- Bên lề QH sáng nay, Phó chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường giải thích dừng dự án điện hạt nhân vì nợ công đang quá trần.

Ông Lê Hồng Tịnh cho biết tính khả thi của dự án cũng không còn, giá điện dự kiến trước đây khoảng 4,9 cent/kWh nay đã lên tới trên 8 cent một kWh, chưa tính đủ hết các yếu tố ví như nếu dự án triển khai chậm thì còn có thể đội vốn lên nữa. 

Vấn đề giải quyết chất thải hạt nhân khi triển khai dự án cũng là chuyện cần bàn, nhất là sau một số sự cố môi trường chúng ta vừa trải qua. 

XEM CLIP:

Ông cũng cho hay ở thời điểm xây dựng kế hoạch phát triển điện hạt nhân, kinh tế đang tăng trưởng bình quân 7-8%, dự kiến lên tới 9-10%. Tính toán tỷ lệ phát triển điện so với GDP thì 1 GDP tăng trưởng điện sẽ tăng 2. Ví dụ tăng trưởng đạt 8% thì điện tăng trưởng 16%… 

Trong khi nhu cầu điện trong nước cao, các dạng năng lượng khác đã tới hạn thì cũng phải tính tới phát triển điện hạt nhân. Tuy nhiên, hiện nay tăng trưởng kinh tế đã thấp hơn, chỉ 6-7%.

Hiện nay công nghệ tiết kiệm điện phát triển nên hạn chế tiêu tốn năng lượng; tổn hao ngành điện trước đây khoảng 8-10%, hiện chỉ còn 5-6% và còn xuống nữa. Từ nay tới 2021, điện vẫn đáp ứng tốt nhu cầu trong nước.

Hiện nay, năng lượng tái tạo bắt đầu phát triển, giá thành thấp, chỉ trên dưới 5 cent/kWh và Việt Nam đang có nhiều vùng để phát triển điện gió ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu… 

Theo nhiều dự báo, giá dầu khó có thể vượt 50 USD/thùng nên nguồn thay thế là khí LPG sẽ có giá thành hợp lý, đây cũng là nguồn nguyên liệu sạch, chúng ta có thể nhập để phát điện.

Dừng hiện nay là hợp lý, vì nợ công đang quá trần. Nếu tiếp tục đầu tư một dự án lớn, nợ công có nguy cơ tăng nữa. Dừng còn hơn tới khi triển khai rồi mới dừng.

Một số nước đã nhập máy móc thiết bị rồi còn dừng, mà như thế còn lãng phí nhiều nữa. Dừng ở thời điểm này là đúng lúc.

Vậy có những phương án nào để khắc phục hậu quả việc dừng dự án?

Thực tế, đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân về lâu dài mình nghiên cứu từ xưa đến giờ, từ những năm hoà bình lập lại, Bác Hồ rất quan tâm đến việc đào tạo cho nguồn nhân lực chất lượng cao như vậy là cần thiết.

Điện hạt nhân với các dạng nhà máy nhiệt điện khác cũng có công nghệ tương tự, chỉ khác về nguồn sinh nhiệt thôi. 

Cho nên một số tổng công ty phát điện, nhà máy điện bây giờ đang triển khai cũng có thể sử dụng được nguồn nhân lực này. 

{keywords}
Phó chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường QH Lê Hồng Tịnh. Ảnh: Phạm Hải

Nếu tiếp tục còn tiêu tốn nữa

Dự án điện hạt nhân đến nay đã tiêu tốn cả hàng nghìn tỉ đồng rồi?

Đúng. Nếu tiếp tục thì còn tiêu tốn nữa. Đúng là tiêu tốn rồi nhưng cái gì cũng có giá của nó. Dừng còn tốt hơn là tiếp tục mà gây hậu quả, tác động lớn hơn .

Có những cái phải chấp nhận hi sinh như vậy. Hạ tầng trước đây đã làm có thể dùng để làm những việc khác.

Ví dụ giải phóng mặt bằng làm điện mặt trời, năng lượng tái tạo, khu công nghiệp...

Còn việc ký kết thỏa thuận với phía Nga xử lý như thế nào?

Các bộ ngành liên quan sẽ có những trao đổi, thương thảo cho hợp lý vì có lý do như mình nêu. So với dự kiến ban đầu thì giá thành quá cao, gấp đôi tổng mức đầu tư nên tính khả thi kém. 

Tại sao cao thế? Vì sau khi sự cố Formosa thì ta đưa trong Nghị quyết 41 là yêu cầu công nghệ cao, tiên tiến, an toàn thì đương nhiên giá cao.

Trước đây dự kiến 200.000 tỉ nhưng giờ lên hơn 400.000 tỉ mà đang chậm như thế này thì còn cao nữa. Thứ 2, sau này liên quan đến tháo dỡ chưa tính vào thì giá điện còn cao nữa.  

Nhiều nước cũng phải bỏ điện hạt nhân

Thế giới có nhiều nơi phải rút lại dự án điện hạt nhân không?

Nhiều. Ví dụ Nam Phi gần như chuẩn bị hết rồi cũng phải dừng, đặc biệt là Đức, nhiều nhà máy cũng phải bỏ, dừng vì vấn đề công nghệ cao hơn, đầu tư lớn, vấn đề an ninh, vấn đề chất thải quan trọng. 

Chất thải lưu trữ, tích trữ không phải dễ, nhất là chất thải qua vụ Formosa cần phải rút kinh nghiệm. 

Chúng ta cần rút ra bài học gì trong thẩm định các dự án lớn?

Đây là bài học rất cay đắng. Chúng ta đi sau những nước khác thì vấp những chuyện này thôi. 

Thứ 2 là lúc đó giá dầu cao như thế, nghĩ điện hạt nhân là cứu cánh vì năng lượng hoá thạch cao như thế nó sẽ đi theo hết, than rồi giá điện cao. Cho nên giai đoạn đó tính toán nó thế. 

Chúng ta phải chấm dứt càng sớm càng tốt chứ để thêm đầu tư, nhập thiết bị sẽ càng tốn kém gấp bội.

Chính phủ đề xuất dừng tôi cho là dũng cảm. Cũng có nhiều tranh luận, nhiều phía, nhiều chiều. Cần phân tích hợp lý và còn có sự quyết định của QH nữa.

Thu Hằng