Đại biểu Quốc hội: Đừng nôn nóng trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

31/10/2017 10:08 AM | Xã hội

ĐBQH Ninh Thuận Nguyễn Bắc Việt cho rằng nôn nóng cổ phần hóa DNNN có thể dẫn đến thất thoát tài sản, tiền của đất nước, của nhân dân như thực tế đã xảy ra.

Sáng 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước; kế hoạch tài chính giai đoạn 2018-2020. Đại biểu Nguyễn Bắc Việt, đoàn Bình Thuận góp ý một số nội dung báo cáo của Chính phủ.

Về tình hình thực hiện nhiệm vụ 2017, đại biểu Việt nhận xét năm nay đã có những điểm sáng trong thực hiện nhiệm vụ bao gồm: Tốc độ tăng trưởng; Thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu; Công tác chống tham nhũng tiêu cực và Giữ môi trường ổn định cho phát triển cho đất nước. Có được những điểm sáng này là nhờ sự quyết tâm trong lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, của nhân dân cả nước, quyết tâm đưa nghị quyết đại hội XII của Đảng vào cuộc sống.

Đại biểu này nhất trí với các nhiệm vụ giải pháp trong báo cáo của Chính phủ đã nêu cũng như trong năm 2018 cần khắc phục những nhiệm vụ khó khăn như báo cáo đã xác định. Tuy nhiên với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đại biểu này chưa nhất trí với đánh giá của Chính phủ về đánh giá cổ phần hóa chậm.

"Theo tôi điểm hạn chế ở đây e chừng là nôn nóng trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Bởi vì nếu nôn nóng và thực tế đã xảy ra dẫn đến thất thoát tài sản, tiền của đất nước, của nhân dân. Cho nên trong đánh giá phải cẩn thận chỗ này. Theo tôi cần phải nhìn nhận một cách sát về doanh nghiệp nhà nước, tránh nhìn nhận một chiều chỉ thấy mặt không tốt của doanh nghiệp nhà nước", ông Việt trình bày.

Theo ông DNNN ưu điểm rất rõ như Nghị quyết trung ương V của Đảng đã chỉ ra như đây là nguồn đóng góp chủ lực cho ngân sách từ DNNN. Hai là giải quyết việc làm. Ba là đưa đường lối chủ trương của Đảng tới người lao động. Ngoài ra còn đảm bảo chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đời sống của viên chức và người lao động. Và chỉ có nơi có tổ chức Đảng, công đoàn, đoàn thanh nhiên làm tốt công việc này.

Thứ hai về hiệu quả điều hành cần khắc phục hạn chế Chính phủ đã chỉ ra nhưng đại biểu Việt cũng chưa nhất trí với quan điểm Chính phủ chỉ ra là điều hành trên một số lĩnh vực của bộ ngành địa phương còn thấp nhất là cấp cơ sở. Theo đại biểu này không chỉ ở cấp cơ sở mà còn ở cấp trung ương. Một điều thấy rõ là qua việc lúng túng trong phân bổ, sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Nguồn vốn vẫn còn nhưng không và chưa bố trí được thì giải ngân không được, trong khi có những nơi rất cần thì không được bố trí.

Lấy ví dụ ngay chính tỉnh Ninh Thuận đang rất cần nguồn để bố trí cho đường ven biển, hiện đang nợ hơn 700 tỷ đồng hay cho dự án hồ Tân Mỹ đã được Quốc hội kích hoạt nhưng đến nay vẫn chưa thấy bố trí. Dự án này có thể nói giúp Ninh Thuận giải quyết vấn đề về nước.

Trong điều hành, đại biểu còn chỉ ra điểm vướng thứ 3 là chuẩn bị hồ sơ dự án luật để trình. Như đã chỉ ra trong phiên thảo luận này hôm qua tại Quốc hội.

Vấn đề thứ 4 được đại biểu Việt chỉ ra là thực hiện chủ trương chính sách pháp luật không nghiêm. Quốc hội có nghị quyết 31 tại kỳ họp thứ 2 về dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Nhưng đến nay thực hiện điều thứ 2 của Nghị quyết chưa làm được bởi chưa có ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ vùng cho dự án. Ninh Thuận cùng các bộ ngành đã tập trung làm trước nhưng đến nay chưa có nghị quyết. Đại biểu Việt cho biết năm nay đánh giá đầu tư toàn xã hội cho Ninh Thuận rất thấp.

Ngoài ra ông Việt còn góp ý về cải cách thủ tục hành chính cần làm tốt dân chủ cở sở, công tác dân vận. Bên cạnh đó vai trò của truyền thông cũng được đại biểu này đề cập đến trong việc xử lý các thông tin xấu trên mạng.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM