Hàng nghìn tỷ đổ vào cá độ mùa EURO chứng tỏ tiền đọng trong dân rất lớn

(Dân trí) - Bộ trưởng Công an Tô Lâm thốt lên như thế tại phiên họp Chính phủ chiều 1/7 khi nói về tình hình trật tự xã hội. Thượng tướng Tô Lâm phân tích, hàng nghìn tỷ đồng cá độ đổ vào mùa bóng đá năm nay, hàng nghìn tỷ đồng các tổ chức kinh doanh đa cấp huy động được dễ dàng… cho thấy lượng tiền tồn đọng trong dân rất lớn.

Bộ trưởng Công an thông tin, mùa bóng đá EURO năm nay, các lực lượng đã phá án, thống kê được lượng tiền đổ vào hoạt động cá độ lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Ngay tại các tỉnh vùng cao, từ Điện Biên, Hoà Bình… đều có hiện tượng cá độ lớn. Tình trạng cờ bạc, cá độ gây bất an rất lớn trong dân.

Một biểu hiện khác được Bộ trưởng Tô Lâm dẫn chứng là từ hoạt dộng kinh doanh đa cấp. Chỉ một doanh nghiệp, đơn vị chào mời, kêu gọi đổ tiền đầu tư với mức lãi suất “hời một chút” mà đã dễ dàng huy động được không biết bao nhiêu vốn. Hiện tượng này cũng đã xuất hiện không chỉ ở các thành phố mà lên đến cả Tây Nguyên, tràn xuống Tây Nam Bộ.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm khuyến cáo cần có giải pháp huy động tiền nhàn rỗi trong dân, không để đổ vào các tổ chức tội phạm.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm khuyến cáo cần có giải pháp huy động tiền nhàn rỗi trong dân, không để đổ vào các tổ chức tội phạm.

Tướng Tô Lâm khái quát, điều đó cho thấy nguồn tiền tồn đọng trong dân hiện rất lớn. Vấn đề là làm thế nào huy động nguồn tiền nhàn rỗi đó cho các hoạt động sản xuất chứ nếu không những khoản tiết kiệm từ lớn tới nhỏ của cả người nghèo, người cao tuổi… lại đổ vào cho các tổ chức tội phạm. Hệ quả xã hội của việc này, Bộ trưởng Công an cảnh báo là rất phức tạp.

Người đứng đầu cơ quan bảo vệ an ninh trật tự xã hội phân tích, những khoảng trống về luật pháp, dù đã sửa hệ thống luật hình sự vẫn còn rất nhiều.

Ông Lâm lấy ví dụ, gần đây tội phạm trộm cắp tài sản có xu hướng tăng mạnh, trong đó có yếu tố là luật đưa ra quy định định giá tài sản phạm tội, giá trị dưới 5 triệu đồng thì không bị xử lý hình sự. Băn khoăn về căn cứ để đưa ra quy định này, Thượng tướng Tô Lâm cho rằng, điều đó không phù hợp với thực tế đời sống vì nhiều gia đình hiện tại, tổng tài sản cộng lại cũng không có tới 5 triệu đồng.

“Từ chiếc xe đạp, con chó, con gà… trị giá có thể chỉ vài trăm ngàn đồng, bị trộm nhưng không làm gì được dẫn đến tâm lý ấm ức của người dân, dẫn đến việc người dân phải… tự xử và thậm chí lại quay qua lên án cơ quan pháp luật là không xử lý gì khi trộm cắp đứng nhơn nhơn trước nhà dân” – Bộ trưởng Công an phân trần.

Thêm nữa, hoạt động xiết nợ, đòi nợ thuê, hình thành các nhóm đâm thuê chém mướn làm nảy sinh thêm những băng nhóm tội phạm đang rộng đất sống. Đó là vì những khoản tiền, những món nợ nhờ cơ quan nhà nước đòi không được trong khi đi thuê “dịch vụ” đòi nợ lại đòi được.

Ông Lâm nhấn mạnh: “Tội phạm đòi được nợ nghĩa là nhà nước không xử lý được. Những bức xúc của người dân là có thật”.

Ngoài ra, nhiều biểu hiện khác cho thấy tình tình trật tự xã hội đang diễn biến xấu, bất ổn như vi phạm giao thông phổ biến (6 tháng đầu năm, các lực lượng đã xử phạt hơn 2 triệu trường hợp vi phạm, phạt 1.500 tỷ đồng, tạm giữ 3000 ô tô, xe máy), vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy khiến nhiều gia đình thiệt mạng thương tâm, nhiều người khuynh gia bại sản oan…

Bộ trưởng Công an kêu gọi siết chặt kiểm soát an ninh, trật tự xã hội trên mọi mặt, không để tình hình phức tạp thêm.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng chia sẻ với những nhận định của Bộ trưởng Công an. Ông Hưng thông tin, những năm trước, tỷ trọng tiền mặt trong lưu thông tại Việt Nam khoảng 20%. Do chủ trương quản lý kiên quyết, đến nay, con số này giảm còn 11-12%. Tỷ lệ này, theo Thống đốc, không cao hơn so với các nước trên thế giới nhưng do thói quen chi tiêu tiền mặt tại Việt Nam, tổng lượng tiền mặt giao dịch tuyệt đối cao hơn trung bình.

Hoạt động kiểm soát tiền mặt trong lưu thông cũng gặp khó vì các quy định pháp luật chưa đồng bộ, vẫn cho phép sử dụng tiền mặt thanh toán mua nhà đất, xe cộ nên không thể buộc giao dịch qua ngân hàng.

Tương tự, với hoạt động tín dụng đen, Thống đốc Lê Minh Hưng thống nhất phải “đấu” bằng hoạt động chính thống của các ngân hàng, mở thêm các chi nhánh tại vùng sâu, vùng xa, tăng cường các kênh huy động vốn của nhà nước để giảm bớt ảnh hưởng của thị trường vốn ngầm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xác nhận, đúng là tín dụng đen đang hoành hành, tấn công vùng nông thôn, nhất là các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Thủ tướng lo ngại là tình hình nhiều khu vực đã rất xấu mà chỉ khi các vụ việc lộ ra mới thấy tác hại to lớn, không chỉ trong phạm vi một tỉnh thành.

P.Thảo