Chất lượng sống

Tiếng khóc hài nhi, nỗi đau không của riêng ai: Cần sự rộng lượng

30/10/2018, 07:19

Ai cũng có lúc sai lầm, nhưng luôn có cơ hội sửa sai. Khi ấy, rất cần một bàn tay, bờ vai giúp họ.

15

Những cô gái mang thai ngoài ý muốn sẽ được CLB Sẻ chia sự sống Hà Nội hỗ trợ tạm trú, đồ ăn, nước uống... đến khi sinh con và tự lập nuôi con

Bàn tay, bờ vai ấy là sự rộng lượng của cộng đồng và tình yêu thương của gia đình, người thân. Được như vậy, sẽ có thêm nhiều cuộc đời được cứu vớt, của cả mẹ và bé…

“Ai cũng có lúc sai lầm, đừng bỏ cuộc…”

Hơn một năm về trước, chị H. (Hải Dương) phát hiện mình mang thai hai tháng ngoài ý muốn và bị gia đình ép phải phá bỏ. Tâm lý của chị lúc đó vô cùng hoảng sợ và tuyệt vọng khi không nhận được sự đồng cảm từ chính những người thân yêu. Nhưng sau khi nhận được thông điệp, lời động viên, khích lệ từ CLB Sẻ chia sự sống Hà Nội, chị H. đã quyết định vượt qua mọi thành kiến để giữ lại đứa bé và chấp nhận trở thành mẹ đơn thân. Ngày 23/10, bé trai kháu khỉnh tròn một tuổi, người mẹ trẻ đã chọn ngày sinh nhật của con để đến ký vào lá đơn tình nguyện hiến tặng mô tạng sau khi từ giã cõi đời. Đây có thể coi như món quà chị tặng cho cuộc đời vì nhờ sự quyết tâm, vượt qua những rào cản của xã hội để vui sống mỗi ngày.

Đó là một trong nhiều trường hợp của hoạt động cứu trợ thai nhi và hỗ trợ các cô gái mang thai ngoài ý muốn được CLB Sẻ chia sự sống Hà Nội thực hiện trong suốt 8 năm qua. Anh Lê Thành Trung, Chủ nhiệm CLB Sẻ chia sự sống Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 200 đứa bé được cứu sống theo cách như vậy.

"Mỗi ngày, tôi đều đăng tải thông tin, hình ảnh kèm theo những thông điệp như: “Con mình có giống với những đứa bé này không”, “Các bạn đừng bỏ cuộc”, “Nếu cần hãy liên hệ với chúng tôi”... Và điều đó cứ lặp đi, lặp lại với hy vọng đến một ngày nào đó, khi bạn gặp ai đó đang muốn phá thai. Ngay lập tức thông điệp đó sẽ bật ra và liên hệ đến chúng tôi để giúp đỡ”.

Anh Lê Thành Trung
Chủ nhiệm CLB Sẻ chia sự sống

Theo anh Trung, qua quá trình tiếp xúc được biết những cô gái này thường bị cô lập, không tìm được chỗ dựa từ chính những người xung quanh. Đó có thể là những cô gái bị bạo hành gia đình, bị ép phá thai hoặc một lý do cùng quẫn nào đó. Dần dần họ sẽ “co lại” dẫn đến trầm cảm và tự tìm một cách giải thoát cho mình. Giải pháp ở đây là cần phải lắng nghe, tạo chỗ dựa, sau đó vực họ dậy bằng những lời khuyên và hành động. Ví dụ như một cô gái mang thai 7 tháng, chúng tôi sẽ có lời khuyên như mức độ nguy hiểm khi nạo phá thai ra sao và rất nhiều hệ luỵ phía sau. Ngoài ra, CLB còn hỗ trợ tạm trú, đồ ăn, nước uống… cho đến lúc “mẹ tròn con vuông” tại bệnh viện.

Khi các cô gái đi qua được giai đoạn sinh nở, các tình nguyện viên sẽ tiếp tục hỗ trợ xin việc cho họ thông qua việc bảo lãnh với các doanh nghiệp. Một chu kỳ “cứu hộ” sẽ kết thúc khi cô gái đó có thể tự lập nuôi con. “Chúng tôi thường ví mình như những người đi “câu giờ” cùng họ qua những khoảng thời gian khủng hoảng nhất”, anh Trung bày tỏ.

Tuy nhiên, anh Trung giữ quan điểm sẽ không khuyến khích, hỗ trợ những cô gái này đem cho con của mình. Ngày hôm nay họ đang cùng quẫn, muốn giải thoát. Nhưng 5 năm, 10 năm nữa, cuộc sống trở nên tốt hơn, kinh tế phát triển, họ lại chợt nhận ra mình đã bỏ rơi một đứa con và việc mất người thân là một điều kinh khủng thì đã muộn.

“Các bạn đừng bỏ cuộc. Ai cũng có những lúc mắc sai lầm, nhưng quan trọng là bạn có nhận ra và muốn sửa cái sai đó hay không”, anh Trung nhắn nhủ.

Cần lắm những mái ấm

Không phải người mẹ trẻ nào cũng tìm được sự hỗ trợ để đi đến lựa chọn như cô gái H. ở Hải Dương kể trên. Và con trai cô cũng may mắn hơn nhiều đứa bé khác, đã phải ra đi ở bờ bụi, nghĩa trang, bệnh viện, phòng nạo chui... hoặc cũng có thể là một cú ném nghiệt ngã như ở chung cư Linh Đàm, Hà Nội vừa rồi.

Chỉ riêng từ CLB Sẻ chia sự sống Hà Nội, trung bình mỗi tháng có khoảng 300 - 400 thai nhi được anh Trung cùng các cộng sự thu nhận và chôn cất. Đặc biệt vào “mùa” phá thai những tháng cuối năm, số lượng này còn tăng lên rất nhiều.

Mỗi khi thông tin vụ việc được phát hiện, dư luận dành trọn trách móc, giận dữ, thậm chí căm phẫn lên người mẹ đã “xuống tay” với con mình. Điển hình như vụ việc cô gái ném con từ tầng 31 chung cư Linh Đàm đã bị cộng đồng không tiếc lời chửi bới, nhiếc móc, thậm chí nguyền rủa.

Nữ sinh Đinh Thị Vân Anh có tội và sẽ bị xử lý theo pháp luật. Nhưng, trong lúc mải mê “xét xử” người mẹ trẻ này, cộng đồng quên mất trách nhiệm của cha cháu bé tên S. Theo lời nữ sinh khai trước cơ quan điều tra, trong quá trình yêu S., cô gái đã từng phải phá thai tới 2 lần trước đó!

Nhà báo Nguyễn Tiến Tường nhớ mãi lần tới gặp cô gái 16 tuổi tự sinh con trong nhà tắm, gói vào bịch ni lông rồi bỏ thùng rác, may được bà chủ xóm trọ phát hiện. “L. quay mặt vào tường, ôm đứa bé khát sữa loe hoe ngón tay còn chưa hồng lại. Đôi mắt L. khẽ ứa ra những giọt lệ khi tôi hỏi về cha đứa trẻ. Gạt bỏ một sinh linh là điều rất đáng lên án. Nhưng đôi khi, họ nghĩ đơn giản là gạt bỏ một bi kịch. Bi kịch đó được khởi nguồn từ một sai lầm”, nam nhà báo nhấn mạnh.

Một nữ nhà báo nhiều năm viết về mảng hôn nhân gia đình chia sẻ thêm: Hàng loạt sự việc cũng là lời cảnh tỉnh, đánh động các phụ huynh có con em độ tuổi mới vào đời. Chúng ta có khi nào xua đuổi, chửi bới, góp phần bức tử chúng, hay gián tiếp đẩy chúng thành tội phạm giết người như bà mẹ trẻ ném con xuống đất kia không?

Chị kể, trên các diễn đàn dành cho chị em, hàng ngày xuất hiện vô số tình cảnh các thiếu nữ bị gia đình bỏ rơi khi lầm lỡ, thiếu sự chuẩn bị cả về tiền bạc, sức khoẻ, tâm lý làm mẹ trong khi tác giả bào thai đã “cao chạy xa bay”...

“Đàn bà khi thai sản, dù hạnh phúc đủ đầy, cũng đã rất nhạy cảm, tủi thân. Trong hoàn cảnh thiếu hụt, bất hạnh càng dễ rơi vào bế tắc, trầm cảm”, nữ nhà báo chia sẻ.

Tại một số địa phương từng có những cơ sở, cá nhân bỏ tiền xây nhà tạm lánh hay ngôi chùa, giáo sứ dành cho phụ nữ mang thai, góp phần cứu vớt bao mảnh đời lúc họ hoang mang không biết bấu víu vào đâu. “Nhưng, nếu bạn từng mang thai sinh nở, bạn sẽ thấy, chẳng nơi nào có thể an toàn như về với mẹ, với gia đình. Những cơn đau nhức xương cốt, những cơn nhợn ói thai nghén, trăm ngàn khó nhọc, bức bối tâm lý khi mang bầu, liệu có thể chia sẻ với người ngoài? Gia đình đúng nghĩa phải là nơi đón chúng ta trở về, ngay cả khi tả tơi thất bại, buồn đau, bất hạnh. Nếu gia đình không chìa vòng tay khi cần nhất thì bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, kể cả những vụ tự tử hay sản sinh tội phạm máu lạnh như những trường hợp xót xa vừa qua”, anh Trung chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.