'Chính phủ Hàn Quốc còn nợ nhân dân Việt Nam lời xin lỗi'

Thiếu tướng Lê Mã Lương cho rằng, Chính phủ Hàn Quốc vẫn đang nợ nhân dân Việt Nam lời xin lỗi chính thức khi đã cử lính đánh thuê Đại Hàn - những tên sát nhân đồ tể đã tàn sát bao dân lành vô tội - tham chiến ở Việt Nam.

Quá khứ kinh hoàng

Trong bài phát biểu nhân Ngày tưởng niệm những người lính Hàn Quốc đã hi sinh cuộc sống của họ vì lợi ích quê hương (Memorial Day), tân tổng thống mới được bầu của Hàn Quốc Moon Jae-in đã bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với những người tham gia chiến tranh Việt Nam, nêu bật tinh thần yêu nước đặc biệt của họ.

Quan điểm này của ông Moon Jae-in bị xem là “nhầm lẫn nghiêm trọng” và không phù hợp trong tình hình hiện nay.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên Ủy viên BCH TƯ khóa VI, Tư lệnh Quân khu 4, ĐBQH các khóa VIII, IX, X) cho rằng phát biểu của tổng thống Hàn Quốc là không phù hợp và đã xới lại lịch sử, đụng chạm vào nỗi đau chiến tranh mà người Việt Nam phải chịu đựng do lính đánh thuê Nam Hàn - những tên sát nhân đồ tể đã tàn sát bao dân lành vô tội - gây ra.

 Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.

“Có thể nói, trong chiến tranh Việt Nam, lính đánh thuê Đại Hàn là nỗi khiếp đảm của người dân từ Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Chỉ cần một lính Đại Hàn bị giết, họ sẽ đem cả làng bị nghi ngờ ra xử bắn. Xả súng, ném lựu đạn thảm sát hàng loạt, hãm hiếp phụ nữ đến chết. Có những làng mà sau một trận càn của lính Đại Hàn đã hoàn toàn bị xóa sổ”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước kể lại.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói: “Tôi kể ra ra đây không phải là để kích động lòng thù hằn. Đó không phải là chủ ý. Nhưng những gì là sự thật lịch sử thì nó là sự thật lịch sử. Vấn đề phải nói ra để những người hôm nay ứng xử với lịch sử như thế nào. Phát biểu của tổng thống Hàn Quốc là không đúng với sự thực lịch sử và nó đụng chạm vào nỗi đau, vào quá khứ chiến tranh mà các bên đang muốn gác lại”.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho biết, những người lính Đại Hàn khi được gửi qua Việt Nam để tham chiến khi đó phần nhiều ít học, nghèo khổ, nên khi bị đẩy vào cuộc chiến ở một đất nước xa lạ, một khi mùi thuốc súng bốc lên, họ lao vô những cuộc bắn giết điên loạn, mất hết tính người…

Khi về nước, họ cũng chẳng anh hùng gì hơn lúc họ được gửi qua Việt Nam. Nhưng thành công kinh tế thần kỳ của Hàn Quốc khiến họ nghĩ rằng họ đã hi sinh xương máu, tuổi trẻ hoặc một phần thân thể bỏ lại ở chiến trường để góp công cho công cuộc phát triển kinh tế đất nước.

Vẫn còn nợ lời xin lỗi

Thảm sát của lính Đại Hàn đối với thường dân Việt Nam trong chiến tranh đen tối không thua bất cứ vụ thảm sát nào của quân đội với thường dân trên thế giới.

Thiếu tướng Lê Mã Lương

Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cho rằng cho đến nay, Chính phủ Hàn Quốc vẫn còn nợ Việt Nam một lời xin lỗi chính thức.

Thiếu tướng Lê Mã Lương cho biết: “Thực ra đây không phải là lần đầu tiên một tổng thống Hàn Quốc có những phát ngôn như vậy. Trước kia, tổng thống Park Chung Hee, người đã đưa lính Đại Hàn tham chiến ở Việt Nam cũng luôn có những phát ngôn “biểu dương” hành động này, dù đó là sai lầm.

Park Chung Hee đã phát triển kinh tế Hàn từ một nước đói kém, lạc hậu bậc nhất châu Á đến thành công kinh tế những năm 1980 bằng hai nguồn vốn chính là tiền bồi thường chiến tranh của Nhật Bản và tiền từ chiến tranh Việt Nam.

Đường cao tốc Seoul – Pusan lấy nguồn vốn từ chiến tranh Việt Nam, hãng Korea Air ngày nay cũng được xây dựng từ nguồn vốn chiến tranh Việt Nam... nói thế để thấy rằng chuyện lính đánh thuê Đại Hàn - những tên sát nhân đồ tể đã tàn sát bao dân lành Việt Nam vô tội - đóng góp cho kinh tế nước họ là có”.

Thiếu tướng Lê Mã Lương. (Ảnh: GDVN)

Tuy nhiên, Thiếu tướng Lê Mã Lương cho rằng, dù thực tế đối với Hàn Quốc là thế thì việc một tổng thống công khai nói ra điều đó (biểu dương thành tích lính đánh thuê), điều đã gây đau khổ, là tội ác với người Việt Nam là điều “rất không nên”.

“Những người lính Đại Hàn ít học, nghèo khổ năm xưa xem sự cống hiến của mình có ý nghĩa cho quốc gia, đất nước họ. Đó là sự kiêu hãnh của họ. Vì vậy, họ không muốn khác nhìn họ những những kẻ đồ tể, sát nhân. Sự giận dữ bạo lực của họ là điều dễ hiểu. Nhưng với góc độ của một tổng thống, người đứng đầu Chính phủ mà phát biểu như thế là không nên.

Ở miền Trung Việt Nam, những nơi xảy ra thảm sát của quân đội Hàn Quốc đều có bia căm thù, đài tưởng niệm. Còn ở Hàn Quốc, từ năm 2000 liên tiếp mọc lên những đài kỷ niệm sự tham chiến của lính Hàn tại Việt Nam. Ở đó, những người lính Hàn được ngợi ca là những vị anh hùng chiến đấu bảo vệ cho phụ nữ, trẻ em Việt Nam. Thực ra đó là một sự lừa dối”.

Thiếu tướng Lê Mã Lương cho rằng, Chính phủ Hàn Quốc vẫn đang nợ Việt Nam lời xin lỗi chính thức.

Video: Chiến tranh biên giới 1979: Vết thương lòng của những người ở lại

“Thảm sát của lính Đại Hàn đối với thường dân Việt Nam trong chiến tranh đen tối không thua bất cứ vụ thảm sát nào của quân đội với thường dân trên thế giới. Hàng năm, những người tri thức tiến bộ của Hàn Quốc trở lại miền Trung Việt Nam để tham dự tưởng niệm, để nói lời xin lỗi, ăn năn, để tìm hiểu một phần đen tối lịch sử của dân tộc họ ở một đất nước khác…

Trong khi Chính phủ Hàn Quốc lại chưa một lần chính thức thừa nhận hay nói lời xin lỗi. Đây là điều mà lẽ ra ông tổng thống Hàn Quốc phải xem đó là một món nợ lớn mà Hàn Quốc vẫn còn nợ Việt Nam, thay vì đưa ra những phát biểu như vừa qua”, Thiếu tướng Lê Mã Lương nhận xét.

Lưu Thủy

Nguồn VTC: http://vtc.vn/su-nham-lan-nghiem-trong-ve-lich-su-cua-tong-thong-han-quoc-d329103.html