BRT và những chuyến du lịch nước ngoài miễn phí

(Dân trí) - Câu chuyện dẫn từ kết luận của Thanh tra Chính phủ về dự án tuyến buýt nhanh mà Dân trí đã nêu chi tiết trong bài báo "Tuyến buýt nhanh BRT: Kỳ lạ chuyện cử đoàn nghiên cứu đi nước ngoài học hỏi kinh nghiệm" có lẽ là ví dụ không thể rõ nét hơn về chuyện có nhiều quan chức, công chức hiện nay mượn cớ đi nước ngoài khảo sát để đi... du lịch.

BRT và những chuyến du lịch nước ngoài miễn phí - 1

Có lẽ ai ở Hà Nội cũng đã biết Hà Nội có tuyến buýt nhanh, gọi là BRT, chậm tới 6 năm so với lúc được phê duyệt, để đến năm 2017 mới đi vào hoạt động. Nhưng nó nhanh và hiệu quả thế nào, chắc người dân Hà Nội, nhất là những người hàng ngày đi trên tuyến này đều biết.

Chính cơ quan nhà nước cũng từng cho biết, nó cũng chỉ nhanh hơn chút so với buýt thường. Và nhất là giờ cao điểm, thì nhiều khi, nó còn chậm hơn cả ...người đi xe máy khá nhiều.

Nhưng điều bất ngờ hơn, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ mới công bố, để thực hiện hệ thống xe buýt nhanh có tổng vốn lên tới 53,6 triệu USD này (vay Ngân hàng Thế giới), UBND Thành phố Hà Nội đã tổ chức ba đoàn đi nghiên cứu, khảo sát mô hình này tại Brazil, Colombia, Ecuado, Indonesia (năm 2004; 2009; 2014). Và kết quả: Một đoàn không có báo cáo kết quả, 2 đoàn có báo cáo nhưng lại không thể hiện nội dung liên quan đến khảo sát.

"Các tổ được cử đi không có tài liệu để tham gia, đóng góp đối với việc lập dự án đầu tư, thiết kế, dự toán xe BRT. Do đó không đạt mục tiêu của việc khảo sát", Thanh tra Chính phủ kết luận.

Ở một số nước, ví dụ như Thái Lan- một nước gần Việt Nam nhất, người ta đã thấy mô hình BRT thất bại và đã hủy bỏ. Tiếc thay, các đoàn khảo sát của Hà Nội không sang ngay đó mà học để biết vì sao BRT thất bại mà về góp ý cho ban quản lý dự án.

Nói đến đây thì ai cũng có thể hiểu, tuy Thanh tra Chính phủ không kết luận là các đoàn đi "khảo sát" kia đi nước ngoài chẳng phải để nghiên cứu, khảo sát gì hết cả. Thực tế là, họ đi chỉ là được đi, là đi chơi, đi du lịch. Chứ nếu họ đi khảo sát thật, ít nhất cũng phải có một bản báo cáo công việc liên đến đến việc nội dung chính họ phải làm cho phải phép. Đằng này, đoàn thì không có báo cáo, đoàn thì báo cáo việc khác, chẳng liên quan.

Thế nên, cũng chẳng khó hiểu khi hệ thống buýt nhanh Hà Nội giờ chẳng khác gì hệ thống buýt chậm như đã thấy. Ngay từ khâu lập dự án đầu tư, thiết kế, dự toán xe, nói là có tham khảo kinh nghiệm nước ngoài mà đoàn đi khảo sát lại chẳng đóng góp gì, thậm chí tài liệu cũng không thì chẳng hiểu họ học tập kinh nghiệm gì cho hệ thống này?

Mặc dù, lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội có nói rằng, một số chuyên gia có đánh giá rằng dự án BRT "đã đem lại hiệu quả". Nhưng đến nay "hiệu quả" đó thế nào, ai cũng rõ cả rồi. Thanh tra Chính phủ cũng đã có nhận xét: "Mặc dù được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng dự án chưa đạt hiệu quả như mong đợi, chưa đạt mục tiêu đề ra để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và từng bước nâng cao chất lượng môi trường của thành phố".

Và điều này, cũng được chứng minh bằng chính các con số trong báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội: "6 tháng đầu năm 2017, lượng khách bình quân đạt 39,9 người/lượt, mới chỉ đạt 44.3% so với công suất thiết kế là 90 người/lượt; lượt khách bình quân giờ cao điểm cũng chỉ đạt 69,7 người/lượt, đạt 75,4% công suất".

Thành tích quá khiêm tốn này, dù vậy, đáng tiếc, cũng chẳng có đóng góp của các đoàn đi khảo sát nước ngoài.

Đến đây, người viết bài này lại nhớ đến kết luận cũng của Thanh tra Chính phủ với các đoàn công tác của 4 bộ, ngành và nhiều địa phương đi nước ngoài trong các năm 2012-2016. Trong kết luận đó, cũng đã nêu rất, rất nhiều đoàn đi, nói là khảo sát, học tập nước ngoài nhưng thực chất là đi nước ngoài chơi.

Thành phần nhiều đoàn đi ở nhiều tỉnh, thành có cả những người sắp về hưu, những người đi không liên quan đến lĩnh vực công tác... và cũng như các đoàn đi khảo sát BRT của Hà Nội, về nhà họ còn chẳng thèm làm báo cáo xem đi "khảo sát", "nghiên cứu", "học tập"... họ đã ghi nhận được gì. Trong khi đó, số tiền ngân sách chi cho hàng loạt chuyến công du đó lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Thậm chí có đoàn đi, chi phí lên tới 500-700 triệu đồng/người.

Chao ôi, thế mà cho đến khi có kết luận thanh tra của các đoàn đi, tiêu tiền như nước ấy, cũng chẳng có mấy ai bị kỷ luật, kiểm điểm. Chí ít mà có quy định nào buộc những người đi phải trả tiền cho những khoản chi sai, chi không đúng cho việc họ phải làm khi đi công du thì có lẽ cũng khiến nhiều người... chùn bớt chân đi, chùn bớt tay chi khi đi nước ngoài.

Mạnh Quân