Việt Nam đã có những ngành sản xuất công nghệ cao nhưng về tổng thể giá trị nền kinh tế vẫn nằm ở đáy của chuỗi giá trị gia tăng. Vấn đề là khu vực kinh tế hiện đại quá nhỏ và hoàn toàn tách biệt với khu vực kinh tế giản đơn, năng suất thấp vốn chiếm đa số - GS Ricardo Hausman, kinh tế gia nổi tiếng từ ĐH Harvard phân tích.

VietnamNet giới thiệu phần 1 bàn tròn với GS Ricardo Hausman, Giám đốc Trung tâm Kinh tế học phát triển, ĐH Harvard và TS Vũ Thành Tự Anh, ĐH Fulbright Việt Nam. GS Ricardo Hausman là tác giả của một số lý thuyết kinh tế được các tổ chức quốc tế như World Bank và nhiều nước đang phát triển sử dụng trong hoạch định chiến lược phát triển như lý thuyết Chẩn đoán Tăng trưởng (Growth Diagnostic); Độ phức tạp của nền kinh tế (Economic Complexities).

Bức tranh tương phản về kinh tế Việt Nam

Nhà báo Việt Lâm: Trong cuộc tọa đàm mới đây với Ban Kinh tế Trung ương, GS Ricardo Hausman có đưa ra một khái niệm mới đối với Việt Nam: độ phức tạp của nền kinh tế (Economic Complexities), theo đó các quốc gia càng cải thiện độ phức tạp của nền kinh tế thì càng có nhiều tiềm năng phát triển cao. Lời khuyên này có vẻ khác với những lý thuyết kinh điển cho rằng một quốc gia thì nên tập trung phát triển những ngành mà họ có lợi thế so sánh tốt nhất?

GS. Ricardo Hausmann: Góc nhìn của tôi về phát triển kinh tế là: các nước nghèo thường sản xuất một số ít những sản phẩn đơn giản mà các gia đình có thể làm được, như lúa gạo chẳng hạn. Trong khi đó, các nước giàu làm ra những sản phẩm rất khác biệt mà một vài gia đình không thể làm được. Lúc đó, họ sẽ cần các nhóm những người biết làm nhiều thứ khác nhau. Ví dụ, nếu bạn muốn máy bay vận hành, bạn sẽ cần có phi công, thợ máy, kiểm soát viên không lưu, tiếp viên, … Như vậy, bạn cần phải đem rất nhiều người với những kỹ năng khác nhau vào cùng làm một việc, đó là cung cấp dịch vụ hàng không.

Nói tóm lại, phát triển kinh tế là quá trình đi từ sản xuất một vài mặt hàng giản đơn, với một vài người và một số kĩ năng đi tới sản xuất những mặt hàng đa dạng hơn, đòi hỏi nhiều người với nhiều kĩ năng phức tạp hơn, tại chính doanh nghiệp hoặc thông qua chuỗi giá trị.

Nhà báo Việt Lâm: Trong bảng xếp hạng về chỉ số phức tạp của nền kinh tế (Economic Complexity), Việt Nam xếp hạng 27, trên Thái Lan 5 bậc. Liệu rằng có thể nói nền kinh tế Việt nam đã đạt được trình độ phát triển cao hơn?

GS. Ricardo Hausmann: Số liệu này tiết lộ một khía cạnh khá thú vị. Hãy nhìn vào cơ cấu sản phẩm của Việt Nam. Có rất nhiều sản phẩm sản xuất tại Việt Nam đã đạt đến trình độ tiên tiến. Tôi vừa mới đến thăm một khu công nghiệp. Ở đó có nhà máy Honda, có các nhà máy sản xuất linh kiện ô tô, những ngành rất hiện đại và năng suất cao. Sau đó, tôi đến thăm một ngôi làng ngay gần đó. Các gia đình ở đó có khoảng 500 m2 đất để trồng lúa hoặc hoa màu.

{keywords}
Các vị khách mời tham dự tọa đàm.

Rõ ràng, điều này cho thấy một bức tranh tương phản. Một bên là Việt Nam với khá nhiều hoạt động sản xuất có tính phức tạp cao với khoảng 3 triệu người Việt đang làm việc trong các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Một bên là lực lượng lao động khoảng 50 triệu người làm trong những ngành thô sơ, đơn giản hơn nhiều. Nói cách khác, Việt Nam là một sự kết hợp giữa một bộ phận rất tiên tiến, hiện đại nhưng chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong cơ cấu sản xuất và một bộ phận đông đảo khoanh vùng trong những ngành sản xuất đơn giản mà hộ gia đình cũng có thể làm được.

Việt Nam đang ở đáy của “đường cong nụ cười”

Nhà báo Việt Lâm: Trong báo cáo về kinh tế-xã hội Việt Nam 2006-2016, tính theo mốc từ khi Intel mở nhà máy tại VN, TS Vũ Thành Tự Anh cũng đã chỉ ra nghịch lý là trong khi giỏ hàng xuất khẩu của VN đã có những mặt hàng công nghệ cao thì xét về tổng thể, VN vẫn nằm ở điểm đáy trong chuỗi giá trị gia tăng. Tại sao lại có nghịch lý này?

TS Vũ Thành Tự Anh: Đúng như nhận xét của GS Ricardo Hausman, độ phức tạp của nền kinh tế VN tăng lên rất nhanh trong vòng 20 năm qua. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào bản chất của sự gia tăng này thì sẽ thấy nó chủ yếu nhờ vào nhập khẩu công nghệ và sự hiện diện của các DN FDI. Điều đó có nghĩa là nếu không có các DN FDI như Intel, Samsung, Toyota… thì độ phức tạp của kinh tế VN vẫn dừng lại chủ yếu ở lúa, gạo, tôm, cá, giày dép, may mặc…

Vấn đề nằm ở chỗ là hệ thống sản xuất có năng suất cao và công nghệ cao này lại tương đối tách biệt với hệ thống sản xuất trong nước. Thực tế này được thể hiện rất rõ qua nghiên cứu của chúng tôi trong trường hợp của Intel Products Việt Nam. Cụ thể, tổng giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu Intel mỗi năm khoảng 3,5 tỷ thì chỉ có khoảng 3% đến từ các nhà cung ứng nội địa. Ở Samsung, tỉ lệ cung ứng nội địa từ 8-10%. Tức là ở đây đang tồn tại một sự chia cách giữa khu vực hiện đại có năng suất cao và khu vực năng suất thấp, sử dụng những công nghệ tương đối lạc hậu.

{keywords}
TS. Vũ Thành Tự Anh

Vấn đề thứ hai cũng quan trọng không kém là không có một sự lan toả về tri thức-kĩ năng như GS Ricardo Hausman nhiều lần nhấn mạnh. Thiếu sự lan toả giữa hai khu vực này thì sẽ rất khó để nâng mặt bằng chung của nền kinh tế lên. Dù cho chúng ta có Intel hay Samsung thì chúng ta vẫn chủ yếu làm gia công, và bởi vậy, vẫn bị kẹt lại trong cái đáy của “đường cong nụ cười”, hay bậc thấp nhất của chuỗi giá trị gia tăng.

Nhà báo Việt Lâm: Nhưng tại sao trong suốt 10 năm qua chúng ta không tạo ra được sự lan toả giữa hai khu vực này?

TS Vũ Thành Tự Anh: Tôi nghĩ có ba yếu tố có thể làm cho toàn bộ nền kinh tế được cải thiện và tăng năng suất.

Thứ nhất, đó là sự lan toả về công nghệ. Một trong những lý do sự lan toả về công nghệ này còn rất thấp, trong trường hợp cụ thể của Intel, là vì chúng ta không thực hiện tốt các thiết chế về quyền sở hữu trí tuệ. Khi Intel muốn có các nhà cung ứng Việt Nam thì phải có sự chia sẻ về bí quyết công nghệ và các quy trình sản xuất. Thế nhưng, họ lại không chắc chắn liệu những bí quyết của mình có được giữ kín trong phạm vi nhà máy và không bị thất thoát hay không.

Yếu tố thứ hai có thể giúp cho các DN nội địa có thể lớn lên là sự chuyển giao và cải thiện về năng lực con người, cụ thể ví dụ như là cán bộ quản lý hay cán bộ kỹ thuật có khả năng chuyển từ công ty này sang công ty khác. Tuy nhiên, việc chuyển giao này khá hạn chế vì phần đông lao động trong các DN FDI vẫn dừng lại ở gia công, lắp ráp chứ ít khi có được các kỹ thuật viên hay nhà quản lý người Việt ở trình độ cao.

Thứ ba, các DN FDI thường là lực đẩy cho cải cách. Những năm 90s và 2000s, lực đẩy này thể hiện khá rõ. Nhưng càng về sau, sức ép về cải cách thể chế từ các DN FDI càng hạn chế dần, như báo cáo về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI đã chỉ rõ.

GS. Ricardo Hausmann: Theo tôi, bí quyết để cải thiện mức độ phức tạp bình quân của một nền kinh tế chính là sự lan toả tri thức và kỹ năng (“know-how”), như ông Tự Anh vừa đề cập. Một trong những cách lan toả tri thức và kĩ năng là trong đầu của những người được đào tạo.

Có khoảng 3 triệu người đang làm việc trong các DN FDI. Họ là những người đã được đào tạo, được làm quen với một cách thức tổ chức sản xuất hiện đại. Một ngày nào đó, họ rời công ty và bắt đầu khởi nghiệp với những tri thức-kỹ năng họ đã được đào tạo. Thông thường, họ sẽ khởi nghiệp theo một cách thức khác, quy mô khác và tích hợp thêm các dạng thức tổ chức sản xuất khác.

Việt Nam có một khu vực doanh nghiệp nhà nước được o bế và một khu vực doanh nghiệp FDI với môi trường kinh doanh rất tốt xung quanh nó: các khu công nghiệp được trang bị đầy đủ, chế độ thuế tốt, được đối xử tốt…Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân lại không có khả năng tiếp cận đến những nguồn lực tốt như vậy. Mà tôi tin rằng, một trong những nguồn kiến tạo doanh nghiệp quan trọng chính là từ những người hiện đang làm việc cho các công ty nước ngoài tại đây. Họ nên trở thành những doanh nhân trong tương lai. Do đó, chúng ta cần có một chiến lược để giúp họ thực hiện được việc chuyển đổi này khi họ rời đi để xây dựng những công ty mới, những doanh nghiệp Việt Nam có năng suất và trình độ tiên tiến hơn, nơi sẽ tạo ra những việc làm tốt hơn cho các công dân Việt Nam.

Già trước khi giàu

Nhà báo Việt Lâm: Trong báo cáo tư vấn cho Chính phủ Việt Nam, GS Hausman có chỉ ra một nghịch lý khác của kinh tế Việt Nam là tốc độ tăng trưởng thuộc top đầu thế giới nhưng chất lượng tăng trưởng lại thấp. Theo GS, những điểm nghẽn nào đang làm cho chất lượng tăng trưởng của Việt Nam lại thấp như vậy?

GS Ricardo Hausman: Tôi không nghĩ là thấp như vậy đâu. Việt Nam có rất nhiều thứ đáng để tự hào bởi vì rất ít quốc gia có thể đạt được tốc độ tăng trưởng liên tục cao như vậy trong suốt 30 năm qua kể từ khi Đổi Mới. Các bạn đã đạt được những tiến bộ mà nhiều quốc gia khác thấy không thể tin nổi.

Tôi nghĩ điều đang xảy ra với Việt Nam là tỉ lệ người làm việc trong khu vực nông nghiệp, ở nông thôn, với diện tích đất canh tác nhỏ và cách thức sản xuất thô sơ vẫn còn quá lớn trong khi cuộc cách mạng về nông nghiệp đang diễn ra trên thế giới.

Tốc độ đô thị hoá ở Việt Nam quá chậm nếu so với Trung Quốc, Hàn Quốc ở cùng thời kỳ cải cách như Việt Nam.

Điều chúng ta đang chứng kiến ở đây là một khu vực với rất nhiều người đang vật lộn kiếm sống với cách thức sản xuất giản đơn cùng tồn tại với một khu vực cực kỳ năng động xung quanh Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… Bởi vậy, chúng ta cần làm sao cải thiện sự lan toả giữa hai khu vực, để khu vực sản xuất tiên tiến và hiện đại có thể lan toả đến nhiều vùng địa lý hơn. Như chúng ta thấy, Hà Nội và TP.HCM có thu nhập bình quân đầu người khoảng 6000$ trong khi mức thu nhập bình quân cả nước là 2000$. Điều đó có nghĩa là có rất nhiều vùng, thu nhập bình quân đầu người chưa tới 1000$. Như vậy, ở Việt Nam có những nơi rất phát triển song còn rất nhiều khu vực kém phát triển.

TS Vũ Thành Tự Anh: Thế có nghĩa là khi là có hai tốc độ tăng trưởng, một là về GDP, hai là về thu nhập bình quân đầu người. Về mặt GDP, tốc độ tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 30 năm của Việt Nam tương đối cao. Tuy nhiên, mức 6,5-7% của Việt Nam chưa so sánh được với tốc độ tăng trưởng của những nước được coi là con rồng, con hổ trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và gần đây hơn là Trung Quốc. Nói cách khác, nếu chúng ta muốn trở thành những quốc gia thành công mà chúng ta có mức độ tăng trưởng thấp như thế thì khó chấp nhận.

Đáng nói hơn là tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người Việt Nam còn thấp hơn mức độ tăng GDP. Và đấy là điều khiến cho người Việt Nam không hài lòng. Ở đây còn có hàm nghĩa nữa là họ cảm thấy không chắc chắn khi nhìn về tương lai. Tại sao vậy? Cách đây 20 năm, tốc độ tăng năng suất tổng hợp TFP khoảng 2,5%/năm, trong 10 năm trở lại đây con số này chỉ còn 0,6%/năm. Điều đó có nghĩa là chúng ta mất đi khoảng 2 điểm % tăng trưởng. 10 năm trước, tốc độ tăng trưởng 8%/năm. Giờ đây, chúng ta đạt được 6,5% đã mừng lắm rồi. Tức là xu thế tăng trưởng đang chậm lại.

Không những thế, chúng ta đang bước vào giai đoạn mà lợi thế dân số vàng đang giảm sút, tức là số người tham gia lực lượng lao động trong 10 năm tới sẽ giảm đi khoảng 1% so với thời điểm này. Cộng thêm 2% giảm về năng suất, chúng ta bị giảm đi 3%, dấy lên lo ngại là chúng ta sẽ già trước khi giàu, hay nói cách khác bị rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.

Nhà báo Việt Lâm: Từng nghiên cứu rất nhiều nước đang phát triển, GS Hausman thấy rằng liệu VN có thể thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” mà nhiều quốc gia mắc phải hay không?

GS. Ricardo Hausmann: Việt Nam đang đi theo một tiến trình rất tốt. Hãy để tôi giải thích vì sao.

Nhiều nước khi công nghiệp hoá, họ bắt đầu bằng ngành may mặc, giày dép và rồi dừng lại ở đó, không phát triển sang được những ngành khác như chúng ta thấy ở Sri Lanka, Bangladesh. Nhưng Việt Nam lại khác, các bạn cũng có may mặc, da giày nhưng các bạn đã phát triển sang được ngành chế tạo điện tử, sản xuất ô tô…Nghĩa là Việt Nam đa dạng hoá được các mặt hàng xuất khẩu, điều mà rất ít nước cùng trình độ phát triển làm được.

{keywords}

GS. Ricardo Hausmann và nhà báo Việt Lâm.


Cho đến giờ, mọi thứ dường như có vẻ tốt bởi Việt Nam đã vượt lên được khỏi những ngành sản xuất giản đơn. Nhưng các bạn cần cảnh giác. Tôi rất ấn tượng với các con số thể hiện chất lượng giáo dục của Việt Nam. Đó là một tài sản rất giá trị của Việt Nam.

Điều cần làm hiện nay là kết nối con người với các tri thức-kĩ năng. Một trong những nguồn kết nối quan trọng với tri thức – kĩ năng là cộng đồng người Việt đang sinh sống ở các nước phát triển. Chẳng hạn như, chính cộng đồng người Ấn ở California đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển Bangalore, Hyderabad trở thành thủ phủ “outsourcing” cho các công ty công nghệ cao nước ngoài. Hay Trung Quốc có một cộng đồng Hoa kiều đông đảo ở Mỹ, Đài Loan, Hongkong… Họ đã tạo điều kiện để cho các gia đình này quay về nước đầu tư.

Việt Nam đang có cộng đồng người Việt đông đảo sinh sống ở Mỹ, 1 triệu ở Pháp…Họ đã được làm quen với nhiều ý tưởng kinh doanh, đã làm ăn kinh doanh với nhiều công ty trong nước. Đây chính là nguồn ý tưởng kinh doanh quan trọng. Thúc đẩy mối quan hệ này sâu sắc hơn nữa chính là một cách để cải biến nền kinh tế.

Nhà báo Việt Lâm: Nhận xét của GS làm tôi nhớ đến câu chuyện của khá nhiều doanh nhân Việt từ Mỹ, Pháp… đã trở về nước, đầu tư vào các startup của các bạn trẻ Việt Nam hoặc tự khởi sự kinh doanh trong nước. Nhưng đa phần những doanh  nhân này tập trung tại TP. Hồ Chí Minh. Vậy làm thế nào để nguồn lực quan trọng này lan toả đến nhiều nơi, thay vì co cụm ở một vài đô thị lớn như hiện nay?

TS Vũ Thành Tự Anh: Người tài sẽ tụ về những nơi mà tài năng của họ được đánh giá một cách cao nhất. Chẳng hạn, chúng ta thấy có nhiều nhân tài từ miền Trung nhưng họ phải đi chỗ khác lập nghiệp mới thành công bởi mảnh đất miền Trung quá nhiều khó khăn và quá ít cơ hội. Đấy là bài toán muôn thủa của mọi quốc gia.

Một vấn đề khác ở Việt Nam là muốn mời gọi các tài năng ở nước ngoài về thì nội lực bên trong cũng phải đạt được tầm mức nào đó. Tôi cứ hình dung một Ngô Bảo Châu hay một Đàm Thanh Sơn nếu không có môi trường học tập ở Pháp, Mỹ…thì có thể tới hôm nay vẫn chỉ là một ông giáo bình thường nào đó, chứ không phải là nhân vật được giải Field hay ứng viên giải Nobel. Điều đó có nghĩa là anh sẽ phải tạo môi trường trong nước làm sao để nội lực của mình được phát huy. Ngoại lực chỉ là chất xúc tác.

Tôi hay tiếp xúc với một số học giả nước ngoài, người Việt Nam sinh sống và làm việc ở nước ngoài, trong số họ vẫn chưa thực sự thấy yên tâm với môi trường thuận lợi, công bằng cho giới học giả.

(Còn tiếp)

VietnamNet