Chuyện dọc đường

Bất động sản “tay không bắt giặc”

18/04/2018, 07:29

BĐS là ngành đặc thù, cần lượng vốn lớn. Tuy nhiên, các DN BĐS Việt Nam, đa phần vẫn là "tay không bắt giặc".

BDS-tay-khong-bat-giac

Ảnh minh họa

Theo đó, vốn thực hiện dự án, chủ yếu đi vay ngân hàng (ít nhất 80%), huy động từ nhà đầu tư, còn lại một phần nhỏ là của DN.

Theo thống kê của Hiệp hội BĐS Việt Nam, quy mô thị trường BĐS Việt Nam khoảng 22-23 tỷ USD. Với tỷ lệ vốn vay tới 80%, nghĩa là hệ thống ngân hàng đã và đang đổ trên dưới 18 tỷ USD vào BĐS, tương đương hơn 400.000 tỷ đồng. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm ngoái, tồn kho BĐS của cả nước đã giảm 17% so với cùng kỳ, song vẫn ở mức 25.700 tỷ đồng. Đáng ngại ở chỗ, Hà Nội và TP.HCM - hai đô thị lớn nhất lại là hai địa phương có giá trị tồn kho bất động sản lớn nhất, chiếm tới 40% tổng lượng tồn kho của cả nước.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến 31/7/2017, dư nợ cấp tín dụng đầu tư kinh doanh BĐS tăng khoảng 4% so với 31/12/2016, chiếm tỷ trọng khoảng 9% dư nợ đối với nền kinh tế. Tỷ lệ nợ xấu BĐS này giảm xấp xỉ 3%, song vẫn là 4,06% - mức khá cao so với các lĩnh vực khác.

Thực tế, DN đã đầu tư, kinh doanh đều phải vay mượn. Và xét ở khía cạnh nào đó, DN vay được vốn nhiều chứng tỏ ít nhiều có uy tín, năng lực. Song mặt khác dẫn đến tình trạng lệ thuộc, tăng chi phí. Nếu quản lý, tính toán sai lệch có thể khiến DN rơi vào cảnh mất thanh khoản, thậm chí thua lỗ, phá sản. Và với tỷ trọng vốn vay ngân hàng quá lớn như hiện nay, khi một DN BĐS thua lỗ, phá sản, sẽ gây rủi ro trở lại cho chính hoạt động ngân hàng.

Chính vì vậy, đầu năm qua, NHNN một lần nữa yêu cầu các ngân hàng thương mại hạn chế mức độ tập trung tín dụng với lĩnh vực BĐS. Cùng đó, phải thường xuyên giám sát, đánh giá, theo dõi tiến độ của các dự án BĐS, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản đảm bảo để có biện pháp xử lý thích hợp.

Trong bối cảnh vốn ngân hàng rót vào BĐS siết dần lại, DN BĐS không cách nào khác phải đa dạng hóa được kênh huy động vốn (qua thị trường chứng khoán, liên doanh, hợp tác, mua bán sáp nhập…). Bằng không, DN buộc phải chấp nhận thu hẹp hoạt động, thậm chí có thể dừng cuộc chơi.

Không chỉ nợ ngân hàng, nhiều DN BĐS còn nợ nần cả tiền sử dụng đất khá lớn. Đơn cử như tại Hà Nội, kết luận Thanh tra Chính phủ vào năm 2012, có 24 dự án nợ tiền sử dụng đất với số tiền 1.256 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 75 dự án nợ tiền chậm nộp với tổng số tiền là 1.880 tỷ đồng. Song đến cuối 2017, cơ quan thuế vẫn còn phải thu số tiền chậm nộp của DN 856 tỷ đồng… Chính vì vậy, Cục thuế Hà Nội đã đề xuất với UBND TP không giao dự án mới, không chấp thuận điều chỉnh quy hoạch đối với các chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính của dự án. Điều đó cũng là sòng phẳng và cần thiết!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.