Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội: “Các trường đại học nên đón nhận văn hóa xếp hạng”

(Dân trí) - GS.TS. Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, trong nước và cả trên thế giới đều có văn hóa là các trường tốp thấp thường chỉ trích các bảng xếp hạng. Trong khi, dù có thể còn “sạn” nhưng bất cứ bảng xếp hạng nào cũng mang giá trị và có sự tương thích nhất định.

Bảng xếp hạng 49 trường ĐH Việt Nam vừa công bố là một ví dụ.

Liên quan đến những luồng tranh cãi về bảng xếp hạng 49 trường đại học Việt Nam vừa công bố, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội - trường đại học xếp thứ nhất trong bảng xếp hạng này.

PV: Thưa GS.TS Nguyễn Hữu Đức, ngày 6/9 vừa qua, một nhóm nghiên cứu độc lập có đưa ra bảng xếp hạng 49 trường đại học Việt Nam và trong đó, ĐHQG Hà Nội xếp thứ nhất. Cá nhân ông có cảm xúc thế nào?

GS.TS. Nguyễn Hữu Đức: Tôi thực sự quan tâm vì lần đầu tiên có một kết quả xếp hạng mà danh sách các trường đại học của Việt Nam xuất hiện khá dài, rất nhiều. Các năm trước đây, qua các bảng xếp hạng quốc tế quanh đi quẩn lại chỉ có tên của ĐHQGHN, ĐHQGTP.HCM và một vài trường đại học khác ở các thứ hạng rất khiêm tốn.

Trước đây, các thông tin và chỉ số có tính chất định lượng, chuẩn hóa và hội nhập như vậy về các trường đại học của ta là rất ít. Có chăng chỉ là các thông tin được xây dựng dựa theo thương hiệu truyền thống, đoán nhận theo kinh nghiệm và sự “yêu mến” và “thị hiếu” về nghề nghiệp của nền một nền kinh tế còn ít dựa vào tri thức và công nghệ. Do vậy, nỗ lực của nhóm nghiên cứu độc lập này là rất đáng khích lệ.

Dù còn cần phải được phát triển thêm nhiều, nhưng nhờ có nó mà lần đầu tiên kết quả của các hoạt động cơ bản của nhiều trường đại học của Việt Nam được định vị. Các trường đại học dù chưa thừa nhận chính thức kết quả công bố, nhưng cũng có cơ hội để tự soi xét lại các hoạt động và kết quả của mình, tìm ra các nguyên nhân nội tại.

Đồng thời cũng phát hiện được các bất cập của bảng xếp hạng để trao đổi, góp ý cho nhóm nghiên cứu. Theo tôi, cả hai chiều dư luận ấy, dù có ồn ào đôi chút, nhưng bước đầu đã ghi nhận hiệu ứng tích cực của bảng xếp hạng.

GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho rằng, bảng xếp hạng 49 đại học Việt Nam đang đánh đồng chỉ số tiêu chí cho tất cả các nhóm trường khác nhau.
GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho rằng, bảng xếp hạng 49 đại học Việt Nam đang đánh đồng chỉ số tiêu chí cho tất cả các nhóm trường khác nhau.

Ba hạn chế chi phối kết quả của bảng xếp hạng Việt Nam

Điều gây tranh cãi nhất của bảng xếp hạng 49 đại học Việt Nam là các trường ĐH khối Kinh tế thường được dư luận cho rằng là trường tốp đầu cả nước chỉ xếp hạng trung bình. Trong khi, nhiều cái tên không mấy được chú ý lại nhảy vọt lên vị trí hàng đầu ở bảng xếp hạng này. Nhiều người nói rằng, đây là “bảng xếp hạng… khó tin”. Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xếp hạng đại học, ông đánh giá thế nào?

Mỗi bảng xếp hạng, theo mục tiêu và khả năng thu thập dữ liệu, quan tâm và phản ánh được một số tiêu chí và hoạt động của trường đại học. Các bảng xếp hạng tập trung vào các nghiên cứu đỉnh cao thì quan tâm đến các giải thưởng Nobel.

Các bảng xếp hạng tập trung đến đại học thông minh và số hóa lại quan tâm đến hạ tầng công nghệ thông tin, học liệu và tài nguyên số nội sinh. Hiện nay, các bảng xếp hạng các trường đại học thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn quan tâm đến cả tiêu chí về đổi mới sáng tạo, về số lượng phát minh, sáng chế, hợp tác với doanh nghiệp… Nhưng phổ biến nhất hiện nay, các bảng xếp hạng vẫn đang tập trung vào 3 nhóm tiêu chí. Đó là: Chất lượng đào tạo, chất lượng nghiên cứu và mức độ quốc tế hóa.

Nhóm nghiên cứu ở đây cũng đã đưa ra 3 nhóm tiêu chí, trong đó đào tạo và nghiên cứu là 2 nhóm tiêu chí cơ bản và phổ biến của thế giới. Riêng tiêu chí thứ 3 về cơ sở vật chất và quản trị là nhóm tiêu chí mới, có tính tích hợp, sáng tạo để áp dụng cho Việt Nam. Các tiêu chí đưa ra vừa phản ánh được cả quy mô (số lượng bài báo), chất lượng, tầm ảnh hưởng của công trình (số trích dẫn) và năng suất (số bài báo trung bình cho mỗi giảng viên)…

Tuy nhiên, bảng xếp hạng 49 đại học Việt Nam đang có 3 bất cập góp phần dẫn đến những kết quả gây nhiều bàn luận.

Thứ nhất, về đào tạo: sản phẩm đầu ra chưa được đánh giá. Ở các bảng xếp hạng khác người ta thường khảo sát ý kiến về mức độ hài lòng của các nhà tuyển dụng. Một kết quả đánh giá chưa có sự tham gia, vào cuộc của cộng đồng cũng dễ làm giảm sự tin cậy.

Thứ hai, về nghiên cứu: bộ tiêu chí của bảng xếp hạng này chưa đạt được sự “thống nhất trong đa dạng”. Tiêu chí xếp hạng phải thống nhất, nhưng chỉ số, chỉ tiêu phải phù hợp cho các lĩnh vực khoa học, ngành nghề khác nhau. Năng suất công bố quốc tế của các giảng viên khối khoa học tự nhiên, công nghệ - kỹ thuật yêu cầu phải cao khối khoa học xã hội và nhân văn.

Các bảng xếp hạng của thế giới họ thường không vấp phải bất cập này vì hầu hết các trường đại học trên thế giới là các đại học đa ngành, đa lĩnh vực, còn ở Việt Nam ta mô hình đại học như vậy không nhiều, cho nên xếp hạng các trường đại học đơn ngành (lĩnh vực) và nhất là các trường đại học khối khoa học xã hội nhân văn với cùng một trọng số sẽ gây nên bất cập.

Ở ĐHQGHN chúng tôi đang áp dụng chỉ tiêu công bố cho các trường đại học khối khoa học xã hội và nhân văn chỉ bằng 25% chỉ tiêu của các trường khối khoa học tự nhiên, công nghệ và y-dược.

Thứ ba, hạn chế do sự không tương thích giữa xu hướng hội nhập, muốn đánh giá trường đại học một cách khách quan theo hệ thống giá trị và năng lực học thuật nội tại (của nhóm nghiên cứu) với xu hướng muốn đánh giá đại học một cách chủ quan theo thước đo và thương hiệu truyền thống, theo sở thích của người học (của một số bình luận viên).

Đây chính là lý do gây tranh cãi tại sao một số trường đại học của Việt Nam có điểm tuyển sinh cao nhưng xếp hạng trong bảng này lại thấp. Xin nói rõ là điểm tuyển sinh chỉ là thông số để có thể đo “uy tín” của các trường trong cùng lĩnh vực, chứ không thể lấy đó để so sánh với các lĩnh vực khác nhau.

Văn hóa xếp hạng thường không được đón nhận của nhóm các trường tốp dưới

Có nhiều phản ứng khi bảng xếp hạng đại học đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện. Có trường bức xúc, có trường thản nhiên không quan tâm. Nếu một bảng xếp hạng độc lập cho kết quả gây tranh cãi thì chúng ta nên “ứng xử” ra sao, thưa GS.TS.?

Đấy là tình trạng chung của cả thế giới, chứ không riêng gì ở Việt Nam. Mặc dù còn nhiều ý kiến, nhưng kết quả xếp hạng đại học thế giới đã có những ảnh hưởng to lớn. Từ kết quả “có” hay “không có” tên trong bảng xếp hạng, đã dẫn tới hệ lụy là trường đại học đó “có tồn tại” hay “không tồn tại” trong suy nghĩ của mọi người, bất chấp trường đại học có tồn tại thực thể. Thông tin về xếp hạng đại học thường được các trường đại học tốp trên đăng tải, quảng bá trang trọng trên các kênh thông tin của họ, tạo nên một sự tin cậy giản dị nhưng chắc chắn đối với cộng đồng.

Ngược lại, các trường đại học xếp hạng thấp hoặc không được xếp hạng phải mô tả, giới thiệu về trường theo một cách khác, vất vả hơn nhưng sự tin cậy lại hạn chế. Thành thực mà nói, đang có hiện tượng là trường nào yếu thì thường chỉ trích văn hóa xếp hạng, trường nào mạnh thì rất hào hứng. Đây một trong các nguyên nhân khiến cho việc xây dựng các bảng xếp hạng đã phức tạp lại càng khó khăn hơn do phải vượt qua các phê phán trái chiều.

Dù bảng xếp hạng có thể không phản ánh được toàn diện hay còn “sạn” nhưng chắc chắn nó đều có giá trị nào đấy, tương thích với một nhóm kết quả nào đấy của đại học. Vượt lên trên cả thứ bậc, giá trị của kết quả xếp hạng còn chính là ở khả năng hỗ trợ các trường đại học thêm một lăng kính để đối sánh, xác định mức độ của mình so với mục tiêu, sứ mệnh và kế hoạch phát triển.

Sở dĩ ĐHQGHN có vị trí khá ổn định trong nhiều bảng xếp hạng quốc tế và trong nước là nhờ việc tiếp cận sớm và đã bình thản đón nhận cả các kết quả xếp hạng khá thấp những năm trước đây. Theo đó, chúng tôi đã thực hiện quản trị đại học theo quản trị mục tiêu và chỉ số xếp hạng. Thông qua các chỉ số xếp hạng để điều chỉnh chủ trương đầu tư cho phát triển.


GS.TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng, các trường đại học nên đón nhận văn hóa xếp hạng.

GS.TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng, các trường đại học nên đón nhận văn hóa xếp hạng.

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một nghị định quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam. Tuy nhiên, cho tới nay, chưa có bất cứ bảng xếp hạng chính thức nào của các cơ quan chức năng được công bố theo Nghị định đó. Vậy theo ông, Việt Nam nên xây dựng một bảng xếp hạng thế nào để đủ uy tín, tin cậy?

Thực hiện xếp hạng còn có một bất cập nữa là số lượng các tiêu chí khá hạn chế, thứ bậc quá rõ ràng, khắt khe nhưng tự nó đã chứa đựng một khoảng sai số lớn. Thực ra, khi hai trường xếp hạng cách nhau vài chục bậc thì thấy khoảng cách rất lớn, nhưng thực chất sai số khi thu thập dữ liệu đã có thể dẫn đến sai khác đó.

Trong khi đó, theo tiếp cận kiểm định chất lượng có thể mở rộng số lượng các tiêu chí lên rất nhiều, bao quát hết các hoạt động và tầm ảnh hưởng của trường đại học. Tích hợp cả hai cách tiếp cận đó, tổ chức xếp hạng QS đã đưa ra bộ tiêu chí xếp hạng gắn sao (QS Star) với hai ưu điểm: số tiêu chí nhiều hơn và không xếp hạng (ranking), mà chỉ xếp nhóm (rating) từ nhóm một sao đến năm sao như cách xếp hạng khách sạn.

Một nhóm trường đại học có một số tiêu chí gần giống nhau có thể cùng được gắn một hạng sao. Ở Việt Nam chúng ta đã có ba trường đại học FPT, Tôn Đức Thắng và Nguyễn Tất Thành tham gia xếp hạng và đạt mức 3 sao.

Hiện nay, trong khuôn khổ Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về khoa học giáo dục, chúng tôi đang thực hiện đề tài “Nghiên cứu mô hình trường đại học đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0”.

Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ áp dụng cách tiếp cận của QS Star và mở rộng thêm các nhóm tiêu chí phản ánh hết tất cả các đặc trưng của đại học 4.0. Hy vọng vào dịp này năm sau, Việt Nam sẽ có một bảng xếp hạng đối sánh trên một cổng điện tử trực tuyến, hỗ trợ các trường tự đánh giá, đối sánh mức độ thích ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Xin cảm ơn những trao đổi của giáo sư!

Lệ Thu