Avatar's bai_tu_long

Ghi chép của bai_tu_long

Nhà máy sản xuất vũ khí đầu tiên

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, để chiến đấu chống lại quân xâm lược, lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ độc lập của nhân dân Việt Nam có thừa, nhưng vũ khí lại rất thiếu. Lúc bấy giờ có hai thanh niên trí thức là Vũ Đức Toa và Trần Văn Kha bàn nhau xây dựng nhà máy sản xuất vũ khí. Họ không có tiền nhưng có lòng nhiệt tình. Họ kêu gọi các nhà tư sản tại Hà Nội góp vốn, rồi chia nhau đi Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hải Phòng và hầu hết các tỉnh miền Bắc để kêu gọi góp vốn. Khi có tiền họ sẽ tự mua máy móc và thu thập công nhân. Nhiều thợ giỏi ở các xưởng AVIA, nhà máy xe lửa, thợ trong thành của Pháp... tình nguyện đi theo.
Trong khi đi kêu gọi vốn ở Hà Nam, họ gặp ông Chu Văn Luận có một nhà máy giấy ở cách Phủ Lý hơn 10km, của chủ người Pháp bán lại. Ông Luận tự nguyện hiến nhà xưởng và những thiết bị bên trong. Thế là Công ty vũ khí Phan Đình Phùng được thành lập và địa điểm là nhà máy giấy Chu Văn Luận.
Ở thời kỳ đó, nhà máy giấy ấy là một cơ sở tương đối hiện đại, các thiết bị động lực khá tốt, trong đó có một lò hơi để chạy máy, lại có hệ thống dẫn nước từ nguồn về, vào mùa mưa, thường chạy bằng tuốc bin thủy lực, mỗi năm có thể chạy được từ 6-8 tháng. Hàng ngày, cán bộ, công nhân từ Phủ Lý qua sông và đi bộ chừng 2km thì đến nhà máy. Tôi theo cha và anh đi sang làm việc ở đó học nghề thợ tiện. Sản phẩm của nhà máy là súng trường, tiểu liên và lựu đạn. Vũ khí sản xuất ra được cung cấp cho Vệ quốc đoàn và tự vệ Hà Nội. Số lượng chưa nhiều, chừng một, hai trăm khẩu súng, nhưng tất cả những ai chiến đấu ở Hà Nội đều biết tiếng vũ khí Phan Đình Phùng thời ấy.
Giữa năm 1946, khi quân Tưởng rút khỏi Việt Nam, nhà máy được chuyển về thị xã Hà Đông. Đây là thời gian sản xuất rầm rộ nhất. Để mở rộng sản xuất, nhà máy áp dụng hình thức gia công cho các cơ sở vệ tinh. Các cơ sở ở Hà Nội có máy móc, thiết bị được nhận gia công một số chi tiết. Tôi còn nhớ gia đình hai anh em ông Hưng và ông Huệ ở Nam Đồng, nhà ở đối diện với Công ty phụ tùng xe đạp Đống Đa bây giờ, nhận làm cho công ty khá nhiều chi tiết. Riêng có nòng súng thì không gia công ở ngoài được, vì nòng súng có hai nguyên công khó, làm rãnh xoắn bên trong lỗ và lỗ lắp đạn. Bấy giờ, có anh Cần là thợ tiện giỏi và rất cần cù, tự làm dao chuốt và kéo trên máy tiện. Để gia công lỗ lắp đạn, anh lấy một nòng súng của Pháp làm mẫu, tiện một phôi dao doa, dùng bột màu rà vào nòng mẫu, bao giờ vết ăn đều là được. Sau đó, anh làm lưới doa và nhiệt luyện. Nhiệt luyện xong, phải kiểm tra, có cái bị cong phải bỏ hoặc làm dao doa thô. Sau nguyên công doa la đánh bóng. Đánh bóng cũng nhiều công, trong khi đánh bóng phải dùng tăm pông mẫu để kiểm tra, khi nào vết ăn đều mới được.
Về Hà Đông chưa đầy nửa năm, số vũ khí sản xuất được gấp mấy lần thời gian đầu. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, nhà máy được chuyển về làng Dương Khê-Vân Đình thuộc Hà Đông. Chúng tôi ăn một cái Tết kháng chiến đầu tiên ở đó. Phải nói rằng các anh lãnh đạo công ty rất tháo vát, di chuyển nhà máy toàn dùng ô tô mà lúc đó ô tô cực hiếm, tất nhiên là ô tô chạy bằng than chứ không có xăng. Vào khoảng tháng 4 năm 1947, nhà máy lại di chuyển vào gần chợ Bến, đặt trong hang núi, giáp làng Hanh Lợi. Cán bộ, công nhân thì ở làng Viêm Khê, gần cầu Rậm, thuộc huyện Mỹ Đức.
Cuối năm 1947, địch mở chiến dịch thu đông, lãnh đạo công ty lại chuyển nhà máy vào Hòa Bình, theo đường chợ Bến. Đi được nửa đường thì gặp địch kéo từ Hòa Bình ra, ô tô chở máy móc vội quay trở ra cầu Rậm, lúc đó khoảng 4 giờ chiều. Lãnh đạo quyết định đánh mìn sập cầu Rậm để hãm bước tiến của địch, anh em kịp cất giấu máy móc. Đến 6 giờ chiều, xe bọc thép của địch đến cầu Rậm, chúng không qua được sông và bộ binh cũng không dám qua. Tranh thủ thời gian đó, chúng tôi giấu máy móc xuống sông, còn một số đưa vào hang núi. Chúng tôi bị bao vây trong khi rút về phía Ba Thá, chỗ nào cũng thấy lửa cháy. Chúng bắn súng cối đuổi theo và đạn súng liên thanh rơi lõm bõm xung quanh chúng tôi. Chúng tôi di chuyển về phía đường 21, để vượt khỏi vòng vây của địch. Trinh sát cho biết, cứ 30 phút có một chuyến xe bọc thép đi tuần đường, muốn qua đường, phải đi dọc 3km mới có lối rẽ ngang. Theo tính toán thì xe đi tuần qua, lập tức chạy dọc 3 km tới lối rẽ và phải thật nhanh, nếu chậm sẽ gặp địch. Chúng tôi tập kết cách đường gần 1km, gần 1 giờ sáng được lệnh di chuyển, mọi người đi thật nhanh trong đêm tối ra đường. Ra đến đường nhựa, chúng tôi chạy bộ đến chỗ rẽ. Khi người cuối cùng cách đường 500m thì chúng tôi nghe tiếng xe địch chạy phía sau. Đi thêm mấy km nữa thì đến chợ Sồ (thuộc Lương Sơn-Hòa Bình), mọi người mệt lử chui cả vào lều chợ ngủ. Đến sáng, thức dậy thấy xung quanh lều toàn vết chân hổ, may sao không ai việc gì. Sau đó, toàn đơn vị leo núi, vượt rừng lên Việt Trì, Phú Thọ và cuối cùng là Tuyên Quang. Sau khi địch rút khỏi Hòa Bình, chúng tôi lại trở về chợ Bến thu thập máy móc, tiếp tục chuyển nhà máy qua Ái Nàng, đặt nhà máy ở Đức Dương.
Đến khoảng tháng 4 năm 1948, nhà máy không thể hoạt động độc lập được nên sáp nhập vào Ty quân giới Liên khu 3. Nhà máy được đặt tên mật là K4, được phân công sản xuất súng cối và đạn cối 60mm, nay thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.
Công ty vũ khí Phan Đình Phùng tồn tại được hơn hai năm, nhưng nó thể hiện tấm lòng yêu nước của những người dân Việt Nam, theo lời kêu gọi của Bác Hồ, góp phần vào công cuộc bảo vệ đất nước trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp.

Tiến sĩ Trần Văn Thông

Ảnh: lựu đạn Kiểu 97 của Nhật (còn gọi là lựu đạn đập hay lựu đạn lọ mực), nguyên mẫu của lựu đạn Phan Đình Phùn

2768 ngày trước · Bình luận · Loan tin
·  

0 bình luận

Viết bình luận mới
Website liên kết