Không cho tố cáo bằng email là ‘lạc hậu đến ngàn năm’

Thảo luận tại hội trường, nhiều ý kiến ủng hộ quy định của dự luật vì cho rằng việc tố cáo bằng email, điện thoại dễ bị lợi dụng để bôi nhọ danh dự, uy tín của người bị tố cáo, đồng thời khiến cơ quan chức năng mất thời gian xác minh.

Đại biểu Phạm Trí Thức phát biểu tại nghị trường. Ảnh: TP

Tuy nhiên, đại biểu (ĐB) Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) lại cho rằng việc không công nhận tố cáo bằng email “lạc hậu đến cả hàng ngàn năm”. “Giờ thế kỷ 21 rồi, khi chúng ta đang nói nhiều đến cách mạng 4.0 mà chỉ quy định có đơn thư văn bản với trực tiếp. Hàng ngàn năm trước, nhân loại cũng đã có thạch thư, mộc thư, trúc thư rồi cơ mà” - ĐB Thức nói và cho biết hiện Luật Phòng, chống tham nhũng đã đề cập đến các hình thức tố cáo bằng điện thoại, email. Vì vậy, Luật Tố cáo không thừa nhận là thiếu đồng bộ.

Về tố cáo nặc danh, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng việc trù dập người tố cáo là chuyện có thật nhưng cơ chế bảo vệ người tố cáo hiện nay không đi vào cuộc sống, vì vậy người tố cáo không dám chính danh đấu tranh. “Trả thù người tố cáo diễn ra tinh vi đến tầm “văn minh”” - ông Phương nhận định.

ĐB này kể câu chuyện có thật mà ông cho rằng chỉ có người trong cuộc mới biết bị trả thù nhưng vẫn phải tươi cười mà trong lòng đầy đắng chát. “Một người tố cáo lãnh đạo, sau đó được lãnh đạo khen ngợi, cho đi học, sau đó “đày” về đơn vị khó khăn để tự bơi. Chính “sự trả thù ngọt ngào, tinh vi đến mức văn minh” này khiến người tố cáo chỉ còn biết ngậm đắng nuốt cay”” - ông nói.

ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) bổ sung: “Cơ chế bảo vệ người tố cáo của chúng ta chưa đầy đủ dẫn đến người đứng ra tố cáo bị khủng bố, đe dọa bằng nhiều hình thức khác nhau. Chúng ta cũng biết vừa qua, ngay cả chủ tịch UBND tỉnh cũng phải kêu cứu lên Chính phủ”.

Giải trình thêm về dự luật, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho hay qua ý kiến thảo luận, để tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền tố cáo, dự luật có thể mở rộng thêm hai hình thức: Thư điện tử có ký tên, chữ ký điện tử thì được xem xét theo quy trình giải quyết theo Luật Tố cáo. Các hình thức điện tử khác, công nghệ thông tin truyền thông khác thì phải xác định rõ họ tên, địa chỉ, nội dung thông tin rõ ràng thì cũng được giải quyết theo quy trình giải quyết tố cáo.

“Về tố cáo nặc danh, có hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất, có nội dung tố cáo không chính xác, bịa đặt, vu khống thì sẽ không được xem xét. Trường hợp có nội dung rõ ràng, kèm theo chứng cứ thì được xem xét, xử lý phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra và yêu cầu công tác nhưng không xem xét theo quy trình giải quyết tố cáo” - ông Sáu nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm