Ông Võ Văn Thưởng: “Nhuận bút gỡ bài cao hơn đăng bài”

Ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
TPO - Đánh giá cao hoạt động của các cơ quan báo chí song ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng chỉ ra trong năm 2017, số nhà báo bị bắt quả tang tống tiền, vòi vĩnh doanh nghiệp và bị xử lý hình sự cao nhất trong nhiều năm qua.

Ngày 26/12, tại TPHCM, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã đến dự và chỉ đạo hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết trong năm qua, báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin kịp thời, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, ông Bảo cũng chỉ ra nhiều hạn chế, yếu kém của báo chí, như bị cuốn theo mạng xã hội, đăng tải những chuyện nhảm nhí, giật gân, các thông tin chưa kiểm chứng... Một số báo điện tử khai thác thông tin từ ý kiến cá nhân trên mạng xã hội để viết bài, trong khi môi trường truyền thông xã hội đầy rẫy tin giả, tin xấu.

Trong năm 2017, cả nước có 55 trường hợp báo chí bị xử lý với tổng số tiền xử phạt là 1,3 tỷ đồng. Hội nhà báo đã xoá tên 324 hội viên với nhiều lý do, trong đó có nhiều trường hợp vi phạm pháp luật.

Theo Phó giám đốc Sở TT&TT Võ Văn Long, TPHCM có 38 cơ quan báo chí; 142 văn phòng cơ quan đại diện có đăng ký, nhìn chung đã đáp ứng việc thông tin kịp thời, chính xác chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước.

“Tôi xin nói thật, có nhiều thông tin không chuẩn mực, nhạy cảm, thiếu chính xác hoặc chính xác nhưng không phù hợp với lợi ích của dân tộc, đất nước. Nhiều cơ quan chủ quản còn buông lỏng, giao khoán về quản lý, tài chính. Trong khi đó theo quy định thì Sở TT&TT không có thẩm quyền xử lý, không “xía” vào được”, ông Long giãi bày.

 Đánh giá cao vai trò của báo chí, ông Võ Văn Thưởng cho biết đội ngũ những người làm báo đã không ngại khó khăn, có mặt nơi đầu sóng ngọn gió. Nhiều nhà báo đã hy sinh mạng sống của mình như Nhà báo Đinh Hữu Dư (TTXVN).

Tuy nhiên, ông Thưởng cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót của hoạt động báo chí như xa rời tôn chỉ, mục đích, nhất là một số báo điện tử. Khuynh hướng giật gân, câu khách, xào lại tin bài báo khác tương đối phổ biến.

Người đứng đầu ngành tuyên giáo chỉ ra sự cố 59 tờ báo vi phạm khi đưa tin khởi tố 2 nguyên lãnh đạo Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) là do xào lại thông tin từ TTXVN nhưng lại “loè” bạn đọc là của nguồn tin riêng. Trong khi đó, mức xử phạt như gãi ngứa, chưa đủ răn đe.

“Năm 2017, số lượng PV bị xử lý hình sự, bị bắt quả tang đang nhận tiền, vòi vĩnh doanh nghiệp nhiều hơn mọi năm khiến những người làm báo chân chính đau lòng. Yêu cầu đặt ra là phải đấu tranh chính trong đội ngũ những người làm báo, không để những con sâu làm rầu nồi canh”, ông Thưởng lưu ý.

Theo ông Võ Văn Thưởng, một số phóng viên kiến thức mỏng nhưng lại ảo tưởng về quyền lực, liên kết với nhau đi vòi vĩnh, làm tiền, không chỉ với doanh nghiệp mà cả cán bộ lãnh đạo.

“Trong vụ Yên Bái, một PV khai đưa bao thư cho 3-4 nhà báo khác. Nhuận bút không đăng bài cao hơn nhuận bút đăng bài và nhuận bút gỡ bài nhiều hơn nhuận bút đăng bài”, ông Thưởng nêu rõ.

Ông Thưởng cho biết nhiều nhà báo bị thu thẻ nhưng vẫn viết báo; bài viết thậm chí còn cay nghiệt hơn; ra tù được cơ quan cũ tuyển dụng làm ở vị trí biên tập.

Trong khi đó nhiều cơ quan chủ quản khoán trắng, miễn sao mỗi năm có 4 -5 tỷ đồng. “Làm như vậy không đúng. Bên cạnh cơ quan quản lý nhà nước, phải truy trách nhiệm cơ quan chủ quản. Cơ quan chủ quản không thể vô can”, ông Thưởng nêu rõ.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.