MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành Thuế làm gì trước chỉ đạo phải thu 4.000 tỷ đồng/ngày?

“Ngành Thuế cần phấn đấu mỗi ngày làm việc phải thu được khoảng 4.000 tỷ đồng để hoàn thành dự toán của ngân sách Trung ương cũng như ngân sách địa phương. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, ngành Thuế phải triển khai quyết liệt, đôn đốc thu nộp ngay từ bây giờ chứ không để đến cuối năm”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhấn mạnh.

Chồng chéo, chưa quyết liệt

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ công tác thuế 6 tháng cuối năm của Tổng cục Thuế ngày 20/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đánh giá cao và ghi nhận thành tích của Tổng cục Thuế cũng như của lãnh đạo các cục thuế địa phương 6 tháng qua. Kết quả này đã góp phần quan trọng trong việc cân đối ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, kết quả thu 6 tháng qua (hơn 531 nghìn tỷ đồng, bằng 49,7% so với dự toán), vẫn chưa đạt mức 50% dự toán, nhất là các khoản thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngoài quốc doanh.

Vẫn còn 19 tỉnh, thành phố có tỷ lệ thu dưới 50% dự toán. Ngoài ra, theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, việc triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra còn chậm (mới chỉ đạt 33% kế hoạch, một số địa phương có tỷ lệ thực hiện thanh tra, kiểm tra còn thấp).

Tổng số nợ thuế đến thời điểm 30/6/2018 tăng 9,6% so với thời điểm 31/12/2017, trong đó có 56/63 địa phương có tỷ lệ nợ đọng cao hơn so với thời điểm 31/12/2017, đặc biệt có 20 địa phương có tỷ lệ nợ cao trên 20%.

“Hạn chế tồn tại trên có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, trong đó có cơ chế chính sách về quản lý thuế chưa được hoàn chỉnh (nhất là việc rà soát thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ) cũng như công tác quản trị nội bộ chưa thực sự đổi mới; việc phân công, phân nhiệm còn có sự chồng chéo mở một số bộ phận, công tác điều hành nội bộ có nơi, có lúc còn chưa quyết liệt”, ông Hà bình luận.

Trên cơ sở đó, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, ngành Thuế cần phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc tập trung các nguồn thu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

“Ngành Thuế cần phấn đấu mỗi ngày làm việc phải thu được khoảng 4.000 tỷ đồng để hoàn thành dự toán của ngân sách Trung ương cũng như ngân sách địa phương. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề nên ngành Thuế phải triển khai quyết liệt, đôn đốc thu nộp ngay từ bây giờ chứ không để đến cuối năm”, Thứ trưởng Hà nhấn mạnh.

Về công tác giải quyết nợ đọng thuế, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục thuế, Cục thuế các tỉnh thành phố tập trung đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra năm 2018, đạt tối thiểu 18,5% số doanh nghiệp đang hoạt động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như: kiểm toán nhà nước, thanh tra, công an, quản lý thị trường… để chống trốn thuế, gian lận thuế.

Công chức thuế muốn được quyền khởi tố

Song song với các giải pháp trên, lãnh đạo Bộ Tài chính cùng đề nghị ngành Thuế cũng phải tập trung rà soát các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thông tư cũng như các quy trình nghiệp vụ để một mặt giải quyết khăn vướng mắc ở các địa phương cũng như tạo điều kiện hỗ trợ cho người nộp thuế, mặt khác cũng góp phần cải thiện môi trường đâu tư kinh doanh.

Trước đó, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo xin ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và Luật Thuế tài nguyên.

Hiện nay, Bộ Tài chính vẫn đang lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế trên và nhận được rất nhiều ý kiến quan tâm của dư luận.

Đáng chú ý, dự thảo Luật quản lý thuế sửa đổi đề xuất trao quyền điều tra, khởi tố cho công chức thuế nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về thuế đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo thông tin từ báo chí, Bộ Tài chính đề xuất phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước tại địa bàn để cưỡng chế người nợ thuế thông qua các hình thức như cắt nguồn cung cấp các dịch vụ thiết yếu: Điện, nước, viễn thông...

Tuy nhiên, sau đó, đại diện Bộ Tài chính đã khẳng định, về việc khoá điện thoại, cắt điện nước với người chậm nộp thuế chỉ là ý kiến đề xuất đưa vào dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), nhưng Bộ Tài chính không đưa đề xuất này vào dự thảo luật.

Ngoài thông tin tranh cãi về đề xuất cắt dịch vụ viễn thông, điện, nước với người chậm nộp thuế, trong dự thảo Luật quản lý thuế sửa đổi cũng thêm một điểm mới là công khai thông tin nợ thuế...Rất nhiều vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm.

“Để giải quyết căn bản những vấn đề này thì phải đi từ Luật Quản lý thuế. Trong 6 tháng cuối năm Tổng cục Thuế phải tập trung xây dựng Luật quản lý thuế sửa đổi, trình Chính phủ sớm trong tháng 8 để đưa vào chương trình làm việc của Quốc hội trong tháng 10”, Thứ trưởng Hà đề nghị.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế phải nghiên cứu thấu đáo để có chỉnh sửa toàn diện những vấn đề như: quyền nghĩ vụ của người nộp thuế cũng như cơ quan quản lý thuế, công tác kê khai, hành thu, cưỡng chế thuế, thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính thuế…

Ngoài ra, ngành Thuế phải có nhiều cuộc hội thảo để hoàn thiện văn bản Luật này trên tinh thần có khả năng thực thi cao, minh bạch, rõ ràng phòng chống những biểu hiện tiêu cực trong công tác quản lý thuế.

Theo Tuấn Nguyễn

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên