 âm lịch. Khác với chúng ta, các cặp đôi người Mỹ tổ chức đám cưới cả 4 mùa trong năm tùy theo sở thích.

Có người thích một đám cưới tuyết trắng lãng mạn vào mùa đông, người khác lại thích một đêm cưới sôi nổi bên bờ biển thì sẽ chọn mùa hè. Những ai muốn một đám cưới ngập tràn hoa nở thì sẽ chọn mùa xuân để kết hôn.

{keywords}
Tháng 10 dương lịch ở Mỹ cũng là mùa cưới

Nhưng dù là ở Việt Nam hay Mỹ, tổ chức đám cưới luôn là một việc tốn kém đắt đỏ khiến cho các cặp đôi phải đau đầu tính toán. Với truyền thống cũ của người Mỹ, nhà gái sẽ là bên trả tiền cho hầu hết các chi phí của đám cưới đồng thời quyết định quy mô của bữa tiệc, phong cách trang trí..v.v... Nhà trai sẽ đề nghị trả một phần chi phí của bữa tiệc cưới như phép lịch sự.

Còn ngày nay, hai bên sẽ san sẻ tiền tổ chức tùy theo tình hình kinh tế của mỗi nhà. Thông thường nhà gái sẽ thanh toán phí thuê nhà thờ, tổ chức tiệc, mua bánh cưới... còn nhà trai sẽ đảm nhận mua nhẫn cưới, phí đăng ký kết hôn, mua hoa cưới, tiền đi trăng mật.

Do độ tuổi kết hôn ngày càng cao, cô dâu chú rể cũng có điều kiện tài chính hơn trước nên nhiều cặp vợ chồng tại Mỹ tự chi trả cho đám cưới của mình. Đặc biệt hơn, từ khi luật pháp Mỹ công nhận hôn nhân đồng tính, phong tục cũ nhà gái phải trả hết tiền càng trở nên lỗi thời, lạc hậu.

{keywords}
Thiệp phản hồi RSVP

Việc lên danh sách khách mời và tổ chức tiệc cưới luôn là chuyện khiến các cặp đôi đau đầu nhất. Để tránh thừa cỗ, người Việt Nam chúng ta thường chuẩn bị cỗ ít hơn một chút so với số thiếp mời phát ra. Ít hơn bao nhiêu thì do tùy gia chủ quyết định, có thể là 5% đến 10%. Việc thiếu cỗ xảy ra đôi khi làm chủ nhà méo mặt vì khó xử.

Còn đối với đa số các nước phương Tây, khi gửi thiếp mời họ sẽ gửi kèm theo thiệp RSVP (thiệp phản hồi). Khách được mời có tới tham dự được hay không sẽ điền thông tin vào thiệp gửi lại cô dâu chú rể. Một số gia đình cẩn thận còn chuẩn bị sẵn phong bì đã dán tem để khách mời gửi lại không mất phí. Đây có lẽ là một nét văn hóa rất hay mà chúng ta nên học tập.

Quà mừng cưới truyền thống của người Mỹ là đồ sứ như bát đĩa nói chung. Ở thời hiện đại, loại quà cưới này đã không còn phù hợp. Các cặp vợ chồng có thể lên một danh sách các đồ dùng cần thiết để khách mời lựa chọn mua tặng. Ai muốn tặng món nào sẽ đăng ký với cô dâu chú rể để tránh mua trùng nhau.

{keywords}
Tiền mừng cưới có thể gấp cách điệu như thế này

Tuy nhiên, có rất nhiều cặp vợ chồng Mỹ được hỏi muốn nhận tiền mặt nhưng ngại không biết mở lời với khách ra sao. Có thể họ sẽ chọn cách nói bóng gió với người thân hoặc bạn bè thân thiết để bắn tin đến những người được mời. Hoặc cô dâu chú rể sẽ thông báo với khách mời rằng mình đang tạo một "quỹ tiết kiệm đi trăng mật", khách mời sẽ ủng hộ tiền vào quỹ này. Một số khác chọn cách nói ngụ ý trong thiếp mời. Nếu bạn nhận được tấm thiếp mời ghi những câu hoa mỹ như "Món quà duy nhất chúng tôi cần là sự hiện diện của bạn" thì câu đó đồng nghĩa là "chúng tôi không cần bạn mang quà cho phiền phức, chúng tôi chỉ cần bạn và tiền mừng của bạn thôi". Khách mừng tiền mặt sẽ đính kèm một tấm thiệp ghi nội dung "tôi hi vọng số tiền này sẽ giúp ích 2 bạn trong chuyến du lịch trăng mật sắp tới" hoặc một lời chúc hạnh phúc khác.

Riêng chuyện tiền mừng này thì có lẽ người Mỹ còn phải học sự thẳng thắn của chúng ta nhiều.

{keywords}
Nỗi sợ mùa cưới không phải chỉ riêng người Việt Nam

Cũng giống như ở Việt Nam, chi phí quà mừng/tiền mừng tùy thuộc vào khả năng kinh tế của khách được mời. Tuy nhiên, số tiền mừng ít nhất cũng phải bù đắp được chi phí làm cỗ của chủ nhà. Theo thống kê gần đây của American Express Spending and Saving Tracker, số tiền mừng cưới trung bình của người Mỹ hiện nay khoảng 100 USD. Nếu là họ hàng hoặc bạn thân của cô dâu chú rể, tiền mừng cưới sẽ là 150 USD. Nếu bạn dẫn người yêu đi dự đám cưới cùng, theo phép lịch sự số tiền mừng cũng phải nhân lên. Hoặc nếu bạn không thể đến dự đám cưới, có thể gửi một tấm thiệp chúc mừng hoặc một món quà nhỏ tới cô dâu chú rể.

Cuối cùng, có một điểm tương đồng thú vị đó là người Mỹ cũng sợ mùa cưới như chúng ta. Sợ phải nhận hàng tá thiếp mời từ đồng nghiệp, họ hàng hay những người bạn quen biết sơ sơ. Tuy số tiền quà mừng chỉ từ 100-150 USD nhưng cộng cả chi phí đi lại thì có thể lên tới cả 500 USD cho một đám cưới. Mặc dù họ có thể từ chối qua thiệp RSVP nhưng với nhiều người từ chối khi được mời cưới vẫn là điều khó nói.

Hoàng Hiệp